(Cỏ thơm mây trắng – Tập thơ của Nguyễn Thị Hồng Ngát – Nxb Hội Nhà văn – 2012)

Tôi biết Nguyễn Thị Hồng Ngát không riêng ở trong thơ. Trong đời sống, chị luôn thẳng thắn, sắc sảo, nhiều lúc tưởng như quyết liệt, sát ván đến cùng nhưng ngẫm ra đó chỉ là phần bề mặt, những phòng vệ tự nhiên khi xung quanh luôn ồn ào thái quá, thật giả đan cài, vàng thau lẫn lộn nấp bóng dưới nhiều vỏ bọc mĩ miều. Tôi thấy chị thật có lý khi rạch ròi như vậy. Đó còn là sự văn minh trong những hỗn độn thường ngày. Một ứng xử rành mạch cũng là tiết kiệm thời gian để chúng ta bớt ngộ nhận về nhau, về cái này cái khác trong đời sống, trong đó có văn học nghệ thuật.

Đôi khi thơ cũng cần như vậy.

Điều này hiện khá rõ trong Cỏ thơm mây trắng.

Các cụ già đơn chiếc chẳng ai nuôi/ Em thơ nữa, đẻ ra rồi vứt bỏ/ Và ai kia vơ vét từng xu nhỏ/ Áy náy không hay lòng dửng dưng rồi (Dửng dưng). Trên phim toàn nói điều tốt đẹp/ Ước gì đời – sống cũng đẹp như phim/ Cao cả với thấp hèn – hai cực/ Để cho ai cứ mãi mãi đi tìm (Phim và Đời). Em thấy sợ những ồn ào nháo nhác/ Sợ cãi nhau sợ không hiểu được nhau/ Sợ nụ cười sợ cả khi nước mắt/ Sợ nỗi đau chẳng thể nói được nào… Sợ tất cả và thấy lo tất cả/ Đến tuổi này mới thấy sợ, lạ chưa?/ Có lẽ bởi đường không còn xa nữa/ Một mai kia tất cả sẽ lu mờ (Sợ).

Nhưng trong Cỏ thơm mây trắng không đơn thuần một mạch thơ ấy. Sự rành mạch, sắc sảo không phải là điểm mạnh trong thơ chị. Cho dù là quyết liệt đến đâu thì trái tim thơ vẫn luôn phức tạp, dùng dằng, day dứt, bất ngờ và dễ tổn thương. Chính những rỉ máu ấy đã truyền cho thơ sức sống, tạo sự khác nhau, làm nên “thương hiệu” mỗi nhà thơ: Yêu anh giờ khó làm thơ/ Dao cùn cá đã nằm trơ trong nồi/ Yêu anh cau đã già rồi/ Bổ ba bổ bảy tùy người bổ cau (Yêu anh). Phố ồn ào ngoài kia/ Xe nối xe xuôi ngược/ Có gì phía trước mặt/ Mà chen lấn nhau hoài? – Quên mặt quên tên người/ Dẫu rằng “muôn năm cũ”/ Người chắc cũng quên rồi/ Những mùa thu quá khứ… (Gọi thu).

Thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát trong Cỏ thơm mây trắng theo niên biểu chủ yếu được viết trong năm 2012 nhưng đọc lên thấy ngay một khoảng rất rộng về thời gian và không gian. Sự chiêm nghiệm, kết tinh và bật lên những ý những câu mới mẻ chính là nội lực và trách nhiệm của người cầm bút. Nhà thơ, trước tiên và sau cùng phải là một công dân của đời sống, của xã hội đang sống. Điểm nhìn ấy đã làm nên sự đầy đặn của Cỏ thơm mây trắng: Ta mong ước một mai về với đất/ Có cỏ thơm phủ kín chỗ ta nằm/ Tấm chăn cỏ khiến ta không lạnh nữa/ Nỗi cô đơn thăm thẳm cũng tan dần (Cỏ thơm). Ừ, xuân đến, có gì mà ngại chứ?/ Anh vẫn trẻ trung trong đôi mắt em xưa/ Em cũng vậy – vẫn lung linh mắt biếc/ Khi tình yêu vẫn đầy ắp – giao thừa… (Ngại ngùng không dám gọi xuân). Chim vui thì cứ hót/ Cho cuộc đời vui theo/ Mặc mùa thu vàng lá/ Mặc lòng người hanh hao (Có con chim khách).

Cỏ thơm mây trắng không ít bài phảng phất hương vị thiền, đằm đẵm suy tư trở về nguồn cội. Cuộc trở về đôi khi cũng là một bước tiến tới khác. Với mỗi nhà thơ, trở về hay bước tiếp dường như cũng là cuộc đi tìm mình? Đôi lúc là một cuộc xóa mình? Thật cũng chẳng dễ dàng tường minh được: Giản dị mà thâm nghiêm/ Mẹ chỉ nhìn chả nói/ Bãi ngô xanh vời vợi/ Lòng con buồn se se (Thăm mộ mẹ đầu xuân). Đi mãi rồi lại về với cỏ/ Trăm năm ngậm cỏ kết vành môi… (Cỏ thơm). Muốn về bên sông Cái sông Con/ Để thấy lòng còn mênh mang sóng vỗ/ Mỗi cuộc đời như một bài toán đố/ Đi đến cuối đường cũng chẳng thể giải xong (Đi tìm sự bình yên).

Nhớ một thời cỏ thơm – mây trắng

Sao có lúc lòng buồn đến thế

Dù vẫn cười như chẳng có gì đâu

Mỗi ngày sống vẫn làm đủ việc

Nào đâu hay người đổi mặt thay màu

Sao có lúc vẫn buồn vô cớ

Qua ngã tư chen chúc những người

Huých, đẩy, dẩy, xô như là quỷ dữ

Trời đang yên bỗng gió nổi tơi bời

Sao có lúc lòng buồn đến thế

Dòng sông xưa còn đỏ phù sa?

Ta về quê nhớ một thời khao khát

Cỏ rất thơm mây rất trắng hiền hòa

Ta ao ước giá gì còn trẻ dại

Sẽ chẳng đi ra phía đô thành

Làm thôn nữ bế bồng con cái

Ấp iu nâng bếp lửa nhà mình

 


Thì sẽ chẳng thấy buồn đến thế

Ở đâu ra sao lắm kẻ dữ dằn

Những người tốt đi đâu hết cả

Thương cây còn cố giữ một màu xanh…

Đôi bàn tay

Bàn tay nắm lấy bàn tay

Bao nhiêu thương nhớ những ngày đã qua

Tay mình nằm giữa tay ta

Bao nhiêu âu yếm chuyền qua tay này

Rưng rưng nhớ thuở hao gầy

Bàn tay năm ngón chứa đầy bão giông

Bao đêm đôi mắt thức chong

Bây giờ nhìn lại thấy lòng dịu đi

Bây giờ chả ước mong gì

Nhìn bàn tay chỉ vân vi nỗi đời

Tay ta nằm giữa tay người

Xót tay ai đã da mồi từ lâu

Đi qua bao cuộc bể dâu

Bàn tay ai đỡ trước sau ân tình

Tay ta nằm giữa tay mình

Nhìn tay thấy cả bóng hình lứa đôi.

Với hàng cây trên phố Phan Đình Phùng

Ngày nào tôi cũng qua đây

Xin chào nhé những hàng cây xạc xào

Ngày nào lá cũng lao xao

Như trò chuyện như bước vào mùa vui

Hàng cây có tự lâu rồi

Nắng hun vẫn giữ khoảng trời mát trong

Hai hàng cây đứng song song

Khum khum cành vợ cành chồng chở che

Rộng lòng gánh cả tiếng ve

Chắt lòng trái sấu mùa hè sinh sôi

Bát canh dầm quả sấu tươi

Làm sao quên được những lời nước non

Con đường đẹp lúc chiều hôm

Cùng anh sánh bước khi còn thơ ngây

Xe như mắc cửi suốt ngày

Như dòng sông chảy vơi đầy tháng năm…

Con đường đẹp nhất mùa trăng

Đêm khuya tĩnh lặng sương giăng mặt người

Phố dài đâu của riêng ai

Nghìn năm lòng vẫn thương hoài phố xưa…

 

BAN THƠ chọn và giới thiệu

Nguồn: Vannghequandoi.com.vn