Nghe tin nhà văn Nguyễn Chí Trung qua đời, mặc dù biết ông tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng không tránh khỏi cảm giác thương tiếc về một nhà văn tận tụy với nghề, với người.
Tôi còn nhớ lần được gặp phỏng vấn ông tại nhà số 4- cách gọi thân thuộc của tạp chí Văn nghệ Quân đội cách đây vài năm khi nghe tin ông được giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Trước khi hẹn gặp, ông đã yêu cầu tôi chuyển câu hỏi cho thư ký của ông rồi hỏi tôi bài trả lời được dài bao nhiêu chữ. Tôi bảo với nhà văn là bác có thể trả lời tùy thích, khi nào hết ý thì thôi, vì báo điện tử không khống chế số chữ. Sau khi cho tôi địa chỉ, nhưng ông vẫn rất cẩn thận dặn tôi đi thế nào để vào phòng ông. Tôi nghĩ nhà văn này là người rất cẩn thận nên mang theo máy ghi âm cho chắc ăn rồi lên đường.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung (ảnh vanconghung.com)
Thế rồi, ung dung đi theo đúng địa chỉ ông cho và dừng lại trước cửa phòng, tôi định gõ cửa nhưng đập vào mắt là dòng chữ “Đoàn Minh Tâm”. Ô, thế là thế nào nhỉ? Tôi hoang mang đi ra hành lang và gọi điện lại cho nhà văn Nguyễn Chí Trung, ông vẫn xác nhận phòng ông đúng là cái phòng tôi định vào và ở trên là tên một nhà lý luận phê bình trẻ tôi có biết. Tôi càng phân vân, chả nhẽ nhà văn Nguyễn Chí Trung đã lẫn rồi sao, đưa cho mình địa chỉ sai. Cuối cùng tôi giở điện thoại ra, tìm số của Đoàn Minh Tâm và gọi lại để xác nhận. Đầu máy bên kia nhà phê bình trẻ cười bảo, đúng là phòng của bác Trung đấy, chỉ là trước đó phòng này của Đoàn Minh Tâm nhưng chưa kịp “thay biển”. Tôi thở phào, tự tin gõ cửa vào phòng nhà văn Nguyễn Chí Trung có biển “Đoàn Minh Tâm”.
Vào phòng, vừa mới he hé cái máy ghi âm lên bàn, chưa kịp xin phép nhà văn cho ghi âm cuộc phỏng vấn này thì nhà văn Nguyễn Chí Trung chìa ra trước mặt tôi mấy tờ giấy đã kín chữ phần… trả lời!. Tôi thở phào, hóa ra là nhà văn đã trả lời xong, rồi nghĩ bụng sao ông không nhờ thư ký đánh máy rồi gửi luôn cho tôi nhỉ?. Đang lan man nghĩ thế, nhà văn bảo: Bác đã trả lời xong rồi, nhưng gọi cháu đến đây để đọc lại xem phần trả lời có được không, nếu không được bác sẽ sửa ngay cho. Ôi, tôi đã đi phỏng vấn không biết bao nhiêu nhà văn, và phần lớn là họ bảo tôi phải tôn trọng tuyệt đối ý kiến của họ, nếu có sửa gì thì chỉ sửa phần câu hỏi của người hỏi thôi, hoặc nếu phần trả lời bị biên tập không như nguyên bản nữa thì trước khi đăng phải chuyển lại, nếu nhà văn, nhà thơ nào đồng ý thì mới được đăng còn không thì… bỏ không thương tiếc. Và thực tế tôi đã chứng kiến có nhà văn chỉ vì vài từ bị biên tập mà nhất quyết không xuất hiện trên báo. Còn như trường hợp nhà văn Nguyễn Chí Trung là rất… hiếm!. Xong xuôi phần trả lời, ông còn ngồi nói chuyện với tôi rất lâu, từ chuyện văn chương, chuyện Đảng, chuyện đời sống xã hội hôm nay rồi đến chuyện gia đình tôi.
Từ hồi gặp ông và một vài lần gặp ông trong các sự kiện văn chương tôi ấn tượng về tính cẩn thận, khiêm nhường, tận tụy với văn chương, với người của ông. Và còn điểm nữa tôi nhận ra là ông rất dễ khóc. Lần phỏng vấn ông, chỉ nói về tác phẩm “Tiếng khóc của nàng Út” – một trong những tác phẩm ông tham dự giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật ông đã bật khóc một cách xúc động, cứ như thể câu chuyện ông viết vừa mới đây thôi chứ không phải đã mấy chục năm về trước.
Ông kể lại một trích đoạn cảm động về tác phẩm “Tiếng khóc của nàng Út”: “Trong cuộc khởi nghĩa Trà Bồng, người chiến sĩToàn hi sinh và nàng Út đã khóc thương. Rồi ông bảo: Tiếng khóc của nàng Út là tiếng khóc của đời, của xứ sở về một con người, khổ tận cùng và yêu đau đáu ở một thời bi tráng của dân tộc.
Không chỉ khóc, nhà văn Nguyễn Chí Trung còn luận bàn về tiếng khóc: “Tiếng khóc là tiếng riêng của con người. Tiếng khóc đi suốt một đời người lương thiện. Song, tiếng khóc chào đời, nói cho cùng, là tiếng khóc sinh học. Lớn lên, bởi cảm nhận đau đớn và hạnh phúc, con người khóc. Tiếng khóc từ thuở đó là tiếng khóc nhân sinh. Mãi mãi, cho đến ngày nhắm mắt, tôi biết ơn cha mẹ, bạn bè, cháu chắt, Đảng kính yêu, nhân dân và người chiến sĩ – anh bộ đội Cụ Hồ, đồng nghiệp văn chương gần xa, đã cho tôi hiểu đặng vui buồn và khát khao chân lý, khóc với đời với giấy, từng trang…
Rồi ông vẫn khóc và bảo: “Có người viết văn, làm thơ nào mà không khóc”.
Nếu ai từng tham dự các sự kiện văn học như tọa đàm, hội thảo về nhà văn, nhà thơ đã mất, hoặc từng hi sinh trong chiến trường mà gặp nhà văn Nguyễn Chí Trung phát biểu hay đọc tham luận thì thế nào cũng dễ bắt gặp cảnh ông giở khăn ra lau nước mắt.
Còn nhớ khi Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn lần đầu tiên được khôi phục, ông là “học viên” cao tuổi nhất theo học. Hình ảnh một học viên cao tuổi, lúc nào cũng có “thư ký “ đi kèm, chăm chỉ và đều đặn đi học hẳn đã trở thành hình ảnh khó quên của khóa học đó. Điều đó cho thấy, tinh thần học hỏi của ông rất cao, bất chấp bệnh tật, tuổi tác.
Cẩn thận, dễ mủi lòng và tận tâm với công việc, ông còn là người có sức sáng tạo bền bỉ. Hơn 80 tuổi mà ông vẫn cần mẫn sáng tác khá đều đặn bằng bản thảo viết tay. Đến nay, ngoài bút ký Đà Nẵng viết từ năm 1950, ông còn có Bức thư làng Mực(1964), Hương Cau (1975), Khi dòng sông ra đến cửa (1981) và Bức thư của nàng Út được ông hoàn thành năm 2006. Tôi tin với sức làm việc của ông, có lẽ ông còn nhiều bản thảo chưa in và bản thảo dang dở.
Cho đến nay, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012. Bên cạnh đó, với tác phẩm Tiếng khóc của nàng Út ông còn được nhận giải thưởng ASEAN.
Một người dễ mủi lòng, luôn quan tâm giúp đỡ người khác như nhà văn Nguyễn Chí Trung vậy mà ông lại chưa từng lập gia đình. Ông sống một mình, ông thường thuê một thư ký luôn bên cạnh để giúp mình. Số phận luôn có những đối lập mà cuộc sống con người phải chấp nhận. Lấp vào khoảng trống gia đình trong giây phút tiễn biệt ông, tôi tin ngoài người thân, sẽ có nhiều độc giả, nhiều đồng nghiệp sẽ dành cho ông những giây phút cảm động và nhớ mãi về ông, về tác phẩm của ông.
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung tên thật là Thái Nguyên Chung, quê quán Quảng Nam. Ông tham gia bộ đội từ năm 1945. Cuối năm 1946, ông làm thư ký cho ông Trần Mai Ninh. Khi Trần Mai Ninh. Sau đó, ông làm thư kí cho Tổng bí thư Lê Duẩn. Ông từng làm biên tập viên báo Xung phong, phụ trách tạp chí Văn nghệ áo xám, và thư ký tòa soạn báo Vệ quốc quân liên khu V trong kháng chiến chống Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, là cán bộ cấp tiểu đoàn, trung đoàn rồi ủy viên thường vụ Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ. Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân Giải phóng và tạp chí Văn nghệ Giải phóng… Sau 1975 là Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ nhiệm chính trị Cơ quan đại diện Bộ Quốc phòng hướng Tây Nam. Nhà văn Nguyễn Chí Trung qua đời ngày 11/6/2016. |
Hiền Nguyễn – Tổ Quốc