Ký ức của những người lính là món hành trang không bao giờ bị mất đi. Có những người lính mùa Xuân ấy ra đi từ đó không về, có những người ở lại với những vết thương không bao giờ lành hẳn.

Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, các nhạc sĩ Việt Nam đã có những ca khúc tôn vinh họ. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện được ghi và kể lại bằng những giai điệu hào sảng đậm chất anh hùng ca nhưng cũng thật trữ tình, thấm đẫm chất nhân văn.

Bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn

Cách đây 2 năm trong một câu chuyện trả lời đài phát thanh, NSƯT Thái Bảo kể rằng năm 17 tuổi, khi lần đầu đi hát thì những khán giả đầu tiên của chị là những người lính ở biên cương. “Có một lần tôi diễn ở chốt biên giới phía Bắc, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Khi tôi lên chốt diễn thì các anh ngăn tôi lại: “Em đừng có lên đó, rất là nguy hiểm”.

Nhưng tôi thấy các anh đứng giữa mỏm núi trời cao vời vợi như thế với hình dáng rất hiên ngang, rất dũng cảm, tự hỏi “Người ta đứng được tại sao mình không đứng được?”. Và tôi đòi bằng được để lên chốt đó tôi hát. Hôm đó tôi hát Vết chân tròn trên cát, các anh ngồi vây quanh rất đông và các anh bắt tôi phải hát lại vài lần nữa.

Đêm đó cả đoàn đi về lán trại bên dưới để nghỉ, vừa vào giường nằm thì nghe tiếng đập cửa: “Thái Bảo ơi, mở cửa cho bọn anh vào với”. Tôi vừa mở cửa ra thì thấy khoảng hơn một chục anh bộ đội mặc áo mưa, có người đi chân đất, có người cầm gậy, nhìn hình ảnh ấy tôi đã cảm động rồi.

Tôi hỏi: “Dạ thưa các anh gặp em có chuyện gì ạ?”, thì các anh mới nói rằng: “Bọn anh ở chỗ biểu diễn khi nãy, bọn anh muốn nghe em hát lại bài Vết chân tròn trên cát lần nữa”. Tôi nhìn các anh, những vệt mưa lăn từ trên trán lăn xuống thì tôi thật sự rất xúc động và tôi lấy đàn guitar của tôi mang đi hát các anh nghe và các anh cũng hát theo tôi. Các anh bật đèn pin để nhìn mặt tôi được rõ hơn. Tôi cứ vừa hát vừa khóc…”.

Vết chân tròn trên cát là một trong những bài hát về người lính cháy bỏng nhất và mang những nỗi ưu tư thăm thẳm của nhạc sĩ Trần Tiến. Bài hát ra đời vào năm 1981 khi nhạc sĩ  trong một lần dạo quanh bờ biển Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, đã bắt gặp những dấu nạng in hằn lên trên cát biển.

Sau đó, ông dò hỏi người dân xung quanh và biết được dấu nạng đó chính là của một anh thương binh bị thương tật ở chân, đang trên đường đến trường dạy học cho các em nhỏ trong làng. Xúc động vì hình ảnh những dấu tròn trên cát đó, bài hát đã ra đời trên quãng đường đi bộ từ bãi biển về nhà trọ.

Bài hát đã từng được rất nhiều ca sĩ thể hiện nhưng được nhớ nhất là của chính tác giả khi vẫn còn ở nhóm Du ca Đồng nội và sau này thêm tiếng hát Trần Đức.

Nhạc sĩ Trần Tiến sau này kể lại rằng bài hát được viết nên bởi ký ức của chính một người lính như ông: “Có mất mát và chia lìa của đồng đội tôi, những người không trở về từ cuộc chiến. Thỉnh thoảng trong giấc mơ của tôi vẫn còn nghe tiếng bom nổ và thấy rõ ràng đôi môi người bạn chưa kịp hôn bạn gái đã mãi mãi nằm xuống đất mẹ”.

Có người lính ra đi từ đó không về

Màu hoa đỏ ra đời năm 1991 được xem như một phác thảo chân dung của “người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”. Ca khúc nổi tiếng này được nhạc sĩ Thuận Yến viết dựa trên bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.

Lúc ấy, nhạc sĩ Thuận Yến thường đến tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội để “ôn cố tri tân” với người bạn, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. “Hôm đó hai anh em ngồi ôn lại những kỷ niệm khi còn ở chiến trường, nhớ về những anh em đồng đội kẻ nay còn, người đã mất.

Tôi bàn với anh Mậu là tìm tứ thơ, tôi đảm nhiệm phần phổ nhạc như để trả nợ về tinh thần”. Đặc biệt lúc đó vào năm 1991, tình hình thế giới đang có nhiều biến động, “hai chúng tôi đều mong bài hát sớm ra đời sẽ góp phần củng cố niềm tin trong quần chúng”.

Bài thơ ban đầu có tên Thời hoa đỏ. Sau khi phổ nhạc, nhạc sĩ đã bàn với nhà thơ đổi tên thành Màu hoa đỏ bởi không khí bài hát cuộn tròn trong những năm tháng chiến tranh. Ở thời đó, suốt dọc đường hành quân chỉ gặp màu rực đỏ của hoa chuối rừng.

Thanh Lam là người đầu tiên thể hiện ca khúc này. Cô hát hay đến nỗi, ngay nhạc sĩ Thuận Yến khi nghe đã phải ngồi lặng đi “cảm thấy dường như tôi đã gặp lại các đồng đội cũ”.

Ca khúc thoáng có chút bùi ngùi, đau thương nhưng rồi niềm xúc động len lỏi, sau đó sôi trào, những nốt cao ngân lên, đưa hình ảnh người lính hòa vào núi sông bất tử, cất lên thành tiếng gọi Tổ quốc tự hào.

Năm 1994, Màu hoa đỏ là ca khúc được Bộ Quốc phòng tặng giải xuất sắc nhất nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1994).

Bài ca không quên

Bài ca không quên là một sáng tác của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, được đặt hàng cho bộ phim cùng tên. Tuy nhiên, theo nhạc sĩ, ông viết để trả nợ chính mình.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn có 15 năm đeo ba lô, ôm súng ngang dọc chiến trường miền Nam. Ông tận mắt chứng kiến những gian khổ, tự tay đào huyệt chôn những đồng đội hy sinh, và đau đớn hơn cả là phải chứng kiến đứa con đầu lòng 4 tháng tuổi của mình qua đời.

Có lẽ bởi vậy mà Bài ca không quên thấm đẫm những giá trị tình cảm thiêng liêng nhất. Đó là tình cảm gia đình, tình mẫu tử, tình đồng đội và cả tình yêu đôi lứa…

Bài ca không quên được viết theo thể tự sự với 3 đoạn dành riêng cho giọng đơn, ông chia nội dung phần lời làm 2 phần chính, phần đầu là “tôi không quên” với những ký ức thời chiến và phần hai “sao tôi quên” khi “có giây phút bình yên”.

Sự thôi thúc giữa ký ức và hiện tại làm tuôn ra những tự sự giản dị nhưng nhói thẳng vào tim. Những hình ảnh về người mẹ, em yêu, đồng đội… của những ngày gian khổ to dần lên để xoáy vào thực tại “Nhưng giờ đây có giây phút bình yên sao tôi quên”.

Ca từ nhẹ nhàng, như một lời trách móc tế nhị những người đang quên đi ký ức. Năm 1981 là thời điểm của những khó khăn, cuộc chiến biên giới, lũ lụt, mùa màng thất bát… Đó là thời điểm mà những người hiện tại không được phép quên đi quá khứ, đừng quên “bước dồn đường khuya đói lả, gạo hẩm cầm hơi, một điếu thuốc cũng chia đôi” hay “đồng đội tôi còn ôm súng giữ biên cương”.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nói rằng “Khi viết bài hát này, tôi như đang được gặp lại những con người, những cảnh vật, những sự kiện diễn ra trước mắt. Sự hào hùng, sự mất mát đan xen giữa vinh quang và bất hạnh”.

Nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu nhận xét ca khúc này “là những tiếng khóc, cười, buồn, vui. Đó là những nỗi đau không thể kể được bằng lời. Thời không quên ấy không chỉ là những kỷ niệm đẹp tình người, mà còn là ký ức đớn đau, mất mát trong chiến tranh kể sao cho xiết”.

Theo Nguyên Minh – Thể thao & Văn hóa cuối tuần