Ông đồ Nghệ nhiều chất Tây
Nếu được phép “tóm gọn” con người của PGS.TS, thi sỹ Trương Đăng Dung – nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học – chỉ bằng một câu, một câu thôi, thì người viết bài này sẽ chẳng ngần ngại mà nói rằng: đó là một quý ông châu Âu người Nghệ An hiện đang sống ở Việt Nam.
Tranh của nguyễn xuân hoàng
Thì đúng là như thế. Trương Đăng Dung là người Nghệ An chính hiệu. Sau hàng vài chục năm ăn bơ sữa Tây và uống nước máy Hà Nội, cái giọng Nghệ của ông đến nay cũng chỉ nhạt đi phần nào, ai tinh ý vẫn có thể qua giọng nói mà nhận ra ông đích thị là dân “cá gỗ”.
“Sành” và kỹ tính
Năm 1972, 18 tuổi, Trương Đăng Dung mới lần đầu tiên từ xứ Nghệ đặt chân lên đất thủ đô, một tháng thôi, để làm thủ tục sang Hungary học khoa Ngữ văn Đại học Eotvos Lorand Budapest.
Một lần Trương Đăng Dung khuyên tôi, hết sức chí tình: Còn trẻ, phải tranh thủ mà học mà đọc. Có “trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ” gì đó với vợ thì lên kế hoạch ngày giờ cụ thể đi. Xong việc, “nó” đi ngủ thì mình tranh thủ lúc yên tĩnh không bị ai quấy rầy mà đọc!
Năm 1978, ông tốt nghiệp đại học, về nước và làm việc tại Viện Văn học. Năm 1981 ông trở lại Hungary làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sỹ tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary vào năm 1984.
Năm 1991, Trương Đăng Dung trở lại Hung lần nữa để tu nghiệp, đến năm 1994 thì về hẳn. Ba lần sống ở Hung, thời gian cộng lại đã lên đến 15 năm – quãng thời gian không hề ngắn đối với một đời người – liệu đã đủ để biến một anh chàng Việt Nam đầy căn cốt tiểu nông trở thành một quý ông Châu Âu lịch lãm?
Theo tôi, nếu tôi không quá duy tâm chủ nghĩa, điều này tùy thuộc vào… phúc phận của mỗi người: là thiếu với rất nhiều người – dù có ngồi trên núi vàng, họ cũng phải cần tới mấy kiếp để làm được chuyện đó – và thừa với một số người khác – họ thích ứng rất nhanh với những giá trị đã trở thành tinh hoa văn hóa. Trương Đăng Dung thuộc về trường hợp thứ hai. Cái mà tôi gọi là “chất Tây” ở Trương Đăng Dung, chính là thế.
Nếu như ngày xưa, ở bên Trung Hoa, đức Khổng Tử luôn kiên quyết rằng: “Chiếu trải không ngay ngắn không ngồi, thịt thái không vuông vắn không ăn”, thì Trương Đăng Dung cũng có cái nét na ná như vậy trong sinh hoạt thường nhật.
Cách mặc, cách ăn của ông đều hết sức chỉn chu: không cần quá sang trọng nhưng cũng không thể thiếu sự lịch lãm. Trang phục bao giờ cũng phải tề chỉnh, áo quần là thẳng nếp, nếu là áo sơ mi thì phải bỏ trong quần, giày lúc nào cũng phải được đánh bóng.
(Có lần ông nói với tôi, đại ý: Không hiểu tại sao ở ta lại có cái quan niệm rằng đã là nghệ sỹ hay nhà thơ thì cứ phải ăn mặc cẩu thả bừa bãi, đầu tóc bù xù, nói năng đi đứng thì tùy tiện, nghênh ngang? Để cho thiên hạ biết rằng ta đây là nghệ sỹ, là nhà thơ sao? Có cần thế không nhỉ?).
Ngồi ăn cùng Trương Đăng Dung mới thấy ông “sành” và kỹ tính: Loại rượu nào dùng với loại đồ ăn nào và phải được uống bằng loại ly cốc nào, khăn ăn được sử dụng ra sao v.v… tất cả đều có chuẩn mực của nó và chuẩn mực ấy cần phải được tuân thủ nghiêm túc.
Với chính bản thân mình, tôi tin chắc cái cung cách đó ở Trương Đăng Dung là do ông được “tập nhiễm” từ những năm tháng sống giữa lòng thủ đô của đế quốc Áo – Hung xưa, nơi thực sự có một giai cấp quý tộc đúng nghĩa đã tồn tại hàng thế kỷ, những con người, may mắn thay, có điều kiện hưởng thụ cuộc sống và rất biết hưởng thụ cuộc sống theo cách biến sự hưởng thụ ấy thành một nghệ thuật.
Ham học, khổ học
Tuy nhiên cách ăn cách mặc chỉ là câu chuyện về hình thức bề ngoài. Điều quan trọng hơn mà Trương Đăng Dung đã “tập nhiễm” được từ văn hóa châu Âu, đó chính là sự nghiêm túc trong lao động và quan niệm về các giá trị của con người cũng như quan niệm về các giá trị của đời sống.
Trương Đăng Dung và nhà thơ Hollo Andras thời kỳ ông Dung dịch Truyện Kiều .
Vế thứ nhất xem ra tương hợp với sự ham học, thậm chí là khổ học, vốn đã trở thành niềm tự hào của con người xứ Nghệ trong Trương Đăng Dung. Ông học, đọc, và làm việc miệt mài.
Cứ nhìn vào kết quả công việc thì sẽ thấy ngay. Về tác phẩm nghiên cứu, ông là người chủ biên công trình “Các vấn đề của khoa học văn học”, là tác giả của tập tiểu luận – phê bình “Từ văn bản đến tác phẩm văn học”, và chuyên luận “Tác phẩm văn học như là quá trình”.
Về tác phẩm dịch, ông là người đã dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Hungary trong quãng thời gian làm nghiên cứu sinh bên nước bạn (1981- 1984); dịch “Lâu đài” – cuốn tiểu thuyết “khét tiếng” thế giới của Franz Kafka; dịch hai công trình triết – mỹ học vào loại đọc đến… “vỡ đầu” của M. Heidegger (Trên đường đến với ngôn ngữ) và của G. Lukacs (Nghệ thuật và chân lý khách quan).
Có lẽ, nghĩ rằng người nào khác cũng có thể làm được những việc như mình đã làm, nên một lần ông đã khuyên tôi, hết sức chí tình: Còn trẻ, phải tranh thủ mà học mà đọc, đọc sách nghiên cứu đến lúc căng thẳng mệt mỏi thì chuyển sang đọc sách giải trí, hết mệt quay trở lại đọc tiếp.
Có “trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ” gì đó với vợ thì lên kế hoạch ngày giờ cụ thể đi. Xong việc, “nó” đi ngủ thì mình tranh thủ lúc yên tĩnh không bị ai quấy rầy mà đọc!
Về vế thứ hai được biểu hiện rõ nét nhất trong thơ ông. Thơ Trương Đăng Dung là thơ của một người yêu và gắn bó với con người, với cuộc sống đến mức phải cảm thấy không thể chịu đựng nổi “con người này”, “cuộc sống này” – thậm chí là cả “thế giới này” – khi mà con người không sống đúng với những thiên hướng tốt đẹp của nó, khi mà cuộc sống đã bị bóp méo và cứ thế vận hành một cách phi lý.
Trong bài thơ “Anh không còn gì ngoài em” của ông có một câu: “Anh chuẩn bị sống từ lúc mới sinh ra”. Câu thơ này, theo tôi, là một “mã” nghệ thuật quan trọng, phản ánh cái nhìn – thơ của Trương Đăng Dung về con người và thế giới.
“Chuẩn bị sống”, nghĩa là con người chưa từng được sống một cách đích thực, nghĩa là cuộc sống như nó cần phải thế luôn luôn ở phía trước, ở thì tương lai vô định, và cuộc sống như nó đã và đang diễn ra chỉ là tiền – cuộc sống mà thôi. Đây là điều mà tôi tạm gọi là “cảm thức lạc lõng” trong thơ Trương Đăng Dung.
Năm 1977, 23 tuổi, sống giữa lòng một Châu Âu no đủ, Trương Đăng Dung viết bài “Tôi lại nhìn thấy họ”, trong đó có những câu: “Tôi lại nhìn thấy họ/ những người vợ suốt đêm vá lưới/ mắt quầng thâm nhìn chồng. Ngoài kia/ biển dâng triều, sóng cồn lên sôi động/ Tôi lại nhìn thấy họ/ dỡ nhà đi sơ tán. Từng đoàn người tay xách/ nách mang, lầm lũi đi qua cánh đồng bạc trắng/ Tôi lại nhìn thấy họ/ những xác người được tìm thấy/ trong lớp đất bom vùi. Những người mẹ/ chết vẫn ôm con, những đứa con chết/ mặt úp vào ngực mẹ…”. Những hình ảnh thật đến trần trụi, những hình ảnh được rút ra từ chính những gì tác giả đã chứng kiến trên quê hương mình và đã lưu trong ký ức. Nhưng bài thơ này không thể chỉ đọc như đọc nỗi nhớ về một quê hương tang thương của người đang ở xa đất nước. Hãy chú ý tới cái trạng thái hiện tại của những nhân vật trong bài thơ: Đó luôn là sự mong ngóng, sự trông đợi, sự tìm kiếm đến tuyệt vọng một cuộc – sống – đích – thực. Và chú ý tới mấy câu thơ kết: “Tôi lại nhìn thấy họ/ đêm đêm giữa trời Âu/ những người tôi mới gặp lần đầu/ những người tôi chưa từng được gặp”. Không còn là nỗi xót xa trước số phận của những con người thuộc một đất nước cụ thể nữa rồi, đó là nỗi xót xa trước phận người – của hôm qua, hôm nay, và có thể là mãi mãi!
Ở trên, tôi đã nói tới “cảm thức lạc lõng” trong thơ Trương Đăng Dung. Lạc lõng trước thời gian, lạc lõng trước con người và thế giới, đôi khi lạc lõng với chính mình. Lạc lõng vì đã nhận biết và cảm thấu sự phi lý trong những cái đó.
Điều này, một lần nữa phản ánh “chất Tây” của Trương Đăng Dung: Phần nào, ông đã chịu ảnh hưởng cái nhìn về thế giới của Franz Kafka – người đã bóc trần sự phi lý của “thế giới này” bằng những tác phẩm gây sững sờ cho toàn thế giới khi chúng được công bố.
Mới đây, gặp Trương Đăng Dung, khi nghe tôi than phiền về chuyện “ngọc thể” có những dấu hiệu bất an, ông cho một lời khuyên: Phải chú ý giữ gìn sức khỏe, ăn ngủ đủ, làm việc điều độ, suy nghĩ ít thôi.
Thật ra, kẻ thù lớn nhất của con người chính là “cái thằng” thân xác đấy, nó mà ốm đau bệnh tật thì ta chẳng còn làm được cái gì như ta mong muốn nữa đâu! Ô, nghe như một câu trong “Đạo đức kinh” vậy: “Cường kỳ cốt, nhược kỳ chí, bão kỳ phúc…” (Làm cứng cái xương, làm yếu cái chí, làm no cái bụng). Có khi nào người nói những câu này chưa phải là… một “ông Tây” hoàn toàn như mình tưởng?
Bài thơ phi lý ngày giáp Tết
Ngày 29 tết Canh Dần 2010, khi mọi người xung quanh đang lăng xăng túi bụi với những công việc chuẩn bị cho tiễn năm cũ đón năm mới, thì ông… chán nản, ngồi viết bài thơ “Giấc mơ của Kafka”, bài thơ mà theo tôi là hay nhất trong tập “Những kỷ niệm tưởng tượng”: “Ở New York chiều chiều/ những con voi nhảy từ tầng mười một xuống sông/ cứu những con chim sẻ/ Ở Paris trước cửa Viện bảo tàng/ người nằm ngáp/ trâu xếp hàng mua cỏ/ Ở Moscow những thiếu phụ da vàng/ chơi với hổ/ trên quảng trường ngập nước/ Ở Tokyo nữ phát thanh viên truyền hình/ không có miệng/ huơ tay chào khán giả/ Khắp nơi/ những đôi mắt/ dính trên cổ những người không có mặt/ những tiếng kêu/ phát ra từ miệng những người không có cổ/ những bàn chân/ càng bước càng lún sâu vào đất”.
Tất cả đều là những hình ảnh kỳ lạ, phi lý một cách không thể tưởng tượng nổi. Chúng là sự lộn trái logic thông thường của thế giới và của trật tự các sự vật. Có thể nói, bài thơ như phiên bản của một cơn ác mộng vậy: Không khí căng thẳng, các hình ảnh gắn kết với nhau một cách ngẫu nhiên, bất định, không tuân theo bất kỳ một nguyên tắc nào hết. Và từ đây mới toát ra một điều đáng nói: Thế giới này đã trở nên xa lạ biết bao với con người, nó không dành cho con người, càng cố hiểu thế giới, con người càng lạc lõng trong sự xa lạ ấy!
Hoài Nam
Nguồn: TP