Tapchinhavan.vn – Xin gửi đến độc giả tham luận của nhà thơ Trần Nhuận Minh trong hội thảo “Hoàng Quang Thuận với danh sơn Yên Tử”.


Có một nhà thơ danh sơn Yên Tử

TRẦN NHUẬN MINH

Hằng năm, cứ đến mùa xuân, khách thập phương lại hành hương về Yên Tử rất đông, có ngày đến 8 vạn người. Từng là kinh đô tư tưởng của nước Đại Việt suốt 2 thế kỷ 13 và 14, Yên Tử, đất tổ của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, luôn hàm chứa những bài học sâu sắc về cội nguồn dân tộc và sức mạnh bền vững của nhân dân trong các cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc.
Trong hàng chục triệu người đến Yên Tử, có một nhà thơ, đồng thời là Giáo sư Tiến sĩ khoa học, Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Hoàng Quang Thuận sinh năm 1953 tại Quảng Bình, sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh. Không biết anh đến Yên Tử đầu tiên vào năm nào và điều gì đã chinh phục hoàn toàn tâm hồn anh, để Yên Tử trở thành cõi đi về trong suốt cuộc đời anh. Trong thơ Việt Nam viết về Yên Tử, tính từ Lý Tự Thành, nhà thơ thiền đời Lý, từng tu và làm thơ ở Yên Tử, đến nay là 1.000 năm, đây là một trường hợp duy nhất. Anh đã xuất bản 2 tập thơ. Tập thơ Thi Vân Yên Tử, NXB Hội Nhà văn in năm 1998, năm 1999 tái bản bằng 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, tổng số 63 bài. Tôi đã được xem thư của Tổng thống Pháp R.Sirac, Tổng thống Mỹ B.Clinton gửi cho tác giả bày tỏ lòng trân trọng và cám ơn sau khi đọc tập thơ này. Tập thứ hai là Ngọa Vân Yên Tử in năm 2001 ở NXB Hội Nhà văn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc tập thơ và đánh giá cao giá trị nhân văn của tác phẩm. Tổng cộng cả hai tập là 143 bài, hơi thơ liền mạch, nhất quán, tránh sự đơn điệu trùng lặp, quả là điều không dễ dàng. Nhiều bài thơ hàm súc, có vang hưởng, xoay quanh cảnh đẹp huyền diệu của danh sơn Yên Tử và công đức của các nhà sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, từ đó mà ca ngợi đất nước và khẳng định lòng hướng thiện của con người.
Hình ảnh vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, vào Yên Tử hiện lên rất đẹp.
Vua đi hài cỏ vào Yên Tử

Ráng chiều đỏ rực cả hoàng hôn.

Núi sông, khe suối, cây cỏ, ánh trăng, cánh cò và tiếng sáo trúc… cùng các địa danh ở Yên Tử, đi qua tâm hồn và ngọn bút hào hoa của ông, lúc nào cũng trong trẻo, huyền ảo, làm xao động lòng người về những giá trị bất tử của quê hương đất nước, vừa xưa cũ vừa hiện tại!
– Sáng cuốn mây hồng, chiều ráng phủ

Én liệng lầu không giữa đất trời

– Thác đổ suối reo hòa trong gió

Mây hiện trên đầu một tán che

– Giật mình tỉnh giấc hương thơm ngát

Một khoảng trời cao giữa núi lèn

– Tiếng sáo thiền ca vui bất tận

Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng…

Bất cứ trang thơ nào, người đọc cũng gặp những câu thơ như thế, thể hiện tấm lòng yêu mến và những cảm xúc không hề nguôi cạn của tâm hồn tác giả đối với Yên Tử, một vùng đất thiêng của tất cả mọi người dân có đời sống tâm linh, dù ở trong nước hay nước ngoài.
Lần nào đọc thơ Hoàng Quang Thuận, tôi cũng ngẫm nghĩ, cái duyên gì đã đưa ông về Yên Tử và điều gì ở danh sơn này đã biến một nhà khoa học thuần túy thành một nhà thơ hào hoa, và đặc biệt, nhà thơ đó đã viết suốt đời mình về Yên Tử, dành riêng cho Yên Tử, góp công làm cho một ngôi chùa, một ngọn tháp, một ngọn núi, một khe suối, một nhành cây, một màu hoa, một làn sương, một ánh trăng, một tiếng chim kêu… ở đây thành một vang hưởng tâm hồn và bay xa đến tận vùng sáng ở phía Tây bán cầu…
Đó là phúc địa của Yên Tử, phúc trạch của tỉnh Quảng Ninh ta từ ngàn đời.

T.N.M