Ngày 7/2/2009, nhà văn Lê Bầu chính thức vĩnh biệt cuộc sống. Người thân đưa ông về an táng ở nghĩa trang Tân An (Bắc Giang). Nhớ thương dần theo thời gian lắng đọng. Bất ngờ, cuối năm 2014, tác phẩm Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa của Lê Bầu được bày bán trên các quầy sách. Tìm hiểu mới biết, đây là di cảo của nhà văn, là những trang hồi kí mà ông đã lặng lẽ viết trong thời gian cuối của cuộc đời và được “nhuận sắc” bởi nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Chăm chú đọc từng trang sách một và ngạc nhiên với một Lê Bầu khác ngoài Lê Bầu nhà văn, Lê Bầu dịch giả. Tôi nghĩ về người quá cố ấy với một tư cách mới: nhà Hà Nội học.

Kì thực Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa là tên mới do những đồng nghiệp của tác giả đặt khi nhận ra ý nghĩa vượt thoát của câu chuyện đời riêng tuổi thơ Lê Bầu. Tôi thì vẫn thích cái tên cúng cơm của nó, cái tên mà chính Lê Bầu đã khai sinh cho tác phẩm của mình: Dân dưới bãi. Đóng góp của Lê Bầu cũng là ở đấy. Tác giả yêu thương đối diện với thân phận quá khứ và cho trí nhớ lần tìm lại bóng hình Hà Nội gần một thế kỉ trước ở một không gian bình dân, lấm láp vốn dĩ không phải là sự quan tâm của nhiều người. Địa lí, lịch sử, xã hội, ngôn ngữ, ẩm thực… đó là những quy chiếu cơ bản để Lê Bầu “nhìn” Hà Nội qua hồi ức. Người đọc được về với bãi Phúc Xá Hạ – mảnh đất bồi của sông Hồng, nơi sinh cơ lập nghiệp mới của dân phiêu tán từng lang thang sống vỉa hè, ngõ hẻm, chân đê. Trí nhớ không phụ tác giả nên hồi kí trở thành cuốn phim đen trắng, chụp rõ mồn một gương mặt nguyên thủy của từng con đường, từng ô đất, từng dải nước… mà chỉ nghe tên người ta đã nao lòng nhớ Hà Nội một thuở. Lê Bầu nhắc ta nhớ về những vật dụng, những nếp sinh hoạt của con người nơi đây. Những ngọn đèn Hoa Kì tù mù, lạnh lẽo của một thời không có điện. Chiếc xe nhỏ bán thịt bò khô của mấy ông Hoa kiều. Những buổi xem hát chèo “sơ sài, nghèo nàn đến khốn khổ” nhưng vui tươi, rộn rã. Những ngày lụt lội, nước lên to, đục ngầu phù sa và củi rều, “nhà nào nhà nấy phải kê giường lên trên giường, hoặc bắc tre bắc ván lên kèo nhà ở tạm, rồi trổ mái lấy chỗ ra vào”… Đó còn là những mẩu chuyện nhỏ về những cách trả thù của “dân nghèo vô văn hóa”, mánh khóe kiếm ăn của “giai cấp công nhân lưu manh”, thủ đoạn nham hiểm của gián điệp người Nhật khi náu mình trong vai trò nhà buôn… Thượng vàng hạ cám cứ theo trí nhớ mà đổ về trong hồi kí, làm nên bức tranh đa sắc đa diện về Hà Nội thời phong kiến – thực dân. Một Hà Nội của người ngụ cư. Một Hà Nội mang dấu ấn văn hóa của người Hoa và người Pháp. Một Hà Nội không hào hoa, thanh lịch như trong những áng văn chương trước đó, mà cần lao, cố cùng, phong sương, lừa lọc, lưu manh, nghiện ngập… nhưng vẫn ấm nghĩa tình, đạo lí, dẫu có lúc điều thiêng liêng đó ẩn nấp thật sâu trong những trái tim chai sạn.

full e7f72ac99415d47cccc564d7330702fb

Với hồi kí này, điểm đến của tác giả là thời thơ ấu của cậu bé Bầu lên mười. Vì vậy, có những lúc Hà Nội ngày xưa chợt trẻ lại. Là khi nỗi nhớ chạm phải những âm thanh hồn nhiên mà lũ trẻ nhại và rao chẹo “mồi câu khách” của người bán hàng. Là khi chúng hát một câu lời Việt phỏng theo một điệu hát Tây để trêu chọc những cặp tình nhân bên bờ Hồ. Đặc biệt là khi dòng tâm tưởng người kể xoắn xuýt với những trò chơi tuổi nhỏ. Chơi trốn tìm trong những cái hố mới đào dọc đường Mười. Chơi nhảy cừu, chơi đáo, chơi đánh khăng, chơi pháo đất, chơi xèng… ở ngã tư Quảng trường Mười. Trò chơi tiếp nối trò chơi, quên cả giờ giấc, tô đậm thêm thân phận con nhà nghèo, sống lông bông không có người cai quản vì gia đình đã nặng gánh mưu sinh. Và cũng có những lúc kí ức trở nên tươi tắn, đậm đà khi cậu bé Bầu được mẹ vụng trộm cho thưởng thức những món ăn quê như mẹt bún chả, bát phở, bát bún bung… Không biết vì nghèo nên một lần nếm thử là ấn tượng theo suốt cuộc đời hay vì Lê Bầu là người sành ăn mà tác giả rất tỉ mẩn, tinh tế khi nói về ẩm thực bình dân thuở trước, cái thời mà thịt gà, thịt vịt, nồi cá giếc, nồi cá rô kho mặn chỉ may mắn có trong ngày giỗ tết. Tâm tư người kể chuyện rộn ràng khi nhớ về những bát bánh đúc nóng, những miếng đậu phụ rán già ăn vã, những chiếc bánh bèo “được quấy bằng bột tẻ, đổ sẵn ra những tấm lá chuối tròn, vành hơi cong cong, to như một chiếc đĩa, bên trên có trải một ít hành xào mỡ, lác đác mấy lát dừa thái mỏng”…

Sinh thời, Lê Bầu như chúng ta vẫn thường biết là một nhà văn. Có một nhà văn trong một nhà Hà Nội học là điều thú vị. Hà Nội tất yếu được soi chiếu ở góc nhìn về phận người và cũng tất yếu có thêm chiều sâu xúc cảm của người viết. Dẫu mỗi cuộc đời chỉ đi thoáng qua trên trang viết, nhưng chừng đó cũng đủ để người đọc ngậm ngùi cho những kiếp vợ theo, chồng theo; đủ để trân trọng “mối tình cao cả trong sáng đầy lãng mạn” của thím Ân, chú Áp; đủ để ám ảnh về hình ảnh gã lưu manh Tí Bủng lẳng lặng rời bãi Phúc Xá với đứa con nhỏ trên tay sau khi chôn cất vợ… Những “hạt cát li ti ngoài bãi sông Hồng” không ngờ cứ đọng mãi trong tâm trí nhà văn. Hơn thế, ông còn bao bọc những “hạt cát” ấy bằng nhiều ân tình không đổi. Trong đó, nhiều tình yêu hơn cả được dành cho người mẹ nhọc nhằn chắt bóp từng đồng xu và dứt ruột bỏ ra cho con ăn quà sáng. Phần yêu thương còn lại gửi về bố, về bà Cau hàng nước, ông Mù hàng bột, bác Cấn culi, cô Hội…; cho cả dì Cơi – vợ hai của bố, cho cả “culi báttê” Tí Bủng. Và cho ông – “người cổ cuối cùng, duy nhất ở Hà Nội mà tôi được thấy”, “người cổ đại trước Công nguyên còn sót lại ở giữa thế kỉ hai mươi”.

Có thể khẳng định, Lê Bầu viết tác phẩm không chỉ bằng trí nhớ đáng kinh ngạc mà còn bằng tình yêu và sự thấu hiểu văn hóa Hà Nội. Sự thấu hiểu đó tràn sang ngôn ngữ hồi kí. Tác giả sử dụng nhiều tiếng Pháp (những từ in nghiêng và được tác giả chú thích ngay sau đó) khi kể những câu chuyện tuổi thơ để khẳng định dấu ấn của thực dân trong đời sống người Hà Nội những năm 30, 40 thế kỉ XX. Hồi kí còn là sự lưu giữ ngôn ngữ bình dân, tiếng lóng của “dân dưới bãi”. Lê Bầu cẩn thận đóng khung những âm thanh gần như chỉ còn là hoài niệm trong những ngoặc kép như “tắc lẻm”, “thoóng”, “mèng”, “thủng nồi trôi rế”… Và nữa, một điều đã thành nếp trong tư duy người kể chuyện là dù Lê Bầu có đi sâu đến tận cùng kí ức thì vẫn luôn nhớ về hiện tại. Những liên hệ lân cận, tương đồng, khác biệt vụt đến cho thấy sợi dây kết nối Hà Nội giữa hai đầu thời gian. Hà Nội hôm nay đang sinh thành trên không gian địa văn hóa, lịch sử của Hà Nội ngày xưa. Quán nước bà Cau vẫn thấp thoáng đâu đó trên những con phố hiện đại với hai chiếc ấm đất đựng nước chè tươi và nước vối, với chiếc điếu cày và mấy cái bát mẫu… dù rằng đã vắng những gói thuốc lào, những bao diêm, những miếng trầu têm sẵn.

Được biết Lê Bầu sinh ra ở Hưng Yên và Bắc Giang là nơi gia đình lập nghiệp dài lâu. Con người ấy trong những năm đầu đời là “dân dưới bãi” và về sau đã từng trở lại nơi đây làm “anh giáo quèn”. Không ngờ, tác giả thông hiểu Hà Nội ngày xưa đến thế. Năm năm lại đây, sau sự ra đi của hai nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội nổi tiếng là Băng Sơn (2010) và Nguyễn Vinh Phúc (2012), những người yêu Hà Nội nóng lòng chờ những nhà Hà Nội học… trở lại để tiếp tục cùng những nhà nghiên cứu khác như Giang Quân, Hữu Ngọc… giải mã những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của vùng đất này. Trong sự chờ đợi đó, không ai nghĩ đến Lê Bầu, nhất là khi con người này đã vĩnh viễn ra đi. Với Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa, chúng ta lại đón nhận sự hiện diện của Lê Bầu, không phải với tư cách nhà văn, dịch giả mà với tư cách nhà Hà Nội học. Những hoài niệm về năm tháng tuổi thơ bên bãi Phúc Xá Hạ của người sinh vào năm 1930 góp phần làm đầy thêm bức tranh địa văn hóa, lịch sử chân thực, sinh động, đa chiều của Hà Nội

 

Theo Tâm Thanh – Văn nghệ quân đội