Cách đây vài năm tôi lên Buôn Ma Thuột nhưng không gặp được nhà văn, nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm. Nhà thơ Phạm Doanh nói chị bận đi khảo sát một di tích cổ ở dưới huyện M’Drăk. Sau đó, nhà thơ Đỗ Toàn Diện đưa tôi đi chơi bản Đôn, cũng nói nhà văn Linh Nga giờ mê mải với văn hóa Tây Nguyên lắm. Nhất là sau khi nghỉ hưu, thôi chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Đăk Lăk, chị lại càng say hơn với những đề tài còn dang dở. Tôi gọi điện hẹn Linh Nga, rồi thời gian trôi đi, tưởng như khó có dịp hội ngộ. Thế rồi…
Trò chuyện với Ban Mê về Hà Nội
Tôi gặp Linh Nga Niê K’dăm, với hai kỷ niệm khó có thể quên, trước hết Linh Nga cùng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam với tôi hồi 1997. Khi ấy tôi có ấn tượng với chị qua những truyện ngắn, cùng với Album ca nhạc “Huyền thoại giữa cánh rừng”. Là một ca sĩ người Ê Đê, chị vừa viết văn, vừa sáng tác nhạc, lại còn dậy hát nữa quả là một hiện tượng hiếm hoi. Lý do thứ hai, tôi muốn tìm lại những ký ức về Hà Nội, hơn 30 năm, học tập, sinh sống của Linh Nga, trước khi về Đăk Lăk năm 1979. Vậy mới đó mà đã 34 năm xa Hà Nội với bao chuyện tự nhiên cứ ào ạt trở về, đúng như Linh Nga đã viết trong bài tản văn “Tại gió mà nhớ” vậy.
Linh Nga kể, mùng 3 tết năm nay, một cú điện thoại của NSƯT Nay Pha gọi lên Ban Mê đã làm Linh Nga thẫn thờ cả tiếng đồng hồ, vì những hồi ức trong veo từ một miền xa thẳm về cái tết cách đây hơn 50 năm. Nhất là chuyện Nay Pha nhắc đến cái ngày đầu tiên Linh Nga đi biểu diễn với đoàn ca múa Tây Nguyên, tết 1967. Khi ấy Linh Nga vừa tròn 19 tuổi. Con chim sơn ca lảnh lót ngân vang trên đất thủ đô làm rung động lòng người.
Là người con gái Tây Nguyên được sinh ra trên núi rừng Việt Bắc, đúng vào thời điểm quân và dân ta đánh thắng trận sông Lô, 1948. Cha của Linh Nga là bác sĩ Y Ngông Niê K’dăm, người đã theo kháng chiến ở độ tuổi 20. Ông tạm xa Tây Nguyên đi hoạt động cách mạng, lấy vợ cùng đơn vị, rồi Linh Nga ra đời. Ông thường nhắc cho con gái biết, mình là người Tây Nguyên, là một con chim sơn ca của núi rừng Ê Đê, phải tìm đường về với quê hương. Chính vì thế, biết con gái mình có giọng hát hay, khi Linh Nga học hết cấp 3 ngày ấy, ông khuyên con gái đi học tại khoa thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội, chứ không đi đại học nước ngoài theo tiêu chuẩn được ưu tiên. Khi đó ông đã là đại biểu quốc hội và là một quan chức cao cấp của chính phủ. Ông khuyên con gái hãy học hát cho hay để về phục vụ bà con Tây Nguyên mình. Sau này, ông còn là một người Tây Nguyên duy nhất được tín nhiệm, trúng tới 9 lần là đại biểu quốc hội.
Thật đúng là cha nào con nấy, đến năm 1968 đang học năm thứ hai khoa thanh nhạc, vào đúng năm quân và dân ta chuẩn bị cuộc tổng tiến công Mậu Xuân, Linh Nga đã đã cắn ngón tay, lấy máu viết đơn xin cấp trên có đi phục vụ chiến trường. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự sẵn sàng hy sinh cho cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, cấp trên đã phân Linh Nga về Đoàn Ca múa Tây Nguyên. Thế là từ đó, giọng hát sơn ca Linh Nga trở thành một chiến sĩ lăn lộn mọi nơi khốc liệt đạn lửa, trên những chốt tiền tiêu, tuyến đầu. Cùng với Linh Nga lúc đó, còn có các nghệ sĩ khác như Măng Thị Hội, Đinh Xuân La, Lê Thao Tuyết…
Với những ký ức sâu sắc, Linh Nga không thể quên làng quê Xuân Phú, nơi sơ tán của đoàn ở Hà Bắc ngày nào. Đó là những hình ảnh luyện thanh vất vả dưới lòng đất. Đó là những ngày đêm đào hầm và giao thông hào, tránh máy bay Mỹ. Hay còn đó là ổ rơm ấm tình quê của những gia đình dành cho Linh Nga, để nuôi dưỡng một tâm hồn âm nhạc như những bông hoa khoe sắc mỗi sớm mai… Ấy thế rồi chuyện loanh quanh, Linh Nga sực nhớ đến những kỷ niệm của 12 ngày đêm, cuộc chiến Điện Biên Phủ trên không lịch sử của Hà Nội.
Linh Nga kể, lúc đó đang mang thai con gái đầu, nhưng vẫn chưa kịp đi sơ tán. Ngày 18-12-1972, hai vợ chồng Linh Nga vẫn đi dao quanh khu văn công Mai Dịch. Bất ngờ tin báo B52 ập tới, chồng Linh Nga, cũng là nghệ sĩ của đoàn Ca múa Nam Bộ, cùng vợ chạy xuống hầm. Linh Nga ôm bụng ngồi dưới hầm, nghe tiếng bom dội mà thấy mặt đất chòng tranh như đưa võng… Vậy mà giờ đây đã hơn 40 năm trôi qua, Linh Nga vẫn không thể quên, những ngày thiếu ăn, thiếu ngủ nhưng các nghệ sĩ vẫn dũng cảm đi phục vụ các chiến địa, các ụ súng, trên khắp mọi nẻo đường bị cày xới vì bom đạn, đúng với nghĩa nghệ sĩ là chiến sĩ, cùng nhau cất tiếng hát át tiếng bom…
Và, đâu đó từ mọi núi đồi trên cao nguyên, từ Ban Mê đến mọi miền quê của Linh Nga bao giờ cũng được hòa thêm tình cảm đằm thắm của Hà Nội trong trái tim. Một luồng gió của ký ức hơn 30 năm mùa thu vàng lá, hơn 30 năm thơm ngát cốm Vòng và hơn 30 năm hát ca… theo từng bước chân Linh Nga trên cao nguyên.
Đắm đuối với “Mưa cao nguyên”
Sau khi về với quê hương, không ít lần Linh Nga còn ra Hà Nội, với nhiều công việc từ thuở ban đầu xây dựng trường lớp nghệ thuật cho Đăk Lăk, hay tham gia công việc lãnh đạo Hội Văn nghệ tỉnh. Nhất là có thời đoạn Linh Nga còn đi học Đại học âm nhạc khoa sáng tác (Niên khóa 1985-1990), vì có giai đoạn bị mất giọng hát do hoạt động quá sức. Ai cũng tiếc cho giọng hát Opera, khỏe và trong sáng của Linh Nga một thuở, nhưng đó cũng là thử thách mới cho một bản lĩnh nghệ sĩ cao nguyên. Tôi chợt nghĩ, cái duyên đã là con gái Hà thành, từ trong trứng nước, thì cho dù đi đâu cũng vẫn nhớ về thủ đô, và Linh Nga càng hoạt động hăng say cho quê hương nguồn cội của mình.
Với một phong cách lịch lãm và lãng mạn, đậm chất Hà Nội, Linh Nga sáng tác ca khúc hay viết truyện ngắn, với bút danh H’Linh Niê, đều chất chứa cảm xúc da diết trong một cấu trúc hiện đại. Với những tập truyện ngắn như “Gió đỏ” hay “Con rắn mầu xanh da trời” hoặc hàng chục bài hát về cao nguyên, người đọc có thể nhận biết ở Linh Nga, chính là một cô gái Hà Nội say đắm với quê hương của mình đến như thế nào. Người nghe không thể quên được những giai điệu đẹp và trẻ trung với lời ca như thơ vậy: “Mưa, cao su nhựa tràn/ Mưa trái chin nặng cành/ Mưa, cơn mưa ngọt lành/ Em trong mưa tràn đầy/ Mưa, lúa cười vẫy tay...” (Mưa cao nguyên). Có thể nói ít nhà văn nữ nào có miền hoạt động rộng đến vậy. Linh Nga đã có trong tay hàng chục tác phẩm và công trình nghiên cứu về Tây Nguyên. Đặc biệt trong số đó có tới 4 trường ca đã được Linh Nga sưu tầm và chỉnh lý, riêng bản “Đam San thời thơ ấu”, năm 2000 đã được giải thưởng và được tái bản năm 2011. Đây là một công việc rất khó mà Linh Nga đã hoàn thành một cách xuất sắc. Có lẽ chính vì thế, trong nhiều tác phẩm thể loại khác, kể cả âm nhạc, Linh Nga đã có sự truyền cảm đậm chất thơ, gây xúc động mạnh với vẻ đẹp của thi ca.
Riêng trong việc dậy học và đào tạo nghệ sĩ cho quê hương, phải nói Linh Nga thật có duyên và có con mắt xanh phát hiện nhân tài. Nếu tôi không lầm, chính chị đã góp công dựng nghiệp cho cả ba cha con, cố NSND Y Moan, Y Von và Ga Ria. Kể cả ca sĩ Siu Black và H’Zi na, cũng một tay chị trực tiếp tuyển chọn đào tạo, hoặc gửi ra trường Đại học VHNT Quân đội. Sau gần 30 năm lao động hết mình cho sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Đăk Lăk, Linh Nga giờ đây đã rời xa những trách nhiệm một thời, chỉ chuyên tâm vào việc đào tạo và tìm kiếm những tài năng âm nhạc cho quê hương. Hiện nay, Linh Nga vẫn là giáo viên âm nhạc của trường Đại học Đam San (Đăk Lăk).
Sự thành công của mỗi học trò như H’Giang, dân tộc Mnông, đoạt HCV Hội diễn Toàn quốc, hay H’Zi na, Giải nhất ngôi sao Tiếng hát Truyền hình TP Hồ Chí Minh, 2010… đều là suối nguồn cảm xúc trào dâng trong lòng Linh Nga. Chị như được sống lại với tuổi trẻ của mình và coi những học sinh chính là phần đời còn lại của mình. Linh Nga đã có nhiều đêm mất ngủ vì những niềm vui đó.
Gió nhớ
Giờ đây niềm vui bất tận của Linh Nga, ngoài công việc dạy hát, là những dự án bảo tồn Văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Chính vì thế chị đi khá nhiều nơi, mải mê sưu tầm nghiên cứu.
Có lần chị kể mình vừa đi qua trung tâm huyện Ea Kar, thì bất chợt nhìn thấy một hàng bán ngô luộc, bèn dừng lại để mua. Linh Nga đang chọn, bỗng người bán ngô nhận ra chị bèn reo lên: “Có phải cô Linh Nga Niê K’dăm không?” Thế là mọi người nắm tay, nắm áo và còn đổ cả gùi bắp vào túi chị. Nụ cười Linh Nga chưa bao giờ tươi đến thế. Với một niềm vui thật bình dị khi được những người dân tộc ở một miền xa xôi nhận ra mình như một người bạn thân, đi xa lâu ngày mới gặp lại. Thế là bùi ngùi. Thế là rơi nước mắt. Và, thế là lại một đêm thao thức với một bản tình ca Tây Nguyên.
Nhìn chị cười, tôi bỗng nhận ra đó là một nụ cười rất Hà Nội, chân thành, tươi tắn và hạnh phúc. Đúng như chị viết “Tại gió mà nhớ” về Hà Nội. Còn tôi cũng tại gió mà nhớ tới vẻ đẹp “Mưa cao nguyên”, với hình ảnh lung linh của Linh Nga Niê K’dăm.
Vương Tâm
(Trích tập “Nước mắt thời gian”)
(Nguồn: Văn học quê nhà)