Hồ Duy Ngợi

Bằng đam mê, khát vọng theo đuổi ước mơ từ nhỏ cùng quá trình lao động bằng ngòi bút không biết mệt mỏi, ở tuổi ba mươi, nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học đã có trong tay hơn chục đầu sách và hàng chục giải thưởng văn chương, báo chí.

Quả đúng như một nhà thơ đã từng nhận xét: “nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học đã rung những tiếng chuông vang ngân trước cánh cửa của lâu đài văn học”.

Phong thái điềm đạm, cởi mở, chân thành là những cảm nhận đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với Nguyễn Văn Học. Nhìn vào dáng vẻ, phong độ hiện nay, hẳn nhiều người nghĩ anh chưa bao giờ đi qua những năm tháng vất vả và chán chường của cuộc sống mưu sinh.

Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học

Cánh đồng quê ấp mộng văn chương

Nguyễn Văn Học xuất thân từ gia đình nghèo khó, lại là con cả trong gia đình 4 anh em cái làng Thành Lập thuần nông của huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây cũ. Từ nhỏ, anh đã phải phụ bố mẹ làm lụng việc nhà, trông em. Thời phổ thông, cứ chiều chiều rảnh rỗi, anh lại lóc cóc đạp xe ra đồng ngắm hoàng hôn, cảnh đồng chiều… và đến năm học lớp 9 thì biết làm thơ.

Và rồi, những vần thơ chân chất, trong veo, giàu cảm xúc của anh cứ thế ra đời với tâm hồn đồng điệu:“Thơ tôi/Tiếng cười chưa thành tiếng của đứa cháu ba tháng/ Cái cười rồi sẽ sinh sôi/ Đôi mắt cháu trong veo mùa thu vắng/ Dòng sữa mẹ no nê/ Đôi mắt cười… Thơ tôi/ Hồn thiêng những ngày xưa/ Lời đau còn thấm trong thớ đất/”.

Từ đó, hình ảnh quê hương, nỗi vất vả, nỗi khát khao, ước mơ cứ xuất hiện trong thơ, những mẩu văn ngắn của chàng trai công giáo nghèo hiếu học. Những bài thơ, tản văn của anh sáng tác dần được thầy cô, bạn bè biết đến càng hun đúc cho ước mơ trở thành một nhà văn của anh thành hiện thực để có thể viết nên được những vất vả, đói no quê mình. Anh ước quê hương mình có thể quan tâm đến chuyện học hành hơn nữa.

Tốt nghiệp THPT, vì quá vất vả nên Học không đủ sức để thi vào Khoa Báo chí (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn). Anh đành “neo đậu” học lễ tân trong Trường Trung học Nghiệp vụ du lịch Hà Nội. Đây cũng là thời gian Học có nhiều điều kiện để sáng tác hơn. Ra trường, anh bôn ba kiếm sống với đủ thứ nghề: bảo vệ, tiếp viên, nhân viên nhà nghỉ…

Trong những năm tháng ấy anh vẫn âm thầm ôm sách luyện thi đại học. Học cho biết, chính thời gian này đã tích lũy cho anh nhiều vốn sống, sự trưởng thành cả trong trường đời lẫn nghiệp viết sau này. Khi dành dụm được một ít tiền, Học thi vào Khoa Sáng tác – Lý luận phê bình văn học, Trường Viết văn Nguyễn Du (nay là ĐH Văn hóa Hà Nội).

Viết báo để nuôi văn

Trước hết, Nguyễn Văn Học bước vào nghề với niềm đam mê và khát vọng, đôi khi là cả sự dấn thân. Anh viết báo để nuôi văn. Học chia sẻ: “Viết và được đăng là nguồn động viên lớn, không chỉ giúp tôi có thể trang trải cuộc sống mà còn cho tôi thêm nghị lực để tiếp tục theo đuổi nghề.

Khi tốt nghiệp đại học, tất nhiên cần phải có một công việc, tôi không thể làm gì khác ngoài… làm báo, viết văn. Đây cũng là công việc đầy thử thách, nhiều hào hứng, hồi hộp xen lẫn những thất vọng, chán nản”. Khi vượt qua được khó khăn, ngòi bút càng trở nên vững vàng hơn.

Học luôn lăn xả, không ngại khó, ngại khổ để theo đuổi những đề tài mình thích. Nhiều chuyến tác nghiệp vùng sâu, vùng xa không cho anh thêm bài phóng sự xã hội sắc bén, đầy trăn trở về những vùng đất nghèo, khó khăn, thiếu thốn mà còn giúp anh chiêm nghiệm, tìm ra được những cốt truyện, những nhân vật trong đời thực để chuyển hóa nó thành tác phẩm văn chương.

Còn nhớ một lần năm 2011, một mình anh với chiếc xe máy cà tàng vượt hơn 500 cây số về Điện Biên, Lai Châu. Nghe đâu, chuyến công tác dài ngày ấy đã nuốt của anh hơn chục triệu đồng mà những đồng nhuận bút thu về “chả bõ tiền xăng” nhưng anh vẫn tâm niệm: “Đi được là điều đáng quý, đừng tính toán thiệt hơn. Làm báo, viết văn mà không đi, chẳng có cái gì trong bụng mà nghĩ với viết”. Âu đó cũng là đức tính tốt của một người làm báo!

Phải khẳng định một điều, trong tất cả những người đồng nghiệp mà tôi đã gặp, khó mấy ai có một bút lực dồi dào, đam mê và sống chết bằng “nghiệp viết lách” như Nguyễn Văn Học. Học viết khỏe, viết không ngừng nghỉ, viết như sợ không còn cơ hội để viết. Anh quý thời gian, quý tuổi trẻ, và có “Tâm” với nghề.

Với anh, hơn 10 năm trong nghề làm báo, viết văn, có bao giờ anh mơ màng chuyện nhận phong bao, lợi lộc để sớm sắm nhà lầu, xe sang giữa chốn Hà thành. Phải nói thẳng một điều, anh kiếm tiền bằng ngòi bút chân chính.

Ngay từ khi còn theo học khóa 8, Trường Viết văn Nguyễn Du, chàng trai sinh năm 1981 được bạn bè đặt cho biệt danh là “con gà trống biết đẻ trứng” vì bút lực khỏe nhất trường. Hồi đó nhờ viết lách, bài được đăng báo, Học không những đủ trang trải cuộc sống mà có tiền gửi về đỡ đần bố mẹ ở quê.

Trong một lần tác nghiệp vùng cao, anh nói với tôi: “Làm báo hay bất cứ nghề gì, nhiệt huyết là điều quan trọng nhất. Mình còn trẻ, hãy tận dụng thời gian này để dấn thân. Những trải nghiệm trên mỗi nơi ta đã đi, đã đến, đã gặp sẽ cho ta vốn sống và đề tài để viết”.

Anh nói là làm. Lúc này đây, khi đang làm việc trong một cơ quan “lão làng” của báo chí, anh vẫn “năng nhặt, chặt bị”, vẫn cần mẫn cộng tác viết từ mẩu tản văn, đôi chùm thơ hay một vài truyện ngắn. Với anh, văn chương và báo chí tuy tách bạch rõ ràng, không hề lẫn lộn nhưng luôn song hành, bổ trợ cho nhau.

Tôi quý anh, trân trọng ở anh đức tính sống nghị lực, cầu thị, luôn lắng nghe, học hỏi, quan sát và không hề “giấu nghề”, chính nhờ điều đó càng giúp anh có nhiều vốn sống, phục vụ cho công việc của mình. Tuy chọn cho mình con đường chẳng giống ai nhưng với lương tâm trong sáng cùng ngòi bút đầy tính nhân văn, bao năm qua, nhà báo, nhà văn Nguyễn Văn Học vẫn sống được bằng ngòi bút, tự lo cho mình học đại học, trợ cấp được cho gia đình khiến nhiều người kính nể.

“Tôi ước mơ nghề báo và kèm với chút năng khiếu, lúc nào tôi cũng được làm cái gì đó dính dáng đến… chữ nghĩa. Chỉ có làm báo mới đáp ứng được, có thể lấy báo nuôi văn, hai lĩnh vực cầm bút rất gần nhau, bổ trợ cho nhau. Thế là, chẳng có thứ nghề thời thượng nào kéo được tôi về phía nó. Mà đi làm nghề khác, chưa chắc tôi đã làm nổi” – nhà báo, nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ.

Các tiểu thuyết đã xuất bản của Nguyễn Văn Học:

Những cô gái bất hạnh (NXB Lao động 2007); Gái điếm (NXB Văn học 2008); Đường dài của hạnh phúc (NXB Công an nhân dân 2008); Rơi xuống vực sâu (NXB Công an nhân dân 2009); Bão người (NXB Công an nhân dân 2009); Cao bay xa chạy (NXB Hà Nội 2010); Hỗn danh (NXB Hội Nhà văn 2011); Hoa giang hồ (NXB Văn học 2011); Khi vết thương nằm xuống (NXB Văn học 2013).

Nguồn Thời báo Ngân hàng