Chúng tôi đặt chân đến Busan vào một ngày mùa Thu tháng 10, theo lời mời của Vietnam Airlines và Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam trong chương trình khám phá những dấu tích xưa cũ ở phía Nam Hàn Quốc.

Thành phố đầu tiên mà chúng tôi ghé thăm là Gyeongju – cố đô của Vương triều Silla cổ – cái nôi Phật giáo Hàn Quốc. Nếu như Việt Nam có cố đô Huế cổ kính, mộng mơ thì đối với Hàn Quốc, Gyeongju cũng luôn mang lại cho du khách một cảm giác thư thái nhẹ nhàng như vậy.

Như một bảo tàng mở không có tường bao, toàn bộ thành phố Gyeongju là nơi lưu lại những dấu tích của thành quách, cung điện, lăng mộ, các công trình chùa chiền mang đậm dấu ấn của một thời kỳ vàng son trong lịch sử đất nước này.

Chùa Bulguk-sa (Phật quốc tự) dựa mình vào ngọn núi Thoham-san, có lối kiến trúc vô cùng độc đáo, mô phỏng theo kiến trúc cung đình – một điều vô cùng đặc biệt chỉ có duy nhất ở chùa này.

Từ ngoài nhìn vào ngôi chùa có bức tường bao quanh giống như Tử Cấm thành, trong khuôn viên chùa có dãy hành lang giống như hành lang trong cung Gyeongbuk-gung tại Seoul, các hoa văn, màu sắc sử dụng trong chùa cũng đồng nhất với hoa văn và màu sắc sử dụng cho cung điện.

Sở dĩ có điều đặc biệt này là do Vương triều Silla lấy đạo Phật làm quốc đạo và các vua muốn thờ Phật trong cung điện cũng như muốn mình lúc nào cũng như được sống trong bầu không khí thanh tịnh của nhà chùa nên đã cố tình đồng nhất hai loại hình kiến trúc này ở mức tối đa.

Trong ánh nắng lấp lánh của buổi chiều, ngôi chùa hiện ra nguy nga tráng lệ, tất cả chúng tôi lặng người nhìn ngắm bức tranh tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã sử dụng hết phép mầu nhiệm của mình để vẽ lên.

Cùng với chùa Bulguk-sa, có một công trình khác cũng ghi nhận sự sáng tạo của người Hàn và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại, đó chính là Seokgul-am (Thạch động am).

Đường vào động đẹp như đường lên tiên cảnh với một bên là rừng phong đang thay lá, một bên là thung lũng với suối chảy róc rách, thỉnh thoảng lại có một vài chú sóc nghịch ngợm chuyền cành hoặc chạy băng ngang con đường mòn nhỏ.

Đi hết con đường dài khoảng 1km, chúng tôi thấy trước mặt là một quần thể kiến trúc điển hình thường gặp tại những ngôi chùa của Hàn Quốc: một khoảng sân rộng, một bể nước suối dẫn từ rừng về, gian điện thờ nằm bên phải, và ngay chính giữa là một “mái nhà” có phần thân được phủ bởi màu xanh của cỏ biếc, trông xa giống như hình dáng của một con rùa.

Đó chính là động Seokgul-am, một hang đá nhân tạo, được xây dựng nên để bảo vệ bức tượng Phật ngồi được chạm khắc tinh xảo ở bên trong. Hang được đắp bằng đá hình mái vòm và không có bất cứ một cột chống nào, bên ngoài cỏ vẫn mọc xanh um khiến từ ngoài nhìn vào hang đá giống như một mỏm đồi nhỏ hơn là một cái động. Tuy chỉ được ngắm mái vòm và bức tượng Phật từ bên ngoài tấm kính bảo vệ, chúng tôi cũng không khỏi ngưỡng mộ trước trí tuệ và sự sáng tạo của người xưa.

Rời hang động Seokgul-am khi Mặt trời đã dần xuống núi, chúng tôi tới thăm hồ An Áp Chi (anapji) hay còn gọi là Nguyệt Hồ (wolji). Trước đây hồ nằm trong khuôn viên của cung điện, được xây dựng từ năm 674 sau khi Vương triều Silla thống nhất tam quốc.

Giữa hồ có 3 đảo nhỏ, một đảo có hệ thống cấp nước, một đảo có hệ thống thoát nước và một đảo ở giữa xưa kia từng có bến thuyền để vua và hoàng tộc đi tham quan hồ. Giữa  hồ có Vọng Nguyệt lâu soi bóng xuống mặt nước trong vắt.

Nước hồ ở đây được thay liên tục nhờ hệ thống dẫn nước từ trên núi cao về và thoát nước theo đường khác cũng trở về núi. Hệ thống tuần hoàn này giúp cho nước hồ luôn trong sạch và mát lành. Hồ không hình tròn, vuông hay bán nguyệt như những hồ nhân tạo được xây theo phong thủy thông thường mà là sự kết hợp của những đường thẳng và đường cong như những lớp sóng nối tiếp nhau, tạo cảm giác đang đứng trước một đại dương rộng lớn thay vì một mặt hồ hạn hẹp.

Hôm đó ngày 14 âm lịch, trăng đã tròn và sáng lắm, Vọng Nguyệt lâu và một vài chòi gác quanh hồ cũng đã lên đèn, soi bóng hình xuống mặt hồ yên ả.

Cảnh sắc thật đáng kinh ngạc khi ánh đèn giúp cho bóng những công trình kiến trúc đổ xuống mặt hồ tạo thành một bức tranh đối xứng, trong giây lát tôi lặng người, không phân biệt được đâu là hình, đâu là ảnh… Chúng tôi dành thời gian đi dạo một vòng, cùng lắng nghe những câu chuyện lịch sử từ cô hướng dẫn viên tận tụy và đắm mình trong không gian cổ kính đến mê hoặc ấy.

Trời đã lạnh hơn nhiều so với một buổi tối mùa Thu, cả đoàn xuýt xoa chia nhau cốc cà phê nóng hổi từ chiếc máy bán hàng tự động và chuẩn bị về nghỉ sau một ngày tham quan và làm việc nhiều cảm xúc.

Cuốn nhật ký hành trình của tôi ngày hôm đó đã có thêm một Hàn Quốc cổ xưa và quyến rũ, để được gặp một Hàn Quốc khác nữa vào ngày hôm sau…

Theo Trang Lê – Thể thao & văn hóa cuối tuần

Exit mobile version