Hai đầu sách được bạn đọc đặc biệt yêu thích gần đây là Quân khu Nam Đồng và Nhật ký chuyên văn đều có một điểm chung: Làm sống dậy mảng ký ức tập thể (dù chỉ khu biệt trong một cộng đồng hẹp) và qua đó, người ta thấy một chân dung khác về người Hà Nội, không như chúng ta vẫn thường nghe nói, vừa hài hước, tếu táo và cũng có “máu liều” như ai…

Những “cá tính tập thể”

Tuy khác nhau về thể loại, nhưng có thể xếp hai cuốn sách này vào cùng thể ký, vì độ chân thực tới mức gần như không tìm thấy dấu vết hư cấu, ngay cả trong cuốn sách được gọi là truyện (Quân khu Nam Đồng). Khác chăng là Quân khu Nam Đồng được viết bởi một người (tác giả Bình Ca), còn Nhật ký chuyên văn được viết bởi một tập thể (lớp chuyên văn gồm 27 thành viên, khóa 1992 – 1995 của Trường Hà Nội – Amsterdam), hay còn được gọi là “những người chép sử lớp”.

Điểm thú vị không hẹn mà gặp là hai cuốn sách gần như hai vệt nối kế tiếp, chạy từ thời bao cấp (Quân khu Nam Đồng) đến những năm đầu nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường (Nhật ký chuyên văn), được thể hiện qua những lăng kính nhìn đời, nhìn người… âu yếm và hài hước. Một Hà Nội quen đấy mà lạ đấy, với những người trẻ thông minh, tếu táo; vừa trí thức lại vừa “bụi phủi”, duyên ơi là duyên; như ta đã từng thoáng gặp, lại như chưa từng gặp… Tất cả cùng lúc hiện về sống động trên những trang viết lạ bởi những cây bút dường như không định “làm văn”, mà chỉ đơn giản muốn được là “người chấp bút, hầu chuyện” cho thế hệ của mình, cái cộng đồng bé nhỏ từng là bầu khí quyển làm nên những cá – tính – tập – thể không trộn lẫn được vào đâu ấy của họ…

Nhật ký chuyên văn, nếu chỉ viết cho vui – như mục đích ban đầu của nó, và nay được tái bản, để làm hành trang kỷ niệm cho một nhóm bạn học cũ, thì sẽ không dễ gì được đông đảo bạn đọc đón nhận đến thế. Giá trị đáng kể hơn cả của Nhật ký chuyên văn, trong bối cảnh nền giáo dục nước nhà còn quá nhiều bất cập hiện nay, chính là đã toát lên một tinh thần giáo dục rất văn minh, trong trẻo: Người thầy tìm mọi cách kích thích học trò phát triển hết cá tính của mình, được nói lên tiếng nói của mình bằng cách này hay cách khác và ngược lại, học trò cũng “yêu thầy” theo một cách riêng của họ. Ẩn sâu sau đó chính là những triết lý giáo dục sâu sắc không bị cũ đi bởi thời gian, đáng để chính những người làm sư phạm hôm nay tìm đọc và suy ngẫm…

Sách hay từ người viết không chuyên

Hóm hỉnh còn hơn cả Nhật ký chuyên văn chính là những trang viết của tác giả Quân khu Nam Đồng, khi hào hứng tái hiện cuốn phim quay chậm (và quả nhiên đã nhận được rất nhiều lời mời dựng phim) về “những gã quân khu” vốn trước đây bị coi là tầng lớp ngỗ ngược, chỉ biết cậy uy của bố mẹ làm càn. Nhưng trong cuốn sách lấp lánh một thế hệ thanh niên tuy nghịch ngợm mà can đảm, có lý tưởng và cũng đầy lòng trắc ẩn.

Và sức hấp dẫn kỳ lạ của cuốn sách, nói như nhà văn Bảo Ninh khi viết lời dẫn cho Quân khu Nam Đồng, đó là: “Có thể thấy ngay rằng tác giả của Quân khu Nam Đồng không phải một nhà văn, hoặc chí ít không phải là nhà văn chuyên nghiệp, bởi lẽ chuyên nghiệp viết văn thì không nhìn, không kể, không viết được như vậy. Phóng khoáng, mạnh bạo, dạn dĩ viết, không tự gò mình vào những khuôn phép văn chương, không tránh né những chông gai hầm hố của hiện thực từng có trong số phận con người và trong xã hội một thời, nhưng cũng không tô vẽ, bôi đen phủ hồng sự thật. Tóm lại, chân thực, hồn nhiên, tự nhiên nhi nhiên là đặc điểm nổi bật của văn phong tác giả…”.

Trong khi không ít cuốn hồi ký, tự truyện đã và “dọa” là sẽ viết, có thể nhằm mục đích “khoe khéo” hay “cạnh khóe” một ai đó, thì cái cách những người “chép sử nghiệp dư” này hồn nhiên viết, hồn nhiên trở lại thời “nhất quỷ nhì ma” của mình… như trong Quân khu Nam Đồng và Nhật ký chuyên văn – quả thật dễ thương và đáng quý! Tuy thô nhám, gộc gạc đấy, mà cũng trong trẻo, tinh tế làm sao, tựa hồ những giọt nước cất…

Hẳn cũng bởi người viết không ôm nhiều tham vọng “làm nghề”, thế mà những gì họ nhận được từ bạn đọc lại chính là một thứ “lộc nghề” theo kiểu “xởi lởi trời cho”, không “tham” thì sẽ không “thâm” vậy!

Vì “hồn nhiên”, cho nên họ mới được “bình yên” đến thế, trong lòng người đọc!

Theo Nguyên Lê – Nhân dân online