“Những quý hiếm thường được chất chứa và ẩn kín phía bên trong. Đó là tiềm ẩn của một nội lực vô biên. Không phải ai cũng có được sức mạnh ấy”.

Nhờ nghiệp viết lách mà tôi có may mắn đến được với nhiều miền đất nước – từ Nam chí Bắc, từ biển lên rừng, từ đồng bằng đến thung sâu. Tôi đã có dịp băng qua những dốc đèo cheo leo, những ghềnh thác hiểm nguy, những cánh đồng vàng ngút mắt và những dòng sông thơ mộng. Tôi đã gặp biết bao gương mặt hiền hậu thân thương – họ là những trang sách, những vốn sống quý cho tôi “gom nhặt” không biết mệt mỏi. Chính nhờ đôi chân không chịu ngơi nghỉ mà tôi có được những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời. Nó là những vần thơ, những bài ca không lời luôn khiến lòng dạ tôi xao xuyến mỗi khi nhớ đến.            

Tất cả đối với tôi đều đang ở phía trước, nên lòng đầy say mê cùng đôi chân dấn bước chẳng quản ngại điều gì. Có thể vì tôi đã cảm thấy ở đó là chân trời, là gió mới, là nguồn năng lượng vô tận cần phải tìm kiếm để tự tiếp sức cho mình. Nhờ vậy mà trái tim tôi luôn được dưỡng nuôi bằng hơi thở chân thực của cuộc sống muôn màu nghìn vẻ. Trái tim ấy đã biết lắng nghe, biết yêu biết ghét, biết buồn biết đau trước những nỗi đời oan trái. Và nó cũng biết xao xác khi nghe tiếng lá khô vụn vỡ dưới những bàn chân vô cảm…

Đến cuối đời, tôi bỗng ngoái nhìn những dặm đường mình đã qua – bao nhiêu nơi chốn, bao nhiêu gương mặt hiện lên chẳng mờ nhạt chút nào. Tôi nhớ họ nhiều lắm! Có lẽ đành gác lại những lần đi mà lòng tôi hằng chất chứa, vì làm sao chuyển tải hết cho được. Chỉ xin kể lại dặm đường đầu tiên mà tôi cho là dấu mốc quan trọng. Nó như chiếc chìa khóa nhiệm mầu mở toang cánh cửa đời sống mà tôi đang hăm hở bước vào với cái nghiệp cầm bút.

Dạo ấy tôi mới tốt nghiệp trung cấp trường Âm Nhạc Việt Nam với chuyên môn Flũte; được Ban Tuyên huấn Trung ương điều về làm việc tại  Đài Phát thanh Giải phóng (CP. 90). Khi đó tôi chưa được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Về sáng tác âm nhạc thì tôi còn non nớt lắm. Nhưng rất mừng là những sáng tác đầu tay của tôi cũng đã được Hội đồng nghệ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam chấp nhận và liên tục phát sóng trong thời kỳ “tiếng hát át tiếng bom” này. Vậy là tôi thêm phấn khích và mạnh dạn bước tiếp con đường mình phải đi.

Thời kỳ đó, nhạc sĩ Triều Dâng mới từ đoàn Ca múa miền Nam chuyển về Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, làm thư ký Hội đồng duyệt nhạc. Những sáng tác của các nhạc sĩ khắp nơi gửi về cho Đài đều phải qua tay anh vào sổ sách để theo dõi, sơ chọn tác phẩm đưa ra Hội đồng. Trước khi trình duyệt, anh có trách nhiệm phải thuyết trình trước Hội đồng lý do của từng bài bị loại và từng bài đã được thẩm định để Hội đồng duyệt tác phẩm trên piano và cho quyết định cuối cùng. Những bài được ký duyệt, anh cũng là người được phân công trực tiếp biên tập dàn dựng tác phẩm tại phòng thu nhạc 58 phố Quán Sứ. Nhờ vậy mà các sáng tác của tôi đã lọt vào mắt anh. Qua tác phẩm, anh đã nhìn thấy điều gì đó ở tôi cần được sự động viên, khích lệ hơn nữa.

Chuyến đi thực tế sáng tác đầu tiên này của tôi cũng vậy. Anh không chút ngần ngại đưa tôi đến gặp các nhạc sĩ đàn anh như Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Tý và Văn Ký… Đó là những người trước đấy tôi chỉ được nghe giới thiệu trên sóng phát thanh qua tác phẩm của họ mà thôi, nay không ngờ lại được gặp gỡ trực tiếp. Nhất là họ lại lắng nghe những sáng tác mới của tôi nữa. Điều đó khiến tôi bất ngờ và cảm động vô cùng.

Anh Triều Dâng có dịp đọc được nhiều bài vở của tôi gửi tới Đài nên có nhận xét khá tốt, và đã đề nghị các anh cho tôi được cùng đi thực tế trong chuyến Hưng Yên sắp tới. Thật may mắn, tôi đã được Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Nhuận(*) chấp thuận mà không phải qua một thử thách nào.

Từ trái sang: bí thư tỉnh ủy Lê Quý Quỳnh cùng các nhạc sĩ: Phúc Minh, Nguyễn Liệu, Vĩnh Cát, Trương Tuyết Mai.


Hai giờ sáng một ngày đầu tháng 8 năm 1967, anh em tôi đi bộ tới nơi tập trung. Đoạn đường từ Đài tiếng nói Việt Nam đến trụ sở Hội Nhạc sĩ Việt Nam không xa lắm. Chúng tôi ba lô gọn gàng trên vai, anh Triều Dâng còn mang theo đàn guitare. Mọi thứ đều rất gọn nhẹ cho chuyến thực tế mười ngày. Dịp tốt này đến với tôi quá hy hữu, vì đã trùng khớp với kế hoạch nghỉ phép của đoàn Ca nhạc A8(**). Tôi là một thành viên của dàn nhạc, không có

lý do riêng tư nào để biện minh cho sự vắng mặt của mình khi dàn nhạc vẫn hoạt động bình thường. Đã làm nghề diễn viên thì phải chịu sự chi phối của tập thể trong vấn đề phép tắc như vậy đó. Hơn nữa, đơn vị tôi cần giữ gìn bí mật, yêu cầu mỗi thành viên chỉ được biết công việc của mình. Hết sức hạn chế tiếp xúc với bên ngoài vì những mối quan hệ khác.

Giờ này Hà Nội đang trong giấc ngủ say. Đường phố thật im ắng, có thể nghe rõ tiếng gió cuốn những chiếc lá khô lào rào trên mặt đường. Hai anh em cứ lững thững đi trong tĩnh lặng, không ai dám lên tiếng vì sợ làm xao động giấc ngủ của ai đó. Dù ở Thủ đô, nhưng chốc chốc loa phóng thanh lại vang lên lời cảnh báo: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Có máy bay giặc Mỹ cách vùng trới Hà Nội 50 ki lô mét…” Và còi báo động lập tức hú vang, róng riết. Ai nấy phải choàng thức để mau mau xuống hầm trú ẩn…

Khoảng hai mươi phút sau anh em tôi đã có mặt tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Không ngờ các anh La Thăng, Vĩnh Cát, Lưu Bách Thụ, Vũ Thanh, Văn Lưu, Nguyễn Liệu… cũng đã có mặt, chỉ còn thiếu anh Đỗ Nhuận nữa thôi. Nghe nói trên đường đi, lái xe sẽ ghé qua nhà đón anh ở 65 đường Nguyễn Thái Học. Anh là trưởng đoàn của chúng tôi thì đâu thể vắng mặt được.

Đoàn đi thực tế kỳ này chỉ có mười người. Vậy là có thể khởi hành được rồi. Phải đảm bảo an toàn cho đoàn nhạc sĩ tới Hưng Yên trước khi trời sáng. Hết sức tránh quy luật oanh tạc của không lực Mỹ. Chẳng phải hành quân gian khổ như chiến sĩ vượt Trường Sơn, nhưng đoàn chúng tôi cũng đang đi về phía trước; âm thầm lặng lẽ trong khuya khoắt.

* * *

Hưng Yên ngày đó cũng giống như những nơi khác khắp miền Bắc. Tất cả các cơ quan nhà nước đều phải sơ tán về những vùng quê hẻo lánh hơn để bảo toàn lực lượng. Những nơi công quyền, trường học và chợ búa… đều vắng vẻ. Nhưng không phải vì thế mà đoàn nhạc sĩ chúng tôi bị Hưng Yên bỏ quên. Họ có cách đón tiếp riêng của mình mà không hề kém phần nồng hậu. Chẳng hiểu tại sao trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng ấy mà Bí thư Tỉnh ủy Lê Quý Quỳnh cùng nhiều lãnh đạo khác của Ủy ban nhân dân tỉnh đều có mặt đón tiếp chúng tôi thân tình đến thế. Ai cũng hân hoan niềm nở tay bắt mặt mừng.

Chúng tôi được bố trí ở trong khu nhà tập thể Văn công tỉnh Hưng Yên. Cả đoàn đã đi sơ tán hết. Vắng vẻ quá. Nơi đây là hai dãy nhà lá được ngăn làm nhiều phòng nhỏ cho diễn viên tá túc. Nối hai đầu dãy nhà là một gian phòng rộng lớn khang trang hơn, hình như là nơi họp hành và luyện tập của đoàn. Tôi được ở một phòng đầu dãy nhà ngoài, giáp bờ sông.

Chỉ là con sông nhỏ không tên, nhưng tôi vẫn nhớ nó lắm. Đặc biệt là rặng ổi ven bờ, cây nào cũng nghiêng nghiêng xuống mặt nước, trái chín trĩu cành, thơm nức. Mỗi sáng, tôi đều dậy thật sớm để chuyền từ cành này sang nhánh nọ, với hái những trái chín thơm, tươi mỡn để mọi người điểm tâm. Khi các anh ngủ dậy đã có một “nón ổi” chờ sẵn, mời gọi. Ai thích thì cứ thoải mái tự nhiên. Cả đoàn hầu như được điểm tâm bằng ổi mỗi buổi sáng như thế, anh nào dạ dày không chịu nổi thì ráng nhịn đói, vì đâu có thứ gì khác. Hưng Yên cố gắng đảm bảo cho chúng tôi hai bữa cơm trong ngày là tuyệt lắm rồi.

Tôi nhớ hoài ngày làm việc thứ hai của đoàn, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quý Quỳnh trực tiếp đưa chúng tôi đi thăm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đây là điểm sáng, là niềm tự hào của Hưng Yên, là công trình thủy lợi lớn nhất, danh tiếng nhất của miền Bắc thời bấy giờ. Với dáng đi tự tin mạnh mẽ, hai cánh tay thì luôn vươn ra các hướng chỉ trỏ bao quát. Ông hào hứng kể về sự hình thành hệ thống thủy lợi này bằng sức người vĩ đại như thế nào, công dụng và hiệu quả của nó trên những cánh đồng miền Bắc kỳ diệu ra sao… Rồi ông kể về quá trình lịch sử của quê hương mình với gương mặt sáng rỡ và niềm say mê, hứng khởi khó tả… Tôi thật sự bị ông quyến rũ. Niềm tự hào xứ sở, lòng tin con người và tình yêu quê hương của ông như đã truyền qua tôi thật tự nhiên, hồn hậu. Và hình như tôi cũng đã giành tình yêu của mình cho Hưng Yên từ ngày đó.

Những ngày kế tiếp là những lần lội ruộng thăm đồng, thăm bãi. Nhìn dòng phù sa cuồn cuộn, thong dong tuôn đổ đầy ắp cánh đồng, tín hiệu của những mùa vụ no đủ nắm chắc trong tay. Đoàn còn được hướng dẫn tới thăm những vườn nhãn lồng, vườn vải thiều xanh um ngút mắt, trĩu cành trái chín thơm lành. Rồi thăm cả những vùng nuôi cá, nuôi ong, thăm Hùng Cường “làng nổi”(***) v.vv..

Tôi nhớ “làng nổi” Hùng Cường lắm. Muốn ra tới đó phải vượt sông Hồng mênh mông. Mà con sông Hồng mùa này lại cuộn xoáy dữ dội. Chúng tôi không thể ngồi thuyền nan để tới Hùng Cường một cách an toàn được. Phải dùng ca nô thì mới yên tâm. Nhưng lấy đâu ra ca nô trong thời buổi ấy cơ chứ. Nan giải quá. Mọi người đành phải chờ. Chắc sẽ có cách. Nghe nói Hưng Yên đã chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi thực tế này rồi. Cũng nhờ chờ đợi lâu như vậy mà tôi đã có dịp chứng kiến cảnh bờ sông sụt lở, nó dữ dằng và kinh hoàng biết chừng nào.

Vì không biết khúc sông ấy thường xuyên sụt lở nên anh Đỗ Nhuận, anh Lưu Bách Thụ và tôi cứ ung dung đứng chuyện trò trên bờ đất thẳng đứng sát mép sông, thả hồn phiêu diêu cùng trời mây sông nước. Không ai để ý chút gì tới chân sóng đang sùng sục phía dưới chân mình, nó đang  khoét hàm ếch… Chỉ cần “ầm” một tiếng là nhiều sự sẽ tan biến, là một diện tích không hề nhỏ bị dìm dưới dòng sâu – tất nhiên kéo theo cả ba anh em tôi nữa. May quá, một anh Hưng Yên kịp phát hiện. Anh vừa hét toáng vừa chạy như bay ra mép sông, vừa xô đẩy vừa lôi kéo chúng tôi chạy thật xa bờ. Liền sau đó, chỉ trong chớp mắt thôi, những gì phải xảy ra, nó đã bày hết trước mặt… Đó là nỗi kinh hoàng không dễ phai mờ trong những chuyến đi của tôi.

Khi trời đã xế chiều, chúng tôi cũng vượt được sông Hồng để đặt chân lên “làng nổi”. Hồi ấy, hầu như nhà nào của Hùng Cường cũng trồng đay. Khắp xã tỏa ra một thứ mùi rất khó chịu. Không khí nồng, khẳm và ngợp lắm. Mùi đó bốc lên từ những ao hồ và những vũng nước đọng dùng để ngâm đay. Nó cứ phảng phất trong gió, có lúc nồng nặc không thở được vì những cơn gió mạnh sục mặt nước hồ ao lên… Tôi hiểu rồi, muốn có sợi đay, sau khi thu hoạch về, vỏ đay nhất thiết phải qua công đoạn này. Lâu thành quen. Người dân Hùng Cường chấp nhận sống chung với thứ mùi đặc biệt đó chứ đâu có cách nào, vì công việc ấy đem lại sự sống cho mỗi nhà cơ mà. Cũng chưa có ai hơi đâu quan tâm đến môi trường, vì còn nhiều việc cấp thiết phải lo toan. Vả lại, để tồn tại được, con người Hùng Cường xưa nay đã phải trải quá nhiều hoàn cảnh sống vô cùng khắc nghiệt, nên dù như vậy cũng chẳng phải là việc đáng bức xúc.

Cũng nhờ đến với Hùng Cường mà tôi hiểu được những thành ngữ quá đặc biệt của nơi này – những thành ngữ được đúc rút từ bao đời, đẫm đầy nước mắt. Đó là: “Váy ngắn chân chì”; đó là: “Sống ngâm da, chết ngâm xương!”… Trước khi có con đê bao quanh xã, những thế hệ người Hùng Cường đã phải chịu đựng triền miên cảnh sống đó. Nước ngập tràn lênh láng gần như quanh năm suốt tháng, phụ nữ ở đây hầu như không mặc quần mà mặc váy cho tiện. Mặc váy thì guộng cao lên không bị vướng đũng, phần váy còn lại đủ che chỗ kín là được rồi. Suốt ngày làm lụng lam lũ ngoài đồng, chân ngập trong bùn, trong nước phèn đen đúa chẳng khác mấy với màu chì.

Nhà nào không may có người mất, thì ôi thôi, làm gì có đất khô ráo để chôn cất. Dù là cha mẹ, anh em hay ông bà cũng đành phải ngâm da ngâm xương thôi. Người Hùng Cường kể rằng: Người ta đóng bốn cây cọc thật sâu dưới nước, diện tích giữa các cọc vừa đủ cho một cái huyệt, rồi đặt quan tài người qúa cố vào đó. Nhà nào nghèo quá không thể có áo quan thì tìm cách chằng buộc thi thể cho kỹ lưỡng giữa bốn cây cọc. Nếu không thì đêm hôm, thi thể sẽ bị trôi theo sóng, lang thang mà người nhà không hay biết. Cứ phải chấp nhận như vậy và chờ cho nước rút, nhưng không biết tới khi nào… Rồi nước để ăn uống nữa chứ! Làm sao đào được giếng giữa cảnh mênh mông nước thế này! Hãy thử hình dung đi. Có phải cùng cực lắm không! Vì chỉ còn cách uống nước ngâm da ngâm xương chứ lấy đâu ra thứ nước nào khác!

Thế mới biết tại sao nhà nước đã vinh danh chị Phạm Thị Vách là anh hùng lao động. Chính người nữ thanh niên ấy đã không cam chịu cảnh sống cùng cực bao đời nay của quê hương mình. Và cô là ngọn cờ đầu, là tấm gương sáng cho thanh niên toàn xã noi theo. Những người thanh niên Hùng Cường đã làm theo lời Bác: “Đào núi và lấp biển, quyết chí cũng làm nên”. Họ trân trọng cất giữ niềm tin đó trong tim và hành động dũng cảm, ngoan cường trước sự cản ngăn, ngờ vực của không ít người. Những người già rất sợ cảnh “dã tràng xe cát”, tốn hao tiền của, sức lực mà sẽ chẳng nên công cán gì. Sẽ uổng phí và thất vọng tràn trề mà thôi. Đắp con đê bao quanh cho toàn cù lao Hùng Cường là một việc táo bạo, viễn vong. Xưa nay chưa ai dám nghĩ tới chứ nói chi đến hành động. Vậy mà Phạm Thị Vách và đồng chí của mình đã làm được. Công trình đã hoàn thành với biết bao sững sờ và biết bao hân hoan chào đón của mọi người. Mắt ai cũng ngấn lệ. Vì nó không còn là ước mơ, là khát vọng ấp ủ trong lòng của bao đời nữa, mà là sự thật hiển hiện, một sự thật sờ nắm được trong tay một cách chắc chắn.

Và Hùng Cường ngày chúng tôi đến là thế. Chị Phạm Thị Vách đưa đoàn  đi thăm khắp làng trên xóm dưới qua những con đường khang trang, khô ráo sạch sẽ. Một hòa sắc tuyệt vời trước mắt tôi là trời trong mây trắng nắng vàng, và tiếng chim hót lảnh lót trên những cánh đồng đay xanh mướt. Tôi thanh thản dạo bước bên chị, nhìn chị hăm hở nói cười, giới thiệu với chúng tôi những đổi thay, những phát triển nhanh chóng của quê hương mình từ ngày có con đê bao. Đứng rất gần bên chị mà tôi chỉ nghe thoáng thoáng. Sự chăm chú của tôi đang tập trung vào một tiêu điểm khác. Tiêu điểm ấy mang tên Phạm Thị Vách. Chị không đẹp nhưng rất có duyên; chị không cao lớn, chắc nịch như những cô gái quê ta thường gặp, mà chị là một phụ nữ nhỏ nhắn, hiền hòa vui vẻ. Tôi thoáng chút ngờ vực: “Người phụ nữ này là Phạm Thị Vách của con đê bao ấy sao?” Chẳng toát lên chút gì là mạnh mẽ kiên cường. Vậy mà đã làm nên kỳ tích. Hóa ra những quý hiếm thường được chất chứa và ẩn kín phía bên trong. Đó là tiềm ẩn của một nội lực vô biên. Không phải ai cũng có được sức mạnh ấy

Đã qua 10 ngày thực tế trên quê hương Hưng Yên, mỗi người đều thâu nhận được nhiều điều bổ ích, và vốn sống chắc chắn cũng giàu có thêm lên. Riêng tôi, có lẽ vì lần đầu tiên nên những gì đã nghe, đã thấy cũng đều rất mới mẻ và quý báu. Tôi thích thú thâu nhận và ôm hết vào lòng. Trân trọng!.

Trước khi chia tay ai về nhà nấy, anh Đỗ Nhuận không quên dặn dò: “Các cậu nhớ nhé, năm ngày nữa sẽ tập trung tại phòng họp của Hội để báo cáo tác phẩm. Tuyết Mai cũng cố gắng viết để hôm đó hát cùng với các anh cho vui”.

Tôi sững người vì bất ngờ:

– Tuyết Mai cũng được báo cáo tác phẩm hả anh? Em tưởng chỉ được theo các anh đi thực tế thôi chứ. Vả lại, em “ngoại đạo” mà!

– Ơ cái cô này! Đã đi thì phải viết. Hay dở chưa biết. Không phân biệt “ngoại đạo, trong đạo” gì hết. Cô phải cố gắng.

– Nhưng em sợ lắm. Giữa các “tiền bối”, làm sao em dám. Hơn nữa em chưa viết theo cách này bao giờ.

– Vì vậy nên càng phải cố gắng. Trên đời có gì tự nhiên mà được không?

Tôi ngượng ngùng “dạ vâng” rồi tủm tỉm mãi. Trong lòng hân hoan nhảy múa, nhưng cũng lo lắng vô cùng. Không biết liệu mình có viết nổi.

Thật ra, tôi đã nhiều đêm trăn trở và vui buồn cùng Hưng Yên. Đã ấp ủ nhiều ý tưởng, cũng đã tâm đắc với hai đề tài. Tôi sẽ viết. Tất nhiên rồi. Tôi sẽ làm từ từ chứ đâu nhất thiết phải gấp gáp quá. Nhưng anh Đỗ Nhuận đã nói thế, khiến tôi thật khó xử. Tôi hiểu anh đã tạo điều kiện cho tôi, đồng thời cũng là một cách thử thách. Lẽ nào tôi không thể vượt qua. Thời gian lại không có nhiều. Sau chuyến đi là tôi phải trở lại làm việc cùng với đoàn ca nhạc A8 ngay. Buổi tối thì phải dành cho các con. Vậy tôi sẽ viết vào lúc nào được đây. Đành phải thức khuya thôi. Đương nhiên rồi!…

Sau không ít thời gian trăn trở, tôi quyết định chọn thủy lợi để viết. Ca khúc này phải đậm đà âm hưởng của dân ca đồng bằng Bắc bộ thì mới phù hợp. Tôi cần nghiên cứu và thể hiện điều đó trong tác phẩm của mình. Phải quan tâm chăm chút chủ đề âm nhạc, tạo dựng hình tượng và tập trung tình cảm trong quá trình phát triển. Nghĩ được vậy, tôi cảm thấy yên lòng và tự tin hơn. Ý tưởng và phương hướng đã có rồi, nhất định tôi sẽ làm được.

Và, tôi viết…

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai và dàn kèn


Ngày quan trọng của tôi cũng đã đến. Phòng họp của Hội Nhạc sĩ Việt Nam ở lầu một tòa nhà 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Các nhạc sĩ có mặt rất đúng giờ. Phòng họp đã kín hết chỗ. Riêng nhạc sĩ trong đoàn đi thực tế vừa rồi thì ngồi lên phía trước, gần đàn piano. Tôi cũng rụt rè ngồi xuống ghế của mình, quan sát, lắng nghe.

Anh Đỗ Nhuận nói vài lời mở đầu và giới thiệu một số nhân vật quan trọng trong buổi họp đó. Rồi anh trình bày đôi nét đặc trưng của chuyến đi thực tế Hưng Yên vừa qua. Tôi cũng được anh nhắc tới trong mấy lời đầu tiên đó. Có lẽ vì lạ, vì không bình thường với mọi người. Bởi xưa nay có bóng dáng phụ nữ trong các cuộc họp mặt tương tự thế này đâu.

Phần báo cáo tác phẩm được diễn ra liền sau đó. Các nhạc sĩ phải tự trình bày sáng tác của mình với piano. Hoàn toàn không có âm thanh ánh sáng, không dàn nhạc, cũng không có ca sĩ nào trợ giúp. Tôi lo lắng vì đâu phải nhạc sĩ nào cũng hát được. Nhưng yêu cầu thế thì mọi người phải tuân thủ thôi. Trước khi hát, nhạc sĩ phải giới thiệu ý đồ âm nhạc và nội dung tác phẩm của mình để mọi người dễ dàng theo dõi. Tôi thích thú lắng nghe từng tác phẩm của các anh, mỗi bài một vẻ, tươi vui yêu đời và rất xúc động. Tôi ấn tượng sâu sắc với “Cá lội đồng xanh” của nhạc sĩ Vũ Thanh, “Phù sa về đồng” của nhạc sĩ Văn Lưu, “Trận tuyến đồng xanh” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Các anh phát hiện và phát triển vấn đề thật là tuyệt. Ca từ gần gủi, giản dị mà sâu sắc, dễ thương vô cùng. Âm nhạc của các bài đều nhuần nhuyễn tính dân tộc đầy sáng tạo, không hề thấy sượng sạo một chút nào.

Đến lượt mình, tôi cũng làm theo tuần tự như qui định, nhưng nhút nhát, ngượng ngập chứ không mạnh dạn tự tin như các anh. Sáng tác của tôi có tên: “Tiếng hát trên đê”. Đoạn 1: Âm nhạc tạo không gian thoáng đãng, rộng dài mênh mông cùng với giai điệu ngâm ngợi, tha thiết: “Quê hương ơi, từ ngày đón nước về/ lúa xanh mườn mượt tận chân đê/ đâu còn lúa ngô khát nước/ đâu còn đất nẻ chân chim…”. Đoạn 2: Tôi dùng âm nhạc và lời ca đặc tả tinh thần lao động nhiệt tình sôi nổi của hàng ngàn người trên công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải, với tiết tấu nhanh tạo dựng sự gấp gáp, hối hả, nhiệt thành… Giai điệu của bài thoáng ẩn thoáng hiện âm hưởng dân gian đồng bằng Bắc bộ chứ không rõ ràng một làn điệu nào cụ thể. Tôi thích cách làm đó. Và, tôi đã hát nó lên trước các nhạc sĩ chuyên nghiệp. Không ngờ khi cất tiếng hát thì tôi chẳng còn chút rụt rè nào nữa. Tôi mở lòng, hào hứng trổ hết những gì có thể. Và tôi đã nhận về những tràng pháo tay bất ngờ cùng những lời nhận xét khích lệ, chí tình.

Đó là món quà vô giá cho tinh thần tôi. Đủ làm ấm trái tim và nâng đỡ bước chân tôi trên con đường dài hun hút phía trước. Sau chuyến đi thực tế ấy, tôi có thêm nhiều chục chuyến đi khác nữa. Mỗi chuyến là những bài ca không lời bất tận, nhưng chuyến đầu tiên ấy cứ mãi ghi dấu suốt hành trình của tôi. Thế mới biết, điều gì đã đến với ta lần đầu tiên, cũng đều không dễ phai mờ!. 

………………………………………………………………………………………………….

(*) Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 1 & 2 (1957 – 1983)

(**) Phiên hiệu của Đoàn ca nhạc Đài phát thanh giải phóng (CP.90) thời ấy.

(***) Là tên một phim nhựa nói về công trình thủy lợi nổi tiếng của xã Hùng Cường thời đó, có nữ anh hùng lao động Phạm Thị Vách rất điển hình.


Nhà sáng tác Vũng Tàu, 30.10.2015

 

Theo Hội Nhà văn Việt Nam