Có những ngày bạn chỉ muốn nằm ngay tại giường, khó nhọc lắm mới lết dậy nổi và ngay cả những việc đơn giản dường như phải cố gắng lắm bạn mới làm được, những thứ vặt vãnh cũng có thể khiến bạn bật khóc và sự sỉ nhục dường như rình rập ở mọi ngóc ngách…
Cái tâm trạng đen tối ấy thật ra lại có thể hữu ích!
Đó là điều khẳng định của Stefan Klein, tác giả của Sáu tỉ đường đến hạnh phúc (*), trên những cơ sở khoa học hẳn hoi.
Là một nhà báo khoa học có bằng tiến sĩ về ngành lý – sinh học, Stefan Klein đã tổng hợp chi tiết những nghiên cứu khoa học về não bộ và tâm lý học để tìm ra liên kết sinh học giữa cơ thể con người và cảm giác hạnh phúc.
Từ đó, Stefan Klein đưa ra những gợi ý thực tiễn cho người đọc thông qua việc thấu hiểu những nhu cầu của cơ thể và tạo dựng những thói quen mỗi ngày có lợi cho đời sống tinh thần.
“Ông sẽ làm gì nếu bỗng nhiên có một triệu mac?” – nhà ngân hàng Đức Josef Abs từng được hỏi. Ông ta trả lời: “Tôi thật sự phải trả bớt lại” |
Đau khổ cũng là tín hiệu!
Chẳng hạn như trong tâm trạng “địa ngục” vừa nói ở trên – một biểu hiện của chứng trầm cảm, Stefan Klein chỉ ra rằng chứng trầm cảm chính là một cơ chế tiết kiệm năng lượng của cơ thể.
Cảm giác đau khổ, mất mát là cần thiết, như một tín hiệu gợi nhắc chúng ta rằng có những mục tiêu không còn hữu dụng nữa. Nó giúp con người từ bỏ những điều không còn có lợi để tập trung vào những việc cần thiết hơn. Tuy nhiên, đây là một cơ chế nguy hiểm vì bản thân nó là một cỗ máy đầy sức sống.
Với mối nguy này, tác giả nhấn mạnh rằng việc xả giận và xả buồn không có hiệu quả về mặt khoa học. Càng tập trung vào nỗi đau thì người ta càng trở nên dễ tổn thương, càng khóc và càng xả giận thì con người sẽ bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của cảm giác buồn bực, u sầu, chán nản.
Khi trạng thái này kéo dài nó khiến con người buông xuôi và trở thành nạn nhân của thói “tập nhiễm tuyệt vọng” (learned helplessness), khiến người ta từ bỏ việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề.
Não bộ con người cũng bị ảnh hưởng không nhỏ trong tình trạng căng thẳng kéo dài, chất xám bị giết chết và não mất đi khả năng phân tích, tư duy.
Nhằm tránh cho tình trạng này xảy ra, Stefan Klein nhấn mạnh rằng thói quen sử dụng não ảnh hưởng rất quan trọng đến hạnh phúc, và điều quan trọng là tạo được thói quen sống tích cực.
Bàn về khả năng thích nghi linh hoạt của bộ não, tác giả đề cao phương pháp “luyện tập hạnh phúc” của các triết gia Hi Lạp và La Mã xưa, những người đã luyện tập cho học trò các thói quen để hướng về hạnh phúc và quên đi cảm giác tiêu cực.
Vì não bộ có thể tái lập trình, chúng ta có thể tạo cho mình thói quen hướng suy nghĩ về những điều tích cực, đồng thời chủ động kiểm soát các phản ứng tiêu cực của cơ thể. Khi được luyện tập liên tục, ta có thể làm yếu đi kết nối thần kinh giữa các kích thích làm ta không vui và cảm xúc tiêu cực trong lòng ta.
Theo thời gian, ta có thể xử lý cảm xúc của mình dễ dàng hơn và không cảm thấy quá u uất khi một chuyện không hay xảy đến.
Không phải tiền bạc, mà là làm chủ chính mình
Sáu tỉ đường đến hạnh phúc cũng chỉ ra liên kết giữa đời sống cộng đồng và hạnh phúc cá nhân. Có bạn bè tốt giúp ta tăng tuổi thọ và mau lành bệnh, trong khi đó nguy cơ tử vong của người sống cô độc cao hơn cả nguy cơ của người nghiện thuốc lá.
Mối liên kết với hạnh phúc còn trải rộng ra ở sự công bằng xã hội và tính dân chủ của một quốc gia.
Tương tự, ở những quốc gia mà người dân có thể trực tiếp quản lý đời sống cộng đồng thì mức hài lòng của họ cũng cao hơn. Không phải tiền bạc, mà việc có thể làm chủ đời sống mới là nấc thang đưa người ta tới gần hơn với hạnh phúc.
Thông thái, súc tích với lối viết gãy gọn, thẳng thắn, Sáu tỉ đường đến hạnh phúc là một quyển sách khoa học thú vị và dễ đọc. Stefan Klein đã kết hợp nhuần nhuyễn kinh nghiệm làm khoa học và làm báo để xử lý những hiểu biết chuyên ngành phức tạp thành những thông tin hữu dụng, dễ tiếp cận.
Với nguồn tư liệu dày đặc, tác giả đã chạm đến những vấn đề cơ bản nhất của đời sống con người như niềm đam mê, sự ham muốn, tình yêu, tình bạn, sự ghen tị và những kỳ vọng để đưa ra chiến lược khoa học đi tới hạnh phúc.
Điều quan trọng, như tác giả nhấn mạnh, hạnh phúc không phải là con đường độc đạo. Mỗi chúng ta có thể tìm ra những thói quen hạnh phúc thích hợp với mình, và với 6 tỉ người trên thế giới, ta có 6 tỉ con đường đi đến hạnh phúc: Quyển sách được xuất bản vào năm 2002, khi đó dân số thế giới có khoảng 6 tỉ người!
(*): Từ bản tiếng Anh How our brain make us happy – and What we can do to get happier, Stefan Klein, Nguyễn Thành Đạt dịch, NXB Thế Giới và Nhã Nam xuất bản.
Theo Nguyên Anh (Tuổi trẻ Online)