Sáng thứ 2, khi tôi đang quay cuồng với một mớ “deadline” cuối năm thì mẹ già ở quê gọi.
Thấy chữ “Mẹ” hiện lên trong điện thoại là tôi muốn thở dài, trong đầu nghĩ nhanh: Lại hỏi mùng mấy về đây mà, lại nhắc mang áo ấm về cho tụi nhỏ, lại năn nỉ ở lại quê chơi lâu hơn năm ngoái, lại đủ thứ lẩm cẩm của người già. Chuông reo thêm một hồi tôi bốc máy, tay vẫn hí hoáy viết mấy cái ghi chú cho ngày làm việc mới.
– Con à, mua được vé máy bay chưa? Năm nay…
– Mẹ à, con biết rồi, con bận lắm mẹ ơi, mẹ yên tâm, bọn con sẽ về sớm, ở lại đến mùng 3 Tết mới đi, mang cả áo ấm cho tụi nhỏ nữa. Thế thôi mẹ nhé, con bận quá.
– Ở, thế còn vợ con thế nào, về cùng chuyến chứ?
– Tất nhiên rồi mà mẹ, vậy nhé, thôi nhé.
Tôi tắt ngang điện thoại, rồi lại vùi đầu vào mớ công việc hỗn độn.
Đến trưa, gác tay lên trán, tôi không chợp mắt được như thường lệ, cứ nghĩ mãi về cuộc gọi của mẹ lúc sáng.
Tại sao mình luôn cố gắng ứng xử mềm dẻo, nhã nhặn, thậm chí ngọt ngào với vợ con, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, nhưng riêng với mẹ lại có thể cắt ngang cuộc gọi một cách sỗ sàng như vậy được? Bởi vì mình biết mẹ không bao giờ giận con trai? Mình đã nghĩ rằng có thể làm đẹp lòng mọi người, trừ… mẹ. Càng nghĩ, tôi càng thấy ân hận.
Mẹ đã hơn 70 tuổi, một đời vất vả vì con cháu. Ngày cầm về cho mẹ chiếc điện thoại đầu tiên, con trai đã thòng thêm câu: “Trong này nạp nhiều tiền lắm, mẹ tha hồ gọi, nhưng đừng gọi cho con nhiều nhé, con bận lắm, con không có thời gian đâu”. Vì nghĩ “mẹ mình chứ ai” nên tôi đã phạm những sai lầm như vậy.
Thực ra thì tôi và mẹ, ai có nhiều thời gian hơn ai? Nếu trời cho mỗi người sống 80 năm, tôi năm nay 40 tuổi, vẫn còn 40 năm nữa; trong khi mẹ chỉ còn 10 năm. Người được quyền nói câu “không có thời gian” phải là mẹ chứ đâu phải con trai của mẹ? Tôi xót xa khi nghĩ về quỹ thời gian của mẹ. Sinh ra trong thời đất nước loạn lạc, thuở thiếu thời của mẹ là chiến tranh, khi kết hôn với bố, thời gian của mẹ là đầu tắt mặt tối làm rẫy, làm ruộng để nuôi bầy con vì chồng đi bộ đội; thời bình, thời gian của mẹ là tháng ngày lăn lộn ngoài chợ làm hàng xén để đủ tiền gửi lên thành phố cho các con học đại học. Và khi mẹ được đôi chút thảnh thơi khi về già, thật trớ trêu, thời gian của mẹ trôi thậm chậm và buồn tẻ. Ngày qua ngày, mẹ dành gần như trọn thời gian để trông về thành phố, nơi các con, các cháu mình đang ở đó. Thời gian của mẹ là những giờ thập thò định bốc máy gọi cho con cả, sợ “con mắng” vì trời hẵng còn sớm, chờ thêm tí nữa để gọi cho đứa con thứ nhưng lại sợ con đang trên đường đi làm, đợi thêm chút nữa để gọi cho con út nhưng lại thôi vì sợ làm phiền.
Cả ba anh em năn nỉ mẹ lên thành phố ở, nhưng mẹ đã “ở thử” mà thấy không hợp nên kiên quyết về quê với lý do: “Để còn có chỗ cho Tết nhất, giỗ chạp mấy đứa nhỏ về chơi. Tụi nhỏ thích nhất là Tết được về quê mà”.
Ôi thời gian của mẹ! Cứ cho rằng mẹ được thượng thọ, sống đến 90 tuổi, các con cũng chỉ còn được ăn Tết với mẹ 20 lần nữa, mỗi lần 5 ngày, tức thời gian được ở bên mẹ chỉ còn 100 ngày nữa mà thôi. Vậy mà Tết năm nay, tôi còn manh nha ý định “đổi gió” một lần, “xẹc” qua nhà một ngày cho có mặt rồi lên Đà Lạt hưởng Tết. Càng nghĩ càng thấy mình thật tệ. Mẹ đã chờ suốt cả năm để được 5 ngày gần con cháu; mẹ đã mòn mỏi trông đợi để được sáng dậy tần ngần đứng ngắm nét thiên thần của thằng cháu nhỏ ngủ trong mùng, để được dắt đứa cháu gái ra quét sân, đốt lá ngoài vườn, để được ung dung ngồi móm mém cười vào sáng mùng Một, nghe bọn trẻ ngọng nghịu chúc tuổi. Thời gian của Tết, nếu không phải là thời gian để đoàn viên thì chẳng còn ý nghĩa gì cả. Tết dành cho ai nếu không phải là dành cho cha mẹ già ở quê?
Tôi bốc điện thoại lên, nhấn vào chữ “Mẹ”.
– Con à, con đang bận lắm phải không? Để mẹ gọi lại sau cũng được?
– Dạ không mẹ ạ, con có nhiều thời gian lắm, con đang có thật nhiều thời gian này. Tết này con đưa tụi nhỏ về sớm. Mẹ cần mua thêm gì không…?
Nói đến đó rồi tôi nghẹn ngào. Thực sự chỉ mong nhanh đến Tết để đưa tụi nhỏ ào về với mẹ.
Theo Dân trí