Cầm Kỳ Official594 người đăng kýSố liệu phân tíchChỉnh sửa video

Nguyễn Thị Mai Phương

Cỏ mã linh

Truyện ngắn

   Chuyến tàu cuối cùng trong ngày đã qua. Hoàng hôn buông chầm chậm phía sau ngôi nhà. Bên kia sông, từng làn khói vươn mãi lên cao tạo thành những vệt mây mỏng tang. Bữa tối sắp được dọn ra ở hầu hết các căn nhà trong làng. Tiếng chó sủa ấm ớ như có vẻ không ưa bóng đêm sắp xuống.

 Có một người cũng không thích bóng đêm, dù rằng khi ấy, giấc ngủ và bao điều mộng mị sẽ về. Người  ấy cũng không có ý niệm nhiều về thời gian. Cuộc sống trước mắt bà là những chờ mong đã mặc định sẵn trong lòng. Và bà tin chuyện ấy sẽ đến. Chỉ có điều, bà đôi lúc than phiền rằng, thế giới con người giờ đây sao u mê lầm lạc nhiều đến thế. Vì vô minh mà chẳng tìm được đường ra. Mà đường đời vừa xa vừa nhiều bất trắc, mỗi gánh trên vai ngày mỗi nặng… Bà là chủ của ngôi nhà gỗ nhỏ bám ngay đường ray này, sát bên lối dẫn xuống bến sông. Công việc mỗi ngày của bà là chăm mấy luống rau gieo trên bãi sông, vài chậu hoa mười giờ treo lủng lẳng dưới mái  hiên và… đợi tàu đi qua nhà mình.

Bà Khế lặng lẽ nhìn về phía đường ray xa lắc, nơi ấy là hướng xuất phát của những con tàu từ thành phố rồi đứng lên nhấc chiếc ghế nhỏ vào nhà. Bà không để ý là trời đã tối, mà bà bằng lòng nghỉ ngơi khi trên chuyến tàu cuối cùng, người gác tàu bao giờ cũng hét lên: “bà lão, chuyến cuối rồi nhé!”. Họ đã quá quen thuộc  khi trong suốt gần hai mươi năm qua, có một người đàn bà ngồi đợi tàu và giơ tay chào thân thiện. Khi xưa, tàu qua, họ gọi: “ê, cô em, đợi người yêu hả?”. Giờ, người đàn bà tóc dài ấy là bà lão ngoài bảy mươi rồi. Người đời truyền tai nhau đến nỗi thành những huyền thoại khác nhau về bà. Có lần tàu trật bánh ngay đoạn qua làng, hành khách trên tàu túa xuống ngồi la liệt ở quán xá trong làng đợi sửa đường và thi nhau hỏi chuyện về bà Khế. Người thì bảo bà bị bệnh tâm thần phân liệt, người bảo bà ấy đang tu thiền theo một trường phái tôn giáo nào đó, người bảo bà ấy bị bệnh cô đơn lâu ngày sinh ra trầm uất… nói chung, người ta thêu dệt thành đủ thứ chuyện. Khách đi tàu càng ngày càng tò mò, càng để ý đến chuyện đó. Nhiều người đi qua là giơ tay vẫy vẫy.  Còn người trong làng coi bà là một người kỳ dị. Mấy người họ hàng thi thoảng vẫn qua nhà bà mua hộ thứ nọ thứ kia và xin rau. Bà Khế ăn chay trường, nếu có nuôi gà bà cũng không thịt, mà kệ cho nó sống đến già rồi tự chết. Nhưng hầu như lũ gà đều bị người làng bắt trộm. Bà có một con chó đốm rất xinh và quý chủ. Nó luôn ngồi lên lòng bà mỗi tối.  Có hôm, đã rất muộn, có người đi lấy nước ngô qua nhà bà vẫn thấy bà nói gì đó với con chó, như nói với một con người. Bà vẫn đi lại một vài nhà trong làng, đến dự vài ba bữa cỗ, nhưng thường bà không ăn uống là bao. Người làng không thể hiểu được bà, khi con trai con gái đều làm trong doanh nghiệp nhà nước, lương cao, có nhà ở thành phố mà bà lại lọ mọ ở xó xỉnh quê mùa này. Các con đành dựng cho bà nếp nhà gỗ ba gian theo ý bà. Bà bảo, cứ đi làm ăn đi, lúc nào có thời gian thì về, ai có cuộc sống của người ấy, không ai phải theo ai. Các con bà đành chịu mà để mẹ ở lại ngôi làng cũ. Cô con dâu thì vui ra mặt bởi thế càng không phải làm dâu. Bà biết rõ điều đó và thường bảo, tết chúng mày cứ ở thành phố cho nó sướng, về quê cực khổ ra.  Con trai bà thì im lặng lắc đầu. Anh chàng biết rõ, mẹ mình không quên được quá khứ…

Đã có lần người làng hỏi bà, sao bà đợi ai mà cứ ngồi nhìn tàu thế? Bao nhiêu năm bà không chán ư? Bà lão đã nói rất lạ, tôi không đợi tàu, tôi đợi cỏ mã linh. Đời mỗi người mỗi khác, chị sống thay tôi đâu mà bảo chán. Người ta không biết cỏ mã linh là cỏ gì, và cũng không buồn để ý, họ cho là bà bị bệnh hoang tưởng. Duy chỉ có một người hình như  hiểu bà nhất, và là người bạn duy nhất vẫn ngồi cùng bà bên bàn uống bột yến mạch rồi trò chuyện. Sư bà ở mãi trên thiền viện, nơi dãy núi Ngời xa hút, dăm bữa nửa tháng lại qua nhà bà, nhân tiện làm lễ gì đó cho chùa làng. Có ai hỏi sư bà về bà Khế, sư chỉ cười, bà ấy có sao đâu, các vị mới là người phải xem lại, ăn uống vô độ, ham muốn vô độ, sát sinh vô độ là tội ác… Người làng sợ, không ai hỏi nữa.

Ngôi nhà làm bằng gỗ mít  có màu vàng sáng đẹp và ấm cúng. Sàn nhà lát gỗ, có đủ nhà tắm, bếp và một cái lò sưởi cải tiến phía trong. Sau nhà là gò đất cao lau mọc thành khóm. Cạnh đó là bãi đất bà gieo vừng và thả rau má. Trước nhà là khoảng sân nhỏ có mấy chậu  cảnh đặt dưới gốc cây trứng gà. Bà vẫn ngồi dưới gốc cây ấy đợi tàu. Từ sân, chỉ khoảng hai chục bước chân là đến đường tàu. Nếu ngồi trên tàu, từ xa nhìn lại, căn nhà của bà rực lên màu vàng trong nắng chiều thật lộng lẫy. Mấy chậu hoa treo lơ lửng như những đốm nắng lấp lóa. Ngay dưới kia là sông nước…Có người đã bảo, chỉ có thần tiên mới sống trong cảnh ấy, và cũng mới sống được như thế… Mùa đông, hoa lau phơ phất quét qua quét lại ngay trên nóc nhà. Vẻ hoang hoải, liêu trai càng rõ khi mỗi đêm mưa phùn, những bóng sáng lập lòe từ nghĩa địa bay qua, tiếng mèo kêu như tiếng trẻ con khóc găm vào bóng tối. Ai không ngủ được sẽ nhìn thấy ngôi nhà bà Khế như cái đèn lồng treo bên bến sông phủ mờ sương khói.

Bà vẫn giữ được thư của ông ấy à?- sư bà hỏi khẽ nhưng đầy ngạc nhiên khi bà Khế ngồi vuốt phẳng mấy tờ giấy ố nhàu được gửi từ đất nước xa xôi. “ Vâng, từ hồi ông ấy ở với bố bên Bun ga ri”… “ Sao hồi ấy, Khế không theo đi nhỉ”. “ Ừ, đâu biết ông ấy không trở lại”. “Khế yêu thương của anh, mùa này, cỏ mã linh đang hứng chịu tuyết rơi, anh đã nhấc mấy chậu vào nhà. Nhớ em lắm. Đợi anh trở lại đón em”… Những dòng thư như vệt ánh áng trôi trong ký ức mờ xa. Bà Khế nhớ rõ, người ấy dặn, sẽ về Việt Nam rồi đi tàu rồi xuống ở ga gần làng, sẽ mang theo chậu cỏ mã linh, treo nó ở cửa sổ tàu cho bà nhìn thấy. Bà thì hứa sẽ làm nhà ra gần nơi tàu đi qua, ngôi nhà gỗ có những chậu mười giờ đang nở… Hảo Ben-ny của bà hồi đó theo cha về Pháp rồi định cư ở đất nước hoa hồng. Bà đâu ngờ, sau buổi  bà cùng Hảo Ben-ny nằm bên nhau trên triền đồi sim thì cuộc đời bà hoàn toàn đi theo hướng khác. Dường như số phận có vẻ trêu ngươơi bà. Lúc gối đầu lên đùi anh chàng người lai trên bãi cỏ nhìn ngắm bầu trời, cô gái trẻ không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ rời xa người yêu.

Hảo Ben- ny có một cuộc đời kỳ lạ. Người làng kể, cậu là con của ông bà Đen xóm dưới. Nhưng từ nhỏ, Hảo mắt xanh, mũi lõ, da trắng ngần, đích thị là một thằng bé lai Tây, không chút nào giống ông Đen. Người già trong làng thì thào kể rằng, Hảo ra đời khi cô Đen lúc ấy mới 20 tuổi bị Tây hiếp khi càn qua làng. Cũng có người bảo, Hảo là kết quả mối tình vụng trộm của bà Đen và người lính Pháp bị thương. Hồi đó, trận càn lớn quét qua làng, cuộc giao tranh quyết liệt nổ ra ngay bên đìa nước. Vài người làng hy sinh, mấy tên lính Pháp thiệt mạng. Cô Đen đang rửa cỏ ở ven đầm lúc chập tối thì bỗng bị một bàn tay lông lá đầy bùn đất túm lấy chân mình. Cô suýt thét lên, nhưng chợt bình tĩnh lại, khuôn mặt người thanh niên nước ngoài trắng nhợt vì mất máu đang nhìn cô trân trân. Hai hàng nước mắt rỉ ra từ đôi mắt xanh lét. Cô Đen chợt hiểu sự tình. Người lính này vài giờ trước là kẻ thù của dân tộc mình, của làng mình, giờ cận kề cái chết đang cầu cứu, vết thương trên vai nhuốm bùn, vẫn đang chảy máu. Cô không thể làm ngơ, cô nghĩ, chắc người lính này cũng có mẹ cha, có gia đình ở một đất nước xa xôi nào đó. Cứu một người phúc đẳng hà sa, cô chợt nghĩ lời mẹ dặn rồi quyết định sẽ dìu người lính bị thương về nhà chữa trị rồi sẽ báo chính quyền sau… Cô đã lấy hết sức dìu người lính Tây về nhà. Bố mẹ cô Đen không nói gì, thu xếp cho người lính ở trong nhà chứa rơm cuối vườn, hàng ngày Đen mang cơm nước và thuốc men đến thay băng cho anh ta. Dù không biết tiếng nhưng bằng cử chỉ, Đen hiểu được phần nào những gì người lính nói. Đen nhớ được tên người lính là Hen-Ry. Bố mẹ nói với Đen rằng, dù chỉ là việc nghĩa cứu một con người, nhưng nếu xét ra, cán bộ sẽ cho là nhà mình che giấu kẻ thù, nguy hiểm lắm, anh ta lành vết thương thì lập tức sẽ giao cho cán bộ. Để tránh sự tò mò và dị nghị của người làng, chỉ khi trời thật tối, Đen mới ra nhà chứa rơm. Có đêm, Đen ngủ quên ở đó, trong mơ hồ, cô thấy rất rõ một nụ hôn ấm trên má mình. Hai người trở thành quý mến nhau lúc nào không rõ, cô hay trốn bố mẹ ra ngồi bên người lính, dạy anh ta nói tiếng Viêệt, học thuộc tên cô, tên làng xã của cô nếu một ngày phải đi xa. Tình yêu với anh chàng người Pháp đến lúc nào Đen không hay biết. Nhà rơm bỗng trở thành tổ ấm hạnh phúc lứa đôi trong một đêm mưa gió. Đen lo sợ một ngày nào đó người ta lôi anh lính Tây đi mất. Ngày ấy phải đến, bố Đen dẫn đội du kích đến nhà. Sau này, Đen mới biết bố mình không thể làm khác khi có người làng đã biết nhà Đen giấu người, nếu không làm vậy, gia đình cô sẽ mang tiếng phản bội, đồng lõa với kẻ địch. Ông cụ cũng đoán biết chuyện con gái mình đã trao thân cho anh chàng người Pháp. Nhìn Hen ry bị trói hai tay, sau lưng là lăm lăm tay súng của mấy anh du kích, cô Đen chết điếng khóc không ra tiếng. Cô chỉ muốn chạy theo cởi trói và giằng Hen ry lại, nhưng không thể làm vậy trước người làng. Người lính nói một tràng không ai hiểu, hai mắt tràn nước nhìn lại Đen. Người ta kể lại, cảnh ấy không khác gì cảnh li tán một đôi tình nhân chiếu trên phim. Đen không biết rồi người đó đi đâu. Sau đấy, bao điều tiếng xấu xa bị trút lên gia đình Đen, tủi hổ nhất khi Đen mang thai. Bố Đen ngồi như hóa đá trên cái sập gỗ.

 Vài tháng sau đấy, cô Đen lấy ông Đua làm nghề đóng cối hơn tận 20 tuổi. Mọi chuyện thêu dệt kỳ quái xung quanh thằng bé Hảo. Chỉ ông Đua im lặng, làm thuê quanh năm nuôi con. Ai đó nói ông ngu, ông “đổ vỏ”, ông chỉ cười và bảo, “cá vào ao ai người đó được”. Đen biết rõ chồng mình không thể có con. Vì thế mà cô Đen từng biết ơn cuộc đời cho cô một ông già yêu con riêng của vợ.  Hảo tha thẩn chơi suốt ngày với lũ trẻ trong làng, nhưng vì da trắng, mũi lõ nên hay bị cười nhạo, bị chế thành vè hẳn hoi. Mỗi lúc cậu bé Hảo đứng tần ngần tủi hổ ở đầu hồi nhà kho hợp tác xã, cô bé Khế lại đến nói chuyện và chơi cùng. Khế thích vẻ nhút nhát và ngay thẳng ở Hảo. Mỗi lúc cùng nhau lội qua con mương trước làng, Khế thường được Hảo cõng sang bờ, Hảo cao nên không bị ướt quần. Hai chiếc dép của Khế lủng lẳng trên tay, đung đưa trước ngực Hảo. Bọn trẻ làng chế hai đứa là vợ chồng. Ve vẻ vè ve/ cái vè lộn ngược/ ông Đua vớ được/ Một thằng con Tây/ Thằng Hảo dắt dây/ Làm chồng con Khế. Hế… hế… hế… Lũ trẻ vẫn hát thế rồi cười ré lên chạy khắp làng. Người lớn đã quen, chỉ có Khế và Hảo thêm co cụm, hay chơi riêng hơn.

Cuối đông năm ấy, Hảo và Khế đều 17 tuổi, đủ cảm thấy có lẽ thần tình ái đã gõ cửa lòng mình. Ông Đua đột ngột qua đời. Hảo sau những ngày đi học lại về phụ mẹ làm đậu bán, còn Khế phải ra ở nhà dì cách làng hai mươi cây. Xa cách đủ làm cho hai bạn trẻ thấy lửa tình đã nhóm đượm trái tim mình. Ngày Khế về làng, Hảo băng băng chạy đi đón. Hai người nằm xoài trên bãi cỏ chân đồi sim ríu ran nói chuyện. Có gì đó ngọt ngào lan tỏa quanh đây không thể diễn tả. Hảo đã hôn lên môi Khế nụ hôn đầu tiên. Hảo kể về lá thư kỳ lạ cậu vừa nhận được hôm mẹ ốm nằm viện. Thư kể về một ông già người Pháp đi tìm con. “Thực ra, anh có tên khác nữa, ở nhà mẹ vẫn gọi anh là Ben-ny, Khế ạ”. “Vâng, Hảo Ben-ny của em”. Khế thu mình, âu yếm dụi mặt vào mặt người yêu. Đâu ngờ, vài tháng sau bà Đen cũng mất sau mấy tuần nằm viện. Hảo cô đơn đi lại như cái bóng. Chiều ấy, vừa xong 49 ngày cho mẹ, một người đàn ông ngoại quốc đi cùng mấy người đến nhà quỳ khóc trước di ảnh mẹ Hảo. Hảo sững sờ nhận ra người đàn ông mà mẹ anh vẫn kể, đó là cha anh. Xa cách, ngượng ngùng, nhưng nhờ những câu chuyện của mẹ mà Hảo nhận thấy có gì đó vô cùng gần gũi  với người khách lạ. Hai cha con ôm nhau khóc. Người phiên dịch nói với Hảo rằng, ông đã tìm mẹ con Hảo nhiều lần, giờ mới gặp.

Ngày Hảo theo cha sang Pháp chơi, Khế đi vắng. Lá thư của Hảo gửi lại làm Khế òa khóc. Khế tin rằng, Hảo về quê nội chơi một thời gian rồi trở về. Ai ngờ cuộc ra đi ấy lâu quá. Ba năm Khế đợi chờ, không tin tức. Nước mắt không biết rơi bao lần. Khế thường đến trước đồi sim đứng lặng hàng giờ. Nhưng Khế không thể như vậy mãi, cô lấy chồng, một người làm thợ điện. Người làng còn nhớ đám cưới của Khế, một cô giáo mầm non với anh thợ điện. Cô dâu cứ khóc mãi không nín. Mấy chục năm qua đi trong bao hoài nghi, mong mỏi và đau khổ. Ngày ông chồng chở hết của cải trong nhà từ chổi cùn rế rách lên đò sang sông theo một cô bán hàng góa chồng, Khế quyết định bế con về nhà mẹ. Cũng chẳng thể hiểu nổi, sao Khế lại có thể nuôi con lớn lên cùng bao điều cay cực. Chỉ cô biết, mỗi lúc gian nan nhất, tình yêu với Hảo lại vực cô đứng lên và hy vọng…

Chẳng rõ người ta gọi cô Khế là bà từ bao giờ. Hai đứa con giỏi giang của bà sau khi lo hậu sự cho cha mình đã hỏi mẹ, “mẹ chờ ông ấy đến bao giờ”. Bà Khế cười khẽ bảo, “mẹ xong việc với các con rồi, giờ mẹ sống cho mẹ, mẹ có chờ đợi gì đâu, đấy là đời mẹ”.

 Hoa cải năm nay nở sớm, gió xuân ấm hơn một chút. Nhà bà Khế có khách xa tìm đến. Một đoàn làm phim mang đến cho bà thông tin về người đàn ông Việt kiều xa quê đã lâu. Ông sẽ cho vợ chồng con gái về thăm bà trước rồi ông sẽ về. Bà Khế vui lắm, cuối cùng ông Hảo cũng về. Đêm ấy, bà nhấc điện thoại gọi cho sư bà trên núi và các con. Ngôi nhà ven bến sông không ngủ. Mồng hai Tết, vợ chồng cô gái Tây tìm đến nhà bà Khế trên chuyến tàu sớm. Bà suýt reo lên khi giỏ cỏ mã linh hiện ra cuối con tàu. Bà khuỵu xuống khi thấy hai vị khách trẻ bước xuống trao giỏ cỏ vào tay bà.  Mấy người ngồi trên tấm phản gỗ. Mùi bột yến mạch tỏa ra. Các con và cháu bà vây quanh. Cô gái nói tiếng Việt khá sõi, quỳ xuống chân bà khe khẽ nói:

“Cha con sau khi tạm biệt bà một thời gian thì bị tai nạn ô tô, nằm viện hai năm, sau đấy cưới mẹ con là một y tá trong viện. Cha mặc cảm, đau ốm quanh năm và không dám trở về, dù biết, bà vẫn đợi. Cha trồng nhiều cỏ mã linh quanh nhà, năm nào cũng cắt phơi khô vài bó. Cha con yêu bà nhất. Ông dặn con về từ lâu rồi, nhưng con mắc việc, bà thứ lỗi”. “ Thế ông ấy?” – Bà Khế xen ngang. “ Cha con mất mấy năm rồi bà ạ, cha gửi bà vật này”. Bà Khế như không tin vào tai mình, cũng có thể lắm chứ, cuộc đời cách xa, dâu bể, bà cũng sao trách được. Những lá thư ông Hảo viết cho bà chưa bao giờ được gửi đi. Bà ngồi lặng lẽ, lòng như vỡ tràn thành trăm ngàn con nước. Những hạnh phúc, khổ đau, run rẩy vỡ òa…Tết ấy, nhà bà đông con cháu, bà có thêm vợ chồng con gái ông Hảo. Cô xin phép nhận bà là mẹ.

Trong ánh hoàng hôn, người làng nhìn thấy bà Khế dẫn cô gái Tây ra đồi sim năm xưa, đi thăm lại căn nhà ấu thơ của Hảo Ben- ny. Cỏ mã linh sau đấy được trồng ngay bến sông và những triền đồi. Mỗi cuối đông, những vạt cỏ lại bừng sáng kể về mối tình xưa.

Nhiều năm sau, người ta gọi cỏ ấy là cỏ Khế, lúc bà đã về trời.                    

                                                                                                                                                                              

Exit mobile version