Từ tàu xuống xuồng CQ để lên đảo chìm Cô Lin, không thành viên nào trong đoàn công tác không ngước mắt nhìn về hướng ấy.
Hướng ấy là hướng nào? Một cảm giác chua xót chạy dọc sống lưng, giống như một vết thương của đất nước vẫn hằng chảy máu ngày đêm. Gạc Ma, một cái tên sẽ đời đời ghi lòng khắc cốt trong lịch sử gìn giữ biển đảo Việt Nam, tựa như nỗi đau ngàn năm xưa của nàng Mỵ Châu và dân tộc Việt.
Chúng tôi ngồi trên cái xuồng CQ nhỏ nhoi đang lao chồm trên sóng nước để lên đảo chìm Cô Lin trong tâm trạng chua xót nhìn về Gạc Ma như thế. Ai cũng muốn chụp được vài bức ảnh lưu lại thời khắc lịch sử, khi chiếc xuồng nhỏ mỗi giây lại đến gần hơn với Cô Lin, có nghĩa gần hơn với Gạc Ma, một địa danh đảo mà bao năm qua chỉ tồn tại trong hình dung xa mờ.
Lại nhớ cái ngày ấy tháng ấy năm ấy…
Khi đảo Gạc Ma bị phía Trung Quốc tấn công, một tốp thủy thủ ở một trong 3 con tàu đỗ gần Gạc Ma đã cố chạy về tử thủ ở Cô Lin. Nhờ vậy Cô Lin đã không bị mất. Con tàu đó bị đánh chìm, nhưng đã kịp làm lá chắn cứu được Cô Lin.
Cô Lin đây rồi.
Những bàn chân đặt lên thềm đá san hô mà như về với mảnh đất thiêng. Thực ra cũng không thể không gọi Cô Lin là đảo, mặc dù đây chính là một rạn san hô bồi đắp mà thành đảo chìm. Cô Lin nằm cách đảo Sinh Tồn khoảng 9 hải lí về phía Tây Nam, cách Gạc Ma khoảng 1,9 hải lí về phía Tây Bắc, và cách đảo chìm Len Đao 6,8 hải lí về phía Tây-Tây Nam. Những năm thập kỷ 80-90, Cô Lin chỉ là một rạn san hô dài khoảng chừng dăm bảy trăm mét khi thủy triều rút. Còn khi thủy triều lên thì rạn san hô hoàn toàn bị chìm trong làn nước xanh. Hiện nay Cô Lin có dạng một hình tam giác, nhưng cạnh hơi cong, mỗi cạnh dài khoảng 1 hải lí.
Ban đầu các chiến sĩ hải quân phải dựng những chiếc lều cao cẳng để ở và canh giữ đảo. Những người lính công binh dầm mình trong nước mặn quây lưới thép, xếp đá lên những giàn thép mạ kẽm, xếp thành nền vững chắc rồi thì xây nhà bên trên. Cũng lưu ý là thép để xây dựng ở các đảo chìm đều mạ kẽm. Bản lề, đinh và khóa… đều làm bằng inox, tránh ô xi hóa và nhiễm mặn.
Trên toàn bộ diện tích đảo chìm này là một lô cốt 3 tầng, nhìn xa nom thật chơ vơ nhỏ nhoi giữa biển cả mênh mông và hung tợn. Là đảo đá cấp 3, bãi đá ngầm tạo nên thềm đảo dựng đứng, nên việc di chuyển vào đảo rất khó khăn. Nhưng toàn bộ lương thực, thực phẩm, nước ngọt đều phải trông chờ vào từng chuyến tàu chuyển hàng ra.
Vừa bước chân lên đảo Cô Lin, tôi leo ngay lên mấy bậc tam cấp của tầng hầm để lên mấy phòng làm việc. Gặp một phòng trực, tôi giơ máy ảnh lên bấm. Không ngờ người cán bộ hải quân đang ca trực quay phắt ra bảo:
– Xin lỗi chị, chị xóa hộ cái ảnh vừa chụp đi ạ.
Tôi nói với anh tôi là ai. Người sĩ quan trực đành để tôi giữ bức ảnh anh đang dò sóng lạ với cái gãi đầu gãi tai. Lúc sau chúng tôi được Chỉ huy trưởng của đảo là đại úy Trương Hồng Phượng kể cho biết, năm nào phía Gạc Ma cũng diễn ra hai đến ba đợt diễn tập rất quy mô, có sự phối hợp tàu chiến hiện đại với trực thăng. Chưa kể thường xuyên có các loại tàu vận tải đường biển, tàu hải giám, hải tuần, tàu phòng hộ tên lửa, ngư chính, kiểm ngư đi lại quanh khu vực Gạc Ma, không theo quy luật nào, nhưng luôn thị uy, ngang nhiên hống hách.
Từ cái ngày định mệnh 14 tháng 3 năm 1988 đến nay, không ngày nào đêm nào các chiến sĩ canh gác ở Cô Lin được ngủ yên; thường xuyên phải dán mắt trên bảng theo dõi những tín hiệu lạ di chuyển trong khu vực.
Tôi sang căn phòng bên cạnh. Không thấy ai. Hóa ra đây là phòng của Chỉ huy phó đảo Nguyễn Bá Thành. Gương soi, máy tính, máy in… Kia là một bức ảnh chụp một thiếu phụ bế con trai nhỏ (dĩ nhiên vợ con của anh ấy rồi). Một cây đàn ghi ta được dựng bên vách phòng.
Lại sang phòng Chính trị viên, đọc những dòng trên cái bảng chữ treo ngay ngắn: “Chức trách, nhiệm vụ của Chính trị viên đảo chìm” – “Chính trị viên và đảo trưởng là hai người có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất trên đảo…”.
Đoàn công tác gồm gần 200 con người đổ lên đảo chìm trong thời gian chưa được 2 tiếng khiến những người lính hải quân bận rộn đón khách. Nhìn thấy rau xanh được trồng trên những cái khay gốm, hộp xốp, thùng đạn… chúng tôi hiểu những gói hạt giống mang ra tặng các chiến sĩ thật ý nghĩa, ý nghĩa không kém những cuốn sách được đặt trang trọng trong mấy cái tủ kệ.
Những người lính hải quân kể cho chúng tôi nghe về sự trù phú của các loài thủy sinh, cá tôm của vùng biển nơi đây. Tuy nhiên, dù sát phía rìa san hô quanh mép đảo có rất nhiều loài cá quý và hải sâm, nhưng các anh không được phép ra đánh bắt, bởi như vậy sẽ lơi lỏng cảnh giác. Vậy nên lính đảo thường xuyên ăn đồ hộp, đồ khô, đồ đông lạnh (trên tàu mang ra). Nếu có bát canh rau thì cũng chỉ là loáng thoáng rau tự trồng, vì rau chuyển theo tàu thường chỉ bảo quản và sử dụng trong vài ngày. Đặc biệt, Cô Lin là đảo chìm có sáng kiến trữ nước mưa, và là đảo chìm trữ được nhiều nước mưa nhất so với các đảo chìm khác trong quần đảo Trường Sa, nhờ hệ thống tựa như các bể chìm trên sườn núi ở Cao Bằng, và nhờ vào các vỏ lon.
Có hai thứ cũng tương đối đặc biệt trên đảo Cô Lin. Đó là chó và vỏ lon.
Chó được nuôi cả đàn. Mọi người nói trêu các cô gái trong đoàn công tác: đã được mấy chàng lính xin tên đặt cho cún chưa? Những Chiến Thắng, Dũng Cảm, Hồng Nhung, Mỹ Tâm, Bích Liên… Đảo nào ở Trường Sa cũng có «truyền thống» xin tên khách ra thăm để đặt cho mấy chú cún mới mở mắt. Lính đảo bảo đặt thế cho đỡ nhớ đất liền. Ở Cô Lin, chó quây cả đàn.
Lại nói đến vỏ lon. Lon được xỏ thành một dây, dành cho lính gác. Hễ chàng nào lơ là kỷ luật thép mà ngủ gật một cái, thì tay buộc dây treo lon sẽ làm động cả dây lon, lon khua vào nhau rộn rạo, như cách báo động. Cách này vừa tránh được hậu quả khôn lường, vừa khiến lính ta không dám ngủ gật. Tôi ngó xuống bếp. Xoong nồi bát đĩa được sắp xếp ngay ngắn. Vỏ lon được mài làm đủ thứ, từ chao đèn tránh lộ sáng đến những vỏ lon dùng hứng nước mưa.
Cuốn sổ tay của chàng lính trẻ măng Nguyễn Cao Sứ, ghi vài nét trích ngang: sinh ngày mười tháng tư năm một chín chín tư, ngày nhập ngũ mùng mười tháng chín năm hai không mười hai; sinh quán Tân Thành, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Chúng tôi đã cùng em chia sẻ những vần thơ mộc mạc hồn nhiên của một chàng trai còn quá trẻ:
Anh là lính hải quân nơi biển đảo
Yêu thật nhiều máu biển mặn xanh trong
Em là gió thoảng qua miền đất lạnh
Nhiều thật nhiều những ước vọng xa xôi
Rồi những câu vần ngộ nghĩnh để nhắc nhở kỷ luật trên đảo:
Bài không thuộc hướng nhà cầu mà bước/ Quần áo phơi sai hướng hố rác mà tìm/ Ai chăn xấu ra nắng ngồi mà gấp/ Hàng chăn cong cả tiểu đội ra sân/ Ba lô xấu trưa đeo vào mà chạy/ Dép để sai mất hết bốn chục nghìn…
Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là cảnh đoàn công tác xúm xít xếp hàng xung quanh ống kính viễn vọng để được mục sở thị cái đảo Gạc Ma nhức nhối. Tôi được nhường suất «ưu tiên phụ nữ» được nhòm ngay, nhìn thấy qua kính sự lặng lẽ tính toán của phía bên kia, với những cái cẩu cao lừng lững. Họ đã cho xây những bức tường bao để không nhìn thấy rõ bên trong. Nhưng vẫn nhìn thấy vệt mờ của đường băng sân bay, tòa nhà bê tông, lô cốt, đài quan sát, hệ thống thông tin siêu cao tần…
Những người lính trên đảo cho chúng tôi biết đây là vùng biển nhạy cảm nhất trong quần đảo Trường Sa. Nơi tập trung với mật độ cao số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản của các nước như Philippin, Mã Lai, Trung Quốc… Phía Trung Quốc thường xuyên cho tàu to đến đánh bắt cá, tàu to nhả ra những tàu nhỏ, chúng chia nhau chạy ra xung quanh quăng lưới đánh bắt cá. Đến độ nào đó các tàu nhỏ lại trở về bụng con tàu lớn. Nếu tàu cá của ngư dân Việt đến gần, chúng sẵn sàng va chạm và gây sự, giành giật từng tí một ngư trường của vùng biển thuộc lãnh hải của ta đã bị chúng xâm lấn, chiếm dụng.
Thượng úy Nguyễn Văn Ba – chính trị viên đảo Cô Lin đã báo cáo với đoàn công tác:
“Làm nhiệm vụ ở Cô Lin, chúng tôi xác định không được phép lơ là mất cảnh giác, không được phép ngủ say, dù ban ngày hay ban đêm!”.
Chúng tôi đã đứng trên đảo Cô Lin chụp những tấm ảnh kỷ niệm.
Phía xa là Gạc Ma, là nỗi đau mất cảnh giác tin người của dân tộc Việt!

– 16/7/2014, ngày phía Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương 981 về đảo Hải Nam tránh bão –

 

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Bài in trên báo An ninh Thủ đô cuối tuần, 20/7/2014