Dịch giả, tiến sĩ Nguyễn Duy Bình và dịch giả Trần Văn Công chia sẻ cùng Văn nghệ Trẻ một số quan điểm xung quanh câu chuyện dịch thuật ở Việt Nam:

Có hay không khái niệm “nền dịch thuật văn học chuyên nghiệp” hoặc “tính chuyên nghiệp của dịch thuật văn học” ở VN? Nếu có thì cụ thể nó có thể hoặc phải thể hiện ở những khía cạnh nào? Có cần thiết phải bàn đến khái niệm này không? Nếu có thì để đạt được tính chuyên nghiệp của nền dịch thuật văn học ở VN có nhất thiết có sự quan tâm hoặc, thậm chí, “can thiệp” từ phía những cơ quan chuyên môn hoặc hội đoàn có liên quan như Viện văn học, Hội đồng dịch thuật thuộc Hội nhà văn… không?

Dịch giả, tiến sĩ Nguyễn Duy Bình: Ở Việt Nam, không có “nền dịch thuật văn học chuyên nghiệp” như chị hỏi. Khi nói đến các dịch giả chuyên nghiệp là nói đến những người lấy việc dịch văn học làm nghề chính, coi dịch văn học là một hoạt động thường xuyên và là một kế sinh nhai gần như duy nhất. Theo chỗ tôi biết, ở nước ta chưa có ai là dịch giả chuyên nghiệp cả, đều là “dịch giả tay ngang” cả thôi. Hơn nữa, dịch giả Việt Nam chưa hoạt động trong khuôn khổ một tổ chức có điều lệ và tôn chỉ riêng, chưa có Hội dịch giả văn học như ở Pháp chẳng hạn. Điều mà chúng ta có thể bàn ở đây là tính chuyên nghiệp trong hoạt động dịch văn học. Đó là trình độ chuyên môn, mức độ chuyên tu, thái độ chuyên tâm của dịch giả. Ở châu Âu, các thành viên Hội DGVH thường xuyên có những buổi trao đổi chia sẻ kinh nghiệm.

Để chuyên nghiệp hóa đội ngũ dịch văn học ở nước ta, trước hết chúng ta phải quan tâm đến chất lượng đào tạo xã hội nhân văn và ngoại ngữ. Xã hội ta hiện nay, người biết ngoại ngữ thì nhiều nhưng người giỏi ngoại ngữ trong lĩnh vực xã hội nhân văn thì rất hiếm. Lớp trẻ thường giao tiếp ngoại ngữ tốt nhưng lại ít nghiên cứu xã hội nhân văn bằng ngoại ngữ mình học được nên khả năng đọc-viết ngoại ngữ đó thường hạn chế. Thứ hai, chúng ta phải cải thiện đáng kể mức nhuận bút cho dịch giả văn học. Có như vậy thì lớp trẻ mới quan tâm đến nghề này. Thứ ba, như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã nói, chúng ta cần nhanh chóng thành lập hội dịch giả văn học Việt Nam. Các hoạt động trao đổi chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ và việc bảo vệ quyền lợi cho các dịch giả văn học sẽ được triển khai thông qua tổ chức này. Tất nhiên, để hội hoạt động hiệu quả thì nhà nước phải đầu tư, các cơ quan chuyên môn phải quan tâm đúng mức tới vai trò của dịch thuật đổi với việc phát triển văn hóa, xã hội của đất nước.

Dịch giả Nguyễn Duy Bình.

Dịch giảTrần Văn Công: Nền dịch thuật văn học chuyên nghiệp” tồn tại ở các nước có truyền thống dịch thuật. Ở một số nước, Hội dịch giả văn học tồn tại từ nhiều năm. Ví dụ Hội dịch giả văn học Pháp thành lập từ 1973 nhằm bảo vệ quyền lợi của các dịch giả văn học, đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ. Các dịch giả văn học (DGVH) được bảo vệ ngang với các nhà văn. Hội này còn có vai trò quảng bá các tác phẩm VH dịch, đề cao vai trò của các DGVH và nghề dịch VH, góp phần nâng cao chất lượng các bản dịch VH. Các hoạt động của Hội cũng góp phần tăng cường trao đổi văn hóa giữa Pháp và các nước. Một Hội tương tự cũng tồn tại ở Bỉ. Trên phạm vi khu vực, Hội đồng các Hội DGVH châu Âu được thành lập năm 1993 với sự tham gia của các Hội DGVH Đức, Áo, Bỉ, Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Italia, Hà Lan và Thụy Sỹ. Đây là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận. Hiện nay, 29 nước châu Âu đã tham gia Hội đồng này. Hội đồng hoạt động với các mục tiêu: thu thập thông tin liên quan đến tình hình dịch VH và các DGVH ở các nước thành viên, chia sẻ kinh nghiệm giữa các dịch giả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các DGVH, nâng cao chất lượng dịch VH. Hội đồng cũng giúp các Hội thành viên củng cố vai trò của các DGVH ở các nước này. Khái niệm “Nền dịch thuật văn học chuyên nghiệp” đi đôi với “tính chuyên nghiệp của dịch VH” vì chỉ những DGVH chuyên nghiệp mới được gia nhập Hội và được bảo vệ quyền lợi. Để có thể được công nhận là DGVH, người dịch phải trình bản dịch VH của mình cho một hội đồng chuyên môn đánh giá chất lượng bản dịch.

Ở VN, Hội DGVH chưa tồn tại. Nếu có Hội DGVH với các chuyên gia dịch uy tín, nghiêm túc thì sẽ có thể đánh giá chính xác chất lượng bản dịch và tránh được tình trạng “dịch loạn”  như hiện nay. Hội này không nhất thiết phải nằm trong Hội nhà văn hoặc Viện VH vì dịch thuật là một công việc đặc thù, không phải nhà văn nào của Hội nhà văn hoặc nhà nghiên cứu nào của Viện cũng có khả năng ngoại ngữ đủ để đánh giá chất lượng bản dịch. Một bản dịch tiếng Việt bay bổng, chau chuốt, dễ đọc chưa hẳn đã là một bản dịch đúng. Kinh nghiệm của ĐSQ Pháp khi tài trợ dịch tác phẩm có thể lấy làm kinh nghiệm đảm bảo chất lượng bản dịch. Khi một cuốn sách được tài trợ dịch, người dịch (NXB) phải gửi cho ĐSQ một số trang dịch đầu tiên kèm theo bản gốc. ĐSQ sẽ thuê một chuyên gia dịch thẩm định chất lượng bản dịch. Nếu bản dịch không đạt yêu cầu, ĐSQ sẽ không hỗ trợ hoặc yêu cầu thay người dịch.

Từ kinh nghiệm này, có thể triển khai mô hình Hội DGVH VN bao gồm các chuyên gia dịch VH. Hội có tư cách pháp nhân và được một cơ quan nhà nước (VD Cục XB) đứng ra chịu trách nhiệm. Khi đó, các NXB phải cam kết với Hội là họ sẽ gửi những trang đầu bản dịch cho Hội để chuyên gia thẩm định chất lượng (NXB phải trả phí thẩm định). Cục XB chỉ cấp phép phát hành khi có chứng nhận thẩm định của Hội DGVH. 


Theo sự quan sát theo dõi của anh, hiện nay những người trẻ có hào hứng với công việc dịch thuật như một “nghiệp” không hay chỉ có những bạn trẻ đến với dịch thuật như một thú vui, một “hobby” thôi?

Dịch giả Nguyễn Duy Bình: Theo tôi, số lượng dịch giả trẻ theo đuổi dịch thuật văn học bằng tất cả đam mê của mình chỉ tính được trên đầu ngón tay. So với hơn tám mươi triệu dân thì con số vẫn còn quá ít. Dịch văn học là một nghề bạc bẽo. Thù lao chẳng được bao nhiêu trong khi đầu tư về thời gian và trí tuệ thì quá lớn. Hầu hết các bạn trẻ bắt tay vào dịch văn học là để thỏa mãn cơn khát văn chương của mình. Không có gì vui thú hơn là thấy “tác phẩm” của mình ra đời và được đón nhận trong khi khả năng sáng tác của mình vẫn chưa bộc lộ! Hơn nữa, dịch văn học cũng là một cách để các bạn trẻ có năng lực tự khẳng định mình, để được ghi nhận trên “văn đàn”. Đây là một thực tế mà không phải ai cũng công nhận. Đó không phải là biểu hiện của thói háo danh, đơn giản đó là nỗ lực tự khẳng mình về năng khiếu văn chương và ngoại ngữ.

Dịch giả Trần Văn Công
Dịch giả Trần Văn Công.
Dịch giả Trần n ng: Hiện nay các bạn trẻ đến với dịch thuật với nhiều lí do. Chẳng hạn, kiếm tiền: một số SV ngành tiếng nhận dịch để có thu nhập, dù họ được trả rất ít; hay thú vui: một số bạn trẻ dịch để thử sức, để giết thời gian hoặc để thấy tên mình trên bìa sách. Số dịch giả trẻ lấy dịch thuật làm nghiệp và say nghề rất ít. Theo quan sát của tôi, tôi cho rằng trong số ít đó có dịch giả Bằng Nguyên (người dịch cuốn Alabama Song) là một dịch giả trẻ, làm việc nghiêm túc, coi dịch thuật như một nghiệp và xác địch gắn bó lâu dài với nghề.


Một người dịch văn học không được đào tạo để dịch văn học, phải tự đào tạo mình như thế nào, theo anh?

Dịch giả Nguyễn Duy Bình: Tôi có thể trả lời ngay là không có trường học nào có thể đào tạo ra dịch giả văn học, cũng như không có cơ sở giáo dục nào có thể đào tạo ra lớp lớp nhà văn! Dịch giả văn học là một người có tố chất văn chương, tức có khả năng cảm thụ tác phẩm văn học, có năng khiếu diễn đạt văn hoa, thuần thục bằng tiếng mẹ đẻ và thật giỏi ngoại ngữ trong lĩnh vực nhân văn. Người nào không có tố chất văn chương thì người đó đừng liều lĩnh nhận dịch một tác phẩm văn học, cho dù đó chỉ là một bài thơ nhỏ! Tất nhiên, những người đã có đủ năng lực văn chương và ngoại ngữ có thể rèn luyện “tay nghề” bằng cách trau dồi vốn liếng tiếng Việt và ngoại ngữ, bằng cách tích lũy các thủ thuật dịch thuật mà Phan Ngọc gọi là “mẹo dịch”. Dịch phải có “mẹo”, và để có “mẹo” thì dịch giả phải biết vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Cho nên, theo tôi, dịch là cách tốt nhất để học dịch, nhưng phải bắt đầu bằng những văn phẩm đơn giản, dễ hiểu nhất để dần dần chinh phục những “đỉnh cao dịch thuật”, bản dịch chưa đạt thì khoan hẵng công bố.

Dịch giả Trần n ng: Hiện ở VN, chưa có nơi nào đào tạo dịch VH. Cách đây gần chục năm có một dự án đào tạo dịch VH do trường ĐH Ngoại ngữ HN (nay là Đại học Hà Nội) và ĐSQ Pháp triển khai. Nhưng do một số lý do khách quan, dự án chỉ đào tạo được một khóa. (Bằng Nguyên là một trong số những người theo khóa đào tạo đó).

Để dịch được VH, cần trau dồi vốn tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ. Muốn thế, cần đọc rất nhiều để tích lũy vốn từ, cấu trúc câu (kể cả tiếng mẹ đẻ). Có thể học dịch bằng cách đọc bản dịch của các dịch giả nhiều kinh nghiệm và so với bản gốc để học cách dịch.


Xin cảm ơn các dịch giả đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình. Chúc các anh sức khỏe và nhiệt huyết để có thể theo đuổi con đường dịch thuật “bạc bẽo”, đầy chông gai nhưng cũng nhiều say mê.

Thuỵ Anh thực hiện

Thông tin về hai dịch giả::

Dịch giả, tiến sĩ Nguyễn Duy Bình, SN 1975, Trưởng Ban biên tập NXB Đại học Vinh Thạc sĩ Văn học – Nghệ thật Trường Đại học Aix-Marseille 1 năm 2003, Tiến sĩ Văn học – Nghệ thuật Trường Đại học Aix-Marseille 1 năm 2008. Dịch giả, tiến sĩ Nguyễn Duy Bình,  SN 1975, Trưởng Ban biên tập NXB Đại học Vinh Thạc sĩ Văn học – Nghệ thật Trường Đại học Aix-Marseille 1 năm 2003, Tiến sĩ Văn học – Nghệ thuật Trường Đại học Aix-Marseille 1 năm 2008.Các tác phẩm đã dịch:

Những linh hồn xám (Philippe Claudel), NXB Phụ Nữ, 2008

Lời hứa lúc bình minh (Romain Gary), NXB Văn học, 2009.

Vườn tình (Marcus Malte), NXB Văn học, 2010

Nam và Sylvie (Phạm Duy Khiêm), sắp xuất bản


Dịch giả Trần Văn Công, SN 1969,
Phó trưởng khoa Pháp, ĐH Hà Nội

Các tác phẩm đã dịch:

– Chỉ cần có nhau, Cao chạy xa bay, Ván bài an ủi (đều của tác giả Anna Gavalda),

–  Viết (tác giả Marguerite Duras)

Nguồn: Văn nghệ Trẻ.