Y Phương

Mới có bảy rưỡi sáng, tôi đang ngồi nhâm nhi cà phê một mình. Bỗng reng! Reng! Reng! Tiếng nhà thơ Từ Ngàn Phố thở vào tai nghe mướt mát như mưa mùa hạ. Ồ! Ông bạn nhà thơ đẹp trai, dân phố chợ Co Xàu một thuở đây mà. Người đã có cả tuổi thơ gắn bó sâu sắc với gió mướt Kéo Lồm và cỏ xanh Kéo Tác. Anh ấy nói rằng, trong bài “fừn nèn” của bác, còn thiếu cỏ giàng giàng. Rồi anh ấy cười xì cười xà một cái, như ngưới ta xả hơi xịt lốp.

Òa! Cỏ giàng giàng hay cây guột tế cũng là nó thôi. Nó là một phần của đời tôi. Sau lưng nhà tôi một rừng giàng giàng. Khu rừng này tôi coi như một người bạn đặc biệt. Cái mùi chua lom lom của loài cỏ cứng như thép làm sao quên được. Cái mùi cỏ khiến cho những người đang ngồi cạnh nhau cũng lấy tay gãi liên tục vì ngứa. Cái mùi gây buồn buồn trên da thịt như ruồi bò. Nhưng người dân quê tôi truyền đời cần đến nó. Họ xem cỏ giàng giàng là một thứ củi đun rất đặc hiệu. Nhiệt lượng của cỏ chả kém gì củi nghiến, thậm chí ngang than cốc Quảng Ninh. Dùng cỏ giàng giàng luộc bánh chưng trong ngày tết, thì thôi rồi, chỉ có nó là nhất. Nhất chứ không chịu nhì. Lát nữa tôi sẽ kể.

Cỏ giàng giàng là một loài cây thuộc họ guột. Nó sống nhăn răng từ hồi khai thiên lập địa. Kể từ ngày mặt đất còn hỗn độn, chưa phân rõ sáng tối, cỏ giàng giàng đã có giấy khai sinh. Cái người kí tên đóng dấu xác nhận cho loài cỏ này, không ai khác, đó chính là ông trời. Ông trời cười sáng tóa lóa, cầm lấy bút lông kí nháy một phẩy, thế là lũ cỏ nhanh chóng lập làng, lập huyện cỏ giàng giàng.

Cỏ giàng giàng hình như còn có họ hàng xa với anh dương xỉ và chị rau dớn. Dương xỉ và dớn cũng là một loài thực vật lâu đời nhất nhì trên khắp mặt đất này. Rau dớn có thân mềm, mướt mát, mọc hoang ven bờ suối. Người dân quê tôi hái ngọn mang về chế biến thành thức ăn. Xào ngọn rau dớn với trứng vịt, hoặc trứng gà. Ngon thơm lên đôi tai. Ngon thơm lùa vào hàm râu. Ngon thơm êm êm trôi vào trong ruột. Rau dớn có hình thù giống cỏ giàng giàng. Nhưng rau dớn mập hơn, cao to phổng phao hơn. Trông nó hiền hiền, ra dáng con nhà gia thế.

Cây dương xỉ thì có đến hàng ngàn chi nhánh nội ngoại. Và mỗi vùng đất người ta đặt tên mỗi nhánh khác nhau. Chỗ chúng tôi gọi cút báng, trông cũng y hệt cây cỏ giàng giàng. Nhưng cây cút báng cao ngang lút đầu người. Từ gốc lên đến ngọn, thân cây mọc lông màu nâu nhạt. Người ta có thể dùng lông cút báng rịt vết thương, cầm máu. Người khéo tay có thể tạo cút báng thành con khỉ trèo cây, con sóc chuyền cành cho trẻ con chơi. Ruột cút báng tuốt ra, đánh thành gianh lợp nhà. Vách đất có thể mục nát qua năm tháng. Nhưng mái lợp bằng ruột cút báng thì không.

Gọi là cỏ nhưng không phải loài cỏ. Cỏ giàng giàng quen sống kham khổ từ ngày còn nhỏ. Chúng sinh ra và lớn lên trên đồi cao trong thung sâu. Nơi ít màu mỡ và hứng chịu nhiều gió khô với mưa sương. Nhưng cứ chỗ nào có đất là nó mọc. Mọc tràn lan vô tội vạ. Khắp nơi khắp chốn quê tôi chỗ nào chả có giàng giàng. Cả một vùng đồi rừng bạt ngàn rặt một loài cỏ giàng giàng. Nó đã chiếm hết đất của các loài cây khác. Không một cây cỏ thiểu số nào mọc được, ngoài cỏ giàng giàng. Từng phiến lá xòe ra to rộng. Lá chồng lợp lên nhau như dinh thự bằng cỏ, như lâu đài khổng lồ. Lá được phân nhánh đối xứng như lược chải tóc. Lá giàng giàng thon dần lại, tự vê tròn ở phần cuối, trông hệt như lông vũ. Thân giàng giàng nhỏ như que đan len, có màu nâu sậm, bóng mượt. Toàn thân từ rễ đến lá đều cứng và ngứa. Nó sẵn sàng nghênh chiến với bất cứ ai, bất cứ cái gì động chạm đến nó nên trâu bò dê ngựa chỉ dám mon men chứ không liếm láp được. Bên trong thân cây có ruột. Ruột giàng giàng bền và dai như dây đàn. Người ta có thể dùng ruột đan bện thành những chiếc làn, hoặc đồ thủ công gia dụng khác, dùng lâu bền và rất đẹp.


Cỏ giàng giàng

 

Đun cỏ giàng giàng có cái thú riêng của nó. Nhưng phải đun bằng bếp lò mới cảm nhận được cái riêng đấy. Nếu đun ở ngoài trời, lửa giàng giàng sẽ tản mát tóe loe phung phing như bắn pháo hoa. Không ngọn nào chịu tập trung sản xuất năng lượng. Vậy phải làm lò bắt chúng tương trợ giúp đỡ nhau, mới làm nên sức nóng. Mà nóng thật lực. Chứ không phải nong nóng chơi chơi. Nóng lên ngàn độ chứ chả phải nói phét.

Chúng tôi thường phải đắp bếp lò bằng đất sét nên phải đi tìm đất và đào sâu xuống bằng đầu gối mới có. Đó là thứ đất dẻo mềm có màu đỏ khè. Người Tày Nùng gọi là tôm đeng. Tôm đeng bóp nặn kiểu gì cũng được. Khi đã qua đủ độ lửa thì đất sét quánh lại, cứng như thép gang. Bếp lò đất sét thường tạo dáng khum khum hình quả táo. Bụng lò khoét rỗng hình ô van. Đây là buồng lửa. Hay gọi bụng lửa.

Mỗi bếp lò phải có đủ cả miệng, mắt, mũi, tai như người. Lửa cũng là người. Nên chúng tôi thường gọi lửa bằng bố po phầy. Miệng bố tạo vòm như cửa. Cỏ chỉ có vào chứ không ra. Hai bên hông thường gọi là tai, đặt hai cái đèn dầu hỏa thắp sáng. Kéo xế lên chút nữa, áp miệng lò, người ta mở hai lỗ mũi cho ông hỏa phu phi thở.

Bếp lò chả có bộ rễ nào, quanh năm suốt đời vẫn chỉ ngồi lù lù một chỗ. Ngày ngày người ta nhóm bếp, đun cám lợn, hay nấu nước tắm cho người. Đặc biệt luộc bánh chưng cho ngày tết cực kì mau chín. Bánh đã chín là chín nục chín nạc. Chín nhừ tử như bị đánh đón đầu. Khi đun lửa, giàng giàng chích ríc như tiếng trẻ con cãi mẹ. Có lúc chúng hu hu tru lên như ma đầu chó. Tiếng cỏ nổ lép nha lép nhép. Khi đậm khi nhạt. Mỗi thân cây góp một âm thanh vui tai. Nhiều âm thanh cộng hưởng lại, thành một giây ăn chơi vui vẻ.

Có lắm lúc bị người ta thúc, người ta dồn, vì một cái gì đó. ngọn lửa giàng giàng được thổi hù hù bùng lên quyết liệt chứ không nhẩn nha từ tốn như củi nghiến. Ánh lửa từ miệng lò hắt ra làm cho lòng nhà vàng rực. Ánh lửa bắt lên người làm cho người long lanh trong suốt. Ánh lửa bắt lên tóc làm cho tóc trẻ trung e thẹn. Ánh lửa bắt lên cột nhà làm cho cột nhà săn chắc đen bóng. Ánh lửa bắt lên tầng gác lửng. Gác lửng trông như có đàn ruồi đang bâu. Những con ruồi no nê được làm bằng muội than, to bằng ngón tay cái. Chúng chen chúc bằng một nong đậu đen.

Vào mùa đông rét mướt, nếu được ngồi đun cỏ giàng giàng, sẽ đầy một thúng vui. Vui cho mình và vui cho mèo. Mình được sưởi ấm toàn thân, được nhí nhoáy vùi khoai nướng ngô, khoai ấm nóng toàn thân, bắp ngô cũng nóng ấm toàn thân. Còn chú mèo khoanh tròn khì khì nằm lười toàn thân. Sướng toàn diện.

Ngày xưa, bà tôi thường hay ngồi một mình bên miệng bếp lò. Thậm chí không đun nấu gì bà cũng ngồi. Bà thường ngồi nghe bếp lò nói. Rồi bà tôi trả lời cho bếp lò những chuyện không đầu không cuối. Hình ảnh bà và bếp lò cứ dính chặt trong tôi mấy mươi năm như hai hòn đá. Hai hòn đá thay bà nội tôi mãi mãi đi xa.

 

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài