Tôi gặp Nhà văn hóa học người Nga – Daria Mishukova lần đầu vào năm 2007 khi tác giả ra cuốn “Việt Nam – Đất nước con Rồng cháu Tiên” bằng tiếng Nga. Năm nay, trở lại Hà Nội trong những ngày giáp Tết, Daria hồ hởi với cuốn sách tiếp theo về đất nước Việt Nam…
Daria nói chuyện bằng tiếng Việt trôi chảy khiến chúng tôi bất ngờ?
Thực ra, Daria đến với tiếng Việt vừa tình cờ, vừa tự nhiên. Như bạn biết đấy, Vladivostok – quê hương của Daria là thành phố có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam – một thành phố cảng kết nghĩa với Hải Phòng từ đầu những năm thập niên 80 của thế kỷ trước. Đầu thế kỷ XX, Bác Hồ đã đi qua trên đường cứu nước và ở ga đường sắt của thành phố hiện có đặt bia tưởng niệm Người. Trong những năm chiến tranh, tàu thuyền chở hàng viện trợ từ Liên Xô tới Việt Nam chủ yếu xuất phát từ cảng Vladivostok. Có được những trang sử như thế, đương nhiên Vladivostok trở thành một trung tâm Việt Nam học tại Nga cùng với Matxcơva và Xanh Petecbua.
Daria tập gói bánh chưng
Với quan niệm “không thể hiểu được linh hồn ngôn ngữ nếu không hiểu tư duy của người Việt” nên sau khi tốt nghiệp đại học theo chuyên ngành Việt Nam học, Daria tiếp tục làm nghiên cứu sinh, viết luận án tiến sĩ; đồng thời nghiên cứu thêm về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của người Việt.
Rồi từ đó chị “bén duyên” với văn hóa, con người và đất nước Việt Nam?
Từ sự thích thú tiếng Việt, Daria mạnh dạn tự viết sách về văn hóa Việt Nam theo cách cảm nhận của riêng mình. Để có được những tư liệu chân thực, Daria đã đi khắp Việt Nam để tìm hiểu thêm. Trong nhiều năm giao tiếp với đồng nghiệp, bạn bè Việt Nam, Daria nhận ra nhiều điều người Việt Nam cho là bình thường nhưng với Daria, với người nước ngoài thì lại đặc biệt và thú vị. Cảm xúc ấy giúp Daria viết những cuốn sách được người Nga thích thú. Sau này, Daria phát hiện thêm rằng, những cuốn sách về văn hóa do người nước ngoài viết về đất nước của các bạn có sức lôi cuốn và gây tò mò đặc biệt.
Cuốn “Việt Nam – Đất nước con Rồng cháu Tiên” được in hai lần và thu hút sự chú ý của nhiều người Nga cũng như người Việt biết tiếng Nga. Cuốn sách được Bộ VH-TT&DL Việt Nam đánh giá cao và trao tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch”. Ngoài viết sách, Daria còn viết bài giới thiệu về văn hóa Việt Nam cho các tạp chí Nga, trong đó có tạp chí Pegas, phát hành 30.000 cuốn/tháng chủ yếu cho các đường hàng không từ Nga.
Ngoài đam mê viết sách, chị có mối quan tâm khác với đất nước Việt Nam?
Daria tin số du khách Nga sang Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm tới. Tuy nhiên, ở những điểm đến chính của du khách Nga là Nha Trang (Khánh Hòa) và Mũi Né (Phan Thiết) thì hệ thống khách sạn mới hình thành, thiếu phòng tiêu chuẩn cho khách du lịch nước ngoài vào mùa cao điểm. Bên cạnh đó, Daria cũng nhận được phản hồi từ các bạn Nga về sự thiếu vắng các ấn phẩm du lịch Việt Nam bằng tiếng Nga. Chỉ có một số với khổ nhỏ, mang tính quảng cáo do các sở du lịch địa phương phát hành nhưng tiếng Nga không chuẩn, diễn đạt không hấp dẫn nên ít khi thỏa mãn được nhu cầu thông tin của du khách Nga. Do vậy, theo Daria, những ấn phẩm giới thiệu về văn hóa Việt Nam nên do những học giả nước ngoài viết để bảo đảm đúng và hay. Thiếu một trong hai yếu tố này thì mọi nỗ lực sẽ mất giá trị.
Những ngày thăm Hà Nội hẳn đã để lại những ấn tượng mới mẻ với chị?
Vâng, Daria và các bạn quốc tế từng tới Hà Nội thường đi thăm các danh thắng tại Thủ đô. Có hôm trời mưa, nhưng Daria rất bất ngờ vì số người đi rất đông. Daria đã có vài ngày dạo phố để tìm hiểu thêm về mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến của các bạn. Những bức ảnh mới về nơi đây sẽ là tư liệu sống động để sử dụng trong cuốn sách về tiền giấy Việt Nam mà Daria đang viết.
Diện mạo kiến trúc Hà Nội đang thay đổi hàng ngày. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn giữ được nét duyên dáng của phố cổ, các giá trị văn hóa truyền thống bên cạnh một đô thị hiện đại, năng động và phát triển.
Xin cảm ơn chị!
Nguồn: Hà Nội Mới