Với một xe đạp, một máy ghi âm và đôi tai sẵn sàng lắng nghe mọi người, cô gái 23 tuổi người Mỹ Devi Lockwood đã rong ruổi hơn một năm qua ở vùng Nam bán cầu để thu thập những câu chuyện về biến đổi khí hậu.

 

Chỉ với những tấm bìa nhỏ “tòn ten” ghi dòng chữ “hãy kể cho tôi nghe một câu chuyện về nước” hay “hãy kể cho tôi nghe câu chuyện về biến đổi khí hậu”, cô cựu sinh viên Đại học Havard (Mỹ) đã rong ruổi khắp nước Mỹ và các quốc gia Fiji, Tuvalu, Australia và New Zealand để thu thập những câu chuyện người dân địa phương kể cho cô nghe về việc biến đổi khí hậu đã tác động đến đời sống của họ ra sao.

 

454 câu chuyện và 5200km đạp xe

Dọc theo hành trình đạp xe ước tính tổng cộng cho tới nay khoảng 5200km, Devi Lockwood đã nghe được nhiều câu chuyện về nước, về thế giới loài vật hoang dã, về thời tiết. Nhưng hơn tất thảy, cô gái trẻ thấy hạnh phúc khi mọi người sẵn lòng chia sẻ cuộc sống của họ với mình.

Lockwood cho biết cô đã có được 454 câu chuyện trong tổng số 1.001 câu chuyện cô quyết tâm thu thập. Lockwood chọn con số 1.001 từ tập truyện cổ “Nghìn lẻ một đêm” của người Ả Rập bởi theo cô, con số 1.001 là một con số đặc biệt và thần kỳ. Là người gốc Boston, Lockwood từng theo học ngành folklore và thần thoại tại đại học Harvard. Trong thời gian làm luận văn, cô đã đạp xe xuống vùng sông Mississippi để thu thập những câu chuyện và làm thơ từ cảm xúc gặp gỡ mọi người ở đó. Cô nói: “Tôi thấy yêu thích việc đi lại bằng xe đạp và yêu tất cả những điều kỳ diệu xuất hiện khi đi một mình. Càng đi xa hơn xuống vùng Mississippi, mọi người càng kể cho tôi nghe nhiều chuyện. Về nước, về biến đổi khí hậu, về sự thay đổi của bờ biển, về những cơn bão lũ hung bạo hơn đã cuốn mất dần đất đai”.

Lockwood nhận ra mỗi cộng đồng đều sẽ có những câu chuyện riêng của họ về những biển đổi do khí hậu gây ra.

 

 

Lockwood tại San Francisco.

Lockwood bắt đầu hành trình thu thập 1.001 câu chuyện về biến đổi khí hậu vào năm 2014. Cô băng qua Fiji và Tuvalu trước khi tới New Zealand. Với cam kết không làm tăng thêm lượng khí thải carbon, Lockwood chọn cách di chuyển bằng một tàu hàng tới Australia. Tại mỗi nơi đến, cô đều rong ruổi trên chiếc xe đạp thân thiết của mình.

Kinh phí cho hành trình tính bằng năm này của Devi Lockwood đã được thu thập từ tất cả những nguồn có thể. Thoạt đầu cô khởi sự với một học bổng của đại học Harvard dành cho một năm “lang thang có mục đích” sau khi tốt nghiệp, cộng với khoản tiền cô kiếm được trong thời gian ở Mỹ với công việc làm huấn luyện viên môn chèo thuyền (rowing).

Ngoài ra, Lockwood còn là một nhà thơ và nhà báo tự do. Cô có một nguồn thu nho nhỏ từ nhuận bút các bài báo, bài thơ. Một số người cũng đã ủng hộ tài chính cho công việc của cô trên trang Patreon.

Gần đây, Lockwood chia sẻ cô đã được mời làm việc cho trang Omprakash ở vị trí Giám đốc kể chuyện. Cô sẽ phụ trách các trang mạng xã hội của Omprakash. Đây là công việc mà Lockwood rất thích vì cô có thể làm việc ở bất cứ nơi nào, miễn là có kết nối mạng.

 

Vẻ đẹp của sự chậm rãi

Lockwood đặc biệt yêu thích New Zealand. Theo tiếng Mâori bản địa, New Zealand được gọi là Aotearoa có nghĩa là “vùng đất của dải mây trắng dài”. Bởi tại đó, người dân rất thân thiện còn phong cảnh thì vô cùng tuyệt vời. Cô có thể ra biển vào buổi sáng và sau đó buổi chiều đạp xe lên núi. Lockwood đã rất nhớ Aotearoa New Zealand khi rời khỏi đó.

Sau những ngày nóng nực và không biết bao lần đôi chân mệt mỏi rã rời, nỗ lực làm việc của Lockwood đã được bù đắp xứng đáng. Cô chia sẻ: “Một điều gì đó thực sự ngẫu nhiên hay tuyệt vời sẽ tới. Ai đó sẽ mời tôi ở lại nhà họ, hoặc là bạn sẽ được nghe một câu chuyện tuyệt vời tới mức bạn tự nhủ rằng “wow, đó là lý do vì sao mà tôi lại chọn việc này”.

Khi chúng tôi hỏi Lockwood, đâu là những câu chuyện mà cô thích nhất, Lockwood bảo: “Thành thực mà nói, tôi yêu tất cả những câu chuyện mọi người kể cho mình. Dù vậy, tôi hy vọng một vài trong số những câu chuyện thú vị nhất mà tôi chưa được nghe sẽ có ở Việt Nam!”.

Cho tới nay cô đã nghe được rất nhiều chuyện về lũ lụt, hỏa họan, hạn hán, cách người dân học bơi, các vụ sóng thần và đặc biệt yêu những câu chuyện về nước, nó giúp cô hiểu hơn về điều đó. Các câu chuyện rất đa dạng. Tính bất ngờ, phong phú cũng là yếu tố khiến Lockwood say mê hơn công việc của mình, cô chưa bao giờ đoán trước được người dân sẽ kể cho cô nghe những câu chuyện gì.

Như lần ở Queensland (Australia), một người phụ nữ đã kể cho cô nghe về việc người ta đã tìm ra những con cá sấu ở chỗ xa hơn nhiều so với nơi là môi trường sống quen thuộc của nó tại phương Nam. Lockwood nói: “Phỏng đoán của bà ấy là do biến đổi khí hậu, những loài động vật hoang dã đã di cư tới những khu vực khác nhau trong nước”.

Hay như tại New South Wales (Australia), một người nông dân đã kể cho Lockwood nghe việc nhiều thế hệ trong gia đình anh đã cùng canh tác trên một thửa đất, tuy nhiên tình hình ngày càng khó khăn hơn. Cô giải thích: “Người ta đã từng quen với việc đoán trước được lúc nào sẽ có lũ lụt, nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi”.

 

 

Lockwood và chiếc xe đạp thân thiết trong hành trình thu thập 1.001 câu chuyện về biến đổi khí hậu – Ảnh: Onebikeoneyear.

Lockwood chọn cách lắng nghe không định kiến, ngay cả khi cô trò chuyện với những người từng có một quá khứ tội lỗi. Cô chia sẻ cách làm việc của mình: “Đó là sự thiết lập các mối quan hệ của lòng tin, giữ cho bản thân mình cởi mở và sẵn lòng nghe mọi thứ. Tôi không cố gắng thuyết phục hay thay đổi suy nghĩ của người khác, tôi chỉ ghi chép, thu âm và viết về trải nghiệm của mình”.

Với Lockwood, chuyển biến rõ ràng nhất, hay nói cách khác đó chính là những bài học thú vị nhất mà hành trình thu thập 1.001 câu chuyện về biến đổi khí hậu với cô là việc lắng nghe (lắng nghe một cách sâu sắc) đã khiến cô trở nên cởi mở hơn với sự chậm rãi.

Ban đầu cô dự kiến chỉ mất khoảng một năm nhưng nay đã nới rộng thêm nhiều  hơn, Lockwood cảm thấy bản thân cô thường lặp đi lặp lại cảm giác mong muốn sự tĩnh lặng và chậm rãi ngày càng nhiều hơn.

Cô chia sẻ: “Cách nghe tôi thích nhất gần như một sự thiền định vậy. Nói tóm lại thì sự chậm rãi thật đẹp. Tôi không hiểu chính xác những điều này nhưng tôi đang sống với từng khoảnh khắc của sự chú tâm”.

Lockwood hy vọng khi kết thúc dự án, cô sẽ xây dựng được một bản đồ kỹ thuật số với các băng âm thanh đã thu được để mọi người có thể nghe tất cả những câu chuyện đó. Hiện tại cô vẫn đang phát triển một trang web liên quan tới dự án thu thập 1.001 câu chuyện.

Theo đó, trang web sẽ được trình bày theo dạng bản đồ và người truy cập có thể bấm vào một điểm nào đó để nghe câu chuyện do người dân ở địa phương ấy kể. Hiện tại các câu chuyện vẫn đang trong giai đoạn xử lý kỹ thuật.

Kế hoạch tới Việt Nam

Lockwood cho biết có thể cô sẽ tới châu Mỹ hoặc khu vực Đông Nam Á, vấn đề chỉ là cô sẽ đến được đâu bằng thuyền và chiếc xe đạp, những phương tiện di chuyển đã gắn bó với cô trong hành trình hơn một năm qua.

Hiểu rằng Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu, Lockwood nói cô cũng rất muốn đến Việt Nam và hy vọng là có thể tới trong vài tháng tới.

Lockwood cho biết: “Nếu may mắn, tôi sẽ tới Thái Lan vào khoảng giữa tháng 5 này và sau đó có thể đi xe đạp qua Việt Nam. Nếu ai đó ở Việt Nam có những câu chuyện về biến đổi khí hậu muốn chia sẻ, hoặc họ cho phép một người khác đi xe đạp trong vườn nhà mình, tôi rất muốn được tới gặp họ. Nhiều khả năng tôi sẽ tới Việt Nam vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay, trong vài tuần tới đây, các kế hoạch của tôi sẽ được khẳng định chắc chắn”.

Hành trình thu thập 1.001 câu chuyện về biến đổi khí hậu trong đời sống người dân của Lockwood đã truyền cảm hứng cho Morgan Curtis, một cô giáo cấp ba người Mỹ dạy về các vấn đề môi trường và những giải pháp năng lượng có thể tái tạo cũng quan tâm đặc biệt tới môi trường.

Trước khi Morgan Curtis thực hiện hành trình đi bằng xe đạp tới hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 21 tại Paris, cô đã liên hệ với Lockwood và nhờ tư vấn một số vấn đề.

Lockwood nói: “Trước khi Morgan Curtis liên lạc với tôi qua blog, tôi và cô ấy chưa phải là bạn của nhau, nhưng tôi rất vui vì cô ấy đã cần sự giúp đỡ của mình. Tôi thực sự ngưỡng mộ và trân trọng những hoạt động về khí hậu cũng như tài kể chuyện của cô ấy”.

Theo Đỗ Dương – Văn nghệ công an

 

Exit mobile version