Nguyễn Thanh Tâm

Xuất bản, in ấn và phát hành sách văn học không thể không tính đến nhu cầu tiếp nhận, tiêu thụ của công chúng. Nhà xuất bản phải căn cứ trên nhu cầu, thị hiếu của người đọc – sự vận động của thị trường để lập kế hoạch xuất bản đồng thời có chiến lược, sách lược riêng để bồi đắp văn hóa đọc. Chính mối quan hệ mật thiết, có tính sống còn này đã nói lên cơ chế tồn tại của xuất bản trong đời sống văn học đương đại.

Các nhà xuất bản hiện nay đang bị giằng co giữa nhiệm vụ chiến lược và sách lược trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi mà trước hết là sự thay đổi trong thị hiếu thẩm mĩ của công chúng. Phải chọn hướng đi nào cho sự tồn tại ?

heo đánh giá từ phía nhà xuất bản, nhu cầu mua sách văn học của công chúng đang có xu hướng giảm. Bên cạnh những nguyên nhân về cơ chế thị trường, sự tăng cao của giá sách, sự lạm phát, con người không còn nhiều thời gian cho đọc sách, sự xuất hiện ngày càng mạnh mẽ của các phương tiện, loại hình truyền thông, giải trí khác đã cạnh tranh một cách quyết liệt với xuất bản sách giấy trong việc chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ các sản phẩm văn hóa. Sự thay đổi nhu cầu, thị hiếu văn hóa, thẩm mĩ, gắn với bối cảnh sống mới của con người hiện nay đã đặt nhà xuất bản vào tình thế không thể không có những chính sách thu hút công chúng. Loạn best seller là kết quả của một trong cách hoạt động ấy. Sách được gắn mác best seller là một “chiêu” để thu hút sự chú ý, gây tin cậy đối với độc giả. Tuy nhiên, do sự ồ ạt xâm nhập thị trường, cùng sự thiếu minh bạch của các đơn vị theo dõi và xếp hạng best seller nên nhãn mác này cũng dần giảm sút niềm tin trong công chúng. Sách best seller đôi khi chỉ còn là một con bài, một chiêu trò trong sách lược của nhà xuất bản.


Hội sách ngày càng được tổ chức rầm rộ ở hai đầu đất nước (Ảnh: VOV)

Xuất bản những dòng sách dễ tìm độc giả, tác động mạnh đến thị hiếu có tính giải trí của con người thời hiện đại cũng được các nhà xuất bản chú ý và là một hướng đi chủ đạo của xuất bản sách văn học trong thời đại tiêu dùng. Những tên sách có tính chất câu khách: Thoát y dưới trăng (Thủy Ana, Nxb Văn học), Gạ tình lấy điểm (Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Hội Nhà văn), Cho em được gần anh hơn chút nữa (Gào, Nxb Hội Nhà văn, Công ty Bách Việt), Xu Xu đừng khóc (Hồng Sakura, Nxb Hội Nhà văn), Váy ướt quấn vào bắp chân (Tập truyện ngắn, nhiều tác giả, Nxb Hội Nhà văn), Hôn anh thêm một lần nữa nhé (Nhiều tác giả, Nxb Thời đại), Phải lấy người như anh (Trần Thu Trang, Nxb Lao động), Dị bản – Tập truyện ngắn, chỉ đọc khi tuổi đã 18 (Keng, Nxb Văn nghệ TPHCM) hoặc những sách dịch như: Xin lỗi em chỉ là con đĩ (Tào Đình – Trang Hạ dịch, Nxb Hội Nhà văn), Nắm tay và làm tình (Nữ Vương, Trang Hạ dịch), Hễ sướng thì hét lên (Trì Lợi, Trần Trúc Ly dịch, Nxb Phụ Nữ), Gái trinh (Tranh Tử – Nguyễn Lệ Chi dịch, Nxb Văn nghệ TPHCM), Những người đàn bà tắm (Thiết Ngưng, Sơn Lê dịch, Nxb Hội Nhà văn)… đã ra đời trên chính nhu cầu của độc giả và sự nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu của nhà xuất bản. Điều đó cũng cho thấy thị hiếu của công chúng, nhất là giới trẻ hiện nay. Những đề tài mới mẻ độc đáo, có tính chất li kì, những đề tài thế sự đời tư, những vấn đề nhạy cảm của con người lâu nay bị kiềm chế, những góc khuất của đời sống, sự phản tỉnh, giải thiêng,… xuất hiện trong văn học và được người đọc quan tâm. Đề tài của văn học đổi mới đã nói lên tư tưởng “bước qua lời nguyền”, giải trung tâm, rút ngắn/ xóa bỏ khoảng cách sử thi của văn học Việt Nam trong bối cảnh đương đại.

Đứng trước nhiều vấn đề có tính chất vừa là nguy cơ, vừa là thời cơ, các nhà xuất bản đã có những cách thức cụ thể để thu hút công chúng đến với sách văn học. Hiện tượng “giật tít”, “câu view” với các tên sách, các câu/ lời giới thiệu gây tò mò, hiếu kì, hấp dẫn,… như ở trên là một cách làm khá hiệu quả, đã gây được những hiệu ứng rõ rệt trong đời sống tiếp nhận văn học thời gian qua. Bên cạnh đó, mở hội chợ sách, ngày sách, giảm giá, quà tặng, thẻ giảm giá, combo khi mua sách cũng là những biện pháp hay mà một số nhà sách, công ti văn hóa – truyền thông như Nhã Nam, Tao Đàn, Phương Nam, Cửu Đức,… đã tiến hành và thu được kết quả rất khả quan. Nhiều nhà sách hiện nay đã có thêm Website và thực hiện giao dịch, bán sách online. Đây là hình thức mua sách đang được nhiều người chú ý và thích thú bởi tính tiện lợi, đỡ mất thời gian, tìm kiếm và chọn sách nhanh, giao hàng tại nhà, thanh toán sau, không mất phí vận chuyển trong phạm vi nhất định,… Điểm hạn chế của cách mua bán này là khánh hàng không được trải nghiệm không gian sách như trực tiếp tìm kiếm tại các nhà sách.

Đi sâu vào đời sống tiếp nhận văn học của công chúng, từ phía những người làm công tác xuất bản, chúng ta nhận ra một số chuyển động trong vấn đề đón nhận thể loại cùng với những phương diện khác của sách văn học trong tâm thế của cộng đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Vũ – Giám đốc nhà xuất bản Văn học cho biết: “Xuất bản nhiều nhất trong thời gian qua là thơ, sau đó đến truyện ngắn. Tiếp đến là tiểu thuyết, văn học thiếu nhi rồi đến kí. Lí luận phê bình có lẽ là mảng sách có số lượng xuất bản ít nhất trong những năm vừa qua”. Lí giải điều này chúng ta nhận ra thực trạng của tiếp nhận và xuất bản ở Việt Nam. Nhờ cơ chế tự do, thông thoáng hơn trong những năm qua mà thơ ra đời ồ ạt, với số lượng lớn các tác phẩm, tác giả. Thế nhưng chất lượng cũng như sự tiếp nhận những sản phẩm ấy lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Rõ ràng, để có thể sống được trong cơ chế thị trường, nhà xuất bản đã đáp ứng nhu cầu của con người, mà trước hết là nhu cầu được tự do in ấn, phát hành các ấn phẩm văn học.

Thể loại truyện ngắn thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng trong khi tiểu thuyết quá dài, đọc mất thời gian không phải là sự lựa chọn của độc giả thời kinh tế thị trường luôn trong tình trạng ăn nhanh, uống nhanh, ngủ nhanh,… Văn học thiếu nhi thiếu cả về tác giả và tác phẩm, kí chủ yếu xuất hiện trên báo chí, các tác phẩm lí luận phê bình xuất hiện ít bởi tính đặc thù của độc giả bộ phận này. Những dấu hiệu về thị hiếu đọc của công chúng đã tác động rất lớn đến kế hoạch xuất bản của các nhà xuất bản.

Các nhà xuất bản trong sách lược, chiến lược phát triển của mình đã tính toán rất kĩ lưỡng đến thị hiếu của công chúng, đặc biệt là có sự phân tích về thị hiếu của lứa tuổi. Chúng ta có thể cảm nhận được sự tính toán này khi một bộ phận không nhỏ sách văn học dành cho lứa tuổi teen, học sinh và sinh viên ra đời. Đây là lứa tuổi có điều kiện nhất để đọc sách (thời gian, hứng thú, những diễn biến tâm lí cần tìm kiếm, chia sẻ, học hỏi từ sách vở). Những loại sách dễ tìm độc giả với những cái tên đầy hấp dẫn như trên rõ ràng có hiệu ứng đặc biệt với lứa tuổi này. Vẫn chưa hết, nhà xuất bản và các công ti văn hóa, truyền thông còn tạo ra những “cơn sốt” sách nhân những dịp lễ tết như 20/10, 8/3, Giáng sinh, Trung thu, ngày lễ tình nhân Valentine,… Sách là một sản phẩm văn hóa, và các nhà xuất bản, nhà sách, công ti văn hóa đã không bỏ qua những dịp quan trọng để phát huy hết sức mạnh văn hóa của sách trong đời sống cộng đồng.

Thị hiếu của công chúng đôi khi không xuất phát từ nhu cầu đọc. Có khi, đọc không phải là động cơ để công chúng bỏ tiền mua sách. Có một bộ phận mua sách để được sở hữu, để trưng bày. Điều đó khiến cho các nhà xuất bản cũng rẽ vào một hướng là sản xuất một số sách bằng giấy tốt, đẹp, nhẹ, xốp, giai, ít hút ẩm, nhập ngoại,… Nếu như loại sách này có thêm chất lượng tốt từ nội dung quả là một thành phẩm lí tưởng của xuất bản sách.

Đứng trước những đòi hỏi khắt khe của thị trường, những biến động của thời bão giá,… để tồn tại nhiều nhà xuất bản lại có cách làm ngược lại với hiện tượng vừa được trình bày ở trên. Xuất bản dòng sách giá rẻ, bằng giấy thường, bìa thường với giá thành chỉ bằng 50% so với làm giấy tốt, bìa đẹp,… là một phương án thử nghiệm của Nxb Trẻ. Trong khi đó, công ti Trí Việt và First News lại hướng tới bộ phận độc giả ở xa quê hương với kênh phát hành mới.

Độc giả của văn học ngày càng thu hẹp, chính vì thế xuất bản cần phải có nhiều thêm nữa những cách thức, con đường để đưa văn học đến với công chúng. Sách điện tử – sách số, sách nói, văn học mạng là những thể nghiệm mới trong đời sống xuất bản, in ấn và phát hành văn học ở Việt Nam. Sự phát triển của khoa học kĩ thuật, công nghệ, sự phát triển của đời sống cùng rất nhiều các vấn đề của con người trong xã hội hiện đại đang là cơ hội và thách thức để ebook, sách số, sách nói, văn học mạng ra đời và khẳng định tư cách tồn tại của mình.

Phải nhận thức rõ một điều, các nhà xuất bản ở ta không thể nằm ngoài những quy định pháp luật, chủ trương và đường lối phát hành, in ấn, xuất bản tác phẩm văn nghệ của Đảng và Nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc “làm ăn” của các nhà xuất bản, các công ti văn hóa, truyền thông cũng phải hết sức cẩn trọng.
Con người hôm nay gắn bó với máy vi tính, internet, truyền hình nhiều hơn, không có thời gian dành cho việc đọc sách. Công chúng của văn học thực sự đang bị co lại. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Vũ – Giám đốc nhà xuất bản Văn học, đó lại có thể là một cơ hội để sàng lọc những “độc giả đích thực” của văn học. Những độc giả trung thành cũng chính là niềm tin mà những người làm sách đang trông đợi, hi vọng sự phát triển của văn hóa đọc trong tương lai hướng tới tầm nhìn chiến lược.

Xuất bản và tiếp nhận sách văn học trong cơ chế thị trường hoàn toàn không xa rời mối quan hệ giữa cung và cầu. Xuất bản cần có định hướng, có sách lược (ngắn hạn) và chiến lược (dài hạn) để vừa có thể tồn tại trong cơ chế thị trường vừa nâng cao chất lượng xuất bản, có chiều sâu và bền vững, hướng tới sự hòa nhập với thế giới là vấn đề cần phải nhận thức của xuất bản Việt Nam hiện nay.

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version