“Có lần tôi thích đi xem phim mà chả thấy ông mời gì cả nên tôi mua hai vé phim, đạp xe lên Đoàn ca múa nhạc rủ đi xem. Ông từ chối vì đang đọc sách rồi đẩy cho ông bạn nhạc công đi cùng tôi…”, nghệ sĩ Huyền Lâm kể lại “mối tình kỳ lạ” với nhạc sĩ An Thuyên.
Tròn một năm, nhạc sĩ An Thuyên ra đi, cho đến bây giờ bà đã lấy lại được sự bình tĩnh sau nỗi mất mát quá lớn?
Đến giờ tôi vẫn cảm giác như ông đi công tác xa chưa về, ông chưa bao giờ đi quá 3 tháng, giờ đã là 12 tháng, cảm thấy hơi lâu. Nhưng ai rồi cũng phải ra đi, cứ nghĩ như thế tôi sẽ vượt qua được. Ông ra đi quá đẹp, được quá nhiều người yêu thương, học trò các thế hệ, bạn bè khắp nơi, cả những người không quen biết đều yêu thương ông. Cho nên, điều đó an ủi được cho mình. Ông đi hơi sớm nhưng đó cũng là cái kết đẹp, giống như lời cụ thân sinh nói: “thôi con ạ, Thuyên sống cũng vẻ vang, là ông Tướng đầu tiên được phong trong thời bình. Khi ra đi, nhiều người Hà Nội nhường đường cho để đi, nhiều người đến đưa tiễn”.
“Người sống có đức có tài, sống nhân hậu”, quả thật là ông thường làm phúc nhiều, sự ra đi của ông để lại nhiều tiếng thơm.
Sự ra đi của nhạc sĩ An Thuyên quá đột ngột, khiến nhiều bạn bè và người hâm mộ “sốc”, quay lại thời điểm đó bà nghĩ lại điều gì?
Tôi vẫn cứ lo, nếu phải nhận một cú sốc lớn mình sẽ bị chấn thương. Cũng may là không sao cả. Không hiểu tại sao tôi vượt qua được. Bởi vì mọi người xung quanh nhiều, họ tập trung đến, họ nhắc nhiều về ông, với những điều tốt nhiều, mình cũng cảm thấy được an ủi…
Bà có nhớ về những thói quen của nhạc sĩ An Thuyên khi ông còn sống?
Hôm trước, cô con dâu mua tờ lịch Euro 2016 mang đến thắp hương cho ba. Hôm sau, Bông Mai – con gái tôi đến bật tivi để cho ba xem lại Euro. Ông mê bóng đá đến nỗi cứ có bóng đá là ông mở xem, kể cả bóng đá trẻ con. Hôm khai mạc Euro con dâu và cháu nội mang tờ lịch qua thắp hương cho ông.
Ông cũng không có nhu cầu ăn uống, không muốn ai làm phiền, bình thường ông đói là tìm gói mỳ tôm tự làm ăn, không phiền đến vợ con. Thương ông là thế!
Tính ông cũng đơn giản, chỉ có… thuốc lá và thịt mỡ. Mình mà không cho ông ăn thịt mỡ, ông bảo: “có khi chết vì kiêng ăn đấy”. Người ta bảo ông bị tim là vì hút thuốc lá, bị đường cao vì ăn đường nhiều. Thôi thì, an ủi là trước khi ra đi ông được thỏa mãn những thứ ông thích: thuốc lá ngày 3 bao, uống đủ mấy cốc chanh đường và chỉ ăn cơm thịt mỡ.
Chị Bông Mai từng chia sẻ, ba mình- nhạc sĩ An Thuyên là người tính khá… lạnh. Nghe kể ngày tán bà, cũng có nhiều kỷ niệm rất ấn tượng, ví dụ bà mua vé xem phim mà ông không đi khiến bà tự ái, bỏ đi xem với… bạn của ông?
Ngày đó, ông vẫn đang công tác tại Đoàn ca múa nhạc Nghệ An, còn tôi làm tại đoàn kịch Nghệ An. Tôi đóng trong vở kịch “Đôi mắt” còn ông viết nhạc nền cho vở kịch ấy. Thời đó, cứ ngoài giờ làm, giờ học, khoảng 9-10 giờ ông đạp xe xuống đoàn. Ông cứ đến phòng tôi chào một cái, rồi sang phòng mấy cô khác chơi, lúc về lại qua phòng chào “mình về nhé”. Tôi vốn lãng mạn, suốt ngày đọc tiểu thuyết mà ông thì… chẳng nói năng gì.
Là người không lãng mạn, lại kiệm lời, vậy điều gì ở nhạc sĩ An Thuyên chinh phục được trái tim nữ nghệ sĩ vốn nhạy cảm và lãng mạn?
Tôi còn nhớ, mỗi lần đoàn mình đi diễn thì nhạc sĩ An Thuyên cũng đi theo để bật nhạc. Khi tôi diễn trên sân khấu thì thấy có anh mặc áo trắng đứng phía cánh gà, rồi nhìn, rồi thích thế thôi. Khi ông An Thuyên ngỏ lời yêu tôi cũng khủng hoảng, bật khóc.
Có lẽ vì thích nhạc, mà chính cá tính tưởng như “dửng dưng” của ông khiến tôi chú ý. Có lần, tôi lên phòng ông, phòng bừa bộn, sách ngổn ngang, có cái áo trắng treo ở móc, cổ đen. Thì tôi bảo “Trời ơi sao bẩn thế”. Ông bảo: “Áo đi mượn đấy! Bẩn thế có lấy được thì lấy”.
Mãi mấy tháng sau thì ông đi biểu diễn cùng đoàn ca múa, tôi đi biểu diễn cùng đoàn kịch nói Nghệ An thì ông bảo “Phải cưới thôi”! Tôi hỏi “Tại sao thế”? thì ông bảo “Đi bộ đội”. Thế là tổ chức cưới. Mùa hè năm 1974 đi lại vẫn khó khăn lắm nên khi nhắn về trên quê 3,4 ngày sau bố mẹ tôi, bố mẹ ông mới xuống được.
Hai vợ chồng chỉ sắm được cái giường, cái xoong với cái sơ mi trắng chứ làm gì có ảnh cưới. Chả có ảnh cưới gì cả rồi cơ quan tổ chức cho ăn ngọt mà cũng không có áo cưới gì đâu. Sau hôm cưới, tiễn ông ra sân vận động tập trung để đi bộ đội, ôi khóc lóc lâm ly đau khổ lắm. Cuối cùng ra tập trung thì được điều về… tỉnh đội Nghệ An ở ngay thành phố. (Cười).
Còn chuyện hai lần kết hôn của bà và nhạc sĩ An Thuyên, thực hư thế nào?
Năm 2013, Bông Mai mua nhà cần vợ chồng tôi đứng tên hộ. Đến khi làm thủ tục thì chỉ có hộ khẩu, thiếu giấy đăng ký kết hôn của hai ông bà. Giấy đăng ký trước đây do nhiều lần chuyển nhà thất lạc đâu không rõ. Một tuần trời đi lại giữa Hà Nội và Nghệ An để làm thủ tục mà không được.
Sau, hai vợ chồng ra phường Liễu Giai, họ bảo làm cho giấy đăng ký lại và bảo về xem ngày. Thế là ông về xem ngày như thật. Hôm ra đăng ký, cô Phó Chủ tịch phường tặng hai ông bà bó hoa hồng đỏ, ông ôm bà chụp ảnh, ký giấy. Cô Phó Chủ tịch phường bảo cháu ký cho hai bác cũng… run tay. Về nhà, Bông Mai trêu bảo, hai ông bà ngồi chụp chung kiểu ảnh đi, sống thử 38 năm giờ mới chịu kết hôn.
Là phu nhân của cố nhạc sĩ tài hoa, người đầu tiên được phong hàm thiếu tướng trong thời bình – những vẻ vang thì ai cũng nhìn thấy nhưng xin được hỏi bà: sống với người “quá tham việc” như An Thuyên, có khoảnh khắc nào bà cảm thấy… cô đơn?
Để sống được với một người đàn ông thành đạt thì người phụ nữ đôi khi phải hi sinh rất nhiều. Vì ông quá bận rộn nên thời gian hai vợ chồng cùng đi xem phim hay thưởng lãm gì đó hầu như không có. Tôi vốn là người lãng mạn nhưng rồi cũng phải chấp nhận, thích nghi vì cuộc sống đâu lúc nào cũng như mình muốn.
Có giai đoạn, tôi khóc nhiều, thậm chí là nước mắt chan cơm. Những năm đầu thập kỷ 90, ông được cử về trường Nghệ thuật Quân đội, gây dựng trường từ Trung cấp, lên Cao đẳng rồi Đại học…. là vô cùng gian nan. Thời gian đó, ông đi tối ngày, tôi ở nhà chờ cơm, chờ mãi đến khi chồng về thì bưng bát cơm lên mà nước mắt cứ rơi…
Là nhạc sĩ nhưng ông lại là người ít thể hiện tình cảm ra bên ngoài. Tôi nhớ lần đầu tiên, ông thể hiện tình cảm là năm 2009, trước khi tôi về hưu có tổ chức chương trình 40 năm tuổi nghề. Khi đó, bạn bè, học sinh kể nhiều câu chuyện kỷ niệm về mình rất xúc động, rồi mọi người ào lên chụp ảnh kỷ niệm… Đó là lần đầu tiên, trước mặt mọi người ông ôm vợ thể hiện tình cảm…
Nhưng tôi nghĩ, không nên đòi hỏi. Ông là người hiền lành, bận công việc. Mọi việc trong nhà tôi quyết định hết. Khi bị vợ “nói xấu” gì đi chăng nữa, ông cũng chỉ cười hiền…
Vậy, có khi nào bà ghen với những “bóng hồng” trong các sáng tác của cố nhạc sĩ An Thuyên?
Người đàn ông khôn ngoan thì tôn trọng vợ con, dù ra ngoài có thích cái đẹp, nhưng giữ được danh tiếng. Chắc chắn là có thích người khác, được người khác thích, có cảm hứng để sáng tác nhưng chả bao giờ tôi phải ghen. Thích nhưng không làm gì ảnh hưởng danh tiếng, vẫn về với vợ con thì mình ghen sao được?
Ông thường không lấy cảm hứng từ những con người cụ thể, đều từ ý thơ. Ông làm hay bài thơ lên rất nhiều như: “Đi tìm bóng núi”, “Tình ca mặt trời”… Còn tự sáng tác thì “Hà Tĩnh mình thương”, “Neo đậu bến quê”, “Ca dao em và tôi”…
Mọi người cứ bảo “chân lấm bùn mà tôi ngỡ gót chân tiên” (Ca dao em và tôi)… chắc ông có mối tình nào đấy. Tôi nghĩ, cũng có thể nhưng mình mới là người bên cạnh, sao phải ghen?
Theo Nguyễn Hằng – Dân trí