Ngà thập thững bước một lên từng bậc thang sắt, hai mươi tám năm có lẻ, chị làm công nhân vận hành bơm ở cái đáy mỏ này rồi. Những bậc thang sắt nối dài theo tuổi đời cũng như tuổi nghề và cũng mòn đi bởi dấu chân của chị. Vậy mà bây giờ, chị vẫn muốn đếm lại số những bậc thang mà chị hằng nhẵn mặt chúng.
Ngày mai chị xa rồi và cả những bậc thang sắt kia cũng được dỡ bỏ, chúng cũng hoàn thành sứ mệnh của chúng. Một chặng đường dài thăm thẳm, chị làm sao đếm hết những ngày mưa, ngày nắng, những đêm bão nổi đầy trời đã qua trong đời. Cuối cùng chị cũng leo hết 409 bậc thang sắt. Nắng sớm vươn mình lên đỉnh ngọn núi phía Đông. Những tia nắng xòe ra như nan quạt khổng lồ, nóng dữ dội, mồ hôi chị tứa ra nhưng chị lại thấy nó thân thương biết chừng nào. Ba mươi hai năm làm mỏ, hai mươi tám năm gắn bó với nghề vận hành bơm nước ở dưới đáy moong sâu hút kia rồi. Công việc có cực nhọc đến đâu, chị vẫn gắng hoàn thành nhiệm vụ. Vậy mà lúc này… hình như chị đang nuối tiếc điều gì… “Toe”, một tiếng còi xe bất thần cất lên… Ngà giật mình ngoảnh lại, chiếc xe con đã ghé lại, người quay cửa kính xuống là Tường, phó giám đốc phụ trách kỹ thuật khai thác mỏ, Tường bảo:
– Chị lên xe, em chở về công trường!
Nhưng Ngà lại mỉm cười cảm ơn rồi lắc đầu từ chối với lý do là về công trường không mấy xa. Ngà muốn nhẩn nha một chút. Như hiểu phần nào tâm trạng của Ngà, Tường nhoẻn cười thân thiện, quay kính trở lại, giơ tay vẫy vẫy rồi ra hiệu cho lái xe rẽ theo đường xuống đáy moong.
Gió bắt đầu gầm rú, cơn bão đang đổ bộ vào đất liền, chiếc loa phóng thanh từ xa không ngừng phát bản tin khẩn cấp. Ngà băng từ dưới chân đê lên, tâm trí cô dường như không có gì cả, cô chỉ biết chạy mà cũng không biết chạy đi đâu? Ai ngờ vừa nhao lên khỏi mặt đê, cô chỉ nghe thấy tiếng phanh xe rít lên rồi tiếng người lào xào. Lúc tỉnh dậy, cô mới hay mình nằm ở một bệnh viện cách nhà gần 20 km. Cô y tá nói, cô bị ngất do va chạm xe, đã qua gần 4 tiếng rồi, chiếc xe con đưa cô đến đây, họ nói cô đã nhao vào đầu xe của họ, may là cô chỉ bị ở phần mềm, không có gì phải lo cả, cô ngất là do sức khỏe và tinh thần quá hoảng loạn. Họ phải về cơ quan vì việc gấp trước khi bão đổ vào, họ trình báo công an và ký biên bản, để lại giấy tờ và xin phép quay lại ngay sau bão.
Họ sẽ quay lại?
Ngà có thể tin được không? Nhưng họ là ai kia chứ? Tâm trí Ngà lơ mơ chẳng nhớ nổi gì! Ngà co rúm người lại, vết thương ở dưới hông rần rật khiến mặt Ngà nhăn lại vì đau, cái màu băng trắng toát chiếm hữu tâm trí cô, nhưng nó lại hiện lên một bến sông và mùa nước lũ. Năm Ngà mới mười tuổi… Mẹ cô bị đuối nước khi bơi sang sông gặp phải lựng nước xoáy! Còn cha, Ngà chỉ loáng thoáng nghe nói cha bị bệnh hiểm nghèo qua đời từ ngày Ngà chưa đầy hai tuổi. Ngà được chú ruột đón về nuôi. Chú rất thương Ngà nhưng còn thím, lại đông em. Chú thím nghèo nên chỉ cho Ngà học hết lớp bốn rồi ở nhà chăn trâu, cắt cỏ, tham gia đồng áng. Cái khó lẽ nào luôn đi kèm nỗi bất hạnh. Chú của Ngà không may bị tai nạn đổ giàn giáo khi đang xây một bức tường đá. Chú bị chấn thương sọ não, không tiền chạy chữa thành di chứng hành chú mỗi khi trái gió trở trời. Chú đau yếu luôn, nhà đã nghèo càng nghèo thêm. Một người đàn ông có gương mặt từa tựa lưỡi cày, nước da đen sạm, lúc nào cũng thoang thoảng mùi cá với mắm, tuổi ngoài bốn mươi, nghe nói nhà ở Hải Phòng, ông ta thường qua lại bến sông này với nghề buôn mắm và cá khô… Thi thoảng cơ nhỡ, ông ta ghé lại ngủ nhờ một đêm. Có lúc, ông ta biếu chú thím cân cá khô, bữa thì vài lạng mắm tôm. Khi chú bị tai nạn, đôi lần ông ta cho vay chút tiền để thuốc thang. Năm Ngà mười bẩy, cái tuổi xuân sắc như hoa thơm trước gió… Dẫu lam lũ, vất vả nhưng Ngà có cái duyên mặn mà trời cho, nhan sắc tuổi dậy thì dễ làm lay lòng người. Thời gian này cũng là đợt ông ta lui tới nhiều hơn, đôi lúc thấy thím và ông ta nhỏ to điều gì? Cũng không ít lần, Ngà phải đỏ mặt bởi bắt gặp ánh mắt của ông ta bất chợt liếc nhanh về phía mình, trái tim con gái đã mách bảo Ngà có điều gì đó khác thường… Nhưng dù sao mối hoài nghi cũng chỉ chợt đến, chợt đi! Ngà chăm chỉ giúp thím đồng áng, chăm sóc chú lúc yếu đau và các em như người chị cả trong nhà. Ấy vậy mà… chuyện ấy đã xảy ra… Gần trưa, nhà vắng, mấy đứa em, đứa chăn trâu, đứa đi học chưa về. Ngà làm nhanh cỏ lúa trên mảnh ruộng phần trăm ở rìa đồng rồi tranh thủ về sớm, toan đỡ thím nấu nồi cơm! Ai ngờ lại chứng kiến câu chuyện giữa chú và thím.
– Ông nghĩ mà coi! Anh ta già thật đấy nhưng còn tốt chán so với những đứa sồn sồn ở cái xó quê này. Nhà người ta ở phố, ít ra cũng buôn bán có đồng ra, đồng vào.
– Bà im đi cho tôi nhờ! – Giọng chú có phần thiếu bình tĩnh – Con Ngà mới 17 tuổi đầu, ông ấy hơn cả tuổi bố con Ngà, mà lại một đời vợ rồi! Làm vậy bà không sợ phải tội với vong linh anh, chị tôi ở dưới suối vàng hay sao?
– Tội với nợ – Giọng thím rít the thé – Già thì đã sao? Một đời vợ thì đã sao? Ông không lo lấy thân còn lẩn thẩn! Số tiền nợ người ta vẫn còn kia kìa, ông tính sao mà còn vong với linh!
– Chẳng nhẽ bà lấy cháu ra gán nợ, bà không thấy xấu hổ sao? Con ông ta có khi còn lớn hơn cả con Ngà! Nó sống ra sao? Rồi nó sẽ oán cho đấy!
– Xà! Oán với hờn, xấu với hổ, ai cười được lâu chứ? Tôi làm thế cũng vì ông cả thôi, đằng nào con Ngà chẳng lấy chồng, lấy ai chẳng được, lấy chồng già có khi lại là phúc của nó đấy!
– Bà đừng có làm như vậy, tôi không mang nổi vết nhơ này đâu! Bà muốn tôi phải tức chết đấy phải không?
– Vậy ông đi kiếm tiền mà trả người ta!
Mặt Ngà tái xanh, chân tay run lẩy bẩy, chiếc liềm trên tay Ngà buông rơi xuống đất, tạo thành tiếng động.
Chú, thím của Ngà cùng quay ra, môi chú còn run run không nói lên lời còn giọng thím thì đanh lại:
– Chị nghe cả rồi, tôi khỏi phải nói lại! Hôn sự của chị tôi đã nhận lời với người ta, bây giờ chú cháu nhà chị thống nhất, tôi còn trả lời để người ta liệu!
Mắt Ngà hoa lên, tai cô ù ù như có cối xay lúa bên trong. Trước đến giờ, Ngà vẫn nghĩ thím có khó chịu thật đấy nhưng cũng không đến nỗi nào!… Trưa đó, Ngà bỏ ăn đi tha thẩn ven sông. Dòng sông với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn với Ngà, dòng sông cũng cướp đi cả người mẹ yêu quý của cô. Ngà ngồi phệt xuống rệ đê, đôi vai rung lên từng hồi, những con sóng dập dềnh xô vào bờ phát ra những tiếng oàm oạp… Một chiếc bè chuối ai bỏ lại trên mặt nước dập dềnh trôi dần về phía Ngà. Bất giác, Ngà nhớ mẹ đến cồn cào! Nhớ cứ như những con sóng trào lên từng đợt… Giá như được nằm trong vòng tay của mẹ! Tiếng nấc của Ngà nghẹn lại. Ngà đã nghĩ đến dòng sông và sự giải thoát đời người. Ngà nhảy xuống chiếc bè chuối rồi lặng lẽ gieo mình xuống dòng sông. Khổ nỗi Ngà lại cứ nổi trên mặt nước! Làn nước mát lành khiến Ngà bừng tỉnh. Ngà nghĩ tới chú và các em. Biết đâu thím cũng chỉ nói vậy? Cái cảm giác trờn trợn, ghê ghê về cái ông bán cá vây bủa lấy Ngà dần dần biến tan… Nhưng mọi chuyện không như Ngà mong muốn chút nào, thím luôn luôn gằn hắt chú và ép Ngà phải thuận duyên với ông bán cá khô nhiều tuổi hơn cả bố mình. Sự tức tưởi của Ngà rồi cũng thành vô vọng! Thím Ngà chìa ra đôi hoa tai vàng chóe nói thẳng vào mặt hai chú cháu Ngà:
– Đây là sính lễ của người ta, nếu chị đồng ý, người ta xóa hết nợ nần, lại còn có thể thuốc thang cho chú chị được đấy! Đồng ý hay không thì tùy chú cháu các người, không lại đổ tiếng ác cho tôi.
– Tôi thà chết chứ không chịu được nhục này đâu! Sống như vậy còn mặt mũi nào trông thấy người trong làng trong họ kia chứ! – Chú đang nằm, ngồi bật dậy vừa nói vừa đấm ngực thùm thụp. Ba đứa em khóc lóc van xin mẹ, chúng nói thà ăn đói, mặc rách chứ mẹ đừng bắt chị Ngà lấy chồng.

– Chúng mày câm hết miệng lại, tao lo là lo cho cả cái nhà này chứ gì cho tao, bố mày đau yếu quanh năm rồi lấy cứt mà vã vào mồm!

– Bà câm mồm lại cho tôi! – Đột nhiên chú bật dậy và nhào về phía thím, nhanh như tia chớp, một cái tát bất thần như trời giáng vào mặt thím, giọng chú rít lên, gương mặt chú giần giật – Tôi không cần cái thứ chết tiệt ấy, bà đem đi đâu thì đem!

Thím như đang trong cơn mê, bừng tỉnh… như chợt hiểu ra điều gì đó, miệng thím há hốc rồi bất thần, thím lăn đùng ra đất, chân tay đập liên hồi như người lên cơn co giật, thím gào lên:

– Giời ơi là giời, tôi nuôi ong tay áo mất rồi! Làng nước ơi, đến mà xem chú cháu nhà nó giết tôi đây này… Giời ơi là giời!

Ngà tái mặt, mắt hoa lên, tất cả mọi thứ như đảo lộn… chúng đang quay cuồng… Mặt sông đang yên bình bỗng xuất hiện một lựng xoáy rồi một bộ mặt gớm ghiếc hình lưỡi cày đen sạm, nhe hàm răng vàng kễnh thuốc lào nhăn nhở với cô rồi lè cái lưỡi đỏ lòm táp lấy cả người cô.

– Không! – Ngà hét lên giống như người cố vùng khỏi cái lưỡi đỏ lòm kia rồi lao thẳng ra ngõ, nhao lên mặt đê

Ngà thành thành viên của một gia đình thợ mỏ, đó là gia đình ông Trường cơ điện trưởng một xí nghiệp khai thác than lớn ở vùng Đông Bắc, ông đã cùng lái xe quay lại bệnh viện để xem xét, giải quyết vấn đề tai nạn do sự cố cô gái bất thình lình nhao vào đầu xe của ông. Thật may cô gái không có gì nghiêm trọng. Cô gái sụt sùi xin lỗi về chuyện đã xảy ra. Khi biết chuyện của cô, ông không nén được xúc động, tình thương cảm lẫn với trách nhiệm dẫn đến một quyết định và nó đã thay đổi cả cuộc đời của Ngà. Được sự đồng thuận của người chú và giúp đỡ của công an, chính quyền địa phương, ông Trường đã đưa Ngà về bệnh viện than ở vùngmỏ điều trị. Sức trẻ đã giúp Ngà nhanh chóng bình phục! Xuất viện, Ngà trở thành thành viên chính thức của gia đình ông Trường với tư cách là con nuôi. Thời gian đầu, Ngà giúp bố mẹ nhận trông nhà, sớm chiều đưa, đón cu Tường đang học lớp mẫu giáo lớn.

Vậy mà đã mấy chục năm trời!

Cu Tường hồi nào lon ton theo chân Ngà đến lớp buổi sớm rồi về nhà vào mỗi chiều, động tý là lăn ra ăn vạ vòi chị Ngà đủ thứ, bây giờ đã thành phó giám đốc phụ trách kỹ thuật khai thác mỏ. Ngà làm thợ mỏ, thoáng cái tuổi đã hưu. Ngà làm đường trên mỏ vài năm, khi Ngà học bổ túc hết cấp II, Ngà được theo học thợ điện tại mỏ rồi gắn bó với cái nghề vận hành bơm nước ở cái moong than này từ đấy. Lòng mỏ hồi ấy mới toen hoen, một cụm bơm nước chạy bằng động cơ điện, người ta dựng ngay cái trụ tời quay bằng tay để kéo bơm lên, hạ bơm xuống theo mực nước cần thiết ngay chính giữa chòi trú nắng, tránh mưa thiết kế bằng khung, trụ sắt định vị trên nền bê tông, được bao quanh và che bằng loại tôn chắc chắn. Mỗi ca sản xuất được bố trí hai người để vừa tời vừa bơm. Mùa đông ở đây lạnh vô cùng nhưng lại đỡ hơn vì có lò sưởi bằng than, than thì bao la, bếp lúc nào cũng đỏ rực. Ngà cùng chị em trong tổ đem đồ ăn nấu nướng tại chỗ khỏi phải báo cơm trên nhà ăn. Khổ nhất là mùa nắng nóng, dường như gió ở đây trốn biệt, đất đá trơ ra chỉ có vài ngọn lau thưa. Sợ nhất là mùa mưa và những ngày dông bão. Phòng chống mưa bão ở đây đặc biệt được chú trọng. Thế nhưng sự cố đã xảy ra, mưa lớn diễn ra lúc giữa đêm, nước xối ào ào kèm theo lốc xoáy dữ dội. Ngà và một chị cùng ca chỉ kịp ngắt cầu dao điện, tháo rời đường ống bơm, vừa tời được chiếc bơm lên vị trí cao nhất, định vị xong thì điện mất đột ngột trên toàn mỏ, cả lòng moong trở thành màu đen kịt. Những tia chớp chạy loằng ngoằng như muốn xé nát cả bầu trời. Cơn mưa xối xả kéo dài hai tiếng đồng hồ chưa yên. Bỗng hai chị em giật thót người, một tiếng “Ục” lớn phát ra như tiếng nổ từ trên cao dội xuống. Nước trào như thác lũ xuống moong trong ánh chớp. Mưa vẫn như trút. Ngà lia đèn pin xuống moong, nước duềnh lên nhanh chóng mặt.

– Làm sao bây giờ?

Nếu đà này, chỉ một thoáng, nước sẽ chìm nghỉm cả bơm. Ngà nói với chị làm cùng ca:

– Phải đưa bơm vào chòi thôi chị ạ!

– Đưa bằng cách nào?- Chị làm cùng phân vân – Nó nặng chứ nhẹ đâu!

– Vậy mới phải tính!

– Tính kiểu gì?

Một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu, Ngà cương quyết:

– Chị ở trên này, khi nào em bảo, chị hạ tời xuống nhé!

– Em định làm gì? Trời mưa nguy hiểm lắm!

– Được rồi, chị ạ!- Ngà vừa nói vừa mặc áo mưa, cầm đèn pin, xách thêm cuộn dây thừng lao ra ngoài men theo chiều thoải của mép tầng xuống phía dưới. Khi xuống được vị trí bơm, Ngà dùng dây thừng cột chắc chiếc bơm trên thanh trượt rồi vừa tháo móc tời, vừa gọi vóng lên:

– Chị hạ tời xuống rồi kéo tời lên, đưa móc tời ra phía cửa chòi, quay trả lại cho em!

– Em định làm gì? Tời ở trong có thanh trượt, bên ngoài tời làm sao được?

– Được rồi chị đưa cho em cái xà beng ở góc chòi!

Sự đồng thuận với nỗ lực của sức người, hai chị em Ngà đã đưa được chiếc máy bơm nặng gần một tạ vào trong chòi. Ngoài trời mưa vẫn xối xả, nước đã duềnh lên cách mép chòi chỉ còn gang tay. Một chiếc ô tô tải rú ga lao xuống phía chòi bơm. Một tốp nam thanh niên nhảy xuống. Đèn pin loang loáng. Đi theo còn có cả bố Trường của Ngà và quản đốc công trường. Ông Trường lộ vẻ vui mừng khi thấy hai chị em và chiếc bơm an toàn ở trong chòi. Nhưng khi nghe kể lại ông lại nhìn Ngà đăm đăm, lúc sau mới nói:

– Con giỏi lắm… nhưng ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì thì ai gánh trách nhiệm đây?- Đoạn ông thở dài buông một câu bâng quơ- Mưa lớn quá, lại vỡ cả đê thoát nước mới thành cơ sự.

Nhật lệnh sản xuất sáng hôm sau. Quản đốc công trường thông tin, giám đốc xí nghiệp biểu dương tinh thần xả thân cứu máy của chị em Ngà bởi đấy là một động cơ máy bơm của một xí nghiệp kết nghĩa ở miền Trung đã gửi tặng mỏ. Nhưng giám đốc cũng gay gắt yêu cầu ngành cơ điện và công trường phải có biện pháp xử lý chứ không thể để trường hợp tương tự diễn ra một lần nữa. Về tới nhà đã gần 9 giờ sáng, ông bà Trường đi làm, em Tường đi học, Ngà nấu cơm, ủ cơm phần Tường, nhai trệu trạo lưng cơm với cá bống kho rồi lăn ra ngủ một mạch đến chiều, vợ chồng ông Trường về mới dậy. Ngà phụ mẹ nuôi nấu bữa… Ăn cơm xong, ông Trường nói:

– Hôm nay giám đốc biểu dương con thật đấy nhưng cũng rất gay gắt vì tai nạn lao động có thể xảy ra!

– Dạ, con hiểu bố ạ!- Ngà ấp úng- Nhưng con nghe chú quản đốc nói, giám đốc yêu cầu có biện pháp xử lý không để sự cố tương tự xảy ra phải không ạ?

– Đúng rồi! Con có ý kiến gì sao?

– Dạ…- Ngà lễ độ- con thấy đặt bơm trên một chiếc bè có khi an toàn và tốt hơn bố ạ!

– Ồ… ý con hay đấy!- Ông Trường đặt chén nước đang uống dở trên tay xuống bàn, ông đứng dậy đi đi… lại lại… với vẻ suy nghĩ lung lắm!

*

Chiếc phà bơm nhanh chóng được thiết kế và thực hiện, nó là thành quả lao động sáng tạo của một thời, một lực lượng lớn thợ cơ khí được huy động. Những chiếc ben xe tải cũ kỹ đã thanh lý, tưởng không còn mấy giá trị giờ có cơ hội phát huy. Trong một thời gian ngắn, công trình do tuổi trẻ đảm nhận, chiếc phà bơm đã hoàn thành với đầy đủ giá bắt bơm, chòi tránh mưa nắng, có dây neo vào bờ, trên phà còn có một chiếc thuyền sắt nhỏ để tiện cho việc xử lý khi cần thiết, chiếc phà đã đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật an toàn, nó lên xuống theo mực nước cao thấp trong lòng mỏ. Hôm khánh thành, phó giám đốc phụ trách cơ điện đã nhắc đi, nhắc lại tên Ngà, từ lòng dũng cảm cùng đồng đội vượt qua hiểm nguy cứu máy an toàn ngay trong đêm mưa bão đến việc mạnh dạn đề xuất ý tưởng để hình thành chiếc phà bơm ngày hôm nay. Ông còn nói Ngà là một tấm gương tiêu biểu cho sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ khiến Ngà đỏ rần cả mặt.

Vậy mà, ngày ấy đã xa quá rồi!

Ngà đã gắn bó với công việc vận hành bơm nước moong từ cái thuở tóc xanh, mọi thứ còn thô sơ… Giờ đây mọi thứ đều thay đổi, tóc trên đầu Ngà nhiều sợi trắng như cước, gương mặt xinh xắn duyên dáng một thời nhường chỗ cho những nếp nhăn xen lẫn từng vệt đồi mồi chìm nổi trên da. Ngay chiếc máy bơm một thời Ngà cùng đồng đội xả thân vì nó, cũng thanh lý lâu lắm rồi. Duy chiếc phà bơm vẫn nguyên hình dạng ban đầu, nó đã được tân trang và nâng cấp nhiều lần với mục đích đáp ứng nhu cầu cần thiết của thời đại. Chiếc phà bơm gần như song hành cùng bước chân Ngà, đi qua biết bao kỷ niệm vui buồn, thăng trầm của cuộc đời cô giống như một giấc mơ dài. Năm ấy, chiếc phà bơm được thiết kế, chế tạo và đưa vào sử dụng hiệu quả, Ngà được tập thể tôn vinh chiến sĩ thi đua của đơn vị. Cùng năm ấy, Ngà được bầu vào ban chấp hành chi Đoàn, vào diện cảm tình rồi kết nạp Đảng ngay năm sau. Tổ chức mỏ đã có kế hoạch đào tạo Ngà thành lớp cán bộ kế cận… Chuyện vui chưa tới, chuyện buồn đã thăm làm thay đổi số phận cuộc đời Ngà! Ở quê, chú của Ngà đột ngột qua đời vì một cú sốc quá lớn. Thím bỏ nhà đi buôn theo ông bán cá ở Hải Phòng rồi đi hẳn, không màng gì tới chồng con. Em lớn con chú đang trong quân ngũ. Hai đứa nhỏ, đứa mười lăm, thằng mười hai. Ngà phải lo thôi. Vợ chồng ông Trường rất mực yêu thương, lo toan cho Ngà! Nhưng cô cũng không thể để vợ chồng ông vì mình nhiều quá. Cuối cùng vợ chồng ông Trường cũng thuận theo, được hỗ trợ của mỏ, chị em Ngà có một căn hộ tại khu tập thể. Hai em đang tuổi học, khó khăn chồng chất nhưng Ngà cũng quyết tâm cho hai đứa học đến đầu đến đũa. Lương Ngà phải tằn tiện lắm mới đủ chi dùng cho cuộc sống ba chị em, may mà hạt gạo đã có tem phiếu. Cuộc sống rồi cũng ổn định. Ngà cũng quyết định xây dựng gia đình khi đứa em con chú trúng tuyển vào cao đẳng sư phạm. Em lớn đã xuất ngũ về làng lấy vợ ở trên ngôi nhà xưa. Vậy là ổn, các em của Ngà đều chịu thương chịu khó. Chồng Ngà là thợ lái máy xúc trên mỏ, anh hết mực yêu thương, khích lệ Ngà. Nhưng khổ nỗi bốn năm, hai đứa trẻ chào đời. Ngà bận rộn với công việc, bận rộn với gia đình. Vấn đề học hành đành gác lại. Lòng mỏ mỗi lúc một sâu hơn. Người ta bắt đầu tạo thành những bậc thang sắt làm lối tắt dành cho lực lượng bơm nước moong. Những bậc thang sắt nối tiếp nhau, mỗi mùa hạ moong qua đi để lại trên mái tóc xanh của Ngà nhiều sợi bạc. Mười tám giờ hôm qua, lòng mỏ này đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó rồi, nó đã đi hết tầm sâu của nó, than cũng đã được khai thác hết. Chỉ lát nữa thôi, chiếc phà bơm thân thuộc và cả những bậc thang sắt đã mòn bởi dấu chân của Ngà kia sẽ được tháo dỡ. Nó còn giá trị sử dụng không là chuyện của ngày mai!

Bất giác Ngà cất tiếng thở dài…

*

Chiều xuống thật chậm. Trong ngôi nhà hai tầng ở xóm thợ với một giàn hoa giấy đỏ rực trước hiên nhà, Ngà trải chiếu ngồi chơi với đứa cháu con cậu út. Hai vợ chồng cậu út con chú, chồng lái xe mỏ, vợ làm kế toán văn phòng. Nhân ngày chị Ngà được nghỉ hưu, chúng tếu là chị đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vĩ đại của đời người nên nằng nặc đòi một mình đăng cai bữa tiệc buổi chiều mừng chị nhưng vợ chồng cô chị làm giáo viên không chịu. Cuối cùng, chúng hè nhau cùng làm, cùng vào bếp cho vui. Ông bà Trường và vợ chồng Tường hứa đến đúng giờ tham dự. Hai đứa con của Ngà đã có gia đình, con gái định cư ở Hà Nội, vợ chồng thằng em ở lại vùng than với bố mẹ nhưng chúng lại đưa con đi du lịch. Ngà có điện cho cả hai đứa nhưng chúng đều thoái thác không về được.

Mười bẩy giờ, một chiếc xe 12 chỗ từ từ tiến vào dừng lại trước hiên nhà. Người bước xuống đâu tiên là cậu em con chú ở quê, chỉnh trang trong bộ quân phục mới toe gìn giữ từ ngày xuất ngũ, ôm một bó hoa rõ tươi, rõ ràng hoa nhà trồng được. Tiếp theo là ông bà Trường. Kế nữa là hai đứa con của Ngà cùng chồng và vợ của chúng. Hai đứa cháu, một nội, một ngoại vừa reo hò, vừa ôm lấy chân bà. Niềm vui bất ngờ, khiến Ngà nghẹn ngào… ngấn lệ. Ngà vừa đưa tay nhận bó hoa của em trao cho, vừa mời ông bà Trường và em vào nhà. Ngà quay lại lườm yêu cô con gái và vợ chồng thằng con trai:

– Các anh, chị bây giờ giỏi quá! Nỡm cả mẹ rồi!

– Hí… hí… chuyện này mẹ phải trị tội vợ chồng nhà chị chứ không phải chúng con đâu ạ!- Cô con dâu cãi hộ cả cho chồng.

– Em lại đổ hết tội cho chị phải không? Thế ai lập kế hoạch đi du lịch kia?- Cô chị bác lại.

– Thôi… để tôi nhận cả cho!- Chàng rể của Ngà đang bận với mấy đồ lỉnh kỉnh phía sau chen ngang.

Chưa ai kịp phản ứng gì, thằng cháu nội của Ngà nãy giờ mải co kéo tay bà đã bi bô:

– Không phải đâu bà! Mẹ cháu cả đấy! Mẹ còn… dặn cháu… cháu không được cho bà biết trước cơ, mẹ… mẹ cháu điện về quê nói ông cậu trước rồi.

– Thấy chưa? Khỏi phải khảo, cháu nội của bà đã xưng cả rồi!- Cô chị được thể quay lại công kích em dâu- Thế mới gọi là cháu yêu của bác chứ nhể!

– Vậy ai thuê xe về quê đón ông cậu nhể?- Cô em dâu chẳng vừa, nhại cách nói của chị chồng.

– Thôi, mấy đứa không nhận, để đó tao nhận tất!

Mọi người cùng quay lại thì là vợ chồng Tường đang bước vào đầu ngõ. Theo sau là chồng Ngà. Đứa cháu ngoại của Ngà nhanh nhẹn buông tay bà, khoanh tay:

– Cháu chào ông bà Tường ạ! Rồi chạy lại, níu ông ngoại đòi bế.

Đêm xuống, xóm thợ trở nên yên bình! Bữa tiệc sum họp gia đình với đầy đủ các gương mặt thân thương như bù đắp cả tháng năm lo toan lận đận của đời Ngà. Cơm nước xong, mấy đứa con của Ngà lấy xe đưa mọi người về nhà rồi chúng cho bọn trẻ đi chơi bãi biển. Chỉ còn vợ chồng Ngà và cậu em ở quê ra. Đã lâu Ngà mới có thời gian dài tâm sự với đứa em ở lại đất quê hương. Cuộc sống có cái gì chưa ổn lắm! Đất quê có khá hơn nhưng vẫn nghèo, Ngà thương em vô cùng! Ngà đứng dậy mở tủ lấy ra một khung kính còn nguyên cả phong bì. Ngà lặng lẽ đưa cho chồng. Chồng Ngà đón nhận rồi đưa lại cho cậu em nói:

– Đây là huân chương lao động Nhà nước trao tặng chị hồi cuối năm ngoái. Tâm nguyện, chị muốn em lưu giữ và chút lòng thành của chị hương khói thờ các cụ, mong em không từ chối!

Một thoáng suy tư hiện trên khuôn mặt đứa em. Ngà có thể hiểu được em mình đang nghĩ gì. Và nó cũng không dám từ chối vì ngay từ hồi bé nó đã xem Ngà như chị cả trong nhà. Còn thím ư? Qua chuyện của em, Ngà biết, thím đã liên lạc với em nhưng thím cũng không dám trở về làng và cũng không dám xin ai bất kỳ điều gì!

Bất giác Ngà cất tiếng thở dài!… Đêm vùng than chìm dần vào giấc ngủ… Trong tâm trí Ngà lãng đãng một bến sông… một chiếc lựng xoáy hun hút, một người phụ nữ chới với… gắng thoát ra khỏi vòng xoáy của nước. Vòng xoáy của chiếc lựng như một cái miệng khổng lồ, nham nhở những răng nhều nhễu nom như miệng quỷ… Vèo một cái, người phụ nữ bị nó nuốt mất tăm bằng cái miệng đỏ đòng đọc… Ngà giật mình, thét lên:

– Mẹ ơi!…

Nguồn Văn nghệ số 23/2017

Dương Thanh Minh đăng bài

Exit mobile version