Với bút pháp khá điêu luyện và sự bứt phá của cảm xúc, Chân đất chính là bản giao hưởng của chữ nghĩa đầy ngạo nghễ về một miền đất hay rộng hơn là của một dân tộc đã tồn tại nghìn đời, dẫu phải đánh đổi máu xương nước mắt mồ hôi để tạo dựng cốt cách Việt Nam… Chân đất của “vua trường ca” Thanh Thảo vừa nhận giải thưởng của Hội Nhà văn VN năm 2012.

Được tin tập trường ca Chân đất của nhà thơ Thanh Thảo đoạt giải thưởng Hội Nhà văn VN 2012, ngỡ tác giả đang lang thang xứ Bắc rồi  để nhận giải thưởng, tôi gọi cho anh, nhưng Thanh Thảo vẫn ở Quảng Ngãi.

–  Lý do?

– Anh bị đau cái… chân, không ra Hà Nội được dịp này. Đang chữa thuốc nam, lần này có vẻ chuyển biến tốt.

– Cái… “chân đất” của anh, không sao chứ?

– Không! Chân đất vẫn thế, lại được trao giải Hội Nhà văn. Chân… thật mới bị đau. Mà đau lâu rồi…

Tôi cười thầm vì vô tình cuộc trò chuyện ngắn ấy lại thành ra một cuộc …chơi chữ bất ngờ…

1. Nhớ lần trước ra Hà Nội dự tọa đàm thơ Đỗ Nam Cao, vợ chồng anh làm chuyến tranh thủ lên Hà Giang tặng quà cho trẻ em vùng cao nghèo khó. Hỏi tặng gì, anh bảo: Chỉ có 800 cái áo len cho các cháu. Nhà thơ nghèo tận Quảng Ngãi này không hiểu nguyên cớ nào lại “kết” vùng đất địa đầu Tổ quốc ấy đến thế. Anh lên cột cờ Lũng Cú hay thăm nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên lòng rưng rưng bài ca giữ nước…  Những bài bút ký của anh về vùng cao Hà Giang  làm tôi rưng rưng mỗi khi đọc lại… Rồi anh về Quảng Ngãi làm thơ và làm từ thiện. Người ta đồn anh đã đứng ra kêu gọi quyên góp ủng hộ “sói biển” Mai Phụng Lưu sắm lại thuyền lưới ra khơi sau bốn lần bị phía Trung Quốc tịch thu phương tiện ngư cụ.

Nhà thơ Thanh Thảo.

Thanh Thảo tên là Hồ Thành Công, sinh năm 1946 tại Quảng Ngãi. Tập kết ra Bắc, anh được đi học. Sau khi tốt nghiêp ĐH Tổng hợp HN anh lên đường về Nam tham gia đánh giặc giải phóng quê hương. Thanh Thảo xuất hiện trên bầu trời thi ca VN vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những trang thơ của anh viết từ chiến trường miền Nam khói lửa, ác liệt và nóng bỏng vẫn còn đây: “Phải thương lắm mới đi làm cách mạng/ Phải thương nhiều hơn mới giữ nổi lòng tin/ Nhưng phải thương đến tận cùng đau đớn/ Mới làm người mẹ…”…

Và: “Hạnh phúc nào cho tôi/ Hạnh phúc nào cho anh/ Hạnh phúc nào cho chúng ta/ Hạnh phúc nào cho đất nước…/ Những câu hỏi chưa thể nào nguôi được/ Mảnh đất hôm nay bè bạn chúng ta nằm/ Nơi máu đổ phải sống bằng thực chất…/ Nơi cao nhất thử ta lòng yêu nước/ Thử lòng ta chung thủy vô tư/ Nơi vỡ vụn bao mảnh đêm hèn nhát/ Những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người” (Thử nói về hạnh phúc).

2. “Vua trường ca” Thanh Thảo, anh đã không từ chối danh xưng mà người yêu thơ dành tặng. Vâng! Đúng là  từ năm 1977 đến năm 2012, chưa kể những bài thơ lẻ, tác phẩm báo chí và văn học, chỉ riêng trường ca, Thanh Thảo đã viết và xuất bản 12 cuốn: Những người đi tới biển (1977), Trẻ con ở Sơn Mỹ (1978), Dấu chân qua trảng cỏ (1980); Bùng nổ mùa Xuân (1982), Khối vuông rubic (1985) Một trăm mảnh gỗ vuông (1988), Những ngọn sóng mặt trời (1994), Trò chuyện với nhân vật mình (2002), Cỏ vẫn mọc (2002) và Chân đất (2012)… Trường ca của Thanh Thảo thực sự là những bài ca về cuộc sống chiến đấu và lao động dựng xây đất nước với cách thể hiện thông minh hiện đại, với thi pháp riêng mà vẫn rất Việt trong từng con chữ.

Chân đất của anh là một điển hình về chuyện làm mới thơ ca và cách tân chữ nghĩa. Thanh Thảo đã đưa hơi thở đời sống đương đại vào tác phẩm. Và anh đã có chỗ đứng của mình trong nền thi ca VN. Năm 1979, năm 1995 Thanh Thảo nhận giải thưởng của Hội Nhà văn VN; năm 2001 được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Thơ của Thanh Thảo đã được đưa vào sách giáo khoa, được giảng dạy trong trường học. Đó là thành công của người làm thơ mà không ít nhà thơ nằm mơ cũng không có được.

Về trường ca Chân đất, nhà phê bình Chu Văn Sơn đã viết: Đọc trường ca Chân đất, ít ai không thấy kì kì trước hiện tượng tiêu đề của 9 chương đều toàn “chân”: chân tre, chân ruộng, chân mưa, chân núi, chân cò, chân tháp, chân mây, chân sóng, chân lũy. Tuốt luốt thế dễ khiến người đọc ngờ là trò chơi thơ, thậm chí ngờ luôn cả tính nghiêm túc. Thanh Thảo có rỗi hơi mà bày trò chơi tào lao không nhỉ? Thực ra cái ngờ kì kì kia lại là một cấu trúc lạ. Tìm kiếm và chế tác những cấu trúc tân kì chẳng phải là nghiệp của “vua trường ca” này sao?”.

Nhà thơ hậu hiện đại Mỹ Paul Hoover từng viết về thơ Thanh Thảo rằng: Thơ ThanhThảo là một bài học quý báu cho tôi về sự tồn tại bất diệt, vĩnh hằng của sự sống, bất chấp mọi rào cản của văn hóa và ngôn ngữ. Chúng  ta ai rồi cũng sẽ chìm vào quên lãng, nhưng thơ ca như tình yêu, sẽ mãi mãi là ngọn lửa ánh lên, bùng lên trong chính bóng tối của sự quên lãng…

Dẫu có những sóng gió nào sau sự kiện giải thưởng Hội Nhà văn VN 2012 cũng là chuyện… thường ngày ở… xứ ta. Và xin chúc mừng Thanh Thảo, với tất cả những nỗ lực thi ca và tâm huyết với cuộc đời, anh xứng đáng nhận giải thưởng văn chương ở mọi nơi…

Nguồn: TT&VH

Exit mobile version