Đó là một nữ diễn viên xinh đẹp sinh ra trong một gia đình yêu nước ở làng La Qua, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)…

Diễn viên, liệt sĩ Võ Thị Phương Thảo sinh ngày 16/8/1943, là con út trong một gia đình yêu nước ở làng La Qua, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Năm 11 tuổi chị theo gia đình tập kết ra Bắc rồi trở thành cô nữ sinh trường Trưng Vương, Hà Nội. Cô nữ sinh miền Nam dễ thương, học giỏi, hát hay và múa đẹp ấy đã tự tay quàng khăn quàng đỏ lên vai Bác Hồ trong một lần Bác bất ngờ đến thăm các em học sinh ở Câu lạc bộ Thống Nhất.

Cựu chiến binh Võ Chân Thành – anh trai diễn viên, liệt sĩ Phương Thảo kể lại: “Vào một buổi chủ nhật, tôi cùng em Phương Thảo đến Câu lạc bộ Thống Nhất. Bất ngờ hôm đó Bác Hồ cũng đến Câu lạc bộ thăm các cháu học sinh miền Nam. Lúc đó Thảo đang đứng cùng với các bạn học sinh, sát cạnh Bác. Em tự lấy một khăn quàng đỏ của một bạn học sinh và mạnh dạn, vui tươi, không chút dè dặt, quàng khăn đỏ lên vai Bác. Lúc bấy giờ phóng viên nhiếp ảnh của báo Tổ Quốc đã kịp thời bấm máy bức ảnh em Thảo quàng khăn đỏ cho Bác Hồ. Đây là kỉ niệm vô cùng sâu sắc đối với Phương Thảo, đi đâu Phương Thảo cũng nhắc lại hình ảnh vô cùng quý giá, thật là vinh dự cho Thảo, vinh dự cho gia đình và vinh dự cho các cháu học sinh miền Nam tại Hà Nội…”.


Phương Thảo với đôi bím tóc dài đang cười tươi quàng khăn cho Bác Hồ (Ảnh tư liệu)

Với gương mặt khả ái, tâm hồn trong sáng và hồn nhiên cùng với khả năng múa hát bẩm sinh của mình, năm 16 tuổi, Phương Thảo trở thành diễn viên của đoàn Ca múa Trung Ương (Nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), và chẳng mấy chốc Phương Thảo trở thành diễn viên múa xuất sắc. Chị luôn được đoàn tuyển chọn đi biểu diễn mừng các đoàn khách lớn của Đảng và Nhà nước tới Hà Nội, đồng thời đi biểu diễn ở Liên Xô, CHDC Đức (cũ), In-đô-nê-xi-a… Cuối năm 1965 – đầu 1966, giữa lúc tài năng đang nở rộ trên sàn diễn Hà Nội cũng là lúc đế quốc Mỹ vi phạm hiệp định Giơ-Ne-Vơ tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ xâm lược miền Nam, đó là giai đoạn vô cùng ác liệt, bà con miền Nam đang phải chịu thế kìm kẹp của chính quyền Mỹ. Nghe theo tiếng gọi của tiền tuyến, chị hăng hái khoác ba lô vượt trường Sơn, trở về miền Nam trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu chống Mỹ bằng tài sắc nghệ thuật của mình.

Nhà văn Hoài Hà đã viết về Phương Thảo: “… Chúng tôi cùng sống trong đoàn với Phương Thảo những ngày tháng gian khổ, ác liệt ở vùng căn cứ núi rừng phía Tây tỉnh Quảng Đà hiểm trở, trời đã phú cho Phương Thảo ngoại hình gần như tối ưu của một diễn viên múa. Những tháng ngày ác liệt, nắng lửa, mưa rừng, những bữa ăn hầu như chỉ có củ mì và rau tàu bay, những cơn sốt rét rừng… đều như bất lực trước làn da trắng hồng của cô diễn viên múa duyên dáng, lạc quan mơ mộng ấy.”

Phác họa chân dung liệt sĩ Võ Thị Phương Thảo (Ảnh chụp từ tài liệu)

Phác họa chân dung liệt sĩ Võ Thị Phương Thảo (Ảnh chụp từ tài liệu)

Vào miền Nam chiến đấu, Thảo được phân công về chiến trường quân khu 5, cô gái đẹp như tiên giáng trần ấy mạnh mẽ giữa chiến trường khói lửa tưởng chừng chỉ là vị trí dành cho những người đàn ông cầm súng, khi là một cô du kích áo bà ba khăn rằn tay không bắt giặt, khi là nữ chiến sĩ giải phóng quân. Khi lại dịu dàng, e ấp đến mê hồn trong những câu ca điệu múa làm bật lên những tiếng cười vui yên bình và thanh thản giữa vùng đất đầy mùi thuốc súng, bom rơi.

Đêm ngày 6/4/1967, trên đường đi công tác cùng đạo diễn Khánh Cao và nhà thơ Hoài Hà, vừa đặt chân đến trạm giao liên ( thôn La Tháp, xã Duy Xuyên, huyện Duy Hòa ) một quả phảo từ căn cứ kiểm lâm gần đó bắn tới bất ngờ làm Phương Thảo ngã gục và kêu lên: “Em bị thương rồi!”. Chị đã hi sinh trong buổi tối định mệnh ấy khi vai còn đang khoác ba lô và sự hồn nhiên, vô tư một cách trong sáng vẫn chưa kịp tắt trên gương mặt người con gái ấy trong những phút cuối cùng.

Phương Thảo đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất quê hương mình. Cô em gái miền Nam nhỏ nhắn dạn dĩ quàng khăn quàng đỏ lên vai Bác Hồ, nữ dân công xinh đẹp của đoàn Ca múa nhạc Trung ương ngày ấy đã dũng cảm khoác ba lô lên vai mình từ thủ đô Hà Nội vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam chiến đấu, người con gái ấy mới chỉ 24 tuổi và hình ảnh chị đã mãi mãi sống trong lòng biết bao đồng bào thuộc vùng Giải phóng khu Trung Trung bộ.   NSƯT, liệt sĩ Võ Thị Phương Thảo sẽ mãi là biểu tượng cho hình ảnh đẹp đẽ, mạnh mẽ của người phụ nữ Việt Nam giữa thời chiến tranh khốc liệt.

Minh Nguyên

(*) Bài viết tổng hợp tư liệu do ông Nguyễn Bá Thâm – Nguyên chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Quảng Nam – Đà Nẵng cũ sưu tầm cung cấp