Châu La Việt

“Làm sao về được mùa đông/ Dòng sông đôi bờ cát trắng/ Làm sao về được mùa đông/ Để nghe chuông chiều xa vắng/ Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về”.


Ảnh minh họa: Gác Sách

Ngày nhỏ, tôi ở khu tập thể Bộ Tài chính, số 1 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội. Bạn tuổi thơ đánh bi đánh đáo có nhiều thằng, như Tôn lò, Viễn què, Dương điên, Dũng bủng… Dũng bủng là con cô Mai, ở khu dưới, tôi hay xuống nhà nó chơi. Nó có 4 chi em, sau nó là thằng Đồng Tiến, trên nó là chị Mai Hương. Chị gày gò, khẳng khiu, nhưng bố mẹ bận việc nên mình chị lo hết việc nhà, từ nhặt rau nấu cơm cho tời chăm sóc la hét các em..

Chiến tranh, sơ tán, mỗi người đi mỗi ngả. Bẵng đi nhiều năm, trong một lần lên Đà Lạt sau giải phóng, bất chợt tôi gặp chị. Thì hóa ra sau khi chị đi học nước ngoài về, lên dạy ở trường Đại học Đà Lạt. Chị đã có chồng con và vẫn khẳng khiu như trước. Đà Lạt đầy sương, như mùa đông phía Bắc. Hai chị em ngồi nhấm nháp cà phê, với bao chuyện không dứt về mùa đông Hà Nội, về khu nhà 1 Lê Phụng Hiểu tuổi thơ. Rồi chị, với môt giọng nói như thơ, kể cho thằng em nghe về những mối tình đã qua của chị, khiếp, nhiều thế hả chị, mà sao mối tình nào cũng nồng nàn thế hả chị?

Rồi một lần một người ca sỹ bạn thân của tôi là anh Ngọc Tân, rủ tôi đến nhà hát Bến Thành xem show mới của anh, có bài hát “Dường như ai đi qua cửa” mà anh nói anh rất thích (Tân là người rất yêu mùa đông Hà Nội, yêu những đêm đi diễn về, hai tay xoa vào nhau đưa lên miệng bốc khói hít hà, khói bay mờ ảo trên mắt, rồi vào ăn một bát phở nóng tương ớt như có cả mùa hè chang chói nơi đầu lưỡi cay sè…)

“Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi”. Phải nói thật đêm ấy Tân hát hay lắm. Bao nhiều dòng nước mắt lăn trên má những người con Hà Nội xa quê vào sinh sống đất phương Nam. “Làm sao trở lại mùa đông/ Cảm thương cây cầu đã gẫy…” Họ yêu, nhưng đã không thể trở lại Hà Nội, trở lại những mùa đông, chỉ còn nhớ thương mãi mãi. Bằng tiếng hát vàng bạc của mình, Ngọc Tân đang bóp nghẹt trái tim họ…

Ngay sau khi bài hát dứt, bao nhiêu người chạy lên sân khấu tặng hoa, và ôm hôn Tân. Chỉ có một người thiếu phụ ngồi hàng ghế đầu, bất động, ôm hoa trong tay mà không chạy lên sân khấu. Và khi đêm diễn tan, chị mới bừng tỉnh, hốt hoảng ôm hoa chạy ra hành lang, chờ Ngọc Tân để tặng anh bó hoa.

“Chị Mai Hương”. Tôi thốt lên, người thiếu phụ ấy chính là chị Mai Hương. “Sao lại chị Mai Hương- Ngọc Tân ngạc nhiên hỏi tôi- Đây là nhà thơ Thảo Phương, tác giả lời bài hát Nỗi nhớ mùa đông mà?” Chị Mai Hương “Đấy là tên gọi của em ở nhà anh Tân ạ. Tặng anh bó hoa của em vì anh đã hát rất hay bài hát”. “Lúc trên sân khấu, khi bạn bè tặng hoa, tôi đã tìm xem chị ngồi đâu để mang hoa xuống tặng chị và giới thiệu với mọi người nhà thơ Thảo Phương. Nhưng thú thực tôi không tìm thấy, và ban nhạc lại vào ngay bài hát sau nhanh quá, mong chị thứ lỗi”. Ngọc Tân nói với chị Mai Hương (Thảo Phương)…

Bấy giờ tôi mới biết, chị Mai Hương, cô giáo Mai Hương khẳng khiu ngày xưa, chị thằng Dũng bủng, thằng Đồng Tiến giờ là nhà thơ, là tác giả phần lời một bài hát rất nổi tiếng và rất xúc động Nỗi nhớ mùa đông mà bạn tôi vừa hát. Tôi nói với chị: “Khi nào chị tặng em một tập thơ của chị nhé…” Chị bảo tất nhiên rồi, chị in ba tập thơ rồi, và đời chị nay là của thơ ca rồi…

Một thời gian ngắn sau, chưa được nhận tập thơ chị tặng, tôi nghe tin chị đã mất, đúng vào năm hạn tuổi 49. Mỗi khi về lại Lê Phụng Hiểu, tôi lại nhớ chị. Ôi cái khu nhà tuổi thơ của tôi, có thể gọi là “địa linh nhân kiệt”, nơi trưởng thành rất nhiều quan chức to lắm, ngay cả em ruột chị Mai Hương là Đồng Tiến sau cũng là Phó Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, chỉ có hai người làm thơ là chị Thảo Phương (Mai Hương) vốn ở đây từ nhỏ, và nhà thơ Trần Phương Trà (Trần Nguyên Vấn) sau này về làm rể nơi này.

Tôi đoan chắc rằng chị Mai Hương- Người thiếu phụ với “Nỗi nhớ mùa đông” chắc chắn sẽ là một gương mặt đẹp trong tâm hồn khu nhà chúng tôi, trong tâm hồn bao người yêu thơ Hà Nội, nhất trong trái tim bao người thiếu phụ khao khát mà không thể trở lại mùa đông, chỉ có thể lặng thầm lau nước mắt “cảm thương cây cầu hạnh phúc năm xưa đã gãy, cảm thương những mối tình đi qua đã không bao giờ trở lại…”

Văn học quê nhà

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version