“…Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm/Có những ngày trốn học bị đòn roi/Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi…”- Đằng sau mỗi câu thơ nổi tiếng ấy là một câu chuyện tình yêu nhiều nước mắt của nhà thơ Giang Nam.
…. Tưởng rằng vợ con đã bị địch giết hại, nhưng bất ngờ, năm 1962, sau 3 năm bị bắt, vợ và con gái ông được thả về do không tìm ra căn cứ kết tội. Cô con gái nhỏ phải theo mẹ hết nhà giam này sang nhà giam khác, bà Triều phải đấu tranh quyết không chịu xa con, vì thế mà mẹ con vẫn được ở bên nhau vẹn toàn.
Gia đình nhỏ được đoàn tụ trong nước mắt. Thế nhưng ngay sau đó lại có điện của Khu ủy khu 6 gửi Tỉnh ủy Khánh Hoà điều ông lên bổ sung cho Ban Tuyên huấn Khu. Ông bà vừa gặp mặt lại phải một lần nữa chia tay để ông về cơ quan mới đóng ở vùng giáp ranh hai tỉnh Đăk Lăk và Tuyên Đức. Về Khu chưa được bao lâu ông được cử đi học Trường Đảng do Trung ương cục miền Nam mở ở Tây Ninh, sau đó ông được giữ lại công tác tại Hội Văn nghệ giải phóng với chức danh Phó Tổng Thư ký Hội.
Từ đó là quãng thời gian ông gắn bó với hoạt động văn nghệ giải phóng. Thêm một lần nữa ông lại phải chia ly với vợ con, năm 1968 bà Triều lại bị bắt lần hai vẫn với cô con gái nhỏ do sơ xuất của người giao liên đã để lộ đầu mối. Hai mẹ con bà bị địch buộc tội đưa ra tòa mấy lần nhưng không thành là nhờ một luật sư tốt bụng bào chữa giúp. Chính vì thế mà không bị đầy ra Côn Đảo. Mãi đến năm 1973, sau khi Hiệp định Paris về lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết bà mới được phía bên kia trả về. Sau bao năm ly biệt, lúc này cô con gái cũng đã mười lăm tuổi, còn vợ chồng Giang Nam tuổi cũng đã cao nên không sinh thêm được người con nào nữa. Khi đất nước thống nhất vợ chồng Giang Nam tìm người luật sư kia khắp nơi để trả ơn nhưng không gặp.
Chưa hết, sau ngày giải phóng miền Nam, ông cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ Hội văn nghệ giải phóng hoạt động tại T4 trước đây được giao kiện toàn các tổ chức văn nghệ của Sài Gòn. Còn vợ ông sau giải phóng vẫn tham gia công tác trong chính quyền mới tại Thành phố Nha Trang. Những tưởng sau những biến cố thăng trầm của cuộc đời cách mạng, giờ đây ông bà sẽ được đoàn tụ, nhưng không, còn một cuộc thiên di nữa khi năm 1978 ông được điều ra Hà Nội phụ trách mảng văn nghệ miền Nam kiêm Tổng biên tập báo Văn Nghệ.
Ngày ấy cơ quan Báo Văn Nghệ chưa có chỗ ở, ông phải ở tạm căn phòng vốn là phòng tắm tại cơ quan Hội Nhà văn ở 65 Nguyễn Du. Ông động viên bà ra Hà Nội ở, tưởng rằng đất nước hoà bình cuộc sống sẽ ổn định hơn nhưng khi từ Nha Trang ra, nhìn thấy cảnh ăn ở của ông bà đã oà khóc nức nở vì không thể tin ông làm “quan văn nghệ” Trung ương mà sống tạm bợ cơ hàn thế. Không quen với khí hậu miền Bắc bà đau ốm liên miên. Cực chẳng đã, ông đành để cho vợ trở lại Nha Trang, chịu cảnh vợ Nam chồng Bắc.
Khi tình hình Khánh Hoà có những thay đổi, tỉnh có đặt vấn đề với Trung ương xin ông về chỉ đạo khối tư tưởng văn hoá. Sau quá trình cân nhắc, trên đã đồng ý để ông về công tác tại quê nhà. Ông chính thức tiếp nhận vị trí Phó Chủ tịch Tỉnh Khánh Hoà. Từ đó cuộc sống gia đình của ông bà mới phần nào ổn định.
Bây giờ, mọi chuyện đã lùi xa. Sau bấy nhiêu dâu bể ông ngồi đó bên những dò lan vươn cành đu đưa trước làn gió biển. Vẫn gương mặt với đôi kính gọng đen mắt trắng bình thản trước thế sự. Cô con gái duy nhất của ông bà hai lần vào tù cùng mẹ nay đã là một phụ nữ ngoài năm mươi, hiện giữ cương vị Phó Giám đốc công ty vận tải biển.
Trong ngôi nhà thân thuộc, phía sau ông già nhỏ nhắn bên bàn viết vẫn có bóng dáng người bạn đời thấp thoáng ở phòng trong. Bà năm nay cũng đã bước qua tuổi 80, mắt chưa mờ nhưng chân thì đã chậm. Năm 2005, ông đã trải qua một cuộc phẫu thuật nối động mạch vành tim hiếm có. Trên thế giới phẫu thuật này chưa từng được tiến hành ở bệnh nhân trên tuổi bảy mươi. Ca phẫu thuật đã thành công. Bác sĩ người Pháp trực tiếp mổ biết ông nói và nghe tốt tiếng Pháp, đã đợi bằng được “bệnh nhân chiến trường” tỉnh lại để nói lời chúc mừng.
Căn nhà của vợ chồng ông đang ở hiện nay được bà Triều mua lại của một người quen từ trước giải phóng, căn nhà rộng rãi thoáng mát, phía trước hiên là thư phòng, bên trên có những dò lan ra hoa đều dặn- đó cũng là nơi Giang Nam ngồi đọc báo, sáng tác và tiếp khách mỗi ngày. Trong căn nhà ông bất cứ ai bước vào cũng thấy niềm vui và hạnh phúc của một đôi bạn ngoài 80 mà vẫn vui vẻ tình tứ như thuở nào. Ông bà sống giản dị, điềm đạm nhưng qua cách tiếp khách cũng đủ thấy họ trọng nghĩa tình.
Suốt cuộc đời ông chỉ yêu duy nhất một người, ở tuổi 83 nhưng lúc nào ông luôn gọi vợ bằng những từ ngọt ngào: em yêu, em thương… giống ngày son trẻ.Khi tôi ngỏ ý xin chụp một tấm ảnh ông bà sau cuộc trò chuyện, ông đứng dậy vào phòng gọi “Em ơi, có nhà báo xin chụp hình”. Khi bà đi ra, ông lại bảo “Ngồi đây em”, tôi bấm máy và cảm thấy tình yêu giữa họ có sức gắn kết bền chặt đến phi thường.
Nguồn: Dân trí