Trích đoạn truyện dài ”Chuyện tình chàng bán loa” của Nguyễn Toàn Thắng
Ngày hôm sau, Khánh phải đi ra một huyện ngoại thành để lắp karaoke cho một nhà hàng kiêm cà phê và đủ thứ hầm bà lằng khác. Thời điểm này, đó là mốt của mấy tay anh chị phố huyện mới bán đất. Vả lại, kinh doanh giải trí bao giờ cũng là một ngành siêu lợi nhuận. Mối hàng này Khánh có được do tài thuyết khách của mình.
Bị đánh trúng tự ái, gã chủ nhà hàng gật đầu lia lịa. Bởi anh ta còn ít tiền đền bù đất, mà chẳng chóng thì chầy sẽ rơi vào những bàn tổ tôm chơi đến tận sáng – như lời anh ta nói.
Qua một con đường nửa rải đá nửa còn là đất, Khánh tìm đến nhà. Cánh cổng sơn lòe loẹt đến mức không thể lòe loẹt hơn. Khánh đi vào, theo sau là anh xe ôm được thuê làm chân sai vặt với tiền công tương đương cuốc xe hai trăm cây số.
Gã chủ nhà hàng cười toe toét, dẫn Khánh vào phòng. Theo thỏa thuận, gã đã cho khoan sẵn giá treo. Khánh chỉ lắp đặt và đi dây theo ống gen đã đặt trước.
Sau nửa buổi, công việc đã xong. Chàng cựu sinh viên khoan khoái châm điếu thuốc, ngả mình trên chiếc xô pha phòng hát. Khánh chạnh lòng nghĩ, mình đi lắp karaoke cho bao người, mà bản thân năm thì mười họa mới dám đưa bạn gái đi hát, và chỉ dám uống trà Lipton, và chỉ dám hát dăm bài rồi giả vờ bận việc phải về để tờ tính tiền khỏi dài thêm nữa.
Một thằng nhân viên mặt nhăn như cái rá bị dẫm đi vào, nhăn nhở cười với hắn:
-Dạ, ông chủ mời anh qua phòng bên, có người tẩm quất cho anh ạ.
Khánh đứng lên, khoan khoái đi vào. Hắn nghĩ, hóa ra mấy tay chơi phố huyện cũng đàng hoàng, hào phóng.
Hắn cởi quần áo dài, nằm sấp lên chiếc ghế tẩm quất.
Một cô gái mặc váy ngắn cũn, mặt bự phấn bước vào, nhăn nhở cười:
-Em chào anh lắp loa.
Khánh hơi giật mình, nhưng trấn tỉnh rất nhanh:
-Chào em. Em tên gì nhỉ?
Cô gái cười:
-Anh để em phục vụ nào.
Cô gái vừa bắt đầu màn tẩm quất vừa trả lời câu hỏi của chàng lắp loa đang nằm sấp và khe khẽ hát trong cổ họng:
-Dạ, em tên A Mây.
Khánh trêu:
-Còn anh là A Mưa. Ghép tên em và tên anh lại là Mây Mưa. Nói xong, hắn cười sằng sặc, mặc kệ cô gái ngạc nhiên- Chắc cô không hề hiểu nghĩa của từ này.
Khánh hỏi tiếp:
-Thế em là người dân tộc à?
-Dạ, em dân tộc Tày.
Hắn thấy buồn cười quá, lại hỏi:
-Sao anh nghe giọng em như ở làng Phú Đô ấy nhỉ?
Cô gái hơi bối rối:
-Em quê ở Yên Bái cơ.
Khánh cười, hắn đã hoàn toàn quên đi thân phận thằng bán loa:
-Yên Bái có gần Mỹ Đình không hả em? Lần sau quê ở đâu cứ nói thật, em làm thế phải tội với người dân tộc đấy. Mà chân em đen thế kia, đâu phải chân con gái vùng cao.
Nghe đến câu này, cô gái bỏ đi ra, đóng sầm cửa lại sau lưng. Khánh cũng đi ra, khoan khoái vì nói được câu hay ho.
Vừa ra ngoài, gã chủ cửa hàng mặt hầm hầm xông vào túm cổ áo hắn, hét to:
-Sao mày dám coi thường hàng nhà tao?
-Em có làm gì đâu?
-Tao mới khai trương, chọn hàng tốt nhất cho mày, vì nghĩ mày đến lắp loa cực nhọc- Tay chủ nói như hét- vậy mà mày lại chê…
Hắn phân trần:
-Khổ quá, anh tính, em làm việc cả buổi, mệt thế này còn làm ăn gì được. Hôm khác em sẽ ghé, lúc đó em không chê đâu.
Gã chủ ngẩn người ra rồi cười sằng sặc:
-Ừ nhỉ, phải rồi, anh xin lỗi chú. Hôm khác ghé nhé. Anh không tiếc chú gì đâu. Vừa nãy anh hát thử, công nhận hàng xịn tiếng hay thật, anh hát cứ ngọt như Tuấn Vũ. Thôi ra quầy bar, anh thanh toán một phát xong luôn. Anh nói cho chú buồn, chú là người đầu tiên nhận đủ tiền từ tay anh đấy.
Khánh giật mình, bụng bảo dạ đúng là số may. Gặp những tay xã hội đen nửa mùa như thế này chẳng thể biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Gã chủ cửa hàng đếm tiền thoăn thoắt. Với cách đếm tiền như vậy, bằng con mắt một cựu sinh viên, Khánh đoán trước kia gã có làm công việc liên quan đến tôm cá. Hắn buông lời khen:
-Anh đếm tiền nhanh thật đấy.
-Khỏi nói. Ngày xưa anh bán hàng tạ lợn mà chưa bao giờ nhầm phát nào. Đây, đủ sáu mươi hai triệu, thưởng thêm chú một vé. Thấy chú vất vả quá.
Khánh nhận tiền, tự rút ra số tiền công của mình, và khoan khoái nghĩ đến việc sẽ mời cô bạn gái yểu điệu thục nữ của mình một bữa tối ra trò.
Thế nhưng, trời đâu có chiều lòng thằng bán loa.
Điện thoại reo.
-Anh đây.
-Sao giờ này anh mới gọi cho em? Cô bạn gái có vẻ rất bực tức.
-Anh vừa đi lắp loa về, chưa ăn uống gì đã phóng ngay đến nhà em. Em đang ở đâu?
-Ở cà phê Tannoy. Với một anh bạn thân vừa đi du học ở Mỹ về. Anh đến ngay nhé.
Cái xe máy cà tàng nhưng thủy chung lại đưa gã lắp loa đến quán cà phê Tannoy. Đây là một quán cà phê có bố cục, có trang trí, mà nếu hỏi thiết kế theo phong cách gì thì không nhà mỹ thuật nào có thể giải đáp. Chỉ biết là quán rất hút khách.
Người ta đã thành công khi tạo cho quán ấn tượng về một sự ăn chơi sành điệu. Bằng cách rất đơn giản. Chủ quán mời một số văn nghệ sỹ đến ngồi miễn phí suốt một tháng trời, tha hồ ăn uống hút xách. Và chủ quán hy sinh thời gian ngồi tán chuyện với những khách hàng sang trọng ấy, với thái độ không thể thành kính hơn được.
Quán cũng là nơi các họa sỹ phim truyền hình, vốn chỉ thích mượn thay vì thuê bối cảnh, để tiết kiệm kinh phí luôn để mắt tới. Tất nhiên chủ quán chẳng bao giờ từ chối, lại còn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đoàn phim.
Đến nơi, Khánh thấy bạn gái đang cười hết cỡ với anh bạn tóc chải ngược, vuốt keo bóng loáng. Trong con mắt đầy nghi ngờ của hắn, anh ta trông giống Mã Giám Sinh hơn là một sinh viên du học.
Sau một hồi chào hỏi xã giao, hắn chợt nhận ra mình chẳng có vai trò gì trong cuộc nói chuyện này. Anh bạn kia thì ra sức tô vẽ cuộc sống sang trọng nơi xứ Cờ Hoa, còn cô bạn gái của hắn thì mắt tròn mắt dẹt lắng nghe như uống từng lời.
Cuối cùng thì cũng phải kết thúc cuộc nói chuyện. Gã sinh viên du học đứng dậy, chăm chăm ra bàn thanh toán. Cầm phiếu tính tiền, hắn chợt thở dài. Hắn tự thấy sao người ta có thể tiêu từng đó tiền cho thứ đồ uống mà theo hắn là tệ dưới mức cho phép.
Ngồi sau xe Khánh, cô bạn gái vẫn say sưa
-Bạn em, anh Boong ấy, học giỏi lắm anh ạ. Anh ấy tên là Bính, nhưng bọn em hay trêu là Bính Boong, rồi sau chỉ gọi là Boong. Giờ thì ai cũng gọi anh ấy là Boong. Anh ấy đoạt học bổng của Mỹ thì chắc chắn không phải tệ, anh nhỉ.
Hắn ừ hữ cho qua. Vì giờ đây, cái từ học giỏi với hắn quá sức vô nghĩa. Hắn đã từng là một học sinh rồi một sinh viên xuất sắc. Hắn học đến độ hai mắt lồi ra, chân thì tong teo đi, để rồi cuối cùng chỉ trở thành thằng bán loa. Đơn giản, chỉ vì nhà hắn nghèo. Nghèo nên mặc cảm tự ti, và từ tự ti sinh ra thói bất cần đời.
-Anh ấy vừa hết năm thứ nhất đã đủ điểm đi nước ngoài du học- Cô bạn gái vẫn say sưa- Hồi ý bọn con gái chúng em thần tượng anh ấy lắm.
Khánh nhếch mép cười. Cô bạn gái có vẻ chột dạ:
-Anh cười gì thế?
-Em biết rồi, về chuyện học giỏi, anh cũng nào có kém ai.
Cô bạn gái cười:
-Phải xem lại mình đi. Đồng ý anh học giỏi, nhưng cuối cùng anh đạt được cái gì?
-Phải- Khánh nói như trút hết ruột gan- giờ tôi chỉ là thằng bán loa. Nhưng tôi cũng có lý tưởng của tôi.
Nhanh như chớp, Khánh quay đầu xe, không nói thêm lời nào. Cô bạn gái đi ngay vào nhà, còn hắn về ngủ ở cửa hàng.
***
Đêm hôm đó, Khánh mất ngủ. Đột nhiên, hắn nhận ra chỉ có nhạc vàng mới hợp với tâm trạng hắn lúc này. Cứ nhớ lại những câu nói của bạn gái, lòng hắn như sôi lên.
Năm ấy, khi còn ngồi trên ghế giảng đường, hắn là thần tượng của các nữ sinh viên. Đẹp trai, lãng tử, đàn hay hát giỏi, cộng thêm những bài luận xã hội học luôn là tâm điểm của sự chú ý của mọi người…
Nhưng giờ đây, hắn chỉ là thằng đi làm thuê, trong tay không một đồng vốn. Có lẽ sau vài năm lãng mạn, cô bạn gái của hắn đã bắt đầu nhận ra không thể nuôi dưỡng tình yêu chỉ bằng những lời nói suông, mà còn cần cả những thứ chạm vào được, sử dụng được.
Gã bán loa bỏ một đĩa nhạc vàng vào ổ đọc, và hắn cay đắng nhận ra rằng, các nhạc sỹ đã nói hộ mình bao tâm tư chồng chất. Hắn nghe một loạt bài hát về cái sự Nghèo, và tự cười, từ ngày mai, hắn sẽ phải làm giàu.
Khánh đứng dậy, thu dọn đống sách vở tài liệu, cất vào va ly, rồi quẳng va ly vào gầm giường. Trước kia, hắn trở thành sinh viên xuất sắc cũng từ một câu nói của bố hắn khi ông so sánh hai đứa con. Trong mắt ông, hắn là kẻ vô dụng, còn chị hắn là một thiên thần.
Hắn không trách bố, cũng không hỏi ông tại sao lại so sánh như vậy, bởi lẽ chị hắn đang theo học cái ngành mà bố hắn giảng dạy và luôn muốn con cái nối nghề, còn hắn lại đi con đường khác.
Lần này, hắn cũng sôi lên cái quyết tâm dạy cho cô bạn gái một bài học.
* * *
Bán Loa đứng lên, vặn người cho đỡ mỏi. Lâu lắm rồi, chưa hôm nào hắn vui như hôm nay. Từ sáng đến giờ, hắn bán được hơn chục đôi loa, cũng từng ấy ampli, đầu đọc thì ít hơn nhưng lại là hàng đắt tiền. Ông chủ cửa hàng đã tót đi đánh tê nít, để ghi tên vào đẳng cấp người có tiền.
Hắn ngồi xuống, nhìn thấy cây đàn ghi ta để ở một góc. Lâu lắm rồi, từ ngày đi bán loa, hắn không đụng vào đàn đóm gì. Hắn so dây, và những hợp âm đầu tiên của bản El Condor Pasa – Bài ca chim ưng– vang lên. Hắn thả hồn vào bài hát, trở về với hội trường của thời đại học năm xưa.
Hồi ấy Bán Loa là một con người trẻ trung, đầy sức sống. Hồi đó hắn là một con chim ưng thực sự, không phải một con diều hâu đầy gây gổ như bây giờ.
Hắn kết bản nhạc một cách đầy ngẫu hứng. Và một giọng nói vang lên kèm theo một tiếng cười:
-Trời ơi, anh đàn hay quá.
Hắn nhìn lên. Cô gái bỏ chồng hôm nọ đang đứng trước mặt. Hắn quay về ngay với thực tại:
-Dạ, xin lỗi chị, mấy hôm nay tôi bận quá chưa qua được. Vả lại, xe máy của tôi cũng trục trặc.
Cô gái cư
-Vậy giờ tôi có thể đón anh đến sửa được không. À, anh có thể đàn cho tôi nghe một bản nữa được không?
Hắn lắc đầu:
-Dạ, tôi không dám. Tôi chỉ đàn khi có một mình.
Bán Loa dọn hàng vào. Hắn chở cô gái trên chiếc xe tay ga của cô.
Vào đến nhà, hắn dí mắt ngay vào dàn máy. Và hắn suýt bật cười, bởi chỉ do cô gái ấn nhầm nút mute (câm lặng) mà dàn máy không cất tiếng được.
Cô gái đã thay bộ váy mặc trong nhà. Qua ánh sáng ngược, Bán Loa chợt nhận thấy một thân hình đầy sức sống xuyên qua lần vải. Hắn vội quay đi như bất cứ một ông lắp loa chân chính nào trên đời.
Cô gái hỏi:
-Anh dùng cà phê nhé?
Bán Loa gật đầu. Hắn nhìn quanh phòng. Căn phòng đẹp nhưng có vẻ hơi lạnh. Giữa chiếc giường chỉ có một cái gối, không phải hai. Hắn thấy trong người nhoi nhói khi hình dung cảnh cô gái đêm đêm một mình trong căn phòng trốn
Cô gái đưa cà phê cho hắn. Hắn khoan khoái nhấm nháp một ngụm nhỏ, rồi bảo cô:
-Chị pha cà phê ngon quá. Mà máy của chị không sao đâu, chẳng qua do chị ấn nhầm nút thôi.
Cô gái ỏn ẻn:
-Thế ạ. Vâng ạ. Còn anh bán loa lâu chưa ạ?
Bán Loa nói:
-Dạ, chắc tôi ít tuổi hơn. Chị cứ xưng chị với tôi đi. Tôi mới làm nghề thôi, trước kia tôi là sinh viên.
Chỉ sau câu nói đó, hắn bắt đầu tâm sự với người phụ nữ. Cô lắng nghe chăm chú, thỉnh thoảng bồi thêm vài câu nói mang tính cảm thông.
Bán Loa thấy lòng dịu lại. Lâu lắm rồi, hắn không có cảm giác được sẻ chia như vậy. Cô bạn gái của hắn, cứ mười câu thì hết chín câu so hắn với người nọ người kia. Mà cũng phải thôi, chẳng mấy cô gái nào đủ dũng cảm để yêu một người như hắn.
Bán Loa nhìn lên đồng hồ. Đã quá mười một giờ đêm. Hắn lúng túng:
-Thôi chết, tôi làm mất thì giờ của chị quá.
Cô gái cười:
-Không sao, tôi sống một mình. Thỉnh thoảng anh qua chơi cho vui.
Bán Loa nói:
-Dạ vâng, cảm ơn chị.
Hắn gọi xe ôm để về cửa hàng. Điện thoại di động của hắn hiện lên hàng chục cuộc gọi nhỡ và tin nhắn của cô bạn gái. Hắn đọc tin nhắn, thở dài. Cô bạn gái có vẻ hối hận vì những gì đã nói với hắn, nhưng lại trách sao hắn không nghe máy. Hắn tặc lưỡi, vứt điện thoại vào xó.
Chợt hắn nhìn thấy một tập giấy bìa xanh, in chữ nhũ vàng. Bản luận văn ra trường. Hắn chầm chậm giở bản luận văn của mình, bản luận văn mà ngày xưa hắn nghĩ có thể đưa hắn lên đỉnh cao danh vọng. Hắn nhìn nhữngngày càng phải thực tế hơn.
Đêm hôm đó, hắn ngủ rất say. Nhưng trong giấc mơ, hình ảnh cô khách hàng mặc bộ váy ngủ cứ hiện ra như trêu ngươi hắn.
Sáng hôm sau, vừa đến cửa hàng, đã thấy cô bạn gái đứng trước cửa. Trông cô rất phờ phạc. Bán Loa chợt thấy bất nhẫn. Hắn cố nén tiếng thở dài.
Bán Loa kéo ghế cho cô bạn gái ngồi. Hắn nói:
-Đợi anh dọn hàng chút.
Cô bạn gái nhìn hắn:
-Em xin lỗi, từ hôm đó, em cứ suy nghĩ mãi. Em nói thế cũng chỉ là muốn tốt cho anh.
Bán Loa cười:
-Em nói đúng mà. Và anh cũng đâu để ý chuyện đó. Có điều, anh nhận ra giữa chúng ta có một khoảng cách quá lớn. Anh không làm được như em kỳ vọng, trong khi lẽ ra anh phải làm như thế.
Cô bạn gái cúi đầu xuống, vẻ ngẫm nghĩ.
Đúng lúc đó, cô khách hàng bước vào:
-Đêm qua tôi xem phim, và thấy nếu có một bộ loa thì sẽ hay hơn nhiều. Anh có thể tư vấn rồi lắp loa cho tôi không?
Bán Loa nhìn bạn gái. Trong hắn lóe lên một ý đồ có thể nói là đen tối:
-Em cứ về đi, tối anh đến lắp cho.
Cô khách hàng hơi sững người vì cách xưng hô của hắn, nhưng rồi cô gật đầu và đi ra.
-Ai đấy hả anh? Cô bạn gái hỏi.
-Khách hàng thôi, em ạ.
-Có vẻ thân mật thế- Cô bạn gái châm chọc.
Bán Loa cười:
-Thì em tính, mình là người bán hàng mà. Thôi, em cứ ngồi chơi, anh phải làm việc nhé.
Thấy hắn có vẻ không mặn mà, cô bạn gái ra về.
Bán Loa lấy ra một chiếc receiver lâu nay không bán được, lau chùi thật sạch. Rồi hắn ngó nghiêng các thiết bị. Theo kinh nghiệm của hắn, đây là một chiếc ampli rất tốt, mạch đơn giản, linh kiện chọn lọc. Vậy mà lâu nay cứ ế chỏng trơ. Cũng chẳng lạ, vì đại bộ phận người tiêu dùng chỉ chọn sản phẩm qua quảng cáo trên ti vi, chứ họ đâu có hiểu biết gì nhiều.
***
Loay hoay lắp các loại dây, mồ hôi hắn đổ ra như tắm. Cô gái đưa cho Bán Loa chiếc khăn mặt lạnh mát rượi và thơm nức.
Bán Loa cười cảm ơn, rồi cầm khăn lau mặt.
Từ cửa ra vào, bỗng hiện ra một gã đàn ông cao hơn Tây gầy hơn Ta đen như châu Phi. Gã cười sằng sặc, bảo cô gái:
-Hay nhỉ, đã có bồ mới rồi.
Cô gái có vẻ đầy tức giận:
-Anh nói gì đấy. Anh ấy đến lắp loa cho tôi.
Gã cao gầy đen lại càng cười:
-Lắp loa hay lắp cô?
Bán Loa đứng lên, gằn từng tiếng:
-Anh nói gì đấy?
Gã cao gầy đen cười:
-Mày điếc sao còn hỏi.
Bán Loa tung ngay một cú đá vào mạng sườn gã nọ. Gã đổ vật xuống rồi
đứng lên ngay:
-Mày dám đánh tao thật à?
Nhanh như chớp, Bán Loa lại tung một cú đá vào bụng chân gã. Gã ú ớ, rồi chỉ tay vào mặt Bán Loa:
-Mày nhớ đấy nghe con.
Gã đi rồi, Bán Loa mới sực tỉnh. Hắn quên mất mình đang là người thợ đến lắp đặt sản phẩm. Ít khi hắn chịu nhường nhịn người khác, nhất là khi mặc cảm về thân phận bán loa trỗi dậy. Hắn quay sang cô gái:
-Xin lỗi, tôi…
Cô gái bảo:
-Anh làm thế là đúng. Chồng cũ của tôi đấy. Một tên không ra gì.
Bán Loa ngồi nghe dòng tự sự bộc bạch của cô tuôn ra bằng một giọng trầm buồn.
Cách đây nhiều năm, cô là một người đẹp. Học xong trung học, cô thi trượt đại học. Để khỏi vật vờ qua ngày, cô đi học trung cấp. Thế rồi cô yêu và cưới một thầy giáo ngay khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Gia đình cô vui vẻ tặng ngay cô căn nhà làm của hồi môn.
Thời gian sau, gã giáo viên dạy nghề mắc bệnh xã hội, mà cũng có thể hắn đã mắc từ lâu nhưng không nói. Cô gái lảng tránh hắn nhưng không thể. Hắn vẫn hay đe dọa cô để vòi tiền. Bố mẹ cô gái là người làm ăn, họ thừa khôn ngoan để không sang tên đổi chủ ngôi nhà.
Anh lấy con gái tôi thì được ở nhà tôi, bằng không mời anh ra đường mắc võng mà ngủ. Nhà trường cũng đã đuổi gã giáo viên bằng phương pháp gần giống thế. Giữa thời buổi đất chật người đông, làm gì có cơ hội nào tốt hơn để giành một suất dạy học cho con em mình một cách đường đường chính chính như vậy. Hơn nữa, không ai chấp nhận một con sâu trong nồi canh. dù chỉ là nồi canh rau ngót nhạt nhẽo.
Câu chuyện của cô gái được điểm xuyết bằng những tiếng nấc và sụt sịt từ mũi cộng thêm vài giọt nước mắt lăn nhẹ. Chừng ấy cũng đủ làm Bán Loa xúc động. Hắn xúc động trong vai trò một nhà xã hội học tương lai chứ không phải gã bán loa.
Hắn đặt tay lên vai cô gái, giọng rầu rầu:
-Thôi chị ạ, ai cũng có số phận. Biết sao được. Hy vọng sau cơn mưa trời lại sáng.
Cô gái chợt ôm chầm lấy hắn khóc nức nở.
Hắn đứng như tượng, nhận ra một dòng điện đang rần rật trong người, và máu bắt đầu dồn lên não. Hơi thở của cô gái làm hắn phấn khích. Mùi hương của cô cũng vậy. Nó khác xa với những gì cô người yêu mang đến cho hắn.
Lúc này, trong đầu Bán Loa cứ văng vẳng cái câu mà hắn chỉ nhớ nửa cuối “bằng một tạ của quen”. Cần phải nói rõ, dù tư tưởng Bán Loa mạnh mẽ bao nhiêu thì con người hắn lại yếu đuối và dễ gãy vỡ bấy nhiêu.
***
Chợt cô gái như choàng tỉnh, buông hắn ra
Bán Loa cũng thấy ngượng, đơ ra như khúc gỗ. Và hắn thấy phải xua đuổi những suy nghĩ tà đạo ra khỏi đầu ngay lập tức. Hắn là người bán hàng, và đây là khách hàng loại xộp của hắn. Trong vòng non một tháng mà cô ta đã mua hai bộ âm thanh. Phải đứng đắn hơn để giữ khách, Bán Loa nghĩ.
Cô gái nói trong khi nước mắt còn đầy trên mặt:
-Xin lỗi anh, tại em xúc động quá.
Bán Loa gật đầu ra vẻ cảm thông:
-Thôi, hãy để quá khứ ngủ yên. Tôi về đây.
Hắn đi nhanh ra cửa.
Trên đường về hắn cứ nghĩ, thật quái lạ, sao lúc chạm vào cô gái, hắn có cảm giác như phát sốt. Hắn lắc đầu, cố xua đuổi cảm giác ấy khỏi người. Dù sao, hắn vẫn còn trẻ, mới ra trường, nên chẳng dại gì dính vào những chuyện phiêu lưu nguy hiểm như vậy.
Tối hôm sau, Bán Loa hẹn bạn gái đi ăn ở một nhà hàng nhỏ, ấm cúng và lãng mạn. Hắn say sưa nói về những dự định của mình. Nào là sẽ vứt hết sách vở, chôn vùi dĩ vãng, và bắt đầu một cuộc sống mới đầy hứa hẹn.
Cô bạn gái, vốn đã quen với muôn ngàn ý định viễn vông điên rồ của hắn, cứ cắm cúi ăn. Dường như đĩa thức ăn có khă năng làm cô ngây ngất hơn là những lời đại ngôn huyễn hoặc của chàng bán loa học giả nửa mùa ấy.
Những đĩa hải sản cứ vơi dần. Những câu nói của Bán Loa cứ dài thêm. Hắn nói như chưa bao giờ được nói, say sưa như đang trình luận văn. Hắn bảo rằng ngay ngày mai sẽ dùng toàn bộ tiền tiết kiệm để đi mua hàng âm thanh về rồi tự bán lại ngay ở nhà chứ không đi làm thuê nữa. Rồi khi có lãi hắn lại mua tiếp, buôn tiếp cho đến khi thật giàu…
Cô bạn gái không tranh luận, cũng chẳng ủng hộ. Bởi lời nói của hắn khiến cô nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn về một cô gái mua được quả trứng, mơ đến chuyện trứng nở thành gà, gà đẻ hàng trăm trứng ấp thành hàng trăm con, trăm con gà lại đẻ trăm trứng cứ thế cho đến hàng tỉ con gà, và cô bay lên theo giấc mơ, ngã bổ kềnh, vỡ hết cả trứng.
Lịch trình buổi tối của đôi tình nhân có thể tóm tắt như sau: đầu tiên là ăn uống, rồi đi đến một nhà nghỉ ven đê, thuê mất vài chục ngàn một tiếng, sau đó ai về nhà nấy.
Lẽ ra nếu Bán Loa đưa cô bạn về nhà thì sẽ đỡ tiền, nhưng lần nào hắn về nhà mẹ hắn cũng qua chơi rồi ngồi đến tận khuya, trăm lần như một. Cho nên dù tiếc tiền, Bán Loa vẫn phải hàng tháng cung cấp tí chút rau dưa cho mấy ông chủ nhà nghỉ. Sau khi ai về nhà nấy và trước khi ngủ Bán Loa sẽ nhắn cho người yêu vài cái tin soạn sẵn để đỡ mất công bấm phím.
Về đến căn phòng nhỏ của mình, Bán Loa nằm vật ra. Sau một chầu sinh hoạt đầy đủ các kiểu, hắn đã thấm mệt. Hắn vẫn thường mơ về một đám cưới với cô bạn gái. Lần nào gặp cô xong hắn cũng tự trách mình, tại sao cứ phải phòng vệ chỉ vì sợ có con. Lúc đam mê dâng cao tột đỉnh, hắn luôn nghĩ là mình thừa sức nuôi cả một làng.
Rồi hắn bỗng nghĩ đến cô khách hàng. Những hình ảnh cứ lần lượt trôi qua não hắn như cuốn phim quay chậm. Hắn phì cười nhớ lại những lời tâm sự của cô gái. Và, đột nhiên hắn nhận ra cô khách hàng có vẻ như không chỉ mua loa, mà còn muốn mua cả đời trai trẻ của hắn.
Khánh cởi trần ra, gồng các bắp tay lên, thót bụng vào ngắm nghía trước gương. Và hắn thấy bộ dạng của mình cũng không đến nỗi tồi. Nếu chịu khó chải chuốt, hắn cũng có thể chiếm được các cô gái chồng chết chồng bỏ chồng chê chồng đi B chồng mất tích chồng không thích chồng già chồng yếu chồng bất lực… Hắn bật cười vì ý nghĩ đó.
Hắn vớ lấy điện thoại. Tin nhắn của cô khách đã chờ sẵn: Anh da ngu chua, dang xem phim va tieng rat hay, cam on anh. Hắn cười, cười một cách ngạo nghễ.
Tiếng chuông hắn đặt riêng cho bạn gái vang lên. Hắn hờ hững bấm nút nghe:
-Em chưa ngủ à?
-Chưa ạ -Cô thỏ thẻ- Em nhớ anh.
-Anh cũng thế.
-Bao giờ bọn mình đám cưới được nhỉ?- Cô nói -Em muốn có con.
Có con thì bốc… mà ăn à, hắn nghĩ vậy nhưng lại trả lời:
-Em cố đợi, chắc không lâu nữa đâu. Anh sẽ cố gắng.
-Vâng, em tin anh, em đợi vậy. Thôi em ngủ đây. Bye anh.
Hắn vứt điện thoại xuống giường và gần như ngay lập tức đã ngáy ầm ỹ, sau một ngày đi bán loa đầy căng thẳng, và sau một đêm xúc quá nhiều than.
Trong cuộc sống đang có quá nhiều điều không vui, người ta phải tìm mọi cách cân bằng để giữ được năng lượng sống. Một trong những cách đó là “cười”.
Nguyễn Toàn Thắng chọn cái “cười” trong văn chương. Điều này không dễ vì cười cũng có năm bảy đường. Nó có thể trở thành lố bịch, vô duyên và có khi bị lên án là ác nếu cười không đúng chuyện, đúng nơi và đúng “cấp độ”.
*Trích đoạn này nhiều tính hài hước. Anh có thể nói đôi chút về “thông điệp” của mình trong truyện dài này?
-Từ “thông điệp”nghe hơi to tát quá, nhưng có lẽ chị đã có dụng ý hài hước khi để nó vào trong ngoặc kép. Truyện dài này của tôi nói về cuộc phiêu lưu tình ái của một sinh viên xuất sắc nhưng ra trường lại trở thành chàng bán loa. Thế thì mọi người hiểu tôi định nói gì rồi. Ở nhân vật Bán Loa này có một chút ngang tàng của tuổi trẻ khi dám đi ngược dòng, có một chút khí khái kiểu hảo hán đường phố, thế nhưng anh ta lại không bao giờ từ chối được những cuộc phiêu lưu tình ái.
Điều tôi muốn nói là, dù cuộc sống có khiến ta bầm dập đến đâu, nhưng nếu ta vẫn là ta, thì sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Phần còn lại, để mọi người tự cảm nhận. Mà nếu không cảm nhận, chỉ cần cười được thì tôi cũng mừng lắm rồi.
*Viết truyện dài nghĩa là anh đã sẵn sàng đầu tư nhiều hơn thời gian và công sức cho văn học?
-Tôi còn có mặt trên các lĩnh vực khác như phim ảnh, sân khấu. Nói chung đối với tôi, đó luôn là những cuộc dạo chơi. Mà vì dạo chơi nên còn khó hơn là làm thật. Chơi là khó nhất vì chẳng có định lượng định tính nào làm chuẩn cả. Nếu như làm việc có khái niệm hoàn thành, thì cuộc chơi không hề có điểm dừng.
Tôi viết văn vì vài lời thách thức bên cạnh những lời khuyên. Thách thức rằng văn chương là ngôi đền thiêng, khó mà bước vào được. Đã thế tôi sẽ thử bước, nếu không được thì thôi, còn chưa làm sao có thể biết là được hay không được.
Lời khuyên của nhiều bạn lớn tuổi rằng em đi nhiều (tôi lang thang như môt bà đồng nát), đọc nhiều (đơn giản vì hồi nhỏ tôi luôn bị nhốt trong nhà) nên viết cho đỡ phí.
Tôi thấy lời khuyên đó đúng, bởi tôi đã làm đủ nghề, đôi khi không phải để kiếm sống, mà chỉ vì tôi luôn thích tìm những cái mới. Tôi cũng đã đi lắp loa như nhân vật chính của cuốn truyện, nhưng tôi chưa bao giờ phải dùng đến những người đã gặp ngoài đời để làm nhân vật. Tôi bịa ra nhân vật, bịa ra câu chuyện, bịa ra cả ông phù thủy xuất hiện vào năm 20xx nào đó, bịa ra cả một ông Trương Bốn thay ông Trương Ba…
*Cái cười có ý nghĩa gì trong cuộc sống của anh?
-Ngoài đời tôi cũng là người hài hước, đến mức khi (thỉnh thoảng) tôi tham gia diễn kịch, không ai tin là tôi sắm được những vai bi. Tôi luôn nhìn sự vật theo hướng khôi hài, nhưng tôi không bao giờ nhằm chế giễu hay dè bỉu. Tôi chỉ cười với những gì tôi coi là nhố nhăng, kệch cỡm. Và tôi đấu tranh không khoan nhượng với những cái đó, như phản ứng tự vệ.