Kiến trúc sư, nhà thơ Lâm Vy Nhân là thần tượng của nhiều thế hệ phụ nữ Trung Quốc. Tài năng, sắc đẹp, sự thông minh hội tụ đầy đủ ở thi sĩ này.

Lâm Vy Nhân (1904-1955) là người Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. Bà là kiến trúc sư đồng thời là nhà văn. Ở lĩnh vực nào, Vy Nhân cũng để lại dấu ấn không thể phai mờ.

Lâm Vy Nhân tốt nghiệp Viện Mỹ thuật, Đại học Pennsylvania, Mỹ. Về nước, nữ kiến trúc sư tham gia thiết kế nhiều công trình cho các trường đại học như Thanh Hoa, Vân Nam… Thành tựu tiêu biểu nhất của Vy Nhân là tham gia thiết kế quốc huy Trung Quốc.

Bà viết nhiều thơ, tản văn, tiểu thuyết, phê bình văn học đăng trên các tạp chí. Với vốn hiểu biết sâu rộng của mình, Vy Nhân còn được mời giảng dạy môn Văn học Anh trong một trường học dành cho nữ sinh.

Nhà thơ, kiến trúc sư Lâm Vy Nhân.

Theo Baidu, tinh thần khoa học của một kiến trúc sư và sự mềm mại của nhà văn được kết hợp uyển chuyển trong các tác phẩm của Lâm Vy Nhân. Thấp thoáng trong các ý thơ của bà là những hình ảnh của kiến trúc cổ đại. Ví như, trong bài “Thâm tiếu”, Vy Nhân dùng hình ảnh vô số chiếc chuông gió treo bên mái tòa tháp cổ để so sánh với tiếng cười giòn tan, vang lánh lót đến tận trời xanh. “Em là tháng tư của nhân gian” là bài thơ tiêu biểu nhất của thi sĩ.

Người dân Trung Quốc dành cho Lâm Vy Nhân sự ngưỡng mộ, yêu mến từ tận sâu thẳm trái tim họ. Đó là lý do khiến Vy Nhân vượt qua rất nhiều minh tinh hiện đại như Củng Lợi, Chương Tử Di… để đứng đầu danh sách “12 phụ nữ đẹp nhất” Trung Quốc trong đợt bình chọn do Tuần báo Quảng Châu tổ chức năm 2009- đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm quốc khánh nước này.

Chuyện tình của Lâm Vy Nhân

Tình đầu ngây dại

Năm 16 tuổi, Vy Nhân du lịch châu Âu. Thời gian ở Anh, cô quen một lưu học sinh Trung Quốc tên là Từ Chí Ma. Lúc đó, Chí Ma đã là cha của một đứa bé lên hai.

Tâm hồn thiếu nữ của Vy Nhân bị sự uyên bác, lịch thiệp và vẻ ngoài anh tuấn của Chí Ma lôi cuốn. Ngược lại, vẻ thanh tân và tài năng của Vy Nhân cũng lôi cuốn chàng lưu học sinh. Anh yêu Lâm Vy Nhân từ lúc nào.

Thế nhưng, sau một thời gian, Vy Nhân nhận ra rằng, tình cảm cô dành cho Từ Chí Ma chỉ là sự tôn thờ, ngưỡng mộ. Đó không phải là tình yêu. Nhưng lúc này đã quá muộn, Từ Chí Ma về Trung Quốc ly hôn với người vợ vừa sinh đứa con thứ hai với anh. Khi trở lại Anh, Từ Chí Ma hụt hẫng, bởi Vy Nhân đã rời nước Anh để về lại Trung Quốc.

Từ Chí Ma yêu Lâm Vy Nhân tha thiết. Anh về Bắc Kinh tìm cô, nhưng vẫn không thể có được Vy Nhân. Sau này, trong bài thơ có tên “Vô tình” dành cho Vy Nhân, anh viết:

Anh là áng mây trên trời
Vô tình in bóng vào tâm hồn em đầy sóng.
Em đừng ngạc nhiên
Cũng đừng vui vội
Bởi trong phút chốc mây biến mất.
Anh và em trùng phùng giữa biển đêm
Em chọn con đường riêng
Và con đường của anh cũng khác.
Em nhớ cũng được
Hay là em cứ quên đi thôi.

Bạn đời – tri kỷ

Ảnh cưới
Ảnh cưới Lương Tư Thành – Lâm Vy Nhân.

Năm 1928, Lâm Vy Nhân kết hôn với Lương Tư Thành (1901-1972), con trai một học giả nổi tiếng Trung Quốc. Lương Tư Thành cũng là một kiến trúc sư. Từ sau khi kết hôn, sự quan tâm của ông dành cho Vy Nhân càng chu đáo. Cùng có niềm đam mê là kiến trúc, cặp vợ chồng nắm tay nhau đi đến nhiều vùng miền, nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu các dự án liên quan đến kiến trúc. Những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ 20, hai vợ chồng dùng phương pháp khoa học hiện đại nghiên cứu kiến trúc cổ đại Trung Quốc, và trở thành người đặt nền móng cho lĩnh vực học thuật này.

8 năm sau khi Lâm Vy Nhân qua đời, Lương Tư Thành kết hôn với một phụ nữ khác. Tuy nhiên, khi đã đầu gối tay ấp với vợ thứ hai, Lương Tư Thành vẫn dành cho người vợ quá cố lòng yêu thương, tôn trọng. Ông nói: “Lâm Vy Nhân là một người rất đặc biệt, cô ấy đa tài. Tục ngữ nói ‘văn mình, vợ người’, nhưng đối với tôi là ‘vợ mình, văn của vợ’. Tôi không phủ nhận, làm chồng Vy Nhân có lúc rất mệt, bởi tư tưởng của cô ấy tiến bộ và rất nhạy bén. Ở bên cô ấy, nhất định phải nhanh nhẹn, hoạt bát, nếu không, sẽ không đuổi kịp Vy Nhân”.

Triết gia suốt đời độc thân vì Vy Nhân

Kim Nhạc Lâm (1895-1984), triết gia, nhà logic học hàng đầu Trung Quốc. Nhạc Lâm từng học ở Mỹ và nhiều nước châu Âu. Khi về nước, ông chủ yếu dạy ở hai trường đại học nổi tiếng nhất Trung Quốc là Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh. Đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì Quỹ Học thuật mang tên Kim Nhạc Lâm.

Kim Nhạc Lâm quen biết Vy Nhân qua Từ Chí Ma. Ông dành cho Vy Nhân tình yêu sâu nặng, đáng ngưỡng mộ.

Khi Vy Nhân đã là vợ của Lương Tư Thành, Nhạc Lâm là hàng xóm của đôi vợ chồng ở một ngõ của thành phố Bắc Kinh. Nếp sống, tư tưởng… của ba người có nhiều nét tương đồng, vì vậy, họ dễ dàng trở nên thân thiết. Khi rảnh rỗi, Vy Nhân, Tư Thành và Nhạc Lâm thường ngồi uống trà, trò chuyện với nhau.

Mùa hè năm 1932, sau khi Tư Thành đi khảo sát kiến trúc cổ trở về, Lâm Vy Nhân thừa nhận với chồng là bà yêu hai người đàn ông cùng một lúc và không biết phải làm thế nào. Sau một đêm không ngủ, sáng sớm hôm sau, Tư Thành nói với vợ: “Em tự do, nếu như em chọn Nhạc Lâm, anh sẽ chúc hai người mãi hạnh phúc”. Lúc Tư Thành nói câu này, cả hai vợ chồng đều khóc.

Nhạc Lâm suốt đời ở vậy vì Vy Nhân.

Lâm Vy Nhân đem lời của Tư Thành kể lại cho Nhạc Lâm, Nhạc Lâm nói rằng: “Tư Thành có thể nói được những câu này, chứng tỏ cậu ấy yêu em sâu sắc và không muốn em phải chịu thiệt thòi. Anh không thể làm tổn thương một người yêu em thật lòng, anh rút lui”.

Từ đó trở đi, mối quan hệ của 3 người trở lại như cũ. Nhạc Lâm vẫn là hàng xóm tốt của hai vợ chồng Lương – Lâm, không những vậy, cặp vợ chồng rất tín nhiệm người hàng xóm. Mỗi lần cãi vã, cả hai đều tìm đến Nhạc Lâm nhờ giảng hòa.

Kim Nhạc Lâm một đời âm thầm mong cho Vy Nhân hạnh phúc. Ông không lấy vợ. Ngay cả khi Vy Nhân đã qua đời nhiều năm, Nhạc Lâm vẫn luôn nhớ về bóng dáng nữ thi sĩ.

Chuyện tình yêu của Vy Nhân được nhiều người nhớ đến và ca tụng. Bởi với những người đi nhiều, tiếp xúc nhiều với văn hóa phương Tây như Tư Thành, Vy Nhân, Nhạc Lâm, ứng xử của họ vẫn mang đậm nét Á đông. Một trong những yếu tố khiến họ là bạn tốt suốt đời của nhau là cả ba đều đam mê công việc, có học thức. Họ hiểu thế nào là yêu, và thế nào là sự hy sinh. Dù nhiều thập niên đã đi qua, chuyện tình của Vy Nhân vẫn mang tính thời đại, đồng thời, là bài học đẹp cho những người đang yêu.

Năm 2007, Đại Học Thanh Hoa phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hàng Châu xây dụng bia tưởng niệm Lâm Vy Nhân, đặt tại một công viên ở thành phố quê hương nữ thi sĩ.

Nguồn: eVan