PHONG ĐIỆP

Chọn bút danh Trung Sỹ thay cho tên thật, qua đó chuyển tải hồi ức về những năm tháng khốc liệt tại chiến trường Tây Nam, người viết không chỉ kể câu chuyện của riêng mình mà còn là câu chuyện của những người đồng đội đã sát cánh bên nhau một thời tuổi trẻ.

Trung thành với quá khứ bằng cách giữ nguyên tên tuổi của các đồng đội, tác giả tâm sự: “chính họ đã nhắc tôi kể lại câu chuyện Tây Nam này”. “Chuyện lính tây nam” giống như một chuyến tàu đưa người đọc quay trở lại một giai đoạn khó quên trong lịch sử, khi những người lính tình nguyện Việt Nam sang nước bạn Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Thời gian của cuốn sách được gói gọn trong hơn bốn năm (từ 1978 đến 1983), cũng là khoảng thời gian tác giả tham gia cuộc chiến cho đến khi rời quân ngũ. Bốn năm không phải là dài trong hành trình sống của một người, song đó lại là những năm tháng đặc biệt, đầy gian khổ hy sinh. Điều đó đã được tái hiện sống động, chân thực, dồn nén nhiều xúc cảm nhưng cũng hết sức hóm hỉnh trong hơn 300 trang sách. Tác giả chọn cách kể theo từng mẩu chuyện nhỏ, với cách đặt tiêu đề linh hoạt, tạo hứng thú cho người đọc như: Tết chiến trường, “Trịnh Công Sơn” làm cỏ lúa, Áo trận, Loạt đạn gọi hồn, Buổi chiều máu, Tiếng cối đêm sương,…

Qua mỗi trang sách, người đọc lại được “dấn thân” cùng đời lính gian truân nhưng luôn dư dả với các trò quậy phá tinh quái. Bịn rịn chia tay gia đình, bạn bè ở tuổi 18, chàng tân binh Xuân Tùng bước vào đời quân ngũ với nhiều âu lo phấp phỏng. Thật khó quên kỷ niệm về ca gác đầu tiên phập phồng tưởng gốc chuối cụt ngoài vườn là… địch, hay cảm giác mất kiểm soát khi lần đầu cầm súng chiến đấu,… Những gian nan trận mạc mỗi người lính phải tự học cách thích nghi qua từng ngày, để sống và hoàn thành nhiệm vụ. Đó còn là kỷ niệm về người chỉ huy nhường chỗ an toàn cho chiến sĩ, là câu chuyện về những mảnh đàn vỡ xa xót trên đường hành quân khắc nghiệt… Người đọc không khỏi ám ảnh trước tâm tư của những chàng lính đôi mươi thèm được sống trong một xã hội văn minh của loài người, thèm nhìn một chiếc eo thon thiếu nữ, hay chỉ cần nhìn thấy nhà ga và những chuyến tàu lăn bánh cũng ứa nước mắt. Bất chấp những khó khăn, khốc liệt của cuộc chiến, những người lính luôn sống ân tình trước sau. “Chuyện lính tây nam” còn hấp dẫn bởi những trang viết tinh tế, giúp độc giả được lắng lòng cùng “những con sông… mới nghe tên như đã gọi mưa miền hoang vu xa vắng”, với “hơi thở của mùa khô, cái mùa tinh tươm, sạch sẽ và trù phú” để hiểu thêm tâm hồn lãng mạn của những người lính chiến.

Vài năm trở lại đây, thị trường sách đón nhận khá nhiều cuốn hồi ức, hồi ký, nhật ký chiến tranh, thu hút được sự quan tâm, chú ý của độc giả. “Chuyện lính tây nam” ra mắt, tiếp tục bổ sung những tư liệu sinh động, giúp độc giả, nhất là những người trẻ hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử.

(“Chuyện lính tây nam” của Trung Sỹ, NXB Văn học 2017

Nguồn: Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài