Vị giáo sư y khoa nhận được bức điện tín từ nhà máy Li-a-li-cốp khẩn cầu ông đến càng sớm càng tốt. Cô con gái bà Li-a-li-cốp-chủ nhân nhà máy-bị bệnh, đó là tất cả mọi thứ họ nói ở bức điện dài dòng và vô cùng rời rạc. Ông đã không đích thân đến nhưng cử người trợ lý Kô-rô-li-ốp tới.

Hôm đó là chiều tối thứ bảy, mặt trời đã lặn xa phía chân trời, đám công nhân ra ga để trở về, họ kính cẩn cúi đầu khi chiếc xe ngựa chở Kô-rô-li-ốp đi tới. Anh bị mê hoặc bởi sự quyến rũ của buổi chiều tối, những trang trại và biệt thự dọc đường đi, những cây bạch dương và cả bầu không khí yên tĩnh xung quanh đó.

Họ tới một mảnh sân cỏ rộng, năm tòa nhà lớn với những ống khói chọc trời, mỗi cái chỉ cách nhau một khoảng nhỏ, có cả nhà kho và doanh trại, nổi bật hơn tất cả xung quanh là màu khói xám bụi bặm.

Minh họa: TÔ NGỌC.

“Mời vào, chúng tôi đang thực sự gặp rắc rối”, giọng người phụ nữ vọng ra.

Bà Li-a-li-cốp, người đàn bà mập mạp mặc chiếc váy lụa đen với cái cổ tay rất kiểu cách, nhưng xét khuôn mặt thì có vẻ không có học thức cao. Bên cạnh bà xuất hiện một nhân vật tóc ngắn trong chiếc áo nhiều màu sắc, trông rất gầy guộc. Những người hầu gọi bà là Crít-ti-na Đi-mi-tri-ê-va, Kô-rô-li-ốp đoán đây là một gia sư. Bà là người có học thức nhất trong ngôi nhà nên phải tới trình bày tình hình với bác sĩ.

Bác sĩ và gia sư ngồi nói chuyện trong khi bà chủ nhà đứng bất động ở cửa chờ đợi. Từ cuộc nói chuyện, Kô-rô-li-ốp biết bệnh nhân là cô con gái độc nhất của bà Li-a-li-cốp, cũng là người thừa kế, cô hai mươi tuổi, tên là Li-da. Cô gái bị bệnh một thời gian dài và đã chạy chữa qua nhiều bác sĩ. Đêm trước đó, Li-da đã phải chịu rối loạn nhịp tim cho đến sáng. Họ lo lắng cô ấy không qua khỏi.

“Người ta nói con bé đã bị thế từ khi nó còn nhỏ”, bà Crít-ti-na Đi-mi-tri-ê-va nói. “Các bác sĩ nói đó là do ảnh hưởng của dây thần kinh, khi còn nhỏ con bé mắc bệnh lao hạch, họ đã cắt bỏ khối u, nên có thể là vì lý do này”.

Họ tới thăm cô, một cô gái phát triển đầy đủ, cao lớn, nhưng xấu xí giống bà mẹ, cũng đôi mắt nhỏ và phần dưới gò má rộng, mái tóc rối bù ôm trọn cái cằm, cô không để lại ấn tượng gì sâu sắc trong đầu Kô-rô-li-ốp. Thực sự thì anh chẳng thể tin nổi đây lại là người thừa kế của năm tòa nhà vĩ đại này.

Kô-rô-li-ốp giới thiệu tên mình rồi nắm tay Li-da, một bàn tay to, lạnh và xấu xí. Cô ta ngồi dậy, như một thói quen thường làm khi gặp bác sĩ.

“Cả đêm tôi như chết đi vì sợ hãi. Hãy tìm cách điều trị đi”, Li-da nói.

“Tôi sẽ làm, đừng lo lắng quá”, Kô-rô-li-ốp khám bệnh và nhún vai.

“Tim cô không có vấn đề gì cả. Cơn nguy hiểm đã qua rồi, bây giờ cô cần nghỉ ngơi, chợp mắt chút đi”, Kô-rô-li-ốp nói.

Đúng lúc đó, một chiếc đèn bàn được mang vào phòng ngủ. Li-da hướng mắt lên phía ánh đèn, đột ngột ôm đầu rồi nức nở. Ấn tượng về một sinh vật xấu xí biến mất, anh nhìn thấy vẻ yếu mềm, nữ tính và giản đơn từ phía cô. Kô-rô-li-ốp muốn được xoa dịu cô, không phải với thuốc men hay bằng lời khuyên mà đơn giản là nói vài lời tử tế. Mẹ Li-da ôm cô bé, cả hai khóc lóc tuyệt vọng và nỗi đau buồn bộc lộ trên khuôn mặt người phụ nữ.

Kô-rô-li-ốp ngồi xuống bên cạnh giường và nắm lấy tay Li-da.

“Bỏ qua đi, khóc không giải quyết được gì cả”, anh nhẹ nhàng

“Bác sĩ ở nhà máy của chúng tôi đã cho Li-da dùng thuốc ka-li-rô-ma-ti”, bà gia sư cho biết. “Nhưng tôi để ý là nó làm cho con bé tệ hơn. Tôi đã nghĩ có khi nên cho ít thuốc điều trị bệnh tim đó thì tốt hơn… Tôi quên tên thuốc rồi, con-va-la-ri-a phải không?”.

Kô-rô-li-ốp tỏ vẻ chán nản.

“Tôi không thấy vấn đề gì đặc biệt cả”, anh hướng ánh nhìn qua chỗ bà mẹ rồi đi ra khỏi phòng ngủ. “Nếu con gái bà đang được bác sĩ của nhà máy chữa trị thì hãy để họ làm nốt trách nhiệm. Việc điều trị cho đến giờ phút này là hoàn toàn đúng, nên chẳng có lý do gì để đổi bác sĩ cả”. Anh nói hết sức thong thả, như cái cách anh đeo lại đôi găng tay của mình.

“Tôi chỉ có nửa giờ để kịp bắt chuyến tàu lúc 10 giờ đêm, hy vọng là không trễ”.

“Bác sĩ không thể ở lại được sao?”. Bà Li-a-li-cốp hỏi khi nước mắt lăn dài trên má. “Thật là ngại khi làm phiền anh, nhưng thật là tốt nếu… Làm ơn!”.

Anh chỉ muốn nói với bà ta rằng anh còn một đống việc ở Mát-xcơ-va cần phải giải quyết nên việc ở lại đây cả buổi tối dường như không cần thiết. Nhưng anh lại nhìn sang khuôn mặt người phụ nữ, cất tiếng thở dài, cởi bỏ đôi găng tay mà không nói thêm lời nào nữa.

Đột nhiên bên ngoài xuất hiện âm thanh chói tai của kim loại và cả tiếng vọng hết sức khó chịu mà anh chưa nghe lần nào trong đời.

“Mình thề là chẳng có gì ở đây làm mình muốn ở lại”, anh nghĩ bụng.

“Bác sĩ, mời đi ăn tối”, bà gia sư gọi anh giọng rất trầm.

Kô-rô-li-ốp tới bàn ăn bày đủ thứ nhưng chỉ có hai người: Anh và bà gia sư. Bà ăn rất nhanh và nói đủ thứ chuyện:

“Những người công nhân đều sống rất hài lòng và gần gũi chúng tôi. Khi họ nghe nói bệnh của Li-da xấu đi thì đã tụ tập hát cho cô ấy. Tuy không được học hành đầy đủ nhưng họ đều tử tế”.

“Hình như không có người đàn ông nào sống cùng ở đây?”.

“Không có ai cả, chỉ có ba chúng tôi thôi”.

Sau bữa tối anh được chỉ phòng ngủ. Cả phòng nồng mùi sơn, không ngủ được, anh mặc áo khoác rồi đi ra ngoài.

Nhìn vào nhà xưởng, nơi những người công nhân đang ngủ, Kô-rô-li-ốp liên tưởng tới những gì anh nghĩ về một nhà máy.

Lại một tiếng vang lớn phát ra như Kô-rô-li-ốp được nghe trước bữa tối. Đầu tiên là luồng âm thanh ngắn, phát ra đột ngột và chói tai. Sau nửa phút tĩnh lặng thì từ tòa nhà khác cũng vang lên một âm thanh khó chịu và ầm ầm như thế, có điều trầm hơn. Mười một lần tất cả. Rõ ràng đó là kẻng báo giờ. Tiếng vang phát ra từ tòa nhà thứ ba, rồi thì tất cả các tòa nhà, phía doanh trại và cả ngoài cổng.

Kô-rô-li-ốp đi khỏi sân, tiến vào vùng nông thôn.

“Ai đến đó?”. Có ai đó gọi ở cổng, giọng bất thần.

“Cứ như đang ở tù ấy nhỉ?”, anh thầm nghĩ, không trả lời lại.

Rồi cái âm thanh khủng khiếp đó lại vang lên. Mười hai lần liền. Và sau đó là sự tĩnh lặng trong vòng nửa phút. Rồi mọi thứ lặp lại như cũ.

Kô-rô-li-ốp ngồi lâu hơn một chút rồi quay lại ngôi nhà. Ở phòng bên cạnh có tiếng thì thầm, cả tiếng dép và tiếng chân trần.

“Cô bé lại bị vậy nữa à?”, Kô-rô-li-ốp nghĩ.

Anh đi ra ngoài để xem tình hình cô bệnh nhân. Bây giờ trong phòng đã tờ mờ sáng, một chút ánh bình minh xuyên qua màn sương sớm rớt trên nền nhà. Cửa phòng Li-da mở, cô xõa tóc, mặc một chiếc áo choàng, ngồi trên một chiếc ghế thấp cạnh giường.

“Cô cảm thấy thế nào?”, Kô-rô-li-ốp hỏi.

“Tôi ổn. Cảm ơn”.

Anh bắt mạch và vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trước trán cô lại đằng sau.

“Cô đã không ngủ. Thời tiết khá đẹp ngoài kia. Mùa xuân đến rồi, lũ họa mi bên ngoài đang líu lo, còn cô lại ngồi trong bóng tối và suy nghĩ”.

Li-da nhìn anh, đôi mắt ánh lên đôi nét đượm buồn và vẻ thông minh như muốn nói điều gì đó.

Lúc đó có tiếng kẻng hai giờ. Họ nghe thấy tiếng vang, Li-da rùng mình.

“Những âm thanh đó làm cô lo sợ à?”.

“Tất cả mọi thứ đều làm tôi sợ. Tôi thấy sự đồng cảm từ anh, ngay lần đầu gặp tôi có cảm giác muốn nói mọi thứ cho anh biết”.

“Vậy hãy nói cho tôi biết”.

“Tôi muốn nói về suy nghĩ của mình vì tôi không bị bệnh gì hết, nhưng tôi sợ hãi và thấy mệt mỏi nhưng lại chẳng thể làm khác được. Ngay cả những người khỏe mạnh cũng cảm thấy khó chịu. Tôi đã liên tục được chữa trị”. Cô ta tiếp tục nói, nhìn xuống dưới chân, cười gượng. “Dĩ nhiên là tôi rất biết ơn, không thể phủ nhận lợi ích của việc điều trị. Nhưng tôi cần nói chuyện không phải với bác sĩ, mà với một người bạn thân thiết có thể hiểu và nói cho tôi biết thế nào là đúng và sai.”

“Cô không có bạn bè gì à?”.

“Tôi rất cô độc. Tôi có mẹ, bà ấy rất yêu tôi, nhưng đổi lại cũng rất cô đơn. Đó là cách mọi thứ diễn ra… Những người cô độc đọc nhiều, nhưng ít nói và nghe cũng ít. Cuộc sống đối với họ là một điều bí ẩn. Họ thần bí và thường nhìn thấy ma quỷ”.

“Cô cũng đọc nhiều à?”, anh hỏi.

“Đúng vậy. Tôi rảnh rỗi từ sáng tới tối, cứ thế ngày nối ngày nhưng đến đêm thì đầu óc lại trống rỗng”.

“Cô có thấy điều gì vào ban đêm không?”.

“Không, nhưng tôi cảm thấy…”.

Li-da cười và nhìn vị bác sĩ lần nữa. Nhưng cô không nói gì mà chờ anh nói.

Kô-rô-li-ốp biết cần phải nói gì. Điều rõ ràng là cô ấy cần đi khỏi đây. Và cũng quá rõ ràng là cô cần một người tin cậy. Nhưng anh không biết phải nói thế nào. Thật khó để hỏi một người giàu có rằng họ cần nhiều tiền để làm gì, tại sao họ lại sử dụng tài sản một cách đáng thương như vậy và cả chuyện khi nào thì họ thấy hạnh phúc nữa.

Rồi anh tóm gọn lại những gì mình nghĩ: “Cô đang ở vị trí người chủ thừa kế giàu có của nhà máy nhưng không mấy vui lòng. Cô cảm thấy những điều này không thuộc về mình, rồi hằng đêm không ngủ được. Chứng mất ngủ bắt đầu tất cả. Trên thực tế thì cuộc nói chuyện của chúng ta bây giờ dường như là không tưởng tượng được đối với cha mẹ. Ban đêm họ ngủ, còn thế hệ chúng ta hay mất ngủ, không nghỉ ngơi nhưng nói chuyện rất nhiều và luôn cố gắng giải quyết vấn đề dù đúng hay sai. Rồi con cháu chúng ta sau này nữa, có lẽ câu hỏi đó sẽ được giải quyết. Mọi thứ sẽ rõ ràng cho chúng hơn là chúng ta. Năm mươi năm nữa cuộc sống chắc sẽ tốt hơn, đáng tiếc là không biết chúng ta còn sống tới lúc đó không”.

Li-da hỏi: “Con cháu chúng ta sau này sẽ làm gì?”.

“Tôi không biết, có thể chúng sẽ ra đi”.

“Đi đâu?”.

“Đi đâu à? Đến nơi mà chúng thích”. Kô-rô-li-ốp cười. “Thiếu gì chỗ để đi, chỗ những người thông minh có thể tìm ra.”

Anh liếc đồng hồ.

“Mặt trời đã lên rồi. Có thể cô đang buồn ngủ. Rất vui được nói chuyện với cô, quý cô thú vị ạ. Ngủ ngon!”.

Anh trở lại phòng và đi vào giấc ngủ.

Buổi sáng, chiếc xe ngựa đã đợi sẵn chỗ bậc thang. Li-da xanh xao và mệt mỏi trong chiếc váy trắng và đóa hoa cài trên tóc như bước vào một kỳ nghỉ. Cô nhìn anh như hôm qua: Vẻ đượm buồn, thông minh, nụ cười duyên dáng và nói chuyện, đó là tất cả những gì đặc biệt và quan trọng cô muốn nói với anh-chỉ mình anh. Họ nghe thấy tiếng sơn ca véo von và tiếng chuông nhà thờ đổ. Những cửa sổ ở khu nhà máy trở nên lấp lánh lạ thường. Họ băng qua sân, chạy qua con đường dài tới nhà ga. Trong khoảnh khắc, cuộc sống trở nên vui vẻ như những buổi sáng chủ nhật. Và anh nghĩ, quả là một sáng mùa xuân tuyệt vời khi ngồi trên chiếc xe ba con ngựa kéo và đắm mình trong ánh nắng mặt trời rực rỡ.

 

 

Huyền Thư (dịch) – QDND

Exit mobile version