Sân chơi văn hóa dành cho người trẻ ở Sài Gòn hiện đang khá chật hẹp, trái với nhu cầu ngày càng đa dạng của họ. Nhưng đó chưa phải là lý do đủ thuyết phục để lý giải tại sao người trẻ lại khước từ những hoạt động trau dồi kỹ năng, liên kết về văn hóa và chọn cách náu mình trong quán cà phê sau giờ lên lớp.

Một nhóm bạn trẻ chơi nhạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: NGUYỄN HUỆ NGHI

Người trẻ không chỉ cần được hát

Tỏ ra không thích thú khi nhắc đến những hoạt động văn nghệ, Thảo Nguyên (sinh viên khoa Đông Phương học – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) nêu ý kiến: “Tại sao cứ nhất thiết khi kỷ niệm một sự kiện gì đó, trường, khoa lại tổ chức văn nghệ mà không phải là một hoạt động vận động ngoài trời để tất cả mọi người có thể tham gia như chương trình “đường chạy sắc màu” (colour me run) được tổ chức hàng năm ở quận 7 chẳng hạn. Đâu phải ai cũng có năng khiếu để đăng ký dự thi hát?”.

Ca hát dường như là hoạt động được nhắc đến nhiều nhất trong các phong trào dành cho sinh viên. Vậy, ngoài các cuộc thi ca hát, những “gala âm nhạc” được tổ chức cho sinh viên, họ còn có những hoạt động văn hóa nào khác sau giờ học?

8 giờ tối thứ Năm, những quán cà phê gần khu làng Đại học Quốc gia TPHCM đã đông nghịt khách. Thế Anh (sinh viên năm 2 – Đại học Bách Khoa TPHCM) kể, đây là dãy quán quen thuộc của cậu và nhiều bạn trong trường. Hết giờ học, nếu không bận ôn bài, cậu và nhóm bạn lại ra quán xem bóng đá, lướt Facebook, chơi game hoặc nói chuyện phiếm.

“Ngồi hoài trong quán cũng chán nhưng chẳng biết đi đâu. Trong trường có nhiều câu lạc bộ nhưng em không thích tham gia vì thấy không có cái nào phù hợp. Chủ yếu là mấy câu lạc bộ học thuật hay hát hò, chủ đề cũng không mới, năm nào cũng là ca ngợi quê hương đất nước… Em muốn phải có cái gì đó lạ lạ như lập câu lạc bộ trượt ván chẳng hạn, xem trên Youtube thấy người ta tập thích lắm”, Thế Anh chia sẻ.

Câu chuyện của Thế Anh hay Thảo Nguyên chỉ là hai trong số rất nhiều những bức xúc về sân chơi văn hóa thường thấy ở sinh viên hiện nay. Những buổi văn nghệ hay ca nhạc (dù có mời nhiều sao) hay những câu lạc bộ Anh văn, học thuật mà hầu hết trường nào cũng có đã không níu chân được những người trẻ này. Họ than chán ngán những sân chơi trong trường còn nặng tính tuyên truyền và liệt kê ra rất nhiều sở thích, nhu cầu của mình. Họ cho rằng trường, khoa cần có nhiều hơn nữa những sân chơi mới mẻ, phá cách và phù hợp với thế hệ của mình.

Nhà trường – sinh viên lệch pha hay là người trẻ thiếu chủ động?

Những chương trình dành cho người trẻ lại không phải do người trẻ thực hiện, còn người tổ chức thì lại bỏ qua việc tham vấn ý kiến đối tượng thụ hưởng. Đó là một trong những lý do khiến sân chơi trong nhà trường hiện không thu hút được nhiều người trẻ.

C.Loan (sinh viên khoa Xuất bản – Đại học Văn hóa) cho biết cô cũng tham gia các chương trình do đoàn trường tổ chức nếu là bắt buộc hoặc có cộng điểm rèn luyện. Tất nhiên, đó không phải là những sân chơi văn hóa mà Loan thích thú và sẵn sàng cộng hưởng.

“Em muốn được sinh hoạt ở một nơi mà em có thể lên tiếng, nói lên ý kiến của mình. Có những buổi tọa đàm do Nhà văn hóa Thanh niên phối hợp với đoàn trường tổ chức, nhưng đề tài không phải là cái em quan tâm. Em cũng thử phát biểu ý kiến nhưng có cảm giác là không ai nghe cả, nên từ đó đi cho có vậy thôi”, Loan chia sẻ.

Trần Bửu Quỳnh Anh (sinh viên năm 4 – khoa Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) cho rằng, hơn ai hết người trẻ biết rõ những nhu cầu của mình và họ cũng có đầy ắp ý tưởng. Có nhiều công cụ để khảo sát thông tin, ghi nhận ý kiến sinh viên như sử dụng khảo sát trên Google, mạng xã hội… nhưng nhà trường và các tổ chức lại bỏ qua và chủ quan thực hiện theo cách của mình.

“Cũng vẫn là chương trình ca nhạc chủ đề yêu quê hương đất nước, biển đảo nhưng nếu ban tổ chức kết nối được với ý tưởng của sinh viên, họ sẽ biết cách làm thế nào để chương trình trẻ trung hơn, phá cách hơn.

Chương trình của người trẻ muốn thu hút và có sức ảnh hưởng lớn, tốt hơn hết hãy để người trẻ đứng ra làm”, Quỳnh Anh nhận xét.

Rõ ràng, đang có sự thiếu kết nối giữa nhà trường và sinh viên trong quá trình hình thành những sân chơi văn hóa. Thế nhưng, sự lệch pha này không hẳn chỉ có lỗi từ phía nhà trường hay các tổ chức đoàn thể.

Cô Bùi Thu Anh, giảng viên khoa Kinh tế, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, người tư vấn Câu lạc bộ Kinh doanh của trường, cho biết để vào được câu lạc bộ này, sinh viên phải thi vào với tỷ lệ chọi 1:3. Nhưng khi được vào câu lạc bộ rồi, hầu như không có sinh viên nào đóng góp ý kiến hay chủ động đề xuất kế hoạch sinh hoạt cho câu lạc bộ. Tất cả đều im lặng và chờ đợi giảng viên “ra tay”.

“Việc các bạn bỏ công sức thi vào chứng tỏ các bạn ấy có quan tâm đến câu lạc bộ. Đến khi vào rồi, nếu sinh hoạt vài lần thấy nội dung không hợp với nhu cầu, các bạn lại bỏ ra mà không hề lên tiếng góp ý. Khi tôi học ở Úc, ở trường có hàng trăm câu lạc bộ do sinh viên lập ra. Còn ở đây, duy trì sinh hoạt câu lạc bộ khó vô cùng vì không biết các bạn ấy muốn gì”, cô Thu Anh chia sẻ.

Theo cô Thu Anh, không phải những sinh viên này ngại lên tiếng vì e dè, sợ thầy cô. Bởi khi lên Facebook, họ lại bình luận rất nhiều; đặc biệt vấn đề điểm số, nếu sai sót, ảnh hưởng đến quyền lợi, họ sẽ phản ứng rất mạnh, có phần gay gắt.

“Để lập câu lạc bộ theo nhu cầu sinh hoạt của mình, sinh viên nước ngoài sẽ chủ động dán thông báo trên bảng tin của trường hay trên mạng xã hội để kêu gọi tham gia. Đến khi đủ số người rồi thì họ chỉ cần nộp bản kế hoạch lên trường xin giấy phép hoạt động. Nhưng ở Việt Nam, các bạn không có khả năng kêu gọi, không biết cách để biểu đạt ý muốn của mình hoặc cũng có thể, các bạn xem nhẹ những hoạt động này”, cô An nói.

Giải pháp cho người trẻ

TS. Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, cho rằng người trẻ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho bất cứ ai hay rào cản gì trong việc thiếu không gian sinh hoạt hiện nay. Các bạn biết đọc, biết viết, có công cụ Internet trên tay nên nếu nhà trường chưa đủ điều kiện tạo ra nhiều không gian sinh hoạt theo yêu cầu thì người trẻ phải tự tìm kiếm thông tin, tìm cách đáp ứng nhu cầu bản thân.

“Các em phải sống đúng với lứa tuổi của mình, không thể trẻ thơ mãi, cứ ngồi một chỗ chờ đợi người lớn mang quà tới. Hơn ai hết, các em biết mình cần gì, các em cần có chính kiến của mình để thay đổi hoặc tự xây dựng không gian văn hóa cho mình. Không ai có thể làm thay các em được cả”, bà Phượng nhận định.

Từ phía những người trẻ, Quỳnh Anh cũng cho rằng, nhận xét sân chơi trong thành phố chật hẹp chỉ đúng với những bạn trẻ thụ động. Cô dẫn ra ví dụ về một chương trình ở khoa do cô và các bạn của mình đảm nhiệm.

Để kỷ niệm ngày Nhà báo Việt Nam 21-6, cô cùng các bạn trong khoa tự lên kế hoạch cho chương trình “Tuần lễ báo chí”, rồi nộp bản kế hoạch lên khoa. Sau khi xem xét, khoa đã đồng ý cấp giấy giới thiệu để cả nhóm đi xin tài trợ bên ngoài. Và cuối cùng, họ đã nhận được tài trợ từ một tờ báo lớn và tổ chức một loạt các sự kiện nhận được nhiều hưởng ứng từ sinh viên của khoa.

Không giới hạn bên trong nhà trường, vẫn có những người trẻ khác chủ động tìm kiếm và tự tạo sân chơi bên ngoài. Đó là câu chuyện của một nhóm các bạn trẻ tập trượt ván mỗi tối ở góc đường Hai Bà Trưng-Lê Duẩn (quận 1). Trong lúc chờ thành phố xây một không gian rộng mở để tập thoải mái hơn, họ chọn cách tập ở hè phố chật hẹp với ánh nhìn đầy khắt khe của người lớn qua đường. Dẫu sao đó cũng là cách họ chủ động sống với đam mê của mình thay vì chấp nhận hoặc than thở.

 

Theo Bảo Uyên – TBKTSG

Exit mobile version