Nhà thơ Trần Nhuận Minh
Các tập thơ chính:
Đấy là tình yêu (1971), Âm điệu một vùng đất (1980, in lần thứ 2, năm 2016), Thành phố bên này sông (1982), Nhàthơ áp tải (1989), Hoa cỏ (1992), Nhà thơ và hoa cỏ (1993, in lần thứ 22, năm 2015), Giọt phù sa vạn dặm (2000),Bản Xônat hoang dã (2003, in lần thứ 13, năm 2015), Gửi lại dọc đường (2005, in lần thứ 6, năm 2011), 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh (2007, in lần thứ 5, năm 2013), Miền dân gian mây trắng (2008, in lần thứ 5, năm 2014), Bốn mùa – Four seasons (2008), Bốn mùa (2009, in lần thứ 2, năm 2011), Miền dân gian mây trắng – The white cloud popular area (2011), Cánh rừng đã bay về trời (2012) 陈润明 – 诗歌精选集 ( 2014) và Thành phố Dịu Dàng (2015).
Đã được tặng 17 giải thưởng văn học, trong đó có giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động VN, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Ủy ban thiếu niên và nhi đồng TƯ, NXB Kim Đồng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.
THƠ TRẦN NHUẬN MINH
CHIỀU YÊN TỬ
Tài tri vô tự thị chân kinh
(Mới hay không chữ chính là chân kinh)
NGUYỄN DU
Chợt ngân một tiếng chuông
Sắc cỏ bỗng hoe vàng
Như có ai lững thững
Trong bóng chiều lang thang
Tiếng chuông như hồn người
Cô đơn và thăm thẳm
Như nẻo đời quạnh vắng
Chẳng bao giờ gặp nhau
Tôi nằm trên vệ cỏ
Đối mặt với trời cao
Một nỗi niềm trinh bạch
Giữa bốn bề gian lao
Tiếng chuông đến tìm tôi
Toả từng vòng tím tái
Bông lau như mất hồn
Trắng mờ chiều hoang dại
Cuộc đời đến đâu ư?
Con người là gì vậy?
Họa phúc có hay không?
Kiếp sau ai đã thấy?
Mỗi người một câu hỏi
Đi mang mang trong đời
Nổi chìm bao ghềnh thác
Tôi chưa tìm thấy tôi…
Tiếng chuông lừng lững tắt
Rừng già chìm âm u
Những mảnh hồn thao thức
Bơ vơ trong sương mù…
Thượng Yên 4 – 1983
THÍM HAI VUI
Những năm chú ra trận
Thím buồn vui một mình
Thím bảo những năm ấy
Là những năm hòa bình
Có tin đồn chú mất
Thím thầm cắn chặt môi
Nuôi hai con ăn học
Cấy cày đến quắt người
Bỗng đột nhiên chú về
Tung huân chương đầy chiếu
Thím cười mà như mếu
Nước mắt chả buồn lau
Thế rồi… Biết vì đâu
Yên lành không chịu được
Vợ con, chú đánh trước
Xóm giềng, chú đánh sau
Chớ dại mà can chú
Chú nhất cả huyện rồi
Giặc nào chú cũng thắng
Có thua, thua ông trời!
Chỉ thương thím Hai Vui
Mặt mũi luôn thâm tím
Đến bây giờ chiến tranh
Mới đến thật với thím
Chú đòi phải li dị
Mỗi con về một nơi
Thím hát như kẻ dại
Miệng mếu lại thành cười
Nghe đâu thím lên tỉnh
Rửa bát cho người ta
Thấy ai quen cũng lánh
Những mặt phấn quần hoa…
Bồ Hòn 10 – 1988
NHỚ MỘT ĐẢNG VIÊN TRONG
CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
Những nông dân vừa được anh giải phóng
Đã lôi anh đến cạnh thùng vôi
Họ bắn anh. Nhưng không bắn trúng
Tay họ chỉ quen cầm cuốc thôi
Nhát cuốc đầu tiên. Mặt nhoè máu tươi
Phút hiểm nguy vẫn tin vào Cách Mạng
Anh kêu lên. Tiếng kêu đứt quãng
– CÁC ĐỒNG CHÍ…
ƠI!…
Điền Trì 3- 2- 1980
BẠN CHƠI TỪ THUỞ
QUÀNG KHĂN ĐỎ
Nửa đêm gõ cửa tìm nhau
Đèn che nửa bóng, mái đầu chụm đôi
Bác rằng Cơm đã ăn rồi
Có chai rượu thuốc ta ngồi uống chung
Bạn chơi từ thuở khăn hồng
Đứa nhờ có vợ có chồng mà lên
Đứa đi đánh giặc liên miên
Về quê vẫn chú lính quèn, vậy thôi
Đứa thì đêm lạy van người
Ngày ngày vênh váo, coi trời bằng vung
Đứa làm đạo diễn văn công
Nỗi đau đời, giấu vào trong tiếng cười
Đứa đi buôn ngược bán xuôi
Vào Nam ra Bắc ăn chơi một mình
Đứa thì làm giám đốc ngành
Đi đâu cũng có nhân tình đi theo
Đứa thì áo túm quần đeo
Tinh mơ vác gạo, xế chiều bơm xe
Đứa liều vượt biển trốn đi
Nổi chìm nào biết tin gì thực hư
Đứa thì làm trưởng trại tù
Gặp nhau, tay bắt lạnh như đồng tiền…
Cùng thầy, cùng đội, cùng niên
Lớn lên ai biết làm nên thế nào
Tại trời hay tại ta sao
Nhảy ra thì thịnh. Bước vào lại suy
Sự đời bác đến thế thì
Đã làm ông giáo còn đi buôn nhà
Sớm mai, bác phải ra toà
Khôn ngoan biết lấy chi mà đãi nhau
Kể gì hơn thiệt nông sâu
Lòng lành, mà chắc sự đâu đã lành…
Bâng khuâng nỗi bạn nỗi mình
Ngoài hiên trăng khuyết nửa vành xa xôi
Ước chi về tuổi chín mười
Vẫy khăn quàng đỏ giữa trời thẳm xanh…
Bồ Hòn 1987
NHÀ THƠ ÁP TẢI
Tặng nhà thơ Thanh Tùng
Bạn từ Hải Phòng sang
Toả đầy sân mùi biển
Nói đủ mọi thứ chuyện
Tay vung hai phía trời
Bạn làm nghề áp tải
Đường bộ và đường sông
Thỉnh thoảng lại gặp cướp
Còn trộm thì… Mênh mông
Đất nước có một thời
Kẻ gian nhiều như nấm
Không ngờ một nhà thơ
Lại sống bằng… nắm đấm
Đã từng cho một “chưởng”
Những thằng đến “mổ” hàng
Cũng từng bị nó đánh
Thuốc xoa vài ba thang
Đã từng uống chè vặt
Đói đến vàng mắt ra
Cũng từng ngày hai bữa
“Thả phanh” nhai thịt gà
Tải hàng không được mất
Đêm đêm thức cùng sao
Thơ trong đầu nổi loạn
Mà chẳng nên bài nào
Bạn “choảng” liền một mạch
Bọn sống chỉ vì tiền
Đứa viết gì cũng giả
Lại được đài, báo khen
Khi buồn đừng uống rượu
Lúc vui chớ lắm lời
Bạn rằng Tao chấp tất
Miễn hàng đưa tới nơi
– Hãy áp tải sự thật
Đến những bến cuối cùng!
Chai rượu ngang, dốc ngược
Đứng cùng trời
Uống chung…
Bồ Hòn, thu 1986
CHÁU ĐI ĐÀO THAN THỔ PHỈ (1)
Tháng trước còn qua nhà chú
Hôm nay cháu đã chết rồi
Mừng ơi!
Cháu đi đào than thổ phỉ
Lấy tiền nuôi mẹ nuôi em
Sập lò, cột đè gẫy nát
Xác buộc túm trong vải bạt
Than đổ ứ đầy lên trên
Xe chạy trốn người, qua đêm…
Cháu nằm bẹp dưới thùng xe
Nước than ngâm cháu đen sì
Rửa đến bao giờ cho sạch
Mừng ơi!
Đã qua cái thời đói rách
Làm sao còn khổ thế này
Đêm khuya, mưa tầm tã trút
Xe về bánh lầy, bánh sụt
Đường dài, gió lùa hun hút…
Mẹ cháu sẽ nhận được gì
Tiền ư? Gạo ư? Vải ư?
Em cháu sẽ nhận được gì
Cặp ư? Sách ư? Bút ư?
Cháu nằm túm trong vải bạt
Mặt mũi than đè giập nát
Xe than đổi một mạng người
Chú biết kêu cùng ai được
Mừng
ơi!…
1993
BÀI THƠ KHÔNG ĐỊNH VIẾT
Không phải con tôi. Không phải cháu tôi
Tôi cũng chẳng bao giờ quen biết nó
Hãy trông! Nó hoàn toàn còn là một thằng nhỏ
Đạp nó thế đủ rồi! Tát nó thế đủ rồi!
Nó có tội chi? Bác ơi, chị ơi
Ăn trộm ư? Một bánh mì kẹp thịt
Đây tôi trả tiền cho. Thế này nhiều hay ít?
Thả nó ra, đánh đập quá nhiều rồi…
Mặt nó sưng vêu tím như vỏ ốc nhồi
Răng nó lung lay. Mép ứa dòng máu đỏ
Có thể nó không còn mẹ còn bố
Nó đi xin vỏ bao xi măng ở các nhà xây…
Giành một miếng ăn mà bị xử đến mức này
Với trẻ con, sao các người ác thế?
Không ai vô can, khi một em bé
Đến ngày hôm nay vẫn còn đói bánh mì…
1 – 6 – 1994
GỬI BÁC VƯƠNG LIÊN
Nghe đâu bác bây giờ
Đóng tiền vào bao tải
Thuê những hai hầu gái
Giặt quần và đấm lưng
Thôi thế em cũng mừng
Quả là sông có khúc
Cứ như bác ngày xưa
Em biết là rất cực
Trước cần lí lịch tốt
Giờ cần có lắm tiền
Phải chăng bác nói đúng
Em ngù ngờ không tin
Em vẫn vầy vậy thôi
Bụng khi no khi đói
Tiền lúc có lúc không
Vợ chợt mừng chợt dỗi
Sự đời bao rắc rối
Phải trái tính sao đây
Lòng mình thì nhàu nát
Kinh sách thì thơ ngây…
Em chưa ở trong Nam
Chắc còn chưa được thoáng
Cái thằng bé thuở nào
Bác dạy làm Cách Mạng
Bác đi, em vẫn nhớ
Gặp ai hỏi thăm luôn
Thỉnh thoảng qua làng bác
Tự nhiên cứ chạnh buồn
Chẳng biết có khi nào
Bác chợt thương người cũ
Chị ấy vẫn lam lũ
Vẫn một mình nuôi con…
1989
HÀ GIANG
Cuồn cuộn mà im lặng
Mặt đỏ lừ trong ánh sao trôi
Sông Lô đi qua đêm như một kẻ giết người
Lặng lẽ bông lau rừng thả hồn vào mây trắng…
Cây đại ngàn nhuốm màu thu lớp lớp
Đỉnh Tây Côn Lĩnh ngút cao
Núi như đàn ngựa đang gào thét
Giữa trời
Lao
Cỏ non Đồng Văn hương thơm gió bay…
Ta hỏi Lô giang: Chảy mãi mà làm gì?
Ta hỏi Tây Côn Lĩnh sơn:
Cao thế có buồn không?
Chợt thấy bông lau rừng
Ta lặng nhìn
Bất lực
A ha! Trời xanh, nước xanh, núi xanh, ta xanh!…
Ta đi một mình cuối mùa hoa rơi
Chán hết mọi sự đời
Hắt rượu lên mây trắng...
Đặng Yên 8 – 1994
PHÚT LÂM CHUNG CỦA CỤ HÃN
Nhờ ông viết giùm bài báo
Xin lỗi hàng ngàn trẻ con
Một đời tôi chuyên đánh chúng
Có đứa đến hộc máu mồm
Không tiền mà muốn xem phim
Chúng có trăm mưu ngàn kế
Vẫn không che nổi mắt tôi
Chiến sĩ thi đua là thế!
Trèo tường chui qua cửa sổ
Quấn mình trong tấm màn nhung
Nằm bẹp dưới gầm ghế lớn
Tôi cũng moi ra tận cùng
Đất nước chả giàu lên được
Dù tôi chắt bóp từng đồng
Muốn thiện lại thành ra ác
Có ai giống với tôi không?
– Thưa cụ khó mà viết báo
Tôi làm thơ có được chăng?
Úp mặt vào tường, từ đó
Cụ im chẳng nói chẳng rằng
Cụ đã giã từ cuộc sống
Vong linh muốn được thanh nhàn
Thương ôi!
– Hỡi các bạn trẻ
Tha cho lỗi lầm thế gian…
1991
TRÊN SÂN BAY QUỐC TẾ
SEREMECHEVÔ
Dẫu sao cũng đất nước người
Thôi em đừng đứng giữa trời mà kêu
Mấy ai thương đến kẻ nghèo
Tấm thân đày đoạ đến điều… chưa xong
Hàng em bị cướp nhiều không
Áo nhàu nếp gấp, mặt phồng vết đau
Tưởng rằng hết kiếp ngựa trâu
Nào ngờ lại thấy ngang đầu… dùi cui
Đỏ xanh cũng một chân trời
Đến đâu cũng một cuộc đời làm thuê
Thôi đừng khóc nữa mà chi
Đã qua cửa khám thì về cho xong
Người thân đợi mấy năm ròng
Mất hàng những vẫn được lòng mẹ cha…
Cửa ngoài anh đã bước ra
Thấy em còn đứng như là trời chôn
Đường bay thăm thẳm nỗi buồn
Phận em, ai biết sẽ còn ra sao…
11 – 6 – 1990
DẶN CON
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào
Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…
Cửa Lục Thủy 13 – 11-1991
MÂY TRẮNG
Nếu không có câu thơ
Bạch vân thiên tải không du du (1)
Thì mây trắng trên trời Trung Hoa,
không trắng đến nỗi thế
Tôi đi hàng ngàn cây số đến xứ sở Người
Để chỉ nhìn làn mây trắng này thôi
Làn mây trắng một lần, bay qua lầu Hoàng Hạc,
bay qua hồn Thôi Hiệu
Vĩnh viễn trẻ và buồn, sống trên trời xanh
Khát vọng Tự Do và nỗi cô đơn thăm thẳm
Thấm vào tôi từ tuổi trong lành
Hạc Vàng có bay về cũng chả còn chỗ đậu
Nhà nhọn mọc như măng, trên bãi cỏ non xưa
Nơi Thôi Hiệu đề thơ, chỉ còn là chỗ thu tiền
của khách du lịch
Mây có trắng hết mình thì người đời cũng vẫn thờ ơ…
Sau một ngàn hai trăm năm, Thôi Hiệu
làm sao hình dung được
Có một nhà thơ từ tận cùng phương Nam,
đến ngắm làn mây bay qua thơ Ông
mà thương cảm bàng hoàng
Và thức suốt đêm trong thu lạnh
Nghe tiếng tàu ầm ầm lao qua sóng
Trường Giang…
Bắc Kinh 18 – 9 – 1999
LÃO XÁ
Ông vốn là người mềm yếu, sẵn sàng đổ tội chết
cho bất cứ ai, miễn là cứu được mình
Nhưng rồi Ông có cứu được Ông đâu
Ông tự trẫm xuống đáy hồ Thái Bình (1)
trong nỗi khiếp đảm
Lũ trẻ con từng lấy thắt lưng da có móc sắt
quất vào mặt Ông
Giờ lôi xác Ông lên phơi nắng
Văn chương lỗi lạc một thời
Bể dâu đến thế thì thôi còn gì!…
Chúng đốt Tường Lạc Đà của Ông
Nhưng nó mãi mãi vẫn là một trong những kiệt tác
Nhân dân Trung Hoa nhờ những kiệt tác ấy mà bất tử
Tôi cũng vì những áng văn ấy mà đến đây
Bao người cũng đến như tôi, bằng đường bộ,
đường thủy, đường bay
May sao còn có những ngày
Nắm xương mỏng, dưới đất dày, bình yên…
Ông đón tôi nơi chiếu nghỉ cầu thang
Bên phải là Quán Trà, bên trái là Sân Khấu (1)
Trong kính trắng, mắt Ông cười hiền hậu
Như đất nước Ông chưa từng đứng bên bờ hủy diệt
Như Ông chưa từng có cái chết
Nào ai hiểu được lòng Ông
Cái giây phút chót khuất trong cõi đời
Ngoài kia, Quảng trường Thiên An Môn,
đèn màu chiếu lên lưng trời
Dưới Cống Long Tu bao nhiêu nước trôi
Đường tàu điện ngầm, người đi chen nhau,
một thời qua mau
Trên gương mặt ai dần phai nỗi đau
Nghĩ gì hôm nay, nói gì mai sau…
Nhạc bay từ Đại Tửu Lâu
Tôi đi, mái tóc ẩm màu trăng khuya…
Bắc Kinh 18 – 9 – 1999
NGUYỄN DU
Đến đâu con cũng gặp Người
Xin dâng chén rượu giữa trời Trung Hoa
Hạc Vàng một bóng Lầu xa
Hồ Nam úa ráng chiều tà hanh heo
Tiệc to thường ở nơi nghèo
Đồng ngô khô xác, mái lều gió lay
Người xưa đi sứ qua đây (1)
Bùn lưng bụng ngựa, sông đầy thuyền trôi
Cỏ cây, thành lũy khác rồi
Hoàng Hà đã cạn, thơ Người vẫn sâu
Thời nào thì cũng như nhau
Nỗi buồn li biệt, nỗi đau dối lừa
Tiền Đường sầm sập đêm mưa
Nước âm u chảy như chưa vớt Kiều (2)2
Nghiệp Thành còn tiếng quạ kêu (3)
Lâm Tri bến cũ, cầu treo rực đèn
Sắc tài chi để trời ghen
Người đâu phải nước đánh phèn cho trong
Cõi đời đâu cũng long đong
Văn chương bạc phận, má hồng vô duyên
Bời bời những cuộc đỏ đen
Chính trường sấp mặt, đồng tiền xoay ngang1…
Đặt chân lên đỉnh Thiên Đàn
Bốn bề mây trắng thu vàng lá rơi
Bâng khuâng con lại thấy Người
Vái Người, con đứng ngang trời Trung Hoa…
Cố Cung 21 – 9 – 1999
VẠN LÍ TRƯỜNG THÀNH CA
Phải đến Trường Thành mới là hảo hán a (1)
Hàng chục triệu người tàn
Hàng trăm ngàn người chết
Xác xây vào Thành còn lộ ra xương trắng
Nấm mộ âm u dài hơn vạn dặm
Chắn ngang mặt địa cầu
Tưởng còn thấy từng dãy người,
xếp hàng lên đến tận trời a
Chuyển đá vào mây trắng
Tiếng roi thét ngang đầu
Tiếng ngựa hí cháy những triền dốc đứng
Tiếng đá và người, ào xuống vực
Xương máu muôn dân thành đá vữa a
Vua chúa cất lên kì quan
Tội ác tột cùng đẩy công trình lên tột đỉnh
Bóng Tần Thủy Hoàng lừng lững trong sương lạnh
Cờ xí bay ngút ngát…
Hùng vĩ, ngang tàng và bí hiểm a
Từng chặng nối nhau lên cao mãi
Vọng gác ngàn năm khuất trong mây mù
Chim trời đập cánh rồi rơi xuống
Gió cũng bị chặn lại rồi thổi ngược chiều
Thiên hạ đệ nhất hùng quan (1) quả là xứng danh a
Sức lực của thánh thần, trí tuệ của ma quỉ
Tranh cao với trời, tranh dài với đất
Rốt cuộc bảo vệ ai?
Muôn dân đau khổ và oán hận…
Ta là Công dân nước Việt Nam, đến đây,
không biết sau những ai,
không biết trước những ai a
Ngửa mặt lên trời mà than rằng:
Bức trường thành bền vững nhất
của mọi quốc gia chính là lòng DÂN
Nếu Tần Thủy Hoàng nghe trước được lời của TA
Thì triều đại ông, không đến nỗi hơn một đời đã mất…
Vạn Lí Trường Thành 9h 19 – 9 – 1999
NĂM KHÚC HÁT
BÊN BỜ TRƯỜNG GIANG
1
Lá phong buồn ven sông
Khẽ rơi một giọt vàng
Bồng bềnh đốm lửa chài ngàn tuổi
Trôi trong mây lang thang
Chợt nghe vang vọng
Tiếng chuông chùa Hàn San
Chạm vào hồn ta, gió thu nay hay gió thu xưa
Ta hát khúc Một, ô hô, tình dây dưa…
2
Xích Bích ở đâu?
Đã im tiếng sóng
Lửa trận tàn rồi
Tào Tháo, Chu Du thành bụi cả
Chỉ nỗi đau muôn dân là còn đến nay thôi
Trường Giang cuồn cuộn trôi,
đưa máu và nước mắt ra biển
Đừng hỏi vì sao biển mặn đến bây giờ
Ta hát khúc Hai, ô hô, trời sắp mưa…
3
Ta ngưỡng mộ cúi chào những đền thờ
thấp thoáng đỏ trong vòm xanh cổ thụ
Lưu Bang, Hạng Vũ, Dực Đức, Quan Công…
Tên các anh hùng dài như núi
Những mảnh thành vỡ cô đơn, cao vời vợi
Những tấm biển chỉ chiến trường xưa,
giết mấy chục vạn người
Có lắm anh hùng, đất nước bình yên là một điều vĩ đại
Không cần có lắm anh hùng, đất nước vẫn
bình yên còn vĩ đại hơn nhiều!
Ta hát khúc Ba, ô hô, lời phiêu diêu…
4
Mặc ai yêu ta, mặc ai ghét ta
Vắt câu thơ Đường ngang vai, đi khắp nước Trung Hoa
Ối chao hồ rộng! Ối chao núi cao!
Xin đừng bao giờ nổi lên binh đao
Những người yêu nhau, mặt mũi sáng trưng
Những người ghét nhau, mặt mũi tím bầm
Làm xấu mặt mình đâu phải điều hay
Ta hát khúc Bốn, ô hô, niềm vui say…
5
Đường cao tốc, mở
Đường thủy, mở
Đường bay, mở…
Trung Hoa xoè hàng ra khắp năm châu
Người như sông
Tiền như nước
Biệt thự như rừng
Tàu vũ trụ lên Trăng
Du khách bốn phương ríu rít trăm giọng nói…
Trường Giang hỡi! Ta mong mọi quốc gia
bước lên những đỉnh cao mới
Bằng những bậc thang không có máu người!
Ta hát khúc Năm, ô hô, đời xanh tươi…
Thượng Hải – Nam Kinh 17 – 9 – 1999
GỬI CHÁU
Viết sau khi cháu là chủ tịch huyện,
nhà bị cướp đêm, cháu bị thương nặng
Cháu ơi,
Nhà quan là phải xa đường
Cái cổng phải kín, cái tường phải cao
Trong nhà ăn ở làm sao
Đừng cho dân biết dân vào dân ra
Tình giai cấp, nghĩa cao xa
Nói trong hội nghị chỉ là nói thôi
Cũng may sự đã thế rồi
Vết thương phải vá mặt người… chẳng sao
Mất dù quá nửa hầu bao
Còn tay, tiền của lại vào như không…
Cháu ơi,
Làm quan là phải đề phòng
Phòng trên, phòng dưới, phòng trong, phòng ngoài
Bây giờ đâu cũng mô bai (1)
Tin ai mà chả tin ai mới là…
Giật mình khối chuyện quanh ta
Nghĩ vào thì được, nói ra thì đừng
Chớ mong bè bạn thuỷ chung
Tung hoa phía trước, phản thùng phía sau
Quan trường là chốn bể dâu
Càng yêu CÁCH MẠNG càng đau cõi lòng
Lại còn dây dợ lòng vòng
Ngậm ngùi thương cháu, mà dòng lệ rơi…
2 – 7 – 1998
CỤ CHIẾN TIỄN CHÁU GÁI
ĐI GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH
Ở NƯỚC NGOÀI
Cháu đã qua lớp học
Tập lau nhà, thùa khuy
Tập hầu cơm ông trẻ
Đưa tăm cháu phải quỳ
Tập ăn thừa dưới bếp
Tập khóc chẳng ai hay…
Bài học thời mất nước
Ai ngờ dùng hôm nay
Ba mươi năm thắng giặc
Ngẩng đầu trong đạn bom
Đói nghèo run tay gậy
Cụ đứng bên đường mòn…
6 – 1998
MỘT TRĂM BƯỚC CUỐI CÙNG
LỜI TÁC GIẢ
Tôi đi thực tế sáng tác suốt cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1978, nổ súng năm 1979 và rải rác kéo dài đến năm 1984.
Một chiều, cuối tháng 4.1979, rất tình cờ, tôi được đọc trên báo Nhân Dân về một nữ công nhân lâm trường đã đưa giặc vào bãi mìn. Tôi rất xúc động viết luôn bài thơ dài này. Tác phẩm đã đăng báo và sau đó được in ở tập thơThành phố bên này sông (1982). Tôi rất biết ơn báo Nhân Dân đã cho tôi tư liệu và nguồn xúc cảm để tôi hoàn thành tác phẩm này và tôi lưu lại đây như một kỷ niệm về một quãng đời làm thơ của mình, ở một thời điểm có một không hai của lịch sử đất nước trong thế kỉ XX.
T.N.M.
Tôi muốn gì ư?
Tôi muốn sống
Tôi muốn làm mẹ…
Cái giản dị tột cùng sao giờ khao khát thế
Nhưng tôi không có cách nào
99 BƯỚC
Thực ra thì tôi có cách đấy
Nếu tôi muốn cứu con tôi
Đứa con đang bắt đầu thành người
Nằm co trong bụng tôi như một con tôm
Búng vào sườn tôi như một con tôm
97 BƯỚC
Tôi sinh ra ở một làng quê
Có lũy tre xanh như bao làng quê khác
Tôi lớn lên đi học
Dở dang chưa qua được lớp 10
Một thế hệ đã vào đời như vậy đấy
Có thể nói cái gì cũng dở dang
Chỉ tuổi thanh xuân là nguyên vẹn
Hiến dâng cho Tổ Quốc
Tôi đã góp một bàn tay nhỏ
Mở con đường lớn Hồ Chí Minh
Ngang dọc Trường Sơn những năm
Gian khổ và hùng tráng
Tôi về lâm trường
Giữa lúc người Hoa chảy đi như một dòng lũ xối
Không sức nào cản được
91 BƯỚC
Tôi đếm từng bước chân
Không, tôi chỉ đoán chừng như vậy
Cái khoảng cách cuối cùng này
Xuyên qua đời tôi như một cây xương rồng gai
Cơ thể tôi cảm biết sâu sắc
Tất cả sự chà xát của nó
Cái khoảng cách cuối cùng này
Xuyên qua đời tôi
như một tia chớp giật
Tôi nhận ra mình hoàn toàn trong sạch
Tinh khôi như vừa sinh ra…
Tôi đã chọn cho mình một cách sống
Thì tôi cũng chọn cho mình một cách chết
Chọn cách chết nghĩa là chọn cách sống
Và tôi ngẩng cao đầu
Thanh thản
đi…
86 BƯỚC
Tôi đã tập, đã tập, đã tập
Không phải tập đi, mà tập nhìn
Để hiểu được những biến đổi rất nhanh
Của thời đại
Để tôi không chóng mặt
Khi nhìn vào ngôi sao đỏ lấp lánh
Hiện lên trên mũ kẻ thù
Đã nhiều năm đứng sát sau lưng chúng ta…
Ngôi sao đỏ tôi hằng tin yêu
Suốt những tháng năm tôi thơ ấu
Tuổi thơ ấu của tôi đã bị phản bội
Niềm tin yêu của tôi đã bị phản bội
Không nỗi đau nào giống nỗi đau nào
78 BƯỚC
Nhưng nỗi đau này của tôi
Cả dân tộc tôi đang phải chịu đựng
Không, dân tộc tôi không phải chỉ có chịu đựng
Dù chúng tôi đã tự kìm chế
Và nhận về mình một phần hy sinh
Chúng tôi đã khép lại một cuộc chiến tranh
Không muốn lại mở ra
Cuộc chiến tranh khác nữa
Chúng tôi muốn đất mọc lên cây lúa
Mặt sông mọc lên cây buồm
Còn tôi ư? Tôi muốn sinh con
Được bế bồng như bao người mẹ
Được bình thường như bao người mẹ
Được dịu ngọt và độ lượng như bao người mẹ
Chính vì thế, chúng tôi đã tự kìm chế
Dù…
69 BƯỚC
Tôi đếm từng bước chân
Không, tôi chỉ đoán chừng như vậy
Và như thế, khoảng cách giữa tôi với cái chết
Cứ gần lại đến khủng khiếp
Đây là cuộc chiến tranh một mất, một còn
Một mình tôi, tôi cũng phải là một dân tộc
Một mình tôi, tôi cũng phải chịu trách nhiệm
Trước lịch sử
Một mình tôi, tôi cũng phải chiến thắng
Tôi muốn kêu to lên một tiếng
Tổ Quốc!
Nhưng kêu lên để mà làm gì
Giữa cánh rừng đổ ngổn ngang
Vì đạn đại bác địch
Giữa những xác chết
Xác đồng đội tôi và rất nhiều xác giặc
Có thể nói là chùm lợp lên nhau
Dấu vết của một trận đánh giáp lá cà
Một trận đánh mà ngoài con dao găm
Cái dây lưng hay hòn đá
Ngoài nắm tay hay những cái răng
Tất cả vũ khí khác đều vô ích
Tôi đã đánh một trận như thế
Với thứ vũ khí cuối cùng trong tay
Báng một khẩu súng trường đã gẫy
Tôi cầm đập bừa vào mặt giặc
Chúng đông vô kể
Nhưng sức lực thì có hạn thôi
Chúng hoảng sợ chạy xa tôi
Tôi bị bắt không phải vì chúng mạnh
Mà vì con tôi đã lên tiếng
Nó đạp vào sườn tôi một cái
Mạnh đến nỗi làm tôi chao đi
Tôi rủn cả ruột gan
Tối sẩm cả mặt mày…
Hỡi những ai, những ai, những ai
Sẽ đọc niềm tâm sự này của tôi
Hãy hiểu cho tôi cái lúc đó nhé
Cái lúc tôi rủn cả ruột gan
Tối sẩm cả mặt mày
Cái lúc tôi gần như buông tay
Cái lúc ấy – một khoảng khắc thôi
Nhưng bây giờ đã là tất cả
Tôi tự trách mình tại sao lại như vậy
Nhưng tôi không thể giải thích được…
CÓ LẼ CHỈ CÒN 52 – 51 BƯỚC CHÂN
– Nhưng tôi không thể giải thích được
Thực tình là lúc ấy, một khoảng khắc thôi
Tôi không nghĩ được cái gì khác
Ngoài một niềm mong manh
Như cánh bướm này
– Con tôi
Con tôi đấy!
Cái giọt máu nhỏ nhoi
Cái bóng dáng cuối cùng của tôi
Sự ký thác của tôi trên mặt đất
Nó đang đòi sự sống
Tôi là người duy nhất ở trên đời này
Được biết nó và được chịu trách nhiệm về nó
Thoáng nghĩ ấy làm tôi bàng hoàng
Và thế là, rất nhanh
Tôi bị bắt
Và bây giờ, chúng bắt tôi dẫn chúng
Chúng ngu đến nỗi, tưởng rằng
Vì một đứa con, dù đó có thể là tất cả
Đối với tôi
Tôi có thể làm theo ý chúng
Chúng thúc tôi đi
37 BƯỚC
Còn bây giờ, tôi thúc chúng đi
Bởi tôi biết, tôi phải đi đường nào
Để tìm về với Tổ Quốc
Nhưng thoạt đầu, tôi chưa nghĩ được như vậy
Và tôi dẫn chúng đi loanh quanh
31 BƯỚC
Ngày đã mở đầu như thế nào
Không phải với mặt trời lên và tiếng chim hót
Ngày đã mở đầu
Bằng hàng loạt đại bác
Vào lức hơn 12 giờ đêm
Vào lúc bạn tôi đang ngủ say
Còn tôi thì thức gác
Tôi chưa bao giờ
Nghe thấy tiếng đại bác
Dính liền nhau thành một mảng
Rền ở trên trời
Rền ở dưới đất
Tôi cũng chưa bao giờ trông thấy
Kẻ thù đội mũ, mặc áo như ta
Chạy sau lá cờ ta
Bắn vào ta bằng khẩu súng ta cầm…
24 BƯỚC
Tôi nghe vang tiếng những bước chân
Cuối cùng
Của tôi
Trong rừng cây
Tôi thấy chợt hiện lên
Dáng mẹ hao gầy
Còng lưng xách nước
Cái cầu ao
Gióng tre ngà thân thuộc
Mẹ ơi!
Sẽ có nhiều người nuôi dưỡng mẹ thay con
Nhưng con của mẹ thì không ai thay được
Cho dù thế, con cũng không muốn mình
Có số phận khác với các bạn con
Những người suốt tuổi thanh xuân
Đã đứng cùng con
bên vách chiến hào
Đất bóng nhẫy lên vì những vết xẻng
Tay hứng giọt nước trong
Chảy từ một rễ cây
14 BƯỚC
Bằng con đường này
Tôi lại gặp người yêu
Anh đứng chờ tôi
Một mình trong bóng tối…
Anh yêu ơi, tôi nói
Hãy tha thứ cho em
Những gì em vụng dại…
12 BƯỚC
CÓ LẼ CHỈ CÒN 10 BƯỚC –
9 BƯỚC NỮA THÔI
Tôi đã đặt chân lên con đường mòn nhỏ
Chạy qua bãi cỏ hoang
Sau bãi cỏ hoang là dãy đồi nhấp nhô răng cưa
Các cỡ súng của ta
Đã phục sẵn ở đó
Hai bên đường, nấp trong cỏ
Là những quả mìn và những mũi chông sắt
Chính tôi đã cùng đồng đội
Gài mìn và cắm chông…
Ơi bãi cỏ thân yêu, bãi cỏ hiền lành
Đã cất giấu bài ca
Hãi hùng và dang dở của tôi
Sẽ cất lên bài ca
Bi tráng và chiến thắng của tôi…
Quân giặc đã lọt vào trận địa rồi
Đây là việc cuối chót
Tôi có thể làm được
Vì sự sống còn của Tổ Quốc
Con ơi!
Đứa con đang thành người
và quá bé bỏng của mẹ
Sự ký thác của mẹ
Cái bóng dáng cuối cùng của mẹ
Hãy yên, hãy yên nào
Đừng có thức tỉnh vào lúc này
Đừng có đạp bụng mẹ vào lúc này
(Nếu vậy, mẹ sẽ không có đủ can đảm)
Đừng có… đừng có…
Chỉ cần một phút nín thở
Mẹ sẽ chạy ào vào bãi cỏ
Và thế là những kẻ giết con
Sẽ tan xác trong những tiếng nổ dây chuyền
Của mìn và những loạt đạn
trên đồi xả xuống
Nào, hãy yên, hãy yên
Mẹ ru con một lời cuối cùng
Một lời ru không có âm tiếng
À ơi… ả à ơi…
Hãy ngủ ngoan, con
Cái ngủ mày ngủ cho ngoan…
Cho…
Cho lòng mẹ thêm thanh thản
Cho người mẹ thêm nhẹ nhõm
Để mẹ chỉ cần giang hai cánh tay ra
Thế là mẹ con ta
Sẽ bay lên như cánh chim
Bay lên…
bay lên…
bay lên…
như cánh chim…
Như
Cánh
Chim…
Viết ở xã Quảng Nghĩa
Biên giới, 4.1979
(1) Than thổ phỉ hoành hành dữ dội từ năm 1988, năm 1993
là đỉnh điểm, Thủ tướng Chính phủ phải về tận nơi dẹp
(1) Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi (dịch), một câu thơ trong bài Hoàng Hạc Lâu (Lầu Hoàng Hạc) của Thôi Hiệu (701-754)
(1) Hồ ở đường Tân Nhai, ngoại ô phía bắc thủ đô Bắc Kinh
(1) Tượng bán thân nhà văn Lão Xá (1899-1966) tác giả tiểu thuyết Tường Lạc Đà và vở kịch nói Cống Long Tu. Theo một nguồn tư liệu, ông được xét tặng giải Nobel Văn chương 1968. Biết ông đã tự tử trong Cách mạng Văn hoá ngày 26-8-1966, giải đã trao cho nhà văn Châu Á kế tiếp ông là Kawabata, Nhật Bản
(1) Năm 1813-1814, Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc
(2) Thuý Kiều (trong Truyện Kiều) trẫm mình ở sông Tiền Đường
(3) Nghiệp Thành: Nơi đóng đô của Tào Tháo, thời Tam Quốc
(1) Từ một ý thơ của Mao Trạch Đông
(1) Dòng chữ đề ở lầu cổng Vạn Lí Trường Thành