Đỗ Ngọc Yên
“Nguyễn Bính: Là tan vỡ giấc mộng vàng…”. Có thể nói chẳng có thi sĩ nào không ôm trong mình những giấc mộng vàng, thế nhưng không phải giấc mộng nào và ai ôm chúng cũng thành, có khi theo đuổi suốt cả cuộc đời mà vẫn cứ vỡ tan tành như mây khói. Đấy là trường hợp nhà thơ Nguyễn Bính, người được mệnh danh là “thi sĩ đồng quê” và “ông vua lục bát” hay “thi sĩ của thương yêu”,… là như vậy.
Nhà thơ Nguyễn Bính
Tên đầy đủ của nhà thơ Nguyễn Bính là Nguyễn Trọng Bính. Ông sinh ngày 13/2/1918, tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Nguyễn Bính là con trai thứ ba sau hai anh là Nguyễn Mạnh Phác (Trúc Đường) và Nguyễn Ngọc Thụ của ông bà Nguyễn Đạo Bình và Bùi Thị Miện. Bố ông làm nghề dạy học, còn mẹ ông là con gái một gia đình khá giả.
Bà Miện bị rắn độc cắn rồi mất khi Nguyễn Bính mới được ba tháng tuổi và bà cũng chỉ mới 24 tuổi (1918). Bà Miện ra đi để lại cho ông Bình ba đứa con thơ bé, khi đó Nguyễn Mạnh Phác mới 6 tuổi, Nguyễn Ngọc Thụ 3 tuổi và Nguyễn Bính mới sinh được ba tháng. Sau này lớn lên, Nguyễn Bính nhớ lại:
Còn tôi sống sót là may
Mẹ hiền mất sớm trời đày làm thơ.
Người anh cả Trúc Đường thi đỗ thành trung vào loại giỏi ở Hà Nội, rồi dạy học trong một trường tư thục ở Hà Đông. Cũng vào lúc này ông bắt đầu viết văn và làm thơ. Ít lâu sau ông đón Nguyễn Bính lên và truyền dạy cho chú em văn học Pháp. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Bính gắn bó và chịu nhiều ảnh hưởng của ông anh Trúc Đường cả về văn chương cũng như đời sống.
Mười lăm tuổi (1933), Nguyễn Bính đã theo người bạn học lên mãi tận huyện miền núi Đồng Hỷ, Thái Nguyên để dạy học. Có thể đây là sự khởi đầu cho một cuộc dấn thân. Có người cho rằng những câu thơ sau được ông viết vào thời gian này:
Cỏ đồi ai nhuộm mà xanh
Áo em ai nhuộm mà anh thấy chàm
Da trời ai nhuộm mà lam
Tình ta ai nhuộm ai làm cho phai,…
Nhưng bài thơ đăng báo đầu tiên của Nguyễn Bính lại là bài Cô hái mơ. Và đến năm 1937, lúc Nguyễn Bính 19 tuổi, ông gửi tập thơ Tâm hồn tôi tới dự thi và đã được giải khuyến khích của nhóm Tự lực văn đoàn.
Nhưng có lẽ phải đến từ những năm 1940 trở đi, Nguyễn Bính mới bắt
đầu có tiếng vang trên thi đàn bởi số lượng các bài thơ tình ngày mỗi nhiều hơn và thơ của ông cũng đa dạng hơn về đề tài. Cũng trong năm này Nguyễn Bính đã được anh cả Trúc Đường cho tiền và chiếc máy ảnh, rồi ông còn về quê bán dãy thềm đá xanh, của hồi môn của bố mẹ để thêm tiền cho Nguyễn Bính vào Huế sáng tác.
Và chuyến đi vào Huế mới chính thức đưa Nguyễn Bính trở thành một thi sĩ giang hồ với những cuộc dấn thân nghiệt ngã tưởng chừng như không thể nào quay lại được nữa. Thời gian này ông viết nhiều thơ và gửi ra cho anh Trúc Đường đọc trước, rồi sau đấy mới cho đăng báo. Đặc biệt là các bài thơ như: Xuân tha hương và Oan nghiệt mà Trúc Đường nhận được từ Nguyễn Bính vào cuối năm 1941 đầu năm 1942.
Tuy nhiên, chẳng hiểu vì duyên cớ nào mà đến năm 1946 thì hai anh em mất liên lạc hẳn. Có tin ông lang thang xuống tận Rạch Giá, Kiên Giang, với cuộc sống ăn nhờ ở đỗ. Cho mãi tận năm 1947, theo nhà thơ Bảo Định Giang nhớ lại: Tôi không nhớ rõ cuối 1947 hay đầu năm 1948, khoảng 3 giờ chiều, em bé giúp việc cho tôi chạy vào nơi tôi làm việc bảo: Có một người xưng là Nguyễn Bính đến đây muốn gặp chú…
Cũng theo nhà thơ Bảo Định Giang, thì Nguyễn Bính đã gia nhập đội ngũ Vệ quốc đoàn từ 3 giờ chiều ngay hôm đó vì lãnh đạo Bộ Tư lệnh là đồng chí Trần Văn Trà và đồng chí Nguyễn Văn Vịnh đã chấp nhận yêu cầu của tôi. Chẳng những chấp nhận mà các đồng chí còn dặn tôi: đối đãi đàng hoàng, chăm sóc chu đáo tác giả “Lỡ bước sang ngang”.
Một thời gian sau, nhờ sự mai mối của ông Lê Duẩn, ông kết hôn với bà Nguyễn Hồng Châu (một cán bộ Việt Minh), hai người sinh hạ được một cháu gái và đặt tên là Nguyễn Bính Hồng Cầu. Sau đó ông lại kết hôn với bà Mai Thị Mới, ở ấp Hương Mai, xã Khánh Lâm, huyện U Minh và lại sinh một con gái đặt tên là Nguyễn Hương Mai. Trong thời gian này máy bay Pháp lượn vòng từ đập Đá Dài dài theo kênh Chắc Băng xuống Thới Bình, rải truyền đơn kêu gọi đích danh tác giả Lỡ bước sang ngang- Nguyễn Bính quay về với chính nghĩa Quốc gia để được trọng đãi (1).
Năm 1954 theo Hiệp định Genève, Nguyễn Bính cũng như bao cán bộ Việt Minh khác tập kết ra Bắc. Ông về công tác tại Nhà xuất bản Văn nghệ, sau đó ông làm chủ bút báo Trăm hoa.
Tác giả Phạm Trọng Thanh trong bài “Nguyễn Bính- “Thi sĩ của thương yêu” đã nhận định: “bốn mươi chín tuổi đời với hơn ba mươi năm cầm bút, Nguyễn Bính đã để lại cho đời 22 thi phẩm, trong đó có 14 tập thơ, 8 truyện thơ; 5 tác phẩm kịch bản sân khấu, gồm 2 kịch bản chèo, 3 vở kịch thơ (vở Bóng giai nhân phác thảo ban đầu của nhà thơ Yến Lan) và các tác phẩm văn xuôi: truyện ngắn, tiểu thuyết đã xuất bản. Một năng lực sáng tạo đáng kính nể”(2).
Trong gia tài thơ của người thi sĩ thành Nam này có đến 14 bài được phổ nhạc, đó là các bài: Người hàng xóm, Anh Bằng phổ nhạc và đổi tên thành ca khúc Bướm trắng, Cô hái mơ, Phạm Duy, Lỡ bước sang ngang, Song Ngọc, Nhạc xuân, Đức Quỳnh, Thời trước, Văn Phụng phổ nhạc và đổi tên thành bài Trăng sáng vườn chè, Ghen, Trọng Khương, Gái xuân, Từ Vũ, Cô lái đò, Nguyễn Đình Phúc, Chân quê, Minh Quang, Nụ tầm xuân, Phạm Duyc, Mưa xuân, Huy Thục, Thoi tơ, Đức Quỳnh, Người con gái ở lầu hoa, Anh Bằng phổ nhạc và đổi tên thành Chuyện tình hoa mai.
Theo nhạc sĩ Dân Huyền, bài thơ Cửu Long giang đã được Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc và đổi tên thành Tiểu đoàn 307và ca sĩ NSND Quốc Hương là người hát đầu tiên vào năm 1961 (3).
*
Có người nói, hình tượng người chị trong bài Lỡ bước sang ngang chính là hình ảnh dứt áo ra đi khỏi làng quê nghèo khó vùng đồng bằng Bắc Bộ của nhà thơ Nguyễn Bính: Chuyến này chị bước sang ngang/ Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây.
Quả đúng như một điềm báo, tiên lượng về tương lại một cuộc đời phiêu bạt của người thi sĩ tài Nguyễn Bính. Cũng từ đây ông trở thành một thi sĩ giang hồ đi khắp trong Nam, ngoài Bắc. Dẫu biết rằng đi là khó khăn, vất vả với bao cạm bẫy giăng mắc sẵn chờ mình ở phía trước, nên ai đi mà chẳng lo. Lo là lo vậy, nhưng đi thì vẫn phải đi:
Chị thì một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường chị lo…
Dường như ông sinh ra là đã bị:
Ma đưa lối, quỉ dẫn đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi…
(Truyện Kiều- Nguyễn Du)
nên không thể nào cưỡng lại được. Ta có cảm tưởng như tâm trạng của Nguyễn Bính lúc ra đi đầy mâu thuẫn, dùng dắng vừa đi vừa muốn ở lại. Có lẽ vì thế mà bước đi của ông trở nên nặng nề hơn. Với ông đi mà không hẹn ngày về, nên càng đi, càng nuối tiếc.
Sự ra đi với Nguyễn Bính không đơn giản chỉ là sự dịch chuyển về không gian và thời gian, từ chỗ này sang chỗ nọ, từ năm này sang năm khác, mà cơ bản và quan trọng hơn ra đi như một cuộc phiêu du bất định, một cuộc dấn thân nghiệt ngã. Có thể nói, khối sầu vạn thưở trong ông không bao giờ vơi cạn. Vừa da diết với cố hương, vừa muốn đi tìm một chân trời, bến đỗ mới. Vừa muốn giữ lấy cái làng quê thanh bình muôn thưở, lại vừa muốn đua chen chốn thị thành đầy mới lạ và nhí nhố, vừa muốn giữ lại cốt cách của một ông đồ dạy chữ, lại vừa muốn trở thành một anh trí thức tân thời.
Cái anh chàng đã đi rồi mà vẫn muốn giữ cái quê mùa chất phác: Sáng giăng chia nửa vườn chè/ Một gian nho nhỏ đi về có nhau lại vừa mơ chốn quan trường thì làm sao mà dễ dàng dứt áo ra đi được:
Chồng tôi cưỡi ngựa vinh qui
Hai bên có lính hầu đi dẹp đàng
Tôi ra đón tận gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem
Đêm nay mới thật là đêm
Ai đem trăng sáng giãi lên vườn chè…
(Thời trước).
Nhưng trong hoàn cảnh của Nguyễn Bính, kể cả gia đình, xã hội và tâm trạng cá nhân, ông cũng không thể nào ở lại nơi chốn quê nghèo được. Nói một cách chính xác hơn, đi hay ở cũng đều là chuyện bất đắc dĩ đối với một người như ông. Tính chất lưỡng phân trong việc lựa chọn hướng đích cuộc sống đã khiến tâm trạng ông luôn rối bời đầy mâu thuẫn.
Bi kịch của Nguyễn Bính cũng chính là bi kịch chung của nhiều thanh niên thời bấy giờ, khi mà gót giầy đinh của quân xâm lược đang hàng ngày, hàng giờ muốn xới tung, đè bẹp sự yên bình thôn dã hàng ngàn đời nay. Còn những người nông dân quê mùa lại luôn muốn níu kéo lại những gì họ đã và đang có do cha ông để lại và họ coi đấy là những giá trị bất biến, gấp ngàn lần những thứ không phải của cha ông để lại hoặc chí ít cũng là do bàn tay họ làm ra. Chính tâm trạng đi mắc núi về mắc sông ấy của Nguyễn Bính đã tạo nên trong thơ ông một cơn thở dài não nuột, xuyên thấu tâm can bao người thuộc nhiều thế hệ khác nhau.
Tất nhiên, vì cái chất quê mùa đã thấm vào Nguyễn Bính quá sâu nặng, không chịu buông tha, nên dù có ra đi khắp bốn phương trời thì cái hồn quê trong ông vẫn không thể nào phai nhạt được. Âu đấy cũng là cái may khi giấc mộng không thành khiến ông còn tiếc nuối, còn cảm thấy xót xa trước cuộc đời trớ trêu khi vật đổi sao giời, để rồi đến một lúc nào đấy, khi hồn quê trong ông trỗi dậy, những thi tứ thấm đẫm tình quê bật ra mà không phải ai cũng có được:
Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong
…
Từng đàn con trẻ chạy xum xoe
Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe
Lá nõn cành non ai tráng bạc
Gió về từng trận gió bay đi
…
Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng
…
Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô…
(Xuân về).
Có lẽ chính vì thế mà Nguyễn Bính như đã đứng tách ra khỏi các thi sĩ cùng thời của phong trào Thơ Mới, tạo nên một tiếng nói rất riêng, không hề trộn lẫn với bất kỳ ai. Có người còn xếp ông vào một trong ba nhà thơ tình đặc sắc nhất của phong trào Thơ Mới, điệu đà, kiêu sa như Xuân Diệu, quê mùa như Nguyễn Bính và điên loạn như Hàn Mạc Tử, thế là cùng.
………………………………
Tham khảo
(1). https://vi.wikipedia.org
(2) vanhocquenha.vn. Nguyễn Bính – “Thi sĩ của thương yêu”- Phạm Trọng Thanh
(3).VOV.vn. Dân Huyền. Từ bài thơ “Cửu Long giang” đến bài hát “Tiểu đoàn 307”
Vanvn.net
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài