Chuyện lý luận phê bình là câu chuyện muôn thuở của văn chương. Mọi ý kiến đưa ra chỉ là những quan điểm cá nhân. Văn chương tự nó đâu có gì to tát, nó chỉ là chất văn, là hồn người. Trước Tết gặp anh Đỗ Chu, một tác giả đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh ở Hội Nhà văn Việt Nam tôi có nói với anh “Giải thưởng trao cho anh đúng là giải thưởng thực sự trao cho văn”. Anh bắt tay tôi lặng lẽ tri kỷ nói một lời “cảm ơn!”. Trong bài viết này, có những tên tuổi chúng tôi nhắc đến mà bạn đọc chưa biết nhiều… tất cả suy đến cùng nằm ở chữ văn. Đọc những câu thơ, những trang văn của họ, thực sự tôi bị chinh phục. Vì vậy tôi không thể không nhắc đến họ. Còn những tác giả chúng tôi chưa đề cập trong bài viết này thì cũng là do lỗi ở chúng tôi, tạm thời còn chưa chinh phục được những tầng sâu ẩn trong tác phẩm của họ.
ý luận phê bình văn học là nhu cầu khách quan trong cuộc sống văn chương, ở ta từ khi ra đời từ đầu thế kỷ 20 và rồi từ khi bước sang thế kỷ 21 đến giờ, nhiều thập kỷ đã qua lý luận phê bình hiện đại vẫn luôn ngổn ngang, bức xúc và gây nhiều tranh luận. Lý luận phê bình văn chương cũng như nghệ thuật về bản chất là sự minh triết của sáng tạo, nó giúp cho nhận thức của người viết, người nghiên cứu văn chương, cũng như bạn đọc trở nên sáng sủa đúng đắn, chính xác, không bị lạc và nhầm lẫn trước không ít thật giả lẫn lộn. Với người sáng tạo vai trò của lý luận phê bình được thể hiện trong phương pháp luận sáng tác, góp phần tăng cường chất lượng sáng tạo, góp phần định hình phong cách nghệ thuật. Còn với người tiếp nhận nó thể hiện trong cách đọc và phương pháp luận nghiên cứu tác phẩm, trong cảm thụ cái hay cái đẹp khi tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật. Bởi vậy, lý luận phê bình từ bản chất đã mang trong nó yếu tố khoa học, khách quan, phản ánh quy luật chung và riêng của văn chương nghệ thuật. Song trong thực tế lý luận phê bình văn học về bản chất còn là một phần không thể tách rời của văn chương – vốn là một loại hình nghệ thuật, bởi vậy tự thân nó cũng là sáng tạo nghệ thuật. Nó đòi hỏi không chỉ khả năng suy lý, phân tích, tổng hợp… mà còn cả khả năng tiếp nhận, cảm thụ và tái tạo hình tượng nghệ thuật, khả năng cảm nhận được sự hoàn mỹ của cấu trúc nghệ thuật, cũng như tiếp nhận cái hồn sâu thẳm của văn chương ẩn trong sự linh diệu của ngôn ngữ tiếng Việt.
Lý luận phê bình ở ta trong một thời gian dài hàng chục năm qua cũng là lĩnh vực luôn bị phê phán nhiều nhất. Người ta sẵn sàng dành nhiều trang báo, nhiều hội thảo với những cảnh báo nào là sự “yếu kém của lý luận phê bình”, “Thực trạng lý luận phê bình”, nào là “lý luận phê bình bỏ trận địa”… Thực hư thế nào không biết nhưng nhìn quanh thấy những đồng nghiệp lý luận phê bình như Chu Văn Sơn, Lê Quang Trang, Văn Giá, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đức Hiền, Lưu Khánh Thơ, Nguyễn Văn Dân, Phạm Quang Trung, Nguyễn Đăng Điệp… những bậc đàn anh như Phương Lựu, Phong Lê, Huệ Chi, Mai Quốc Liên, Hà Minh Đức… Những bậc tiền bối như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Lê Trí Viễn, Hoàng Trinh, Phan Cự Đệ, Hoàng Ngọc Hiến… thấy ai cũng là anh tài sáng giá cả, ai cũng tâm huyết cả đời cho nghề nghiệp chẳng ai bỏ trận địa cả. Và chính họ mới thực sự là những yếu tố tạo nên hình hài cũng như giá trị thực của lý luận phê bình Việt Nam trước kia cũng như hôm nay. Đã nhiều lần những cảnh báo nói trên vang lên như điệp khúc triền miên, và rồi nhìn quanh, tịnh không thấy ai nói lại, cứ mặc nhiên “công nhận để rồi tiếp tục cố gắng tiến bộ”. Thực ra, lý luận phê bình ở ta còn lâu mới thỏa mãn được nhu cầu của giới sáng tác, cũng như trong nó vẫn còn đó không ít những vấn đề tồn tại… song cũng nên thông cảm và cần nhìn nhận sao cho đúng với thực tế và sự hiện diện vốn có của nó.
Trong thực tế, cái tỷ lệ khen chê dành cho lý luận phê bình cũng luôn mang tính cực đoan, nếu có 101 lời chê thì mới có được gần một lời khen. Suốt thế kỷ 20, có nhiều người làm phê bình nhưng gần như được khen chỉ có Hoài Thanh tác giả “Thi nhân Việt Nam”, ông là tác giả bình thơ duy nhất được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, mà lời khen cũng không trọn vẹn bởi không ít người vẫn chê Hoài Thanh là phê bình cảm tính. Thực ra sự phê phán trong văn chương vốn dĩ đã có từ lâu nhưng về thực chất nó không tạo được giá trị thực thể mang tính bền vững vì lời chê dẫu có đúng cũng sẽ cùng với tác phẩm bị chê tất yếu rơi vào lãng quên, bởi vậy cái cần hơn là sự xây đắp và sáng tạo, là làm điều gì đó để định hình những giá trị cụ thể, có ích cho lý luận phê bình, cho sáng tạo và tiếp nhận văn chương, đặc biệt cần phát hiện cái hay, cái đẹp sâu thẳm của những thi phẩm, của những trang văn… Chỉ có xây dựng, chỉ có chắt chiu gieo trồng, phát hiện và lưu giữ những cái đẹp dù nhỏ nhất trong văn chương… thì mới hy vọng làm giàu được cho kho tàng văn học Việt Nam và qua đó lý luận phê bình mới mong sáng tạo được những giá trị thực sự bền vững và lâu dài. Chính việc tạo ra những cách tiếp nhận và thưởng thức văn chương khác nhau cũng là sự sáng tạo muôn thuở của lý luận phê bình và thông qua đó lý luận phê bình duy trì hứng thú cho bạn đọc và góp phần tạo nên sự bất tử cho một tác phẩm văn chương.
Thật kỳ lạ là dù bị chê bai nhiều nhất nhưng lý luận phê bình vẫn luôn hiện diện và lặng lẽ làm những gì cần làm trong cuộc sống văn chương, góp phần tạo nên những “thời đại văn chương” thông qua việc định hình và tôn vinh các tên tuổi văn chương Việt Nam suốt thế kỷ 20 cũng như trong thế kỷ 21. Nhiều thế hệ nhà văn nhà thơ đã được phát hiện và lưu danh trong lịch sử văn học từ thời kỳ Thơ mới như Tản Đà, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Bàng Bá Lân, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính…, thời đầu thế kỷ 20 như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng… đến thời kháng chiến chống thực dân Pháp như Nam Cao, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Khương Hữu Dụng, Tô Hoài, Vũ Cao, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lưu Trùng Dương… Thời kháng chiến chống Mỹ như Thu Bồn, Nguyễn Văn Bổng, Anh Đức, Giang Nam, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Đỗ Chu, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Hoàng Tiến, Phạm Tiến Duật, Hồ Phương, Trần Thị Thắng, Hà Phương, Ý Nhi, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Dân Trung, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoa, Nguyễn Khắc Phục, Thanh Thảo, Trần Đăng Khoa, Chu Lai, Nguyễn Phan Hách, Bùi Minh Quốc, Bế Kiến Quốc, Phạm Đức… Thời đổi mới như Lê Đạt, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Mạnh Tuấn, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Hoàng Minh Tường… Và có một đại diện của văn học thiếu nhi là nhà thơ Võ Quảng với bài thơ thật mới “Mời vào” mang âm hưởng tiếng gõ cửa “Cốc, cốc, cốc!” được viết từ thập niên 70 của thế kỷ trước, bài thơ lần đầu xuất hiện với tên gọi “Mở cửa” và với thi phẩm xuất thần này Võ Quảng đã gần như là người đầu tiên dự cảm được sự hội nhập “Mở cửa” của Văn học nghệ thuật Việt Nam. Có thể nói Võ Quảng cùng các tác giả khác như Phạm Hổ, Định Hải, Đoàn Giỏi, Vũ Ngọc Bình, Thi Ngọc, Trần Hoài Dương, Văn Biển… với những sáng tạo hồn nhiên cho con trẻ, họ đã là gạch nối vừa “mở cửa” cho văn học Việt Nam hướng đến tương lai vừa “mở cửa” cho làng văn hôm nay hội nhập với thế giới. Thời mở cửa hội nhập đang diễn ra hôm nay với biết bao những nhà văn nhà thơ đang sung sức sáng tạo như Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Nhật Ánh, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh, Trần Đức Tiến, Nguyễn Ngọc Tư, Inrasara, Văn Vinh, Phan Huyền Thư, Phong Điệp, Lê Anh Hoài, Lê Phương Liên, Vi Thùy Linh… Họ đang viết trong tâm thế “Mở cửa” hội nhập của thời đại. Như vậy, với ngần ấy tên tuổi được định danh, tất nhiên là còn chưa đầy đủ đã cho thấy thành tựu sáng tạo quan trọng không thể phủ nhận của lý luận phê bình Việt Nam, góp phần không nhỏ vẽ nên diện mạo văn học Việt Nam ở mỗi giai đoạn văn học. Hội Nhà văn trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21 đã tổ chức được hai hội nghị lý luận phê bình một ở Tam Đảo và một ở Đồ Sơn. Chính sự hiện diện của Lý luận phê bình cho thấy nó là một phần không thể tách rời của cuộc sống văn chương, góp phần tạo nên dòng chảy không ngừng của văn chương Việt Nam, nó là bằng chứng cho thấy văn học Việt Nam không phải là một nền văn học mông muội mà nó đang được soi sáng bởi những tư duy minh triết.
Thật ra, sự vinh danh những tài năng văn học mới là phần nổi, còn biết bao phần chìm khuất mà lý luận phê bình lặng lẽ đóng góp cho văn chương Việt Nam, ví dụ mỗi con chữ mà người viết sử dụng, sự lựa chọn các tình huống nghệ thuật, lựa chọn các kết cấu hình thức, các thủ pháp nghệ thuật, quyết định công bố hay không tác phẩm nghệ thuật của mình… đều có sự đóng góp thầm lặng khắt khe của lý luận phê bình. Trong thực tế, người viết cũng không thể sáng tạo được nếu không có lý luận phê bình, bởi họ luôn phải trăn trở với câu hỏi: Viết thế nào và viết sao cho hay? Đó là câu hỏi liên quan đến phương pháp luận sáng tác, viết cái gì và viết cho ai? Câu hỏi đó liên quan đến nội dung và hình thức của một tác phẩm nghệ thuật. Sau khi tác phẩm đã hoàn thành thì câu hỏi lại được đặt ra là: Tác phẩm là cái gì vậy, nó có phải là nghệ thuật đích thực không? Câu hỏi liên quan đến bản chất của văn học cũng như chất lượng của sáng tạo. Những câu hỏi này đều mang trong nó những vấn đề cơ bản của lý luận phê bình mà nếu không giải quyết được thì người viết cũng khộng thể sáng tạo được. Nhưng không ít bạn viết nói với tôi: Khi viết tôi đâu nghĩ đến nó. Hay như nhà thơ Hoàng Cầm kể lại nửa đêm nghẹ tiếng đọc thơ ông vội tìm bút ghi lai và sáng ra thấy bài thơ “Lá Diêu bông” bên mình. Thực ra, khi viết bạn không nghĩ đến nó, không nghìn thấy nó và điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại. Thực ra sáng tác chỉ là điểm cuối, giai đoạn về đích và thăng hoa của cả một quá trình tích lũy sáng tạo lâu dài, những triết lý sang tạo, các thao tác lý luận đã được chuyển hóa thành vô thức mang tính kỹ năng và người viết gần như không còn nhận ra nó nữa. Còn nếu ai đó có thể loại bỏ triệt để lý luận phê bình khỏi sáng tạo nghệ thuật thì lúc đó sự sáng tạo cũng không còn nữa, xem ra suy đến cùng bản chất của sáng tạo là phải vượt qua những thách đố, trả lời các câu hỏi hóc búa, giải quyết các vấn đề đầy nghịch lý và mâu thuẫn mà cuộc sống cũng như nghệ thuật đặt ra và qua đó mới hy vọng gặt hái được thành tựu. Trong sáng tạo nghệ thuật chín phần là lao động với các thao tác mang tính minh triết của lý luận phê bình và chỉ có một phần dành cho sự huyền hoặc là cái tài trời cho vốn linh diệu nhưng cũng không ít vô thường.
Trong thực tế, sự sống của tác phẩm văn học nghệ thuật, như định mệnh tri kỷ luôn có duyên nợ gắn với lý luận phê bình từ sự nhận ra giá trị của một tứ thơ, một đề tài tiểu thuyết, từ những lời khuyên trong sáng tạo, từ sự phát hiện đầu tiên của một nhà phê bình có con mắt xanh nghê thuật… và cho đến việc lý luận phê bình góp phần duy trì sự quan tâm và hứng thú của độc giả đối với mỗi tác phẩm văn học. Cuộc sống vốn khắc nghiệt và thời gian luôn treo trên đầu người viết cũng như tác phẩm của họ “bản án tử hình” của sự lãng quên. Và chỉ có cái hay hồn nhiên hữu xạ tự nhiên hương của chính tác phẩm cùng với sự phát hiện của những con mắt xanh, của những tài năng lý luận phê bình là có thể giúp tác phẩm văn học vượt qua được sự sàng lọc khe khắt của thời gian. Lý luận phê bình là tri kỷ, là luật sư muôn thuở của các tài năng nghệ thuật, góp phần giúp tác phẩm văn học vượt qua được sự sàng lọc nghiêm khắc của quan tòa thời gian. Mỗi bài viết phê bình là một sáng tạo nghệ thuật đem lại sự bất tử cho một bài thơ, một áng văn và sự kỳ diệu cũng như giá trị của nó đâu có thua kém bất cứ loại hình sáng tạo nghệ thuật nào.
Thực tế, lý luận phê bình không chỉ là mối quan tâm của người làm lý luận phê bình, mà cả người làm văn chương và bạn đọc cũng ngày càng quan tâm đến nó nhiều hơn. Lý luận phê bình không chỉ giúp cho việc đánh giá và cảm thụ tác phẩm mà còn giúp người viết tự hoàn thiện phương pháp sáng tạo, phong cách nghệ thuật, cũng như tự hoàn thiện tác phẩm. Người sáng tác hôm nay cũng xắn tay áo dấn thân nhiều hơn vào lĩnh vực phê bình và ngược lại cũng có không ít nhà lý luận phê bình quay sang sáng tác thơ văn. Nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Vũ Quần Phương cũng là một cây phê bình và nguyên chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Lê Quang Trang cũng là một nhà thơ. Nhà thơ nhà văn viết lý luận phê bình để phát huy ưu thế cảm thụ nghệ thuật của họ. Còn các nhà lý luận phê bình chuyển sang sáng tác cũng là cách đi thực tế, đó là cái duyên thử khả năng sáng tạo nghệ thuật, đồng thời góp phần thể nghiệm các phương pháp sáng tác mới.
Có lẽ sự mở cửa hội nhập của văn học Việt Nam trong những thập kỷ qua thể hiện mạnh nhất là trong lĩnh vực lý luận phê bình văn học với việc nhiều trường phái văn học hiện đại của thế giới được giới thiệu ở ta. Tất nhiên chủ yếu là chiều vào còn chiều ra thì không nhiều. Một số tác giả trong văn học Việt Nam được dịch và giới thiệu ra thế giới, trong công việc này có đóng góp lựa chọn không thể phủ nhận của lý luận phê bình. Ngay cả chiều vào, đưa văn học nước ngoài vào Việt Nam, chọn dịch tác phẩm nào, giới thiệu và khẳng định những giá trị nào, để làm được việc này cũng cần những thao tác phê bình, cũng cần có tiếng nói lý luận. Để giúp cho nghiên cứu văn học, để hỗ trợ cho sáng tác văn chương, nhiều trường phái lý luận trên thế giới cũng đã được dịch và giới thiệu ở ta. Nhiều khái niệm mang tính học thuật của thế giới đã trở nên quen thuộc như: Hiện thực xã hội chủ nghĩa, hiện thực phê phán, hiện thực huyền ảo, siêu thực, chủ nghĩa lãng mạn, thi pháp học, ký hiệu học, chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại… Đó là sự giao thoa tốt đẹp và đó cũng là sự học hỏi không mệt mỏi của của lý luận phê bình văn học Việt Nam. Chúng ta đang được hưởng những thành tựu lý luận phê bình của thế giới. Nhưng đó cũng chưa là toàn bộ của lý luận phê bình Việt Nam, bởi nó còn có thêm phần suy ngẫm dựa trên kinh nghiệm sáng tạo của chính người viết Việt Nam. Việc dịch thuật tinh hoa lý luận phê bình thế giới đóng góp cho không chỉ nghiên cứu văn học mà còn là gợi ý cho người sáng tạo hình thành phương pháp sáng tác cho riêng mình.
Lý luận phê bình ở ta những năm gần đây đã thể hiện được sự hữu ích cho cuộc sống văn chương, thông qua các bài viết, các hội thảo về các tác giả, tác phẩm của nhiều thế hệ nhà văn nhà thơ, chủ động góp phần hình thành và định hình các tác giả lớn cho văn chương dân tộc. Các hội thảo gần đây như Hội thảo về các tác giả như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Võ Quảng. Nguyễn Tuân, Lê Anh Xuân, Nguyễn Huy Tưởng, Tố Hữu… là những sự kiện thực sự có chất lượng học thuật, tạo được sự gắn bó và tác động vào cuộc sống văn chương. Chúng ta cũng cần có lý luận phê bình văn học thiếu nhi để thông qua đó tạo nên tương lai cho văn học Việt Nam, giải mã các hiện tượng hình thành tài năng nhí trong văn học Việt Nam. Lý luận cũng như thực tế luôn chỉ ra rằng sự nuôi dưỡng tài năng hiệu quả nhất là bắt đầu từ tuổi thơ. Nếu lý luận văn học thiếu nhi giải mã và phát hiện được quá trình hình thành tài năng nghệ thuật thì đây sẽ là chìa khóa mở cửa cho sự phát triển và thăng hoa của tương lai văn học nghệ thuật Việt Nam và chính nó sẽ giúp chúng ta thoát khỏi nổi băn khoăn trăn trở gần như luôn ám ảnh trong làng văn chúng ta về việc hôm nay cũng như tương lai không có tác giả và tác phẩm xứng tầm thời đại trong văn học Việt Nam.
Lý luận phê bình Việt Nam đã có những bước tiến không chỉ trong nhận thức mà cả trong thực tiễn sáng tạo. Không ít công trình lý luận đã ra đời dựa trên sự nghiên cứu thành tựu lý luận phê bình thế giới, dù chưa đậm đà bản sắc Việt Nam nhưng nó đã giúp giải quyết được những vấn đề chung của sáng tạo và nghiên cứu văn học nghệ thuật. Mỗi bài viết hay cũng là một sáng tạo nghệ thuật vì nó góp phần đổi mới và làm thăng hoa sáng tạo trong văn chương. Lý luận phê bình cùng với những bài thơ, những trang văn đã đang và mãi mãi góp phần tạo nên không gian văn học, tạo nên sự sống thường nhật cho văn chương. Một điều nữa chúng ta cũng không thể không ghi nhận đó là ngay trong ban chấp hành mới được bầu ra của Hội Nhà văn Việt Nam cũng lần đầu tiên có sự hiện diện của hai nhà lý luận phê bình là Phan Trọng Thưởng và Lê Quang Trang. Chủ tịch hai hội nhà văn lớn ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai nhà lý luận phê bình Phạm Xuân Nguyên và Lê Quang Trang. Đó là những dấu hiệu đáng quý, là điểm tựa giúp ta tin tưởng hơn vào tương lai của văn học Việt Nam.
Ai đó nói rằng, trong lĩnh vực lý luận văn học Việt Nam chúng ta chỉ học hỏi và lấy của nước ngoài, hoàn toàn chưa có đóng góp gì, theo tôi điều đó cũng chưa hắn đúng. Thực ra trong lĩnh vực lý luận văn học, làng văn ta cũng đã có một số sáng tạo như việc Hoài Thanh xác định đặc trưng khuynh hướng phê bình thơ của ông là chỉ viết khi cảm nhận được cái hay cái đẹp của những thi phẩm. Với quan điểm này, Hoài Thanh chính là người đầu tiên khẳng định tính nghệ thuật của phê bình và ông đã thành công nhờ dựa trên sự tinh tế và chính xác của xúc cảm thẩm mỹ. Nhà thơ Inrasara khởi xướng phê bình lập biên bản. Còn nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình, bạn bè văn chương gọi vui là vua tư liệu có lối phê bình gần như chủ yếu là kể chuyện thơ văn. Nhà lý luận Hoàng Ngọc Hiến thì trăn trở với minh triết Việt Nam, giáo sư Phong Lê luôn lưu một chút tình khi dựng chân dung biết bao những bạn văn mà ông luôn yêu quý…
Trong bộ sách Nhà văn Việt Nam hiện đại nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình đã đưa ra những quan niệm văn chương ít nhiều mang màu sắc lý luận, tất nhiên chưa thể mang tính lập thuyết mà thường chỉ mang tính đúc rút kinh nghiệm sáng tạo. Còn về phần mình, chúng tôi cũng xin phép đưa ra quan điểm lý luận phê bình của riêng mình đó là phê bình hữu xạ tự nhiên hương. Chúng tôi coi hiện thực văn chương tự thân nó đã có sự hiện diện của cái hay cái đẹp, bởi đây là trị số logic thể hiện bản chất của nghệ thuật. Nhiệm vụ của lý luận phê bình là làm cho cái đẹp đó tự nó lộ diện và tỏa sáng. Và phương pháp của chúng tôi có mục tiêu chủ yếu giúp văn chương hữu xạ tự nhiên hương, để nó trở nên đẹp hơn, lung linh hơn trong mắt bạn đọc. Chính điều đó giúp nhà phê bình hướng đến sự phê bình khách quan tối ưu, đồng thời cũng góp phần giúp bạn đọc tự mình nhận ra được cái hay cái đẹp của văn chương. Với chúng tôi, mọi thủ thuật phê bình đều có giá trị ngang nhau: Khen, chê, so sánh, sắp đặt, bình luận, trích dẫn, cảm tính, lý tính, phân tích, tổng hợp, gợi mở, nhấn mạnh, tô đậm, tạo không gian, tái tạo, liên tưởng, tiếp cận vi mô, tiếp cận vĩ mô… Vấn đề quan trọng là ở chỗ sử dụng các thủ thuật đó đúng lúc, đúng chỗ để giúp tác phẩm hữu xạ tự nhiên hương đến với bạn đọc và giúp bạn đọc tự mình cảm thụ được tác phẩm. Khi bạn đọc phát huy được tính chủ động trong cảm thụ văn học thì với họ văn học nghệ thuật cũng trở nên thú vị hơn.
Lý luận phê bình hôm nay được sự hỗ trợ của công nghệ và khoa học có thể chủ động hơn trong việc phát hiện và nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật. Sẽ hữu ích hơn khi ta không chờ cho tài năng trở nên viên mãn rồi mới nói đến, phê bình văn học luôn tiềm ẩn khả năng góp phần cùng trời đất tạo tác tài năng từ khi mới hình thành, kích thích tài năng đơm hoa và kết quả. Những lâu đài nghệ thuật muốn đứng vững và trường tồn với gió bão thời gian luôn cần dựa trên những nền tảng vững chắc của lý luận phê bình.
V.G.T
Nguồn tin: TCNV 03-2013