Những năm 90 của thế kỷ XX, nhà thơ Mai Văn Hoan dạy học ở Huế. Vợ nhà thơ thuộc diện “về một cục”, coi như thất nghiệp, bất đắc dĩ phải mở một quán nước bên tường rào ngôi trường nhà thơ đang dạy để “phục vụ” sinh viên nghèo. Nhà thơ vui tính làm bài thơ “Quán bên tường” dán ngay bên vách quán, vừa để động viên vợ, vừa để khách khứa đọc cho vui, vừa là nhắc khéo mọi người đừng… mua chịu(!)
Trước Tết năm ấy, Công an phường sở tại mời tất cả bà con có hàng quán 2 bên đoạn phố “trọng điểm” lên đồn quán triệt tinh thần “đường thông hè thoáng” trong dịp Tết, mong bà con vui lòng dẹp hết hàng quán, trả lại vỉa hè cho Huế đẹp và thơ…
Nghe trưởng Công an Phường nói đến đây, vợ nhà thơ Mai Văn Hoan buột miệng hỏi xen ngang:
– Chú Công an đã nói như rứa, chắc chú cũng thích thơ, hỉ?
Trưởng Công an Phường xởi lởi phụ họa để giảm bớt không khí nặng nề của cuộc họp:
– Dạ, thích lắm! Hồi trước tui là học trò chuyên văn đó nghe!
Vợ nhà thơ được đà tiếp luôn:
– Vậy tui xin phép đọc tặng chú Công an bài thơ được không?
Trưởng Công an Phường vỗ tay gật đầu, mọi người cũng vỗ tay rào rào hưởng ứng. Và bài thơ “Quán bên tường” được cất lên rành rọt từng câu:
Mái tôn gác tạm bờ tường
Đơn sơ quán dựng bên đường người qua
Vài ba dĩa bánh gọi là
Hàn huyên đủ một ấm trà chia vui
Bình dân khoai bở, sắn bùi…
Sinh viên ký nợ tới lui quán nghèo
Cố qua cái buổi gieo neo
Vợ không có việc, chồng theo sách đèn
Mặc ai chê, mặc ai khen…
Đến đây thì anh cựu học trò chuyên văn biết được bà chủ “Quán bên tường” là vợ của ai rồi. “Ông ấy” chính là thầy giáo năm xưa của anh. Và chẳng rõ vì tình nghĩa thầy trò, hay cảm cảnh Cố qua cái buổi gieo neo / Vợ không có việc, chồng theo sách đèn… mà cuối buổi họp hôm ấy, anh nói nhỏ với bà chủ “Quán bên tường” một câu rất… vi phạm:
– Riêng quán chị cứ bán bình thường, nhưng nhớ dẹp mấy cái ghế vô sát tường một chút. Rứa nha!
Tuyên Hoá – Vanvn.net