Nhà văn Đỗ Chu thuộc thế hệ thanh niên “gác bút nghiên ra trận” từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước và thành danh văn chương cũng khá sớm. Ngay trong năm đầu tiên nhập ngũ (tháng 7-1963), ông đã đoạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội, với tác phẩm “Hương cỏ mật” đến nay vẫn được coi như một mẫu mực của bút pháp truyện ngắn trữ tình thời chiến. Đỗ Chu đã 2 lần đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam(năm 2002 và năm 2005), Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2004 và Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuậtđợt đầu tiên (năm 2001).
Tranh chân dung nhà văn Đỗ Chu của họa sĩ Tuấn Dũng
Đỗ Chu là một trong những cây bút văn xuôi đương đại từng gây ấn tượng sâu sắc trong đời sống văn học nước nhà những thập niên cuối của thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, với những tập truyện ngắn và bút ký tiêu biểu, như: Hương cỏ mật (1963), Phù sa (1967), Gió qua thung lũng (1971), Trung du (1985), Mảnh vườn xưa hoang vắng (1989), Tản mạn trước đèn (2002), Thăm thẳm bóng người (2008), Đường xa (2010) v.v… Ngoài ra, ông còn nổi tiếng là “nhà thơ trẻ” bởi những bài thơ mới lạ và độc đáo vừa được ông sáng tác mấy năm gần đây, khi đã vào tuổi… “cổ lai hi”. Đặc biệt, vào những năm 80 của thế kỷ trước, ông từng khiến đồng nghiệp và công chúng sửng sốt bởi những bức tranh màu dầu mang phong cách rất… Đỗ Chu (!)
Chuyện rằng, năm ấy có đoàn thầy trò trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đi thực tế sáng tác ở làng gốm cổ Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, quê hương của Đỗ Chu. Nghe đồn dịp ấy Đỗ Chu đang mở “triển lãm” tranh của mình tại nhà riêng ở quê nhà, đoàn thầy trò nọ liền tổ chức đi xem và không ngớt lời xuýt xoa trước những bức tranh phong cảnh, vật nuôi, tĩnh vật… tuồng như đang bốc lửa, bởi tất cả đều được Đỗ Chu vẽ bằng một gam màu nóng, rất ấn tượng!
Trong buổi giao lưu với tác giả, có cô sinh viên họa sĩ tương lai xinh tươi đã đắm đuối ca ngợi những bức tranh “rất Ca-rắc-te” (Characctaire=cá tính) và phỏng vấn nhà văn: Ông suy nghĩ như thế nào khi vẽ một loạt bức tranh tuyền gam nóng như thế? Nhà văn kiêm “họa sĩ tay trái” tỏ vẻ lúng túng ngượng ngùng mà rằng: “Rắc te rắc tiếc” gì đâu. Chẳng qua là vì dạo đầu năm mình ghé nhà ông bạn họa sĩ Nguyễn Quân, xin được mấy tuýp màu về vẽ chơi. Không ngờ tất cả mấy tuýp thuốc ấy đều màu đỏ. Thôi thì có gì vẽ nấy mà ra tranh thế ấy, chứ mình có chủ định “nóng lạnh” gì đâu!
Mọi người cùng cười vui trước những lời “thú nhận” của Đỗ Chu. Ai cũng biết, ấy là nhà văn hài hước và khiêm tốn thế thôi, chứ xem tranh của ông, một cựu sinh viên tốt nghiệp “bằng đỏ” trường Nghệ thuật Gorki ở Matxcơva, thì… không thể đùa được!
TUYÊN HÓA – Vanvn.net