Từ xưa đến nay viết về làng văn cũng đã nhiều. Người đọc bị dẫn dụ vào những trang viết của M.Gorki về nhà văn Tsekhop, Tolstoi, được coi là không ai có thể viết “ra” được như thế; hay I.Erenbua viết về Maiakopxki, Paxternak, Picatxo, Exenhin… thì chỉ “phẩy” vài nét mà ra thần hồn, không thể khác. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng có những trang viết thần tình về Nam Cao với những dằn vặt về Chí Phèo bên cái điếu cày nhả khói. Trần Đăng Khoa cũng dựng nên hàng loạt chân dung nhà văn đương thời độc đáo gây xôn xao dư luận. Vậy có gì mới trong tập “Chuyện làng văn” của nhà văn Di Li?


“Chuyện làng văn” có dung lượng hoành tráng không phải ở vẻ bề ngoài của mục lục gồm 40 bài dày gần 400 trang, mà ở đối tượng khám phá hơn 50 tác giả là nhà văn, nhà thơ, trong đó có 10 nhà văn, dịch giả nước ngoài. Nhưng cái nhìn rõ nhất về thể loại là hai phần rõ rệt: Kí chân dung và phỏng vấn. Nếu “Chuyện làng văn” có những phác thảo chân dung hay, sinh động về nhà văn Kim Lân, nhà thơ Bế Kiến Quốc, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà thơ Trần Hòa Bình, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Bùi Anh Tấn,… thì qua hỏi đáp, bạn đọc cũng nhận ra “thần khí” các tác giả: Tô Hoài, Trần Đăng Khoa, Lê Anh Hoài, Vi Thùy Linh, Lê Thiếu Nhơn, Trần Thanh Hà, Phạm Trung Tuyến…, và phóng viên chiến trường Pellizzari, các nhà văn nước ngoài Walter Mason, Peter Fogtdal, Bang Huyn Seok, Jan Cornall, Didier Daenickx, Sara Zarr, Masatsugu Ono…

Nhà phê bình Chu Văn Sơn nói rằng: “Vẽ cho giống không bằng vẽ cho ra. Ra đây vừa là ra người vừa là ra mình. Nghĩa là hồn vía của người phải in dấu ấn riêng của mình. Để cho ra, mỗi người thường có những chiêu riêng”. Nếu như quan niệm của ông là “chân lý” thì Di Li đã vẽ “ra” đối tượng khám phá và chị cũng đã đặt dấu ấn cá tính sáng tạo của mình vào tác phẩm. Có nghĩa là Di Li viết đã ra chân dung các nhà văn theo cách của riêng mình.

Trong bài chân dung “Nhà văn Kim Lân – Văn thế nào, người thế ấy”. Ngòi bút Di Li chỉ “lẩy” ra một chi tiết: “Tôi có hỏi vui sao ông không hay viết những chuyện tình cảm, thì nhà văn Kim Lân lại thật thà thanh minh rằng mặt mũi từ trước đến nay vẫn vậy, thậm chí ngày xưa còn xấu xí hơn nhiều, chuyện tình cảm làm gì có đâu mà viết. “Có mỗi bà nhà tôi trước hay cho mận chứ làm gì còn ai. Mà mận Bắc Kạn ngon ghê lắm cơ” thì đã hiện lên cái sự chất phác, đôn hậu, chung tình của Kim Lân rồi.

Nhà thơ Trần Hòa Bình thì chịu khó lắng nghe những người “nhạt” một cách kiên nhẫn hàng giờ mà không sốt ruột. Ông rất sợ thời gian và né tránh nó bằng rượu với những người bạn tri kỉ khắp nước.

Trong khi biết ơn nhà thơ Bế Kiến Quốc đặt bút danh Di Li cho mình thì tác giả cũng thành thật cảm ơn, tôn nhà văn Phạm Ngọc Tiến là thầy trong những bước chập chững bước vào làng văn. Chị phác thảo rất khéo cái dáng bận bịu làm báo của Bế Kiến Quốc khi “khói thuốc mù mịt bao quanh khuôn mặt không cười nhưng tươi tắn”. Còn nhà văn Phạm Ngọc Tiến thì yêu nhà mới xây, yêu xe ô tô đẹp, yêu kịch bản truyền hình, yêu văn chương, mà không biết yêu cái nào hơn cái nào.

Nhà văn Di Li có ý thức làm báo viết văn chuyên nghiệp rất sớm khi tuổi còn rất trẻ. Chị tự tin đi phỏng vấn những lão làng văn chương Kim Lân, Tô Hoài, Trần Đăng Khoa… Các ông là người khổng lồ, mà phần lớn nhà văn trẻ nghe danh tiếng chỉ dám “kính nhi viễn chi” thì chị rất chững chạc đặt câu hỏi “khó”, được bậc khả kính trìu mến mời uống nước và nói chuyện văn chuyện đời như là đang kể với bạn vong niên. Đồng thời với vốn ngoại ngữ đa dạng, chị cũng không mấy khó khăn phỏng vấn nhà văn, dịch giả nước ngoài ngay cả khi buộc phải sử dụng thuật ngữ văn chương, để làm cho bài viết sinh động, giàu cá tính.

Thông tin thêm

Vào 14h30 ngày 27 tháng 6 năm 2012, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản (27 Quang Trung, Hà Nội) sẽ diễn ra buổi họp báo ra mắt tác phẩm “Chuyện làng văn” của nhà văn Di Li do Công ty Văn hóa & Truyền thông Phương Đông và Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt đồng tổ chức. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên dẫn chương trình. Đến dự buổi họp báo sẽ có các nhân vật trong cuốn “Chuyện làng văn” cùng đại diện các công ty sách Nhã Nam, Bách Việt, Liên Việt, Thái Hà Books, Đinh Tỵ, Alpha Books, NXB Phụ nữ, NXB Văn học, NXB Hội Nhà văn, công ty sách điện tử Alezaa…

Nguồn: Yume.vn

Exit mobile version