Không ai khác, đó chính là cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc- người nhạc sĩ nổi tiếng ngay từ ca khúc đầu tiên“Cô lái đò” và sau này là “Tiếng đàn bầu” với “cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha” vốn đã nằm lòng trong hàng triệu trái tim người Việt.
Suýt ế vợ vì… trót “mang kiếp cầm ca”
Tôi đến thăm bà Trần Thị Bảo- vợ cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc ở khu tập thể Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội). Bao năm tháng qua, mỗi lúc nhớ chồng, bà Bảo đều nghe lại những bài hát quen thuộc. Từ “Lời du tử”, “Bình ca” đến “Cô lái đò”, “Chiến sĩ Sông Lô”… những nhạc phẩm gắn bó với tên tuổi của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc. Nhưng ít ai biết được rằng, nhạc sĩ tài hoa này cũng từng long đong, lận đận, suýt…ế vợ vì chính công việc đem lại cho ông sự nổi tiếng!
Vợ nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc kể rằng, vào cái thời lấy Nho học làm quốc giáo, lấy tư tưởng Nho làm chính thống, coi thường các sáng tạo dân gian thì “xướng ca” bị coi rẻ. Điều đó lí giải vì sao, khi biết được mối quan hệ của cô con gái và nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, gia đình bà Bảo phản đối kịch liệt. Họ không muốn “gửi gắm” cô con gái vàng ngọc cho “loài xướng ca vô loài”. Họ sợ, giống những chàng thi sĩ khác thường nay đây mai đó, tâm hồn lãng mạn bay bổng, sẽ làm khổ con gái mình.
Bà Trần Thị Bảo tâm sự:“Tính anh Phúc thật thà, nói chuyện có duyên, tuy nhà nghèo nhưng lại học giỏi đỗ tú tài. Gia cảnh anh Phúc nghèo khổ, đông anh em, mẹ bán cá ở chợ Đồng Xuân, tối anh phải đi kéo đàn Cello ở các bar để lấy tiền giúp mẹ nuôi các em nên trong thâm tâm tôi rất cảm kích. Anh Phúc ngày đó hay lui tới hiệu sách Ngoạn 110 phố Cầu Gỗ do anh trai tôi mở nên chúng tôi quen nhau. Bỗng một hôm, anh Phúc đưa tôi mảnh giấy, vỏn vẹn có mấy chữ: “Cô Bảo có muốn là vợ anh không?” – Tôi không trả lời, nhưng trong dạ thầm nghĩ, nếu lấy chồng sẽ lấy anh Phúc, nếu không thành sẽ không lấy ai cả”.
Nhưng cha bà Bảo là người cực kì nghiêm khắc. Bà Bảo nhớ lại: “Một hôm, thầy gọi tôi: Cô Bảo lên thầy hỏi!. Tôi chột dạ, nhìn thấy con dao đặt trên bàn khiến tôi thót tim. Lấy lại bình tĩnh, khoanh tay kính cẩn: Thưa thầy, thầy bảo gì con ạ? Thầy tôi bực dọc quát: thầy cho cô tự lựa chọn, ai cũng được, giàu nghèo tùy cô thích… nhưng trừ Phúc ra. Không thì, dao đây, con đâm thầy một nhát! Thấy thầy lên cơn giận dữ tam bành, tôi đành tìm kế hoãn binh, giơ tay xin thề: Con xin hứa sẽ không lấy anh Phúc ạ”.
Vậy là kể từ lúc bị gia đình “cấm vận”, họ chỉ thỉnh thoảng gặp nhau, những cuộc gặp gỡ thưa thớt dần. Nhưng mối lương duyên một lần nữa đem họ về bên nhau. Đó là năm 1947 tại chiến khu Việt Bắc, khi ấy nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đi theo mặt trận Việt Minh, còn cô Bảo thì phục vụ lớp Bình dân học vụ. Anh Phúc lại gửi cho người yêu mảnh giấy nhỏ vỏn vẹn vài chữ “Cô Bảo là vợ anh”. Hai người nhìn nhau rồi cười như nắc nẻ.
“Hai năm sau, tôi tròn 25 tuổi và anh Phúc chạm ngưỡng 30, tôi lên Thái Nguyên và chủ động “đòi cưới”- nói đến đây bà Trần Thị Bảo khẽ ngượng ngùng: “ Một đám cưới vùng chiến khu ngày 19/8/1949 đơn giản thôi nhưng vui vẻ, đầm ấm. Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng và nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã làm chủ hôn cho chúng tôi”.
Người nhạc sĩ đa tài
Có thể nói, lòng ngưỡng mộ của khán thính giả nhiều thế hệ đối với nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc qua ca khúc “Cô lái đò” dường như chưa bao giờ phai nhạt. Nhạc phẩm nổi tiếng ra đời khi ông tròn 25 tuổi, đó chính là phần thưởng vô giá đối với một người nghệ sĩ ưa chuộng cuộc sống tự do như ông. Tôi hỏi vợ nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc: “ Không rõ, cụ Bảo- cô tiểu thư của hiệu phở Cát Tường Phùng Thị Tài nổi tiếng trên phố Cầu Gỗ ngày ấy có phải là người con gái được nhạc sĩ nhắc đến trong bài hát không ạ?”
Bà Bảo tươi cười:“Không rõ trong đời mình anh Phúc đã gặp một cô lái đò nào có thể chia sẻ với anh đến vậy chưa nữa. Chỉ biết rằng ca từ của bài hát là một bài thơ tuyệt diệu nằm trong tập thơ “Lỡ bước sang ngang” của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Bính. Anh Phúc bảo vì cảm thấy bài thơ Cô lái đò như có phần máu thịt và tâm hồn của mình trong đó nên đã phổ nhạc cho bài thơ”.
Thật vậy, trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc từng kể lại những suy nghĩ, xúc cảm của mình trong một lần đối mặt với con sông Hồng mùa lũ: “Ngồi trên mặt đê, nhìn làn nước mênh mông, đỏ quạch phù sa đang sôi réo ngay dưới chân trước mặt, tôi thấy nôn nao trong lòng… Những người màn trời chiếu đất trên mặt đê này sẽ dạt về đâu? Tôi vừa tự hỏi vừa nhìn những xoáy nước đang xoay vần với những đám bọt đỏ ngầu và cánh bèo tây dập dềnh giai điệu con thuyền xa bến chợt vang lên trong tôi…”. “Cô lái đò” đã ra đời như thế, giai điệu mượt mà, mang đậm âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc bộ, nét nhạc vừa nhớ thương, vừa luyến tiếc.
Không chỉ đam mê sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc còn được biết đến là một họa sĩ tài hoa. Những năm cuối đời, ông như dồn hết tâm lực của mình vào việc vẽ. Ông vẽ nhiều, đa phần là tranh sơn dầu và giấy dó. Ông vẽ chân dung những người ông từng gặp và yêu quý. Nhiều bức ông vẽ bằng trí nhớ. Bức chân dung danh họa Nguyễn Phan Chánh là bức vẽ cuối cùng trong cuộc đời ông, được ông hoàn thành 2 ngày trước khi mất.
Và không thể không nhắc đến bức chân dung ông vẽ người thầy cũ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Có một điều thật lạ, dù là chân dung Đại tướng nhưng không phải trong trang phục của một ông tướng mà là chiếc áo xanh bình dị của anh bộ đội cụ Hồ với khuôn mặt sáng và đặc biệt đôi mắt rất hiền với ánh nhìn trìu mến. Ông nhà tôi đã vẽ một ông giáo hiền từ, rất gần gũi theo đúng cảm nhận của mình” – Bà Bảo chia sẻ.
Mỗi lần nhắc về kỉ niệm của chồng mình với người thầy giáo nổi tiếng là bà Trần Thị Bảo lại rưng rưng. “Tôi không bao giờ quên ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm gia đình. Khi bác Giáp tới thăm vì không muốn xáo trộn nhịp sống thường nhật của khu phố, bác cùng phu nhân và người trợ lý – đại tá Nguyễn Huyên đã đỗ xe từ đầu phố rồi mới vào. Phải gần đến lúc ra về, địa phương mới biết, lúc ấy mới cử đội an ninh tới để bảo vệ. Được Đại tướng tới tư gia tôi vui lắm nhưng khi ấy chúng tôi nghèo quá, không có gì đón tiếp Đại tướng ngoài ấm nước trà. Tôi cứ băn khoăn nhưng nhà tôi thì gạt đi, chắc ông ấy hiểu thầy mình”- bà Bảo nghẹn lời.
Bà kể, bữa ấy hai thầy trò hàn huyên nhiều chuyện lắm, đặc biệt là những chuyện về hội họa và âm nhạc. Căn nhà nhỏ chật chội dù chỉ 9m2 trên phố Cầu Gỗ với hai đôi vợ chồng già và người trợ lý nhưng đầy ắp tình cảm. Trò nhạc sĩ không quên khoe tấm hình vẽ chân dung thầy.
Cảm nhận được tấm lòng trò cũ, người thầy đã lật ngược ngay bức tranh, cầm cây bút lập tức ngẫu hứng mấy câu thơ: “Căn phòng nhỏ hẹp/ Tình cảm bao la/Nào thơ, nào họa /Chúc anh sống mãi /Cuộc sống thanh cao”. Và người thầy ấy còn biên thêm mấy dòng cảm xúc: “Rất xúc động mối tình cảm của người học trò năm xưa, ngày nay là người nghệ sĩ tài ba”. Đó là ngày 24/6/1989 và ký tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Em ước, mình cứ đi mãi cùng nhau tới tận thiên đường”.
Bà Trần Thị Bảo đưa cho chúng tôi xem cuốn hồi kí nồng nàn da diết như chính tiếng đàn bầu sâu thẳm, dày 102 trang có tựa đề “100 ngày anh ơi, em tha thiết kể chuyện chúng mình”. Đó là cuốn hồi kí về kí ức của mối tình đầu son sắc, của những nỗi yêu thương da diết. “Năm 2001, khi ông sắp mất, đã vội cầm tay nói với tôi rằng: May quá, đời tôi lấy được bà rồi cười mãn nguyện. Ông ấy chỉ trả nợ một câu ấy, nhưng tôi nhớ mãi” –bà Bảo ngậm ngùi.
Theo Quỳnh Nguyên – Dân trí