Howard Goldblatt là nhà văn quốc tế bậc thầy về phiên dịch tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc, trong mấy chục năm qua, ông đã giới thiệu với độc giả tiếng Anh trên 10 bộ tác phẩm của Mạc Ngôn.
Nhà văn Mạc Ngôn
Shelley Chan là Phó giáo sư chuyên ngành Hán văn và Văn hoá Trung Quốc, trường Đại học Wittenberg, bang Ohio, đã từng viết sách chuyên khảo, đi sâu nghiên cứu tác phẩm của Mạc Ngôn.
Vừa qua, hai vị chuyên gia, học giả này đã trả lời phỏng vấn của “Trung Quốc nhật báo”.
Dưới đây tóm tắt nội dung cuộc phỏng vấn ấy.
***
Hỏi: Ngài thích nhất tác phẩm nào của Mạc Ngôn?
Howard Golblatt: Điều này khó như muốn tôi chọn lựa đứa con yêu nhất trong những đứa con của mình vậy. “Tửu quốc” có khả năng là tác phẩm giàu sức tưởng tượng nhất, phong phú phức tạp nhất về phương diện thủ pháp trong tiểu thuyết Trung Quốc mà tôi đã đọc; “Sống đọa thác đầy” có thể tôn vinh là tiểu thuyết ngụ ngôn tài hoa hiếm có; “Đàn Hương hình” đúng là vẻ đẹp giàu chất âm nhạc mà tác giả hy vọng. Tôi có thể coi đó là những của quý trong nhà, song bạn đã hiểu rõ ý tứ của tôi. Tôi đang phiên dịch “Ếch”, nếu như vào thứ tư công bố người đoạt giả chính là tên Mạc Ngôn, tôi nghĩ tôi nên nhân cơ hội này mà dịch những tác phẩm vào thời kỳ đầu của ông ấy mà trước đây tôi chưa thể tiếp xúc.
Hỏi: Ngài có thể so sánh một chút tác phẩm của Mạc Ngôn với những nhà văn Trung Quốc đương đại khác không?
Howard Golblatt: So với những nhà văn cùng thời đại, Mạc Ngôn có “ý thức lịch sử” hơn. Bất luận là Thái Bình Thiên Quốc, hay là đề tài cách mạng văn hoá, ông đều nắm bắt góc nhìn lịch sử thuần thục nhuần nhuyễn nhất. Đương nhiên cũng có ngoại lệ, nói ví dụ “41 pháo”. Tác phẩm này của ông ấy rất ít đề cập đến đề tài thành thị hồi bấy giờ, điều này tựa hồ là chủ đề nóng nhất hiện tại. Mạc Ngôn là một “người theo chủ nghĩa tối đa” (nếu như có cụm từ này), ông ta thường cố hết sức tìm ra khả năng biểu hiện tối đa của Hán ngữ. Ông cũng là một nhà văn có thể huy động mọi giác quan. Cuối cùng, ông đặc biệt khéo léo “lạ hoá”, dùng tản văn của ông tạo ra hiện thực mới mẻ, bám sát con người.
Shelley Chan: Xét về nội dung, cũng giống những nhà văn tìm về nguồn gốc khác, Mạc Ngôn thường miêu tả quê hương của mình, Cao Mật Sơn Đông. Nhưng cách viết của ông khác mọi người. Xét về phong cách, Mạc Ngôn độc nhất vô nhị, không thể so sánh ông ta với bất cứ người nào. Bạn có thể nói có lúc ông ta khôi hài giống Vương Sóc, nhưng sự khôi hài của hai người hoàn toàn khác nhau.
Hỏi: Về phương diện phong cách, nội dung, ngài có thể so sánh Mạc Ngôn với nhà văn phương Tây tương tự không?
Howard Goldblatt: Khi tôi đọc những tác phẩm của Mạc Ngôn, tôi thường nghĩ đến Dikens (tôi biết ông không phải là nhà văn đương đại): Tác phẩm của họ đều là những tác phẩm lớn xoay quanh hạt nhân đạo nghĩa rõ ràng, mạnh bạo, nồng nhiệt, hình tượng hoá mà lại có sức mạnh. Tương tự với tác phẩm của ông còn có “Trung tâm châu Âu” của William Foreman, “Cao lương đỏ” của Mạc Ngôn cũng có tự thuật lịch sử hùng hồn như vậy, “Lời ca của cây tỏi trên thiên đường” của ông cũng biểu đạt sự phê phán mãnh liệt đối với hành vi thú tính của những kẻ cường quyền như vậy. Đương nhiên, còn có những nhà văn mà bản thân Mạc Ngôn cũng tương đối ưa thích: Faulkner hiện đại chủ nghĩa, Garcia Marcos hiện thực huyền ảo, và Kenzaburo Oe Nhật Bản.
Hỏi: Trong nước Trung Quốc rất quan tâm đến Giải Nobel văn học, ngài nhìn nhận việc này như thế nào?
Howard Goldblatt: Bản thân tôi không có quan điểm gì đối với giải thưởng này; Nhưng thấy nhiều người quan tâm đến giải này một cách si mê như vậy, khiến cho tôi cảm thấy bất an. Đối với những người của các quốc gia Trung Quốc và Hàn Quốc, v.v… được giải này hay không đã quan tâm tới mức coi như cả dân tộc được thừa nhận hoặc giả bị coi thường. Được rồi, bà con làng xóm ơi! Đây chỉ là giải thưởng liên quan đến tác phẩm của một nhà văn (hoặc nhà thơ). Tôi biết, rất nhiều người lại không nhận thức như vậy, song… có cần thiết đến vậy không?
VŨ PHONG TẠO chọn dịch
(Theo www.chinawriter.com.cn)