Những nỗi đau, thân phận bất hạnh được đẩy tới tận cùng trong những hoàn cảnh ta vẫn gặp đâu đó trong cuộc sống.

Vừa qua, nhà xuất bản Hội nhà văn tổ chức buổi giới thiệu sách “Người đàn bà nghịch cát” của nhà văn Nguyễn Đăng An với sự tham gia của đông đảo nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học.

“Khi được biết tin Nguyễn Đăng An ra mắt sách mang tên Người đàn bà nghịch cát, tôi rất ngạc nhiên, tại sao đã có bộ phim Người đàn bà nghịch cát rất nổi tiếng rồi, mà ông này vẫn cả gan viết truyện như vậy. Nhưng hóa ra, bộ phim của điện ảnh Việt có nội dung dựa trên truyện của Nguyễn Đăng An”. Đúng như lời chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, rất nhiều người đã biết tới bộ phim của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, song Nguyễn Đăng An vẫn còn là cái tên mới mẻ trên văn đàn.

Sách “Người đàn bà nghịch cát”.

Thực ra Nguyễn Đăng An đã viết thơ, sáng tác truyện từ lâu, anh từng xuất bản các tập sách như “Biển hát lời của biển”, “Thiên Nga lạc bầy”, “Có một mối tình hữu nghị như thế” và tập phóng sự “Một thời rong ruổi”. Gác lại công việc văn chương gần 20 năm để thực hiện những nhiệm vụ khác, đến nay Nguyễn Đăng An mới cho xuất bản tiếp “Người đàn bà nghịch cát” – một tập truyện ngắn đầy đặn, hấp dẫn và đầy tính nhân văn.

“Người đàn bà nghịch cát” gồm 12 truyện ngắn, phần lớn được viết trong vài năm gần đây và chưa từng công bố. Nguyễn Đăng An thường kể những câu chuyện của cuộc sống thường ngày nhưng đầy éo le, trúc trắc.

Đó là nỗi đau của một bà mẹ phải làm con dâu ngược vì mang mặc cảm là người nhà quê trong “Mẹ xóm Đoài”, là nỗi khỗ của cô gái đẹp Việt Nam nơi xứ người trong “Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rome”, là nỗi đau của một anh lính trở về nhà trong hoàn cảnh vợ đã có con với bố đẻ của chính anh trong truyện “Giọt nước mắt người lính”. Độc giả cũng có thể tìm thấy một chút yếu tố kỳ ảo, tâm linh trong các truyện “Lời thề chân lý”, “Lời nguyền”, hoặc những câu chuyện thế sự trong “Cú đấm muộn mằn”, “Ba chàng trai làng Nhãn”… hay chất tự sự trong “Lời tự bạch của cô gái nhiễm HIV”…

3-1378176677.jpg

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (cầm mic) chia sẻ cảm nhận khi đọc “Người đàn bà nghịch cát”

Các nhân vật trong truyện của Nguyễn Đăng An đều được đặt vào tận cùng của trắc trở, những hoàn cảnh rất khắc nghiệt, ngặt nghèo, để rồi từ đó mỗi nhân vật tự tìm cho mình cách giải quyết. Bi kịch là vậy, éo le là vậy, thế mà chính tác giả khẳng định những nhân vật trong truyện của anh thường có nguyên mẫu ngoài đời. Nguyễn Đăng An chia sẻ: “Nhân vật chính trong Giọt nước mắt người lính là hoàn cảnh bi kịch của anh bạn học cùng phổ thông với tôi, nhân vật trong truyện Căn nhà triệu đô là bố vợ tôi thời ông làm giám đốc giao tế Hà Nội; nhân vật trong Khát vọng thời xa ngái là chính tôi, năm 1972 tôi được khoa Văn cử lên nông trường Mộc Châu nói chuyện thơ, và bị một cô gái ở nông trường xin đứa con riêng nhưng tôi đã bỏ chạy”…

Tuy nhiên, Nguyễn Đăng An chỉ phản ảnh hiện thực cuộc sống thông qua câu chuyện của một người nào đó, chứ không bê nguyên mẫu vào tác phẩm của mình. Đối với các nguyên mẫu, tác giả đã thổi vào đó những hình hài và linh hồn, được soi chiếu bởi góc nhìn đa chiều. Không có ai tốt hoàn toàn, cũng chẳng có ai chỉ rặt điều xấu xa, mỗi người đều có sự đan xen của nhiều góc nhìn thuận nghịch, chính vì thế mà Nguyễn Đăng An tạo ra được những nhân vật sống động, cuốn hút.

4-1378176678.jpg

Các nhà văn, nhà thơ, bạn bè đến chúc mừng Nguyễn Đăng An (áo trắng, cầm hoa) nhân dịp ra sách mới.

Truyện ngắn của Nguyễn Đăng An thường có tính tư tưởng, và độc giả cũng không khó để nhận ra những giá trị tư tưởng mà tác giả để “lộ thiên” trong tác phẩm. Đó là ưu điểm, nhưng cũng là yếu tố chưa hoàn mỹ trong các sáng tác của anh. Giá như các ý đồ tư tưởng được viết kín đáo hơn thì các truyện ngắn có lẽ đã được đánh giá cao về mặt kỹ thuật viết.

Nguồn: Vnexpress