Trong hành trình ba mươi năm dòng văn học Việt Nam đổi mới, thơ ca được tiếp cận nhiều hơn chân trời sáng tạo qua chuyển đổi hệ thi pháp.
Trước đó, trách nhiệm công dân của người cầm bút trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, tác phẩm của nhà thơ không thể thiếu yếu tố cổ vũ động viên các nhiệm vụ xã hội. Vì thế ta thường gặp không ít bài thơ có chung mô hình kết cấu: kể câu chuyện, sự việc cảm động, kết hợp tả người, tả cảnh, tả tình, phần kết thúc là suy luận, chốt lại nội dung, vấn đề. Các bài thơ như: Lượm, Bà má Hậu Giang, Mẹ Tơm (Tố Hữu), Bài thơ Hắc Hải (Nguyễn Đình Thi), Má Năm Căn (Xuân Diệu), Anh Tài Lạc (Huy Cận), Kể chuyện Vũ Lăng (Anh Thơ), Núi Đôi (Vũ Cao), Quê hương (Giang Nam), “Anh chủ nhiệm” (Hoàng Trung Thông), Bài ca chim chơrao (Thu Bồn)… Nhiều bài thơ không có nhân vật cụ thể nhưng cũng mang dáng dấp tương tự. Thơ thường thiên về tả thực với nhiều diễn biến sự việc, giàu chất trữ tình bay bổng, mượt mà uyển chuyển, dễ đọc dễ hiểu, dễ thuộc, dễ ngâm ngợi. Hay gặp những kết thúc “có hậu”:
Lòng ta chung một Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!
(Ta đi tới – Tố Hữu)
“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”.
(Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật).
Cùng chung những đặc điểm như thế, sự khắc họa dấu ấn riêng của mỗi tác giả có thể có phần nào hạn chế. Tuy nhiên, cùng sống và chiến đấu với chiến sĩ, đồng bào, các nhà thơ với lòng yêu nước nồng cháy, tài năng và sức sáng tạo thăng hoa, mỗi người một vẻ họ đã góp mặt tạo nên hai nền thơ chống Pháp và chống Mỹ sáng chói trong lịch sử văn học Việt Nam, mãi mãi không thể phai mờ. Một đặc điểm của thời kỳ văn học này là cái chung đại nghĩa nâng dắt cái riêng thân phận, nhiều tiếng nói riêng hợp lại thành khu rừng văn học sầm uất. Nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu đã nhanh chóng trở thành mẫu mực cổ điển của dòng văn học đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, thơ đã đóng góp rất xứng đáng “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy” (Chế Lan Viên).
Công cuộc đổi mới của đất nước mở ra, tạo điều kiện cho văn học đổi mới cả nội dung và hình thức trong đó có thơ ca. Trách nhiệm công dân của nhà thơ đồng nghĩa với trách nhiệm thẩm mỹ.
Thi pháp thơ có thể ví như công nghệ trong đời sống. Ai cũng nhận thấy đời sống của chúng ta được nâng cao hơn rất nhiều, tất cả đều có phần đóng góp rất lớn của công nghệ mới, đặc biệt như TP. Hồ Chí Minh có cả một khu Công nghệ cao ở quận 9, nhờ vậy mà tăng trưởng GDP luôn gấp 1,6 đến 1,7 của cả nước, đóng góp trên 30% ngân sách cả nước.
Còn “công nghệ thơ”? Đương nhiên cũng thay đổi, nhưng khó khăn hơn nhiều bởi nó còn phụ thuộc vào mỗi cá tính sáng tạo. Những nếp cảm, nếp nghĩ, quan niệm triết học, thói quen, bản tính, phong cách mỗi người không dễ gì một sớm một chiều thay đổi để có cách viết khác trước. Nên có người nhanh, người chậm, người thay đổi nhiều người thay đổi ít, có người kiên trì cố thủ.
Thực ra, khát vọng thay đổi đã tiềm ẩn từ lâu. Năm 1974, Phạm Tiến Duật chuyển thi pháp mới qua bài “Vòng trắng”, nhưng ngay lập tức anh bị “đánh”. Đây là một trong những bài thơ hay nhất của anh.
Với Hữu Thỉnh, ngay từ năm 1977, trong bài “Gửi từ đảo nhỏ”, kết thúc bài thơ vẫn là chốt lại nhưng đã có phần hé mở:
Em có thấy đảo gần hơn một ít
Ở nơi này anh vừa thả trăng lên.
Để đến khi đổi mới, anh rất thành công trong tập “Thương lượng với thời gian”. Kết thúc bài “Xa vắng” có chiều sâu tâm trạng:
Người soi gương đã một lần trở lại
Soi tưng bừng rồi lặng lẽ quay đi.
Trần Đăng Khoa vẫn chỉnh chu trong thể thơ năm chữ nhưng kết thúc bài “Đỉnh núi” đã có phần ảo diệu:
Bỗng ngời ngời chóp núi
Em xòe ô thăm ta?
Bàng hoàng xô toang cửa
Hóa ra vầng trăng xa.
Rất quyết liệt trong sự chuyển đổi thi pháp phải kể đến Nguyễn Lương Ngọc qua bài “Hội họa lập thể”:
Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại
Nung chảy mình ra mà tìm lõi
Xé toang mình ra mà kết cấu…
Các tập “Gọi nhau qua vách núi” (Thi Hoàng), “Khối vuông rubic” (Thanh Thảo), “Tháp nghiêng” (Hoàng Vũ Thuật),“Giấc mơ hình chiếc thớt” (Trần Quang Quý), “Sóng và khoảng lặng” (Từ Quốc Hoài), “Bầu trời không mái che” (Mai Văn Phấn)… đều có những bứt phá ngoạn mục. Năm 1993 Hội Nhà Văn trao giải thưởng cho tập “Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều là một sự biểu dương thi pháp mới. Sau đó Nguyễn Quang Thiều còn đi xa hơn nữa trong thơ cách tân. Bài “Những con mồi” của anh:
“Đêm qua những con cá bơi quanh chiếc giường
Ngửi chúng ta rồi bỏ đi
Và bực dọc nói:
Chúng ta không bao giờ ăn những con mồi chết”.
Kể câu chuyện kỳ ảo chăng? Không phải. Tác giả đặt ra tình huống giả tưởng để chuyển đến người đọc thông điệp gì đó. Cuối bài thơ:
“…một con không chịu nhắm mắt
Trong suốt cuộc săn tìm
Rời bỏ bầy quay lại
Và nói với một con mồi:
Ngươi đã hết thời gian chết!”.
Xưa nay ta chỉ quen với khái niệm hết thời gian sống, nay nhà thơ đưa ra “hết thời gian chết”, vậy đang diễn ra cái chết kiểu gì vậy?
Bài “Bài thơ cũ” của Nguyễn Bình Phương, mở đầu:
“Ta sinh ra cô đơn
giờ cô đơn đã cũ
ta trưởng thành bởi sợ hãi
sợ hãi cũng cũ rồi”.
Những nghĩ ngợi và cảm xúc về những điều trải nghiệm chăng? Kết thúc:
“Ta lớn lên bởi kiếm tìm
kiếm tìm giờ đã cũ”.
Nhà thơ không suy luận với một ý cụ thể mà suy tưởng về điều gì đó khá trừu tượng và để ngỏ.
Bài “Mở nút áo” của Ly Hoàng Ly.
“Chầm chậm, mở một chiếc nút áo
Soi vào gương chầm chậm mở hai chiếc nút áo”.
Có vẻ như vẫn theo truyền thống thơ kể chuyện chăng nhưng không phải.
“Soi vào gương cố tìm nút thứ sáu
Nút thứ bảy, thứ tám, thứ chín
Mở mãi, muốn mở mãi
Mở bầu ngực đêm trong lồng ngực…”.
Tác giả chỉ mượn cái cớ đứng trước gương mở nút áo để nghĩ về điều gì đó thẳm sâu, xa xôi hơn là hình ảnh đang hiện hữu. Một cuộc thăm dò, khám phá bản thể chăng? Năm chiếc nút áo gợi cho ta nghĩ đến cái cơ chế đóng kín mà tác giả muốn cởi bỏ, nhưng chỉ cởi được phần hữu hình, còn phần vô hình vô hạn thì bất lực!
Bài “Những mảnh vỡ” – Đặng Huy Giang, mở đầu:
Đất muốn hoàn nguyên đất
Đâu có giản đơn gì.
Nước muốn hoàn nguyên nước
Đâu có dễ dàng chi…
Anh bỏ qua các “gián cách thẩm mỹ” mà nói trực tiếp nhưng đằng sau hình ảnh trực tiếp ấy ẩn hiện điều gì khác lạ. Bài thơ kết thúc:
Ôi, muôn vàn mảnh vỡ
Tôi muốn hoàn nguyên tôi.
Mong mỏi một điều gì đó mà biết trước bất thành! Kết thúc vẻ như thiếu lạc quan nhưng chưa hẳn. Nhìn chung, kết thúc không đóng chốt mà mở ra nhiều hướng liên tưởng. Trước kia, kết thúc bài thơ không ít trường hợp thường nhắc lại nhấn mạnh điều mà ai cũng biết cả rồi, nay thi pháp mới, mỗi dấu chấm hết của bài thơ lại mở ra chân trời chưa biết.
Ba mươi năm đất nước đổi mới vào đúng thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ, sự chuyển giao hệ thi pháp của thơ Việt có thể tóm tắt:
* Hệ thi pháp cũ: Kể – Tả – Suy luận – Kết thúc đóng (nghiêng về cổ vũ động viên)
* Hệ thi pháp mới: Nghĩ – Cảm – Suy tưởng – Kết thúc mở (nghiêng về chia sẻ nỗi niềm).
Cùng một đối tượng, nhiều người kể – tả có thể có kết quả tương đối giống nhau, nhất là chịu ảnh hưởng “thơ phải chân chân chân thực thực thực” (Xuân Diệu); nhưng nghĩ – cảm thì mỗi người một khác không thể giống nhau được. Hiện thực hiện hữu và hiện thực tâm trạng vừa tương đồng, vừa khác biệt tạo sự nhạy cảm thẩm mỹ, giúp thơ nhìn ra nhiều góc khuất của đời sống, rung cảm tới từng tế vi của tâm tư; hiện thực do đó phong phú, đầy đủ hơn. Hình ảnh, câu chữ tự nhiên, gần gũi; những buồn vui ít giả mà thật nhiều hơn; thơ đến với mọi cảnh ngộ, mọi số phận, an ủi và sẻ chia, nhất là thời hậu chiến, thơ làm vơi đi một giọt nước mắt là một đóng góp thiêng liêng.
Về kết thúc mở, nó có thể mở ra một mơ hồ hoặc hoài nghi. Sự hoài nghi khoa học nhằm thúc đẩy tìm tòi, khám phá là cần thiết, nhưng trước đây thì húy kị. Hệ thi pháp mới mở rộng chiều kích nội hàm thơ: không những phản ánh mà còn phản biện, không những cổ vũ động viên mà còn dự báo; không những nhận thức mà còn thức tỉnh lương tri.
Anh đã từng làm những câu thơ kiêu hãnh
Phản bác Einstein, rằng tình yêu không tương đối.
(Scarlet áo xanh – Trịnh Sơn)
Lục bát là thể thơ thuần Việt, luôn giữ nghiêm chỉnh yếu tố vần, tham gia vào hệ thi pháp mới, tùy tài năng của thi nhân, nó nó có thể hài hòa đậm nhạt giữa truyền thống và hiện đại. Bài“Đồng chiều” của Đỗ Vinh:
Đôi sừng đã chạm cổng làng
Chân còn bì bõm chưa sang khỏi chiều
Cái đuôi sau rốt vòng vèo
Còn vung vẩy nốt chút heo may đồng.
Không gian, thời gian, thực và ảo hòa sắc trong bức tranh chiều quê thật đẹp.
So sánh hệ thi pháp cũ – mới trên đây là nhìn trên bình diện tổng thể khái quát, chứ thực tế thì thì văn bản luôn có sự lồng ghép giao thoa. Một số (rất ít) bài thơ trước đổi mới vẫn có phần nào yếu tố nghĩ – cảm – suy tưởng – kết thúc mở và ngược lại. Hệ thi pháp cũ: thơ cảm nhiều hơn nghĩ; hệ thi pháp mới: thơ nghĩ nhiều hơn cảm; tư duy đi trước cảm xúc do đặc điểm thời đại tác động, ít êm ái trữ tình mà nhiều góc cạnh duy lý, đậm chất đối thoại.
Tài năng là thứ hiếm trong trời đất, và chỉ tài năng mới có thể sáng tạo được mà thôi. Và lao động sáng tạo chỉ có hiệu quả khi không còn cái vòng kim cô của hệ quy phạm nào ràng buộc… Những ý tưởng sâu sắc mới lạ; những hình ảnh, hình tượng lung linh ảo diệu được mặc sức phô bày trong bầu trời tự do, góp nguồn sống và vẻ đẹp cho đời. Hệ thi pháp mới đáp ứng yêu cầu ấy. Đôi khi gặp những cấu trúc thơ khác lạ khó hiểu; theo nhãn quan nghệ thuật mới, cái bí ẩn, khó hiểu (ở mức độ nhất định) làm nên sự hấp dẫn cho thơ.
Nói về tương lai của thơ, trước sự phát triển quá rộng lớn của các lĩnh vực nghe nhìn giải trí, đây đó có cái nhìn bi quan; tôi thấy khác, hãy nhìn vào những người trẻ, họ say mê khám phá sáng tạo thơ ca, đồng thời mang lại không khí dân chủ trong học thuật; nhiều tư tưởng triết học mỹ học tiến bộ đã in dấu ấn trong mỗi tìm tòi thể nghiệm. Họ sớm xác định vị thế bản thể sáng tạo để mong đóng góp những giá trị mới vào cuộc sống. Không ít người đã nhiều phen cháy túi nhưng vẫn đánh cược cả đời mình cho thơ, chỉ có điều đừng quá xa quỹ đạo thơ lạc sang quỹ đạo khác. Một ấn tượng nữa, đó là dũng khí của họ. Họ không sợ số đông không công nhận. Lại nhớ câu nói của Herbert B. Swope: “Tôi không thể cho bạn công thức của thành công, nhưng có thể đưa bạn công thức của thất bại, đó là: cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người”.
Sự chuyển đổi hệ thi pháp đã mang lại cho thơ ca Việt Nam diện mạo tươi tắn tràn đầy sức sống. Tuy nhiên nhiều nhà thơ và bạn đọc chưa quen nên có vẻ như nó còn bị “lép vế” trước loại thơ vần luật nghiêm chỉnh, thậm chí còn bị “đánh”. Điều này cũng là bình thường, cái mới xuất hiện bao giờ chả thế.
TP. Hồ Chí Minh gần ngày Nguyên tiêu 2016
(Báo Văn nghệ số 11-2016) – Nguyễn Vũ Tiềm