Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Bùi Ngọc Phúc.

Gồm các truyện sau:

– Chuyến đò đêm

– Khúc thụy du

– Sắc hoa đào của Đại Việt

Sẽ được phát vào 21h15’ các buổi tối thứ Tư, Năm, Sáu (giờ Việt Nam)

CHUYẾN ĐÒ ĐÊM

Tác giả Bùi Ngọc Phúc

1

Nửa đêm con sông Hoài trở lại vẻ tĩnh lặng thường thấy, những xà lan hút cát đã chuyển đi nơi khác hoạt động, nơi đây chỉ còn ánh trăng soi tỏ xuống dòng nước hiền hoà, thỉnh thoảng có tiếng cá quẫy gần mấy con đò cắm sào sau một ngày chở khách qua sông. Khi tiếng chim lợn đầy ma quái từ cuối làng vọng lại, cộng thêm tiếng mấy con vạc ăn đêm kêu thảm thiết, người thiếu phụ lặng lẽ lấy tấm chăn mỏng đắp cho con trai đang say giấc nồng. Trong màn đêm được soi tỏ bằng ánh trăng mờ ảo, cô nhẹ bước từ bờ sông vào làng, lúc này chỉ còn tiếng gió thổi khiến hàng cây xào xạc, thi thoảng có vài con chuột chạy ngang đường để chui vào hang, triền đê vắng lặng không một bóng người. Sở dĩ cô chọn thời điểm nửa đêm về sáng là có nguyên do, cậu con trai từ lúc sinh ra đã ốm yếu, ngoài việc lo thuốc thang, cụ lang còn khuyên phải mua quả cật lợn về tẩm bổ. Ngay cuối làng có lão Triệu chuyên mổ lợn, do vậy hễ dành dụm được chút tiền, cô sẽ đến mua khi con lợn vừa mổ phanh để được món tươi ngon. Sống trên con đò hết năm này qua năm khác, con trai là động lực để chèo đò bất kể nắng mưa, thậm chí nửa đêm gà gáy có khách gọi cũng chẳng chối từ. Năm xưa khi cô chèo đò đưa người yêu qua sông lên tỉnh, sau bao năm ăn học, người cô yêu đã trở thành kĩ sư canh nông tìm về chốn cũ. Khi chuẩn bị đưa khách qua sông, đứng trên con đò nhìn thấy người xưa, cô chỉ biết nhắc lại câu ca thay lời oán trách:

“Hoa đến kì thì hoa phải nở

Đò đã đầy thì đò phải sang sông…”

Đi dọc triền đê rồi băng qua con đường nhỏ dẫn đến nhà lão Triệu, thiếu phụ biết con đường không quá xa, nhưng phải đi qua nghĩa trang cuối làng nên nhiều người chẳng dám bén mảng. Lúc ngang qua thôn Hạ, người thiếu phụ thấy cụ Vạn dù nửa đêm vẫn ngồi ngoài cửa chải tóc và hát ru à ơi, dù chẳng ai nghe lời ru đó. Đi một quãng xa, nhưng tiếng hát ru của cụ Vạn như bám theo bước chân, đã nhiều lần cô tự hỏi, chồng con cụ đã chết từ lâu, vậy điệu hát ru dành cho ai. Qua thôn Hạ vào đến thôn Thượng, tiếng lách cách bên khung cửi của cô Nhài vẫn vang lên không ngừng nghỉ. Do sang tháng sẽ xuất giá tòng phu, chính vì thế cô Nhài miệt mài dệt vải kịp bán phiên chợ huyện nhằm có thêm lưng vốn khi về nhà chồng. Sở dĩ người thiếu phụ để ý đến hai người đó, bởi họ là khách đi đò chuyến cuối cùng trong ngày của cô. Bao năm chở đò, cô nhớ mặt thuộc tên mọi người từ già đến trẻ, thậm chí cả những lữ khách lạc bước tới bến sông, con đò chở người sống thường xuyên, nhưng lâu lâu cũng chở cả người chết về chôn trong lòng đất mẹ, đó là những người làm ăn xa được quay về nơi chôn nhau cắt rốn. Đứng nép mình sau cây nhãn, người thiếu phụ lặng lẽ quan sát lão Triệu nhấc bổng con lợn 80 cân đặt lên chiếc ghế dài, ngay phía dưới có chiếc thau nhôm to để hứng tiết. Sau khi dùng con dao cắm ngập vào cổ con vật, đợi khi dòng máu chảu xối xả vào thau nhôm đến cạn kiệt, lão đẩy con lợn ra gần chỗ bếp củi có nồi nước đang sôi sùng sục, việc cạo lông rồi xả thịt sẽ được làm không ngơi tay. Trừ những ngày giáp tết, bình thường mỗi đêm lão Triệu giết thịt hai con lợn cho vợ bán chợ làng và con gái bán chợ huyện. Quan sát một lúc, chợt nhớ ra mình quên mang theo tiền, người thiếu phụ đành ngậm ngùi chẳng dám bước vào hỏi mua chịu, mặc dù lão Triệu cùng vợ con là khách đi đò quen.
Khi việc xả thịt, lọc xương hoàn tất, lão Triệu rửa chân tay rồi khoác áo nâu sồng ngồi gõ mõ, tụng kinh ở ngôi miếu xây trong vườn nhà. Có lẽ sợ dính nghiệp sát sinh quá nặng, bởi thế khi buông dao là tiếng mõ hoà cùng tiếng kinh vang lên. Chẳng hiểu sao người thiếu phụ lại thấy vấn vương tiếng kinh cầu, cô thấy lòng nhẹ bẫng và an yên đến lạ, duy có điều tiếng gõ mõ của kẻ vừa sát sinh nghe vẫn nặng như tiếng dao thớt vậy. Lúc tiếng gà gáy đầu tiên từ giữa làng vang lên kéo theo tiếng gáy dường như bất tận qua ba thôn của lũ gà, người thiếu phụ lặng lẽ quay về con đò trước khi trời hửng sáng.

2

Cơn mưa rào kéo dài từ chập tối đến nửa đêm thì tạm ngừng, nước sông dâng cao và chảy xiết khiến con đò tròng trành giữa dòng nước. Lúc này ở bãi ngô gần đó vang vọng bản hoà ca của lũ ếch khi bắt đầu cuộc giao hoan, cộng thêm tiếng côn trùng khiến màn đêm không còn yên tĩnh. Vẫn như nhiều đêm trước, ngay khi tiếng chim lợn từ trong làng vọng lại, người thiếu phụ đắp tấm chăn cho con trai rồi lặng lẽ bước lên bờ. Trận mưa khiến những vạt cỏ ướt sũng, cô mò mẫm đi trong màn đêm tối mịt mù, bởi ánh trăng đã bị đám mây đen che khuất. Được ngày mát trời nên nhiều nhà trong làng đã tắt đèn lên giường từ chập tối, chỉ còn mấy con chó ngồi nép dưới hiên nhà rồi sủa hóng khi thấy bóng người qua lại. Đêm khuya là vậy, nhưng lúc ngang qua nhà cụ Vạn, người thiếu phụ thấy bà cụ ngồi tựa cửa đang bỏm bẻm nhai trầu. Có lẽ nỗi cô đơn của người già không nơi nương tựa khiến cụ chẳng đêm nào ngon giấc, hoặc cụ thích làm bạn cùng màn đêm vì ghét sự ồn ào, đó là cô đoán vậy. Khi tới nghĩa trang của làng, sau trận mưa khiến nước ngập đến đầu gối nên nhiều người soi đèn lội bì bõm. Họ đi sang cát cho người thân nên chọn thời điểm này là thích hợp, mọi việc sẽ phải hoàn tất trước khi ánh bình minh ló rạng, dù đông người cầm đèn và soi đuốc, nhưng không vì thế khung cảnh ở nghĩa trang bớt thê lương. Không còn kẽo kẹt thoi đưa bên khung cửi, dưới ánh trăng khi mờ, khi tỏ, cô Nhài phơi quần áo ngoài sân dù trời có thể đổ mưa bất kể lúc nào.

Do đến muộn, người thiếu phụ đi từ xa đã nghe thấy tiếng gõ mõ tụng kinh, việc giết mổ mấy con lợn xong từ lâu. Chưa biết nên quay về hay nán lại nghe lão Triệu ngồi ê a tụng kinh, bởi giờ này chùa làng chưa đến giờ thỉnh chuông. Trong màn đêm giá lạnh, người thiếu phụ hoảng hốt khi thấy một bóng đen lầm lũi tiến lại ngôi miếu, chỉ cần nhìn dáng điệu lấm lét cùng con dao cầm trên tay của gã đó, cô biết lão Triệu lành ít dữ nhiều nhưng chẳng dám kêu. Lưỡi dao vung lên, tiếng mõ vụt tắt, lão Triệu nằm vật xuống còn máu ở cổ phun mạnh như con lợn bị chọc tiết, mọi việc diễn ra quá nhanh còn hung thủ sau khi cuỗm đồ liền mất hút. Chính màn đêm đã che giấu tội ác, người thiếu phụ vô tình trở thành nhân chứng của vụ án mạng. Đang hoang mang không biết phải làm gì, bất ngờ tiếng lão Triệu ôn tồn nói:

– Thôi cô về bến sông đi, chắc hôm nay hai mẹ con sẽ được siêu thoát.

Hết nhìn xác lão Triệu nằm gục trong vũng máu, người thiếu phụ lại nhìn lão Triệu đứng cạnh mình, cô chẳng thể thốt nên lời vì quá đỗi bất ngờ. Tiếng lão Triệu buồn bã cho biết, giờ đây lão và cô đều là những hồn ma vất vưởng nên chẳng cần ngại. Dù sao sống mãi nơi cõi tạm với lão quá đủ rồi, đến lúc đi gặp và đoàn tụ cùng vợ con, không giống như cô hay nhiều người, nơi này chẳng còn gì khiến lão phải lưu luyến. Chỉ tay về phía trước, người thiếu phụ nói không thành tiếng:

– Chẳng phải vợ và con gái ông sáng nào cũng chở thịt lợn đi bán đó sao?

Chỉ tay về phía con đò cắm sào nơi bờ sông, lão Triệu cho biết, trong một lần chở khách qua sông, con đò nhỏ bị đắm khiến mẹ con cô cùng mấy người trên đó đều thiệt mạng. Trong số những nạn nhân đó có vợ và con gái lão, kể từ đó lão bỏ nghề sát sinh thành tâm hướng Phật. Hàng đêm cô nhìn thấy lão thịt lợn để vợ con đem bán là hình ảnh của quá khứ, kì thực lão đã tự xây miếu và ngồi gõ mõ tụng kinh từ lâu rồi. Thấy người thiếu phụ lộ vẻ hoang mang, lão Triệu thở dài rồi giải thích, do chưa có ai làm lễ bắc cầu, bởi thế hồn ma của hai mẹ con cô chẳng thể lên bờ và siêu thoát, cả hồn ma bà cụ Vạn lẫn con bé Nhài, tất cả còn vấn vương nơi trần thế. Không tin lời lão Triệu, người thiếu phụ quay đầu chạy về bến sông, cô biết con trai mình còn say giấc nồng. Thằng bé là tất cả, cô phải sống để chứng kiến con mình khôn lớn, rồi sau này lúc cô về già không chèo đò chở khách, cô sẽ chăm cháu để vợ chồng người con trai yên tâm làm việc. Trong đời mỗi con người đều có một giấc mơ, với cô sự khôn lớn và khoẻ mạnh của con trai, đó chính là giấc mơ lớn nhất nên chẳng thể vì lời nói của lão Triệu mà biến thành hồn ma được.

3

Khi cách con đò vài bước chân, cô nhìn thấy con trai từ giữa sông đang đi trên một chiếc cầu bằng dải lụa bạch, ở trên bờ có một vị bồ tát cầm tích trượng đứng đợi. Lần đầu tiên sau nhiều năm, cậu con trai cất tiếng gọi mẹ rốt rít như sợ lỡ chuyến đò đêm, khi bước nhẹ lên cầu lụa bạch, người thiếu phụ gặp bà cụ Vạn, cô Nhài cùng vợ con lão Triệu. Tất cả hành khách trên chuyến đò định mệnh đều thành kính chắp tay bước trên dải lụa, họ tiến về phía Địa Tạng Vương Bồ Tát. Lúc này chẳng còn tiếng chim lợn hay tiếng gió thổi, từ trên không trung vọng lại tiếng kinh nguyện cầu dẫn lối cho những hồn ma vất vưởng:

“Phật Pháp rộng sâu rất nhiệm mầu

Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu

Nay con nghe được chuyên trì tụng

Nguyện rõ Như Lai nghĩa nhiệm mầu

Nam Mô U Minh Giáo Chủ hoằng nguyện độ sanh:

Địa ngục vị không thệ bất thành Phật

Chúng sanh đồ tận phương chứng Bồ Đề

Đại Bi Đại Nguyện Đại Thánh Đại Từ, Bổn Tôn Địa Tạng Bồ Tát

Đại Bi Đại Nguyện Đại Thánh Đại Từ, Bổn Tôn Địa Tạng Bồ Tát

Đại Bi Đại Nguyện Đại Thánh Đại Từ, Bổn Tôn Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát
—-
Ngày mùng một, tháng hai, năm Quý Mão

Exit mobile version