Nhà văn Vũ Thảo Ngọc thuộc thế hệ 6X, chị tốt nghiệp khóa VI Trường Viết văn Nguyễn Du. Hiện đang công tác tại Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam. Chị viết nhiều thể loại: thơ, bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, thiếu nhi… và đã xuất bản hơn 10 đầu sách. VanVN.Net trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc hai truyện ngắn của nhà văn Vũ Thảo Ngọc mới sáng tác trong thời gian gần đây…

Nhà văn Vũ Thảo Ngọc

Chuyện đàn bà

 

 

Tôi về cơ quan mới sau sáu lần chuyển. Nhìn căn phòng tòan đàn bà. Ngại và ngán cái cảnh này. Trời, đi đâu cũng gặp đàn bà. Hai chị và một chú vịt thành cái chợ, đằng này lại tới năm chị.

Người đầu tiên ngẩng mặt lên chào tôi là mặt mộc già câng hất hàm:

– Này, tuổi gì?

– Dạ..

– Dịu quá, cứ thả phanh đi, nhiều xưng chị, ít xưng em.

Tôi ấp úng, nghe cứ như câu chuyện ở trại tù nào đó. Giang hồ tự phân ngôi. Một cô tóc tém, mặt vuông bảo:

– Hừm, lại thêm đàn bà.

Cô tóc dài mượt, có đôi mày xếch đen nháy, đá vào:

– Thêm một câu chuyện hay

Cô gầy xương như lá lúa khô, có đôi kính cận che hết khuôn mặt nhiều khiếm khuyết, giọng thủng thẳng:

– Thường thôi, nhan sắc trung bình, học vấn trung bình.

Cô cuối cùng tròn ủng như củ khoai tây, da trắng bóc, mắt to như ốc nhồi cất giọng lớn:

– Hahaha, lục cô một phòng chắc sẽ có nhiều kỳ cục đây, hahaha

Tôi được chào đón bằng những ngôn ngữ chỉ có giời mới hiểu. Nếu sinh viên mới ra trường chắc vác ba lô về vội. May mình được rèn luyện từ năm cơ quan cũ.

Ngày hôm sau, tôi được cô mặt già câng có tên Lâm An gọi vào giao việc:

– Này, Tố Loan, cậu được giao chăm sóc trang kinh tế nhé. Đi với Mẫn béo nó hướng dẫn cho.

– Vâng ạ, cảm ơn chị.

– Vâng dạ gì, bám nhau mà làm cho tốt, đừng để lỗ hổng là được. Làm báo lại là báo đàn bà, cậu cố mà làm cho ngon. Đừng có chạy việc nhiều nữa. Đàn bà thì cố mà giữ giá, giữ danh.

Tôi chột dạ. Chị ta biết về mình nhiều thế nhỉ.

Mẫn béo cười phơ phớ bảo tôi:

– Cậu tớ cho “mải thoái” nhé, mình không thích xưng chị, em làm gì, việc đó nghe cứ quê quê thế nào. Hơn nhau vài tuổi cậu tớ cho nó…lành!

– Ừ, cảm ơn cậu đã giúp tôi.

– Vớ vẩn, giúp giập gì, công việc, ở đâu chẳng vậy. Làm đi rồi khắc biết.

Tôi nhẹ lòng. Ngại nhất cơ quan tòan đàn bà, cái ngại nhất lại xảy đến đúng như mình nghĩ. Mà không hiểu sao bây giờ tòan đàn bà làm báo. Đủ các mặt báo, đâu đâu cũng thấy đám đàn bà mặt khô, chân gân, dạng như Mẫn béo thì ít. Nhìn cô nào, cô nấy đều có ba vòng loại thấp. Phòng có sáu thì bốn cô đã có chồng, chỉ có tôi và Mẫn béo là chưa. Mẫn cười tưng tưng:

– Mẹ kiếp, đàn ông là cái chất gì mà đàn bà phải bám vào cậu nhỉ, tớ là tớ không thích, thế thôi, đơn giản là tớ chỉ thích…tớ thôi.

– Khiếp,cậu nói thế thật à? Tớ đang bị mọi người nói là…bà cô già rồi đây này.

– Mặc kệ họ. Cậu đúng là khắc tinh của tớ rồi.

– Nhưng, các cụ bảo, gái lớn phải lấy chồng giai lớn…

– Ui dào ơi, mẹ trẻ ơi, sao lại đi răn dạy con như thế?

– Thế …thế thì thôi, tớ không nói nữa, nếu cậu không thích.

– Yes. I don’t know…

– Ơ?

– Ô, nón gì, tớ đã đi làm thuê cho tây mấy năm, quen mồm thôi, chẳng có sao đâu. Có thằng tây nói thích tớ lắm, tớ bảo, mày thích là việc của mày, tao nâu nâu mày. Hahaha…

Tôi thấy mến cô Mẫn béo, có cái gì đó, chân thành và dễ gần gũi, tuy nhiên cái tính bỗ bã của cô làm người ta hay sợ. Thế là trong năm cô, ngòai trưởng phòng và Mẫn béo tôi yên tâm qua màn giao đãi ban đầu. Còn ba nàng kia thì cứ ra vào nguýt tôi. Nhất là mụ tóc dài.

Nàng tóc dài tên đầy đủ là Nguyễn Thị Khuyên, nhưng không hiểu từ khi nào nàng đổi thành tên là Mai Khuyên rồi thành ra là Mai Uyên, nghe như một cái tên của  một ngôi sao màn bạc nào đó. Ít ai biết tên cúng cơm của nàng, nếu ai đọc đúng tên cúng cơm là nàng cau mặt lại ngay. Chồng nàng là một vị quan cấp phó sở gì đó. Nghe nói sở đó cũng óach lắm nên lắm bổng lộc… Nàng đi đâu cũng chỉ muốn mình làm nữ hoàng. Khổ nỗi, thân hình nàng ngày một phì ra. Nghe nói thời còn đói, còn nghèo, chưa phong lưu như bây giờ, nàng gầy nhẳng như cây nêu ở quê. Chỉ nhõn bộ tóc cứ dài xanh mượt, người làng bảo nàng gầy vì ăn bao nhiêu chỉ để nuôi tóc. Cùng trang lứa ở quê đứa thì lấy chồng ngay sau khi họ cấp ba trường trường huyện, thậm chí có đứa chỉ học hết bậc trung học cơ sở, nghỉ ở nhà làm lụng vài năm cũng lấy chồng. Đám thông minh thì đi học trường này, trường kia. Nàng học dốt. Vì thế, bố nàng nhờ cái chân viên chức cơ quan cấp huyện nên đã xin cho nàng vào trực trạm bơm nước của huyện. Chính ở cái trạm bơm đó nàng đã chộp được chồng nàng bây giờ. Có người bảo duyên số, có người nói con Khuyên lừa đảo thì có. Thằng kỹ sư thủy lợi vừa giỏi giang vừa đẹp giai sao lại bị cái con cá ngão ấy mua chuộc nhanh thế. Rồi nàng rời quê theo chồng lên tỉnh, nhờ sự láu cá, nàng nhanh chóng đi học lớp tại chức đại học. Gặp thời buổi bằng cấp. Cái bằng học nửa buổi, nửa buổi về cho con bú rồi cũng xong và lại được việc. Khi nàng có bằng đại học tại chức cũng là lúc chồng nàng được cất nhấc từ phó phòng lên trưởng phòng. Đương nhiên nàng được đưa vào biên chế chân kế tóan cơ quan văn phòng thị xã. Tóc nàng vẫn dài. Nàng luôn tự hào về điều đó. Có mấy nàng trẻ xoắn xuýt hỏi bí kíp lấy chồng của nàng ra sao. Những lúc như thế, bao giờ nàng cũng hất món tóc dài về đằng trước đôi mắt biết nói ý rằng, cái bím tóc đôi sam của tôi đã quấn chặt đời anh ý với tôi đó. Nàng tự tin và hả hê lắm. Ban đầu ai cũng khen nàng khéo chiều chồng, khéo giữ chồng, lại biết chăm con. Nàng cũng vô cùng hãnh diện. Nàng coi như đó niềm tự hào hiếm có ai đạt được như nàng. Rồi đến khi chồng nàng về cơ quan cấp ngang bộ. Nàng khăn gói lên kinh thành như muôn người khác. Nhưng thị xã bé nhỏ vẫn còn sinh họat kiểu làng xã, lên thành phố hàng ngày phải gặp biết bao những con người to lớn mà ở dưới tỉnh nàng chỉ xem qua…tivi. Nàng thấy hốt. Thấy nhớ cái chốn thị xã bé nhỏ thân thương. Nhưng rồi vẫn phải quen. Nàng được bố trí chân văn thư của văn phòng bộ. Nàng từ tỉnh lên, già nhất bọn, so ra dung nhan nàng kém, học hành kém, đến nỗi nghe bọn trẻ kháo nhau đi Trung Quốc để xem Vạn lý trường thành ra sao, nàng sợ mình lạc hậu bèn chen vào một câu cho bọn trẻ biết thế nào là trí tuệ. Nàng sõng sượt:

– Các em biết không, nếu đến Trung Quốc nên đến thăm Cố cung, người Pháp xây dựng đấy, anh nhà chị đến rồi, về kể, đẹp tuỵệt.

Nàng nói xong lướt ánh mắt xem bọn trẻ có thán phục mình không. Nhưng tịnh không một tiếng động. Những cặp môi như chúm lại, con ranh có tên Lan Anh láu cá bật cười tay thì che miệng, rồi hố hố như gào lên:

– Ui ui, lạy mẹ nào hôm nay ăn gì mà thượng tiện nặng mùi quá.

Thế là ba đứa còn lại rũ rượi ra cười. Nàng ngớ người. Một lát nàng bèn cười theo. Cũng ha hả. Cũng lắc lư. Đám trẻ không hiểu nàng có biết chúng cười nàng không nhỉ?

Rồi, cho đến một hôm, nàng được đi dã ngoại nhân ngày mồng 8 tháng 3, tất nhiên trong cơ quan không phải ai cũng là phu nhân. Trong đoàn cũng có một vài phu nhân như nàng. Nhưng do họ có điều kiện ăn học hơn, hoặc do họ đã thạo chốn đông người hơn họ đã làm đẹp mặt chồng họ bằng nhiều cách. Người nhờ bạn bên cạnh bật cái điện thoại nói rằng ông chồng chị Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á đang ở nước ngoài, gửi lời chúc tới các chị luôn đẹp như những đóa hồng Đà Lạt. Người thì tự giới thiệu, chồng tôi, Vụ trưởng X gửi tới các chị Lẵng hoa nhân 8 tháng ba, vì anh đi công tác sáng nay không thể có mặt cùng các chị được. Nàng thấy chả lẽ mình kém, bèn bật dậy, níu micro và cất giọng ồ ồ: tôi thay anh  Xuân chồng tôi gửi tới các chị lời chúc và một lẵng hoa nhân ngày đẹp hôm nay của chị em ta. Tất nhiên vỗ tay, nhưng cả bàn tiệc đều lắc đầu, sao lại “tôi là vợ anh Xuân” – dù ai cũng biết anh ấy là Vụ trưởng Vụ Châu Âu, buồn cười ghê. Nhưng nàng thì xem ra hỉ hả. Nàng ngồi xuống, nét mặt còn hừng lên bao nhiêu là hãnh diện.

Tháng năm cứ qua đi như lẽ tự nhiên. Nàng về làm kế tóan ở cơ quan tạp chí bộ nên tôi mới có dịp gặp nàng. Cuộc đời thật cứ khéo sắp đặt. Mà cái nghề kế tóan ở đâu cũng bóp hầu bóp cổ người ta được. Ở đâu cũng cậy quyền uy ra được. Khổ nỗi có mấy đồng nhuận bút vượt định mức, nàng Mai Uyên luôn hành tỏi mấy đứa. Nếu không “thò” cái gì ra, số này còn lâu mới có nhuận bút nhé. Thế là bỗng dưng cái quyền uy vô lý đó cứ dựng lên trước mặt đám phóng viên “thợ cày”. Mai Uyên luôn thắng, dù con Mẫn béo có bổ ngang, bổ dọc với cái giọng bất cần ai thì cuối cùng cũng phải dịu giọng: em xin chị, lần sau chị lại tạo điều kiện cho bọn em nhờ. Chị càng ngày càng xinh ra, ông anh em càng ngày càng vượng. Chị ạ, ông anh em nhờ hồng phúc số quý nhân của chị mà nên đấy. Chị biết không. Mày chỉ giỏi lý số. Mai Uyên lườm mát con Mẫn béo, rồi cuối cùng con Mẫn béo cũng… lừa được Mai Uyên cái phỏm lý số giời ơi kia. Sau việc đó, Mai Uyên trở nên dễ tính và xởi lởi với cánh tôi ra phết.

Mai Uyên có bồ. Tin giật gân nhất trong ngày. Tiếng to, tiếng nhỏ, thì thầm, nghe đâu thằng lái xe cơ quan đang tán tỉnh nàng. Tay này đẹp trai hơn tay Rét-bất-lơ trong phim Cuốn theo chiều gió. Hắn có duyên tán gái, mà không tán ai lại tán chính nàng Mai Uyên, mà nàng lại gật mới là hay. Mấy đứa thì thầm, dạo này Mai Uyên lột xác hẳn, hai bắp chân to như cái ống mạ nhà quê, luôn được hở dưới những bộ váy ngắn cũn cỡn mà ở tuổi nàng chẳng ai người ta dám mặc nữa, hoặc có hôm nàng làm dáng bằng một bộ đồ thật “teen” sơ vin ống lửng, hoặc sặc sỡ như cánh trẻ đi chơi biển. Bọn cơ quan được phen tha hồ bình phẩm. Nhưng hồi kết của món cặp bồ thì chưa đứa nào biết. Cả bọn chỉ nhờ con Mẫn béo mới xem việc này ra sao. Xem ra ông chồng có chức vụ trưởng hoành tráng lại không bằng chàng lái xe ư?  Một tuần, rồi một tháng trôi qua. Mẫn béo vẫn im như thóc. Nàng Mai Uuyên vẫn tươi tắn như trước. Ngày xưa nàng không đi cà phê sáng bao giờ, nhưng bây giờ thì thường xuyên ở quán cóc đó, đương nhiên có chàng lái xe. Cho đến khi Mẫn béo mang thông tin về, nàng giở giói tái xuân, nàng bảo, hoa lá bướm ong một tẹo cho vui, chứ ông xã thì vẫn là…ông xã. Mẫn béo hỏi, chị không sợ anh phát hiện ra à. Không, anh chẳng có thời gian để ý một ngày làm việc mình đến cơ quan làm gì, ăn với ai và…ngủ với ai! Kinh chưa, chị Mai Uyên nhà ta đổi mới tư duy tợn.

Câu chuyện chưa ngã ngũ thì chủ nhật trước, trong chuyến công tác kiểm tra giám sát gì đó ở mạn biển, khi thuyền lật, ông xã Mai Uyên và cô thư ký trẻ – hai người còn bám chặt nhau dập dềnh cùng sóng biển, may được cứu kịp thời. Thứ hai đi làm Mai Uyên cố giữ sự bình thản. Nhưng cả phòng đều biết, chắc nàng muốn độn thổ mà không được.

Tin nhắn cứu rỗi

Anh yêu em, anh yêu em, anh yêu em…

Anh phát điên vì em rồi đấy, sao em im lặng, sao em không trả lời…em không trả lời là em giết anh đó. Sợ gì, trả lời luôn, anh chết em sẽ…làm đám cho anh. Hắn cũng không vừa, em làm đám cho anh em phải để tang anh. Trời, botay.com. Diệu bị “khóa” miệng từ lúc đó. Thôi, âu cũng là định mệnh, mình cứ nhẹ nhàng để hắn đỡ căng thẳng và điên khùng. Đó là cách tốt nhất để “thoát hiểm” khỏi con người chưa quen biết này.

Số là trong một lần vui vẻ ở quán café phố cổ, nhóm bạn từ phía Nam ra đã nhếu nháo nhau, làm mối cho Diệu một anh chàng đi khi Diệu phát rồ vì ai cũng nhắc bị …chống ề. Một tên trong bọn nói:

– Cứ mai mối cho tay K. trong thành phố đi, hắn được đấy, ly hôn vợ 5 năm rồi mà cứ lang thang hoài, mẹ Diệu lấy hắn để ghìm con ngựa hoang ấy lại…

– Mẹ kiếp…Diệu xì tục

Một giọng khác chen vào

– Ly hôn nhưng còn hơn chán vạn kẻ chưa có hôn nhân mà sống buông thả, thà chấp nhận như thế có khi lại hay, tay K cũng lớn tuổi, sẽ chiều mày hết lời đó Diệu ơi.

– Đồ điên, chúng mày điên hết rồi.

Cả bọn cười lắc lư. Tiêng đứa nào đó châm chọc

– Người ta lấy chồng, bỏ chồng đến mấy lần, mình chưa lấy được thằng nào còn giả bộ…danh giá.

Cười. Lại cười, những tràng cười tung tóe.

Bao giờ cũng thế, nhóm của Diệu thường tụ tập khi có một ai trong nhóm đi công tác ngoài Hà Nội hoặc ngược lại các tỉnh thành khác nếu có một trong những đứa cùng cái ổ sinh viên nát nhàu bốn năm ở trường văn. Lần này là liên hoan phát thanh toàn quốc, mấy đứa dân phát thanh đều có mặt thế là tụ tập. Tụ đầu tuần, tụ cuối tuần khi có đứa trong nhóm ăn giải vàng, giải bạc, rồi giải tán. Làm thơ vấn vít nhớ Hà Nội mùa sấu vừa chín. Nhớ những con đường ngày xưa đi bộ để tìm cảm hứng viết tiểu luận. Những bài thơ chưa viết xong, đứa theo đường hàng không, đứa theo tàu hỏa, xe hơi cuốn theo chiều gió mà đi. Bọn chúng đi như bỏ lại mình Diệu cô đơn giữa thành phố sôi động, người người, ngày ngày đi qua trước mặt mà không có người nào thuộc về…mình. Nhiều lúc Diệu đã bật khóc vì nhớ, không biết nhớ gì. Chỉ lãng đãng những gương mặt đã quen rồi mất hút trong dòng đời tuôn chảy. Một tên trung úy non choẹt, một tên kỹ sư tin học phong độ, một tên nhà báo yếu đuối…hình như chỉ làm cho Diệu thêm thắt ruột. Người đến, người đi, không để lại dấu ấn cho Diệu. Tất cả chỉ như một giấc mơ. Ngày lại ngày, năm lại năm, vẫn hồn nhiên tụ tập bạn bè. Buồn đi siêu thị mua sách, nhưng mua về không đọc vì đọc thì cũng…chẳng để làm gì. Buồn, lang thang đến những con đường xưa đã từng sóng đôi với một trong những chàng của ngày xưa. Lòng chộn rộn, rối tung, buồn thương lẫn lộn, vẫn ước có một cái gì riêng riêng. Buồn đi mua váy áo hàng hiệu chỉ mặc thử ở đó rồi về bỏ đó luôn không còn cảm xúc mặc nữa, nghĩ, mặc thì cho ai ngắm. Buồn và buồn triền miên.

Giờ, những tin nhắn như thiêu đốt, như làm Diệu lên cơn sốt, những dòng chữ khi có dấu, khi không dấu như ma lực cuốn Diệu vào những mê cung vời vợi yêu thương. Diệu nghĩ, con người này thật lạ, sao thông minh mẫn tiệp thế mà lại bị…vợ bỏ. Trời, cứ đọc dòng tin nhắn của hắn mà thương “Anh đã mất tất cả vì tình yêu, giờ anh phải yêu em bằng được,  em đừng từ chối, đừng từ chối, hãy thương anh, anh xin em đó. Anh đã từng sợ…người, nhưng giờ biết em nhân hậu thế này, nhất định anh sẽ, anh thề, anh sẽ bắt đầu từ đầu, dù anh đã đi quá nửa đời người, chỉ cần có em ở phía đó chờ anh, mong anh, cho anh những động viên hàng ngày. Anh hứa sẽ xuất hiện trước em với đầy đủ tư cách của một CON NGƯỜI, em yêu ạ”. Diệu tối mặt, tối mũi vì những tin nhắn đó, khiến có lúc cô muốn ngạt thở vì những tin nhắn đầy ma lực với những con chữ thương yêu vô bờ. Dù Diệu đã viện ra đủ cớ để cách xa, nhưng hắn chẳng hề dao động. Dù Diệu đã nói, mình không ảnh, không hình, không một cái gì cả, căn cứ vào đâu mà anh nói từ yêu nhạt toẹt như thế được. Nhưng hắn nói như đinh đóng cột, anh có linh cảm anh là của riêng em, và em là của riêng anh, và anh không chịu đầu hàng đầu. Anh yêu em. Điệp khúc đó cứ liên tiếp đổ vào máy làm lòng Diệu có là đá tảng thì cũng phải mềm. Hàng ngày, hàng đêm, những tin nhắn một chiều cứ đổ dồn vào máy Diệu. Cô chẳng biết có chống chọi nổi những cơn bão tin nhắn đó không, nhưng vẫn cố gượng gạo để dưa lê, dưa leo với hắn. Vì hắn đã chạm đến lòng trắc ẩn của cô, như moi ruột gan cô, làm sao lòng cô không thể run rẩy. Dù đồng nghiệp vẫn nói, cô là một nhà báo nữ nhưng nam tính nhiều hơn, dù cô biết, cô cũng yếu mềm lắm, cũng đa mang, đa sầu, đa cảm lắm… Nhưng cô lý luận, khi người ta chưa có bờ vai nào để tựa thì nhất định phải xù lông lên để chống đỡ, dù chẳng biết chống gì…

Nấn ná một thời gian dài thì cả hai đều “biết nhau” qua văn tin nhắn mà thôi. Trái tim cô đã thổn thức và co rúm lại và thương nhớ, và  mong đợi về con người kỳ dị kia. Hắn nói hắn sẽ bay ra để gặp cô, sẽ mang một trăm quả cau héo ra để làm lễ ăn hỏi cô. Diệu bật cười, cô nhắn đùa và hắn còn hài hước hơn cô. Cô đã đọc cho hắn nghe theo lời hát Trống quân thuở xưa: Em là con gái nhà giàu/ Mẹ cha thách cưới ra màu thanh cao/ Cưới em trăm tấm lụa đào/ Một trăm hòn ngọc, ngàn sao trên trời/ Tráp trầu đủ cả trăm đôi/ Ống vôi bằng bạc, chìa vôi bằng vàng… Em khoe em đẹp hơn sao/ Để anh lận đận đi vào thương yêu/ Mẹ em thách cưới cho nhiều/ Để xem anh nghèo có cưới được không. Hắn nghe xong thì cười khùng khục đọc luôn: Cưới em anh có trăm voi/ trăm quả cau héo anh neo em về… Túm lại, hắn vui hơn hôm đầu mới quen Diệu, vì qua tin đi, tin lại, qua những cuộc điện thoại ngắn dài, Diệu biết hắn rất buồn, buồn và đau khi bị vợ phũ. Tài sản về tay vợ hết. Hắn ví vợ hắn như mụ Võ hậu đời Tần, đời Hán gì đó, khủng khiếp lắm, và hắn đã suýt phải vô tù một năm nhưng may mà được hưởng án treo vì hắn nhờ cậy được bạn bè đền bù thiệt hại nên hắn được tại ngoại nhưng công ty về tay người khác, về chính thằng bồ của vợ! Cay đắng và khốn nạn. Đang là một doanh nhân thành đạt, tương lai sáng rỡ với một vợ đẹp làm bác sĩ, hai con trai thông minh, học giỏi, vậy mà giờ hắn tay trắng. Giọng hắn nhẹ bẫng, nhưng chứa đựng trong đó cả ngàn nỗi uất ức không trút đi đâu được. Lúc Diệu nghe hắn “tường thuật cuộc đời” như thế, cô đã té tát “mắng” hắn sao anh dại thế, anh nhẹ dạ thế, đàn ông gì mà giọng điệu cứ nhẹ tênh như…đi tán gái để vợ nó lừa cho mới thấy trắng mắt ra thì hết cuộc đời rồi còn gì. Hắn xung lên bảo: em quá đáng, giời cho anh giọng nói thế làm sao anh thay đổi được. Ui chao, cái giọng nhẹ bẫng đó như ném vào lòng Diệu những day dứt khôn nguôi. Cô thấy mình thật vô lý đi mắng người ta. Hắn có là gì của mình đâu cơ chứ, tự dưng lại quàng hắn vào mình, rõ hâm thật. Nhưng Diệu thấy xót xa cho hắn, mà hình như là cho mình, vì rằng, mình đã cô đơn trống trải thì chỉ là một nhẽ, nhưng  như hắn đã cô đơn lại còn mang theo vết thương lòng sâu thẳm, khó mà làm cho nó lành. Tặc lưỡi, thôi, mình cứ làm “một điểm tựa” cho hắn về tinh thần, biết đâu có ngày hắn khá lên, cũng là cứu rỗi một con người khi người ta vào cơn bức bách mới cần đến mình, mà người ta có cần mình nhiều nhặn gì, ngoài mấy cái tin nhắn vô thưởng, vô phạt kia. Cái số mình nó hẩm hiu vậy đó. Gặp người chả gặp toàn gặp quỷ, gặp ma. Diệu tự thấy xót xa cho mình, thương cảm cho mình và cứ lặng lẽ nhắn tin, gọi điện động viên hắn. Diệu nghĩ, rồi hắn sẽ qua khỏi, cơn bạo bệnh khủng hoảng tinh thần sẽ qua, hắn sẽ bình tâm trở lại và sẽ có một cuộc sống mới tốt đẹp. Hắn nhớ tới mình thì tốt mà không nhớ tới mình thì cũng mặc. Coi như hàng ngày mình làm xong chuyên mục Tâm giao của báo nhà.

Thời gian trôi như những đám mây ngày bão. Cuộc điện thoại bất ngờ của một ai đó giọng miền trong:

– Chị à, chị có phải vợ anh K không, trời ơi, anh ý bị cấp cứu trong bệnh viện, nguy hiểm đến tính mạng lắm chị ơi, chị ở đâu thì về ngay buồng bệnh sô, đường, thành phố…nhé. Vâng, vâng, chào chị.

Diệu thót tim. Đầu óc như hóa điên. Chao ơi, sao số điện thoại của mình lại ra là “vợ anh K”. Cô bồn chồn, chạy ra, chạy vào và hộc tốc alo hãng vé máy bay. Cô đi như bị thôi miên, như bị một ngọn gió ma quái nào đó hút đi. Vút cái đã qua khoảng không đầy nắng để rơi tõm xuống một biển người mênh mông. Diệu bồng bềnh trên xe taxi trên đường tới bệnh viện. Cô như chẳng thể nói được, cứ chìa địa chỉ cho cậu taxi trẻ tuổi đưa đi. Tới cổng bệnh viện cô còn chưa biết bắt đầu thế nào. Nhưng rồi như có một luồng gió khác hút cô đi tiếp. Hành lang bệnh viện rầm rầm rập người, có ai mình quen đâu. Đây, buồng số, khoa cấp cứu. Diệu đang ngơ ngác trước phòng bệnh số 402 thì cô y tá đang nắn lại đoạn dây truyền nước gì đó quay ra bảo:

– Chị hả, anh K nằm đây này chị, anh mong chị quá trời. Chị vào đây.

– Dạ, à, mình là…

– Anh nói rồi, chị tới em biết liền à.

Cô y tá nói rồi như cái bóng đi ra khỏi phòng lúc nào không hay. Diệu thảng thốt, Diệu bối rối, nét mặt đỏ tưng. Không hiểu sao bàn tay Diệu đã cầm lấy bàn tay người bệnh. Cô thốt lên:

– Anh

– Em

Hắn nằm đó, khuôn mặt gầy guộc xanh tái nhưng như hừng lên những niềm vui vô bờ. Diệu cầm bàn tay hắn, rồi cứ thế khóc òa. Giọng Diệu không còn chanh chua, chao chát như khi nhắn tin để hòng “chặn” hắn lại, mà rất dịu dàng:

– Anh, em có lỗi không, em không tin anh lại rơi vào tình trạng thế này. Giá như, giá như…

– Anh mới là người có lỗi, vì anh tin em là người tốt, người sẽ giúp anh có điểm tựa tinh thần để anh vượt qua mọi khó khăn, để anh thực hiện quết tâm làm lại từ đầu, lấy lại những gì đã mất, nhưng thực tình anh không vượt qua nổi, anh quá mệt mỏi và hao kiệt vì anh cố làm lụng để có thể đủ điều kiện bay ra trình diện em. Nhưng, anh quỵ rồi, anh xin lỗi em, ngàn lần xin lỗi em.

– Trời ơi, sao anh lại cố vì em để tàn sức thế này ư. Không. Diệu như hét lên, rồi cô lau nước mắt và nói tiếp – Anh không được đầu hàng số phận khi đã có em ở bên. Anh hứa với em đi.

– Anh hứa – Nét mặt anh đang xanh xao mà ngời lên hạnh phúc…

Diệu như qua một cơn mộng du dài chưa từng thấy trong cuộc đời. Ngoài khung cửa sổ tầng tư bệnh viện, những vòm cây như xanh hơn, lốm đốm những chùm quả trứng cá hồng rực lên một nỗi đam mê…

Hà nội, 21/6/2012