Truyện ngắn của VÕ THỊ XUÂN HÀ
Phần Ba
Biển sóng dạt dào
Trùng dương lớp lớp trôi đi về phương nao…
– Bài hát Bến Thượng Hải –
Nhà văn VÕ THỊ XUÂN HÀ
1.
Nắng Huế đổ ngọt ngào xuống những doi cát bên triền sông. Nước sông Hương lấp lánh dâng sương mù thấm đẫm cố kinh. Tui nhẩm tính trong đầu, độ chừng hai tháng nữa là chị Sen sinh con trong tù. Tui phải đi thăm chị. Tui rủ thằng Đình. Nó quăng đồ nghề vào hốc cát dưới chân cầu Trường Tiền, phủi tay đánh róc, hất mái đầu húi cua bảo cộc lốc một câu: đi.
Đêm qua, ba tui ngồi nhìn màn đêm trừng trừng. Rồi ba lấy cây đàn, ngồi hát bài Bến Thượng Hải. Bài hát này của người Tàu, mà sao khi đổ giọng, dường như bến Ngự lung linh trong lòng. Ba ngồi trong màn đêm tím sậm, lấp lánh muôn ngàn ánh sao sa. Phía bờ sông, tiếng vạn chài đang rí rách hớt tôm, soi cát đổ lên bờ. Mùi tanh nồng của cua cá dưới lòng sông, mùi thơm những trái bắp non đang kỳ vào cốm, mùi hăng hắc của những bông điệp rụng vàng đầy bến bãi khiến lòng người chộn rộn sum vầy. Giọng ba như chàng Trương Chi, dáng ba ngồi lại như Kim Trọng nhớ Thuý Kiều, trái tim ba dồn về cái bến mà cả ba và tui chưa từng đặt chân tới, nhưng cần chi phải đặt chân tới mới hoài niệm nỗi nhớ mong. Ba biểu mỗi bài hát mà ba con tui mang theo đi hát rong đều có những kỷ niệm riêng. Tui chưa bao giờ gạn hỏi ba về những kỷ niệm đó, trừ khi ba tự kể ra. Từng lời của bài hát như xói vào gan ruột tui. Biển sóng dạt dào. Trùng dương lớp lớp trôi đi về phương nao. Đời như những cơn sóng gào. Mà tình ta thiết tha như là bến bờ… Tui chưa yêu mà lòng dạ u buồn nhớ nhung. Trong ký ức xa xăm của tui vẫn luôn lưu giữ hình ảnh một người đàn bà ngồi cong cong bên mép nước. Người ấy ngồi như nhìn biển sóng. Nhìn trùng dương trôi trong vĩnh hằng. Người ấy là sương là khói. Là chứng nhân cho sự sinh tồn của tui. Vậy mà đôi lúc vào buổi chiều tà, khi đi lang thang bên bờ sông Hương, ngắm nhìn thành phố trong dáng mây trôi, lòng tui xốn xang thương ba sao cứ tự giam mình trong vòng lao hạnh của một cuộc tình với người đã bay vào cõi vô cùng.
Trong lá thư ông Minh trống gửi tui, ở đoạn cuối còn dặn những điều mà nhất thời tui không thể hiểu hết được ý nghĩa đích thực của nó:
“Con hãy nhớ, con đang sống phải thời hạ lai. Con là đóa hoa của trời đất. Dù có phải đi hát rong, con cũng cần phải biết lọc nước thay hoa. Mỗi người tự biết lọc nước thay hoa, đất trời sẽ rạng rỡ, non nước sẽ thanh bình. Nhưng mà kỳ lạ lắm con ơi, thường thời bình không sinh ra được anh hùng. Anh hùng chỉ được sinh ra trong thời loạn. Nay thời loạn mà không có nổi anh hùng, thực là bi kịch của dân tộc”.
Tui sắp sang mười bảy tuổi, không thể hiểu được tại sao một người đàn ông phạm tội ô trọc với đàn bà con gái lại có thể viết cho tui những lời của một bậc cao cả. Có thể ông phải đi qua nỗi ô trọc để nhận ra và chỉ cho hậu sinh những gì là ô trọc? Ông còn nhờ thằng Đình trao cho tui một bức tranh chữ. Trong đó ông chép cho tui bài thơ Dại khôn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Khôn được ích mình, đừng để dại
Dại thời giữ phận, chớ tranh khôn
Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại vốn hiền lành thực dại khôn.
Tui cuộn bức tranh chữ trong cái túi ni lông, giấu kỹ trên mái lều.
Ba tui nhìn lên cao, nơi có cái mái che mưa nắng (cũng có thể là ông còn nhìn lên cao nữa, nơi mây đang bọc kín bầu trời xứ Huế, chẳng biết cái bọc mây đó sẽ bục vỡ òa ra lúc nào), nhưng không nhìn thấy bức tranh chữ của người đàn ông trong nỗi đau khổ của ba. Ba thản nhiên thở than cùng cây đàn. Từng thời khắc trôi qua dài lê thê. Dù hạnh phúc, dù đau buồn, dù bao gian khó vẫn muôn đời có nhau… Những ca từ thật lạ. Chúng là những bài học chữ nghĩa cho một con bé không được đến trường. Là bài học tình yêu và đức hạnh cho một đứa trẻ sớm già trước tuổi. Có lẽ vì thế mà tui đôi lúc không muốn tin vào mối tình của ba với mạ. Vì mối tình khư khư đó chừng như giờ đây quá xa lạ với người đời, quá uỷ mị và xa xỉ, không thực tế và hình như cũng không đóng triện thành hai chữ thuỷ chung? Ba dệt quanh mình hai chữ cô đơn. Tự giam hãm trái tim trong ngục tối. Thở than hoài niệm. Rên rỉ khốn khó. Với bằng ấy gánh nặng, chừng như ba cũng đã đuối sức bởi sự cô đơn bủa vây.
Tui mặc kệ ba cô đơn với cây đàn trong màn đêm lễnh loãng, với giai điệu Bến Thượng Hải của xứ người. Ngoảnh mặt vào vách, quay lưng với nỗi cô đơn của ba, tui trôi theo giấc ngủ con gái đồng trinh.
2.
Rạng mai sớm, tui và thằng Đình lên xe đò, đi từ khi mặt trời chưa lên.
Hai đứa đi bộ xuyên qua rừng thông. Rừng lúc này đang kỳ trộ lá. Lá thắm biếc, thơm ngút ngàn. Vậy mà đây lại là con đường dẫn đến trại giam tử tù. Thiên thần và quỷ sứ khác nhau ở chỗ nào? Tui lờ mờ biết, nhưng không muốn nói ra điều này cho Đình nghe, bởi tui nể mặt chị Sen, dù là nói sau lưng chị. Kể từ ngày chị Sen bị bắt, tui im lặng trước bất kể ai về chuyện chị.
Hai đứa đi dưới bầu trời nắng được dệt bằng những tán lá chao theo gió. Ngực tui nhô ra lum lum, khẽ quệt vào những thân cây chắn ngang đường. Tui nhìn thấy những dòng nhựa cây ứa ra thắm đỏ. Lòng xa xót tựa như phấn hương sinh linh rơi rụng. Đình đi cạnh thi thoảng túm lấy tay tui để khỏi bị va vào những cành gai chìa ra. Tui thốt nhiên thấy sợ cái bàn tay đã bắt đầu hơi thô ráp như tay đàn ông. Tui lầm lũi đi. Đình nhắc:
“Út đi khom người một chút sẽ không bị quệt vào cây”
Rồi lại nhắc:
“Út đừng xăn quần, gai cào xước chân”
Trong cái túi tay nải bằng nhựa xách theo, tui bỏ vào đó một nửa thân ếch nướng. Con ếch to lắm. Tui vồ được nó dưới kẹt bùn cạnh sông. Tui đem vô nhà. Ba bảo đó là thần ếch dạo chơi. Tui rạch bụng thần ếch, hóa kiếp cho thần lên làm cái chi chi đó trên cõi đời, người chẳng hạn. Ba tui nhắm thịt thần ếch cùng chai xị giắt trên chái nhà. Suýt nữa tay ba chạm phải cái bọc tranh chữ. Mồ hôi tui túa ra. Ba bảo tui cùng nhắm. Tui chìa tay nhận lấy cái phần ba xẻ. Rồi lén cất vô túi một miếng lớn. Đêm, đợi lúc ba đang say sưa với nỗi cô đơn của mình cùng khúc nhạc, tui vùi cái thân ếch nướng xuống cát. Cát sông Hương thật lạ. Ban ngày nóng như lò lửa. Ban đêm mát lạnh như kem. Ba bảo tui đi thăm chị Sen chi, xem có ai vô đó gửi cho chị chút tiền, tiền đi tốn kém, thà gửi tiền chị còn mua được mấy thứ bồi dưỡng. Ba đưa cho tui một cuộn tiền. Tui lắc đầu bảo ba, thằng Đình có tiền bao con với chị Sen rồi. Ba lè nhè giọng rượu dạy tui bài học làm người phải có sĩ diện, thằng Đình đi đánh giày, tiền có bao sản mà xớt của nó. Tui cãi ba, nó chỉ có một mình, tiền làm ra thi thoảng tiêu hoang một chút có sao. Ba làm ràm một hồi nữa rồi khoát tay, thây kệ tụi bay, đi thăm người làm phúc là tốt rồi. Họ sắp xuống địa ngục, cho họ chút ấm áp con ơi. Còn cái thai nhi, con nhớ vỗ bụng chị Sen hỏi thăm nó thật dịu dàng. Sau này ba chấp nhận cho con đón nó về nuôi. Tội nghiệp. Oan hồn nghiệp chướng chi đây. Không hiểu rồi có nên người không. Rồi ba lại hát Bến Thượng Hải. Mọi việc chừng như không ăn nhập với nhau, cái buổi tối tím thẫm, cái khúc nhạc buồn của xứ người, cái mùi thịt ếch nướng vương vất quanh lều và câu chuyện về người tử tù đáng thương của cha con tui… Ba không biết tui giờ đây giàu có hơn cả mấy nhà vạn chài dưới sông. Tui có thể mua được cả trăm con gấu bông. Nhưng tiền đành nhờ thần cát dưới búi cây nơi triền sông giữ hộ. Tiền cho chị Sen, tui mang theo một món kha khá, nhẩm tính có thể đủ cho chị chi tiêu khi sinh.
Tui hỏi Đình:
“Bà bầu ăn chi bổ nhất?”
Đình khẽ cười:
“Hỏi tui, ngang hỏi cục đất dưới chân Út”.
Hai đứa đi qua khá nhiều vạt rừng, hỏi thăm khắp lượt người đi đường. Rồi cả hai thấm mệt, ngồi nghỉ dưới gốc cây thông cổ thụ, cùng nhìn mặt trời lên. Tui hỏi:
“Quê Đình có mấy người?”
Đình nhìn tui, cười cười mà mắt thì buồn thiu:
“Tiết kiệm tiền thì được, chứ tiết kiệm lời nói như Út e trên đời chỉ mình tui là hiểu được. Hỏi chi lạ vậy. Ở quê tui còn ba người: một ông chú và hai đứa em gái con chú. Ba mạ chết khi đi vớt tôm dưới phá Tam Giang. Bữa đó lụt lớn lắm”
“Sao không ở với chú?”
“Chú mắc nghiện. Tui đánh giày góp tiền cho hai em đi học”
“Ông Minh trống mắc mớ chi với Đình?”
“Ông ấy cùng quê, bà con xa. Ông ấy cho chú tui tiền cai nghiện, nhưng chú lại xài thuốc tiếp”.
Đình nói chuyện quê mà mắt nhìn tui đắm đuối. Tui thấy Đình khi lớn cũng có vẻ ngang tàng đàn ông. Nhất là đôi mắt sâu nét ngang như một viên tướng dựng cờ. Một con kiến lửa bò ngang cổ áo tui. Nó đốt tui nhói một cái. Một con khác bò vô trong lần ngực áo. Tui quay lưng, khẽ nhón con kiến đang loay hoay trên ngực. Nhưng sống lưng tui nóng ran. Phía sau, Đình thở gấp. Rồi tiếng nói khe khẽ:
“Kiến bám cả vào tóc Út rồi kìa. Ngồi dịch sang đây”
Đình lấy tay khẽ phủi kiến trên tóc tui. Rồi bàn tay dừng lại như khẽ hỏi. Tui giả bộ ngó sang chỗ đàn kiến đang náo loạn. Tim tui cũng náo loạn. Không có ai vuốt tóc tui kể từ khi mạ mất, ngoài ba. Mà ba cũng thôi vuốt tóc tui từ khi tui biết đi hát rong cùng. Tui im lặng tận hưởng khoảnh khắc man trá của trái tim náo loạn. Chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi, cũng đủ cho bộ ngực đã nhú cao của tui nằm gọn trong lòng tay Đình. Bàn tay con trai non nớt ấy vồ lấy khoảnh khắc đồng lõa, run rẩy tận hưởng. Đôi môi người con trai tìm đôi môi tui, ghì xiết.
Tui ngửa cổ, đón nhận mối tình đầu với một gã trai đánh giày, tương lai mờ mịt như sương mù phủ trên dòng Hương Giang.
3.
Sau này tui biết câu chuyện của ba là do một người kể lại. Người ấy tui sẽ nói sau.
Sáng hôm đó khi tui đi khỏi nhà, ba bật dậy với cây đàn. Lâu lắm mới có một hôm tui đi vắng, còn ba thì không thể đi hát rong một mình. Nhưng ba đã có một lời hẹn.
Lời hẹn được đưa đến bởi một người đàn bà làm nghề môi giới trong thành phố. Hôm đó, bà ta đợi lúc tui ra sông giặt đồ, lẻn vào túp lều của hai cha con, đánh thức ba đang nằm thiu thiu trên tấm sạp. Ba tui hốt hoảng chồm dậy nhìn người đàn bà xa lạ. Bà ta nói ngay:
“Chú đừng sợ, tui đến đây mang điềm lành”
Ba tui liền nhận ra người này, mặc dù hai người chưa hề quen nhau. Trong thành phố, hễ có cái gì cần môi giới là những người như bà ta có mặt ngay. Gãi gãi mái tóc húi cua đã phơn phớt bạc, ba tui thu cặp đùi trần vào lòng, thủ thế. Người đàn bà môi giới thì thào vào tai ba tui y như có ai đó đang núp sau lều nghe trộm.
“Tui có một chuyện làm ăn rất tốt. Chú đừng từ chối”
“Kỳ lạ. Chị định kiếm chuyện chi cho tui vậy?”
“Chuyện hay. Không có chuyện dở. Chuyện dở thì tui đã không dám tìm đến chú. Cái thành phố bé xíu này ai mà không biết chú Ba hát rong. Giọng hát của chú kiếm ra vàng mà chú không chịu biết. Con người chú thì không bị thiệt thòi về hình thức dáng vẻ như chàng Trương Chi xưa, vậy mà chú riết róng thân mình y như gái góa tiết hạnh khả phong. Như thế sạch sẽ nhưng chẳng xứng là trang tu mi nam tử. Tuy tình chú thì đến gái nạ dòng như tui đây cũng phải cảm động, huống chi thím Ba dưới âm”
“Chuyện chi chị nói luôn đi”
“Chú cứ từ từ. Mọi chuyện đâu có đó. Vội vàng mà làm chi. Mà có muốn vội cũng đâu có được. Nhưng tui vào đề đây. Chú thuộc bài hát Bến Thượng Hải không?”
Ba tui cả cười:
“Có bài hát chi trên đời này lọt qua tai mà tui không thuộc. Nhưng chị hỏi có việc gì, hơn nữa tui thường phải có lý do nào đó ràng buộc mới so dây đàn…”
“Thì bây giờ tui cho chú lý do. Chú hát bài đó thật hay, thật nhuyễn, sẽ có người thưởng”
Bà ta thì thào vào tai ba tui những lời của một mụ quỷ lùn.
Đi ra khỏi nhà. Rón rén như sợ bị ai bắt gặp. Ba tui không cầm theo cây đàn như mọi khi. Ra đến đường lớn, ba vẫy một xe đò nội thành. Lên xe rồi mà mồ hôi vẫn túa ra như vướng phải hơi xông. Ba ngoảnh mặt nhìn ra phía mặt sông, không dám nhìn vào mặt khách đi cùng, sợ nhỡ ai nhận ra. Cả đời, ba chưa từng dối trá, chưa bao giờ yếm thế. Vậy mà lần này ba đang đi tới một nơi với lòng ghen tuông người đã khuất âm ỉ trong lòng, với nỗi sợ hãi sự thấp kém cháy bỏng tâm can.
Cả đất trời như đang nằm gọn trong lòng người đàn ông cô đơn.
Ba bước xuống khỏi xe. Không còn cảm thấy ngại ngần khi ai đó nhìn thấy. Người âm còn chẳng sợ. Sợ gì người trần. Ba khấn thầm. Em có thương tui thời tha thứ cho tui. Tui cả đời giữ gìn. Cả đời chung tình. Hận thay tay Minh trống. Tui có thứ chi quý giá trên đời tay Minh trống đó cũng cố mà giành giật bằng được. Tui chỉ có mình nó. Tui không muốn tin. Không tin. Nó phải thuộc về tui. Nó là đứa con có hiếu. Là hiện thân của em. Là con gái của tui. Tau thách mầy, Minh trống. Đừng tưởng mầy có tiền là sẽ có được tất cả. Mầy mua con gái tau bằng tiền. Cả cục tiền to tướng nó vùi dưới cát. Nó giấu tau. Nó không biết tau vẫn hàng ngày canh giữ hộ nó. Dù sao nó cũng phải có chút tiền sau nầy làm dâu người ta. Tau mãi vẫn chỉ đủ tiền mua cho con gái con gấu bông. Nó lớn rồi mới mua nổi cho nó món quà mọn. Vậy mà mầy thảy cho nó cả gia tài như không. Mầy tranh giành con gái với tau. Thứ người nhả nhớt như mầy làm sao có được đứa con tươi tốt như nó. Con cái là hoa của đất trời. Là kết tinh của tình yêu. Ánh sáng phủ trên người nàng. Hương thơm đất trời thấm đẫm máu huyết nàng. Mối tình trong trẻo rộng lớn của một người đàn ông chắt lọc dương khí bao la chảy tràn trề trên đôi môi ngọt ngào của nàng. Tất cả hội tụ để sinh ra một đứa bé. Vậy mà mầy dám cả gan chọc quấy gia đình tau. Trước mầy đã phạm nàng. Mầy có tu ba kiếp cũng chưa trả được món nợ tày trời. Tau vì nàng mà hứa tha thứ cho mầy. Vậy mà mầy huênh hoang. Mầy bắt tau phải dối trá, phải bán mình. Tau hận mầy, Minh trống.
Ba bước vào một cánh cổng khép hờ. Cánh cổng khép ngay lại sau khi người hát rong đi vào sân trong. Một cánh cửa phòng tắm xông hơi mở ra. Ba lại bước vào. Hai người phục vụ nhao ra. Ba lập tức bị đẩy vào chỗ thay áo quần. Bốn bàn tay mịn màng thơm tho thoăn thoắt cởi hết bộ áo quần sờn cũ vứt xuống sàn. Một tấm khăn tắm trắng tinh choàng lên người ba. Bốn bàn tay dịu dàng dìu ba vào sàn xông.
Ba bắt đầu cảm thụ thứ hương thơm quyến rũ lan tỏa quanh người, thấm vào trong từng mao mạch. Chẳng trách được người đàn ông vẫn còn hết sức cường tráng. Hơi xông đầy ma lực làm giãn từng tế bào sống, bắt chúng cựa quậy và nở bừng. Ba nửa nằm nửa ngồi trong tư thế thần A-đam. Bên cạnh là hai quả táo cấm. Hai quả táo cũng trong hình ảnh E-va, trườn qua trườn lại như loài rắn. Hơi thở dịu dàng cùng những động tác mơn trớn lòng tự ái của người đàn ông làm ba quên đi nỗi bức bối trước khi bước vào chốn này. Ba giơ tay ra phía họ. Chạm vào thân thể hai cô gái, ngập ngừng, rụt rè.
Chỉ có thế thôi là tấm khăn tắm mới màu hồng nhạt lại choàng ngay lên người ba. Nước hoa mùi xạ hương tưới khắp người. Chiếc lược ngà nhẹ nhàng trườn trên mái tóc đã lâu lắm không ai chạm vào. Một bộ áo quần còn thơm mùi hồ được đưa tới.
Đứng trước gương, ba trở nên một người đàn ông trẻ trung, đầy quyến rũ.
Lại lên xe. Lại đi. Đi khá xa, ven nhánh sông phía cầu Gia Hội. Chiếc xe For gần như bị bịt kín. Không nhìn thấy gì bên ngoài. Xe dừng trước một biệt thự lặng lẽ bên bờ nhánh phía bắc sông Hương. Người tài xế dẫn ba vòng qua sau vườn. Khu vườn rộng mênh mông. Khế ngọt chín lúc lỉu. Mãng cầu, ổi, đào… và cả những vồng hoa tỉa xén gọn gàng khiến tâm hồn ba thư thái. Ba không còn thầm thì khấn mạ. Không tức giận hằm hè với Minh trống. Ba đang không làm chủ được ông Ba hát rong hàng ngày. Nay ba là người đàn ông đầy sức lực, ham muốn đến cuồng nhiệt. Tiếc thay cho sinh lực người đàn ông. Chỉ cần chút hương khí đất trời, chút công nghệ xông, chà xát được bọc trong vẻ quyến rũ thơm tho là có thể khiến một tâm hồn chung trinh biến thành một phu xướng thường tình.
Ba bước vào phòng karaoke tối thui trong thứ sinh lực vừa trào dâng tưởng chừng như sóng bể, nhưng lại là thứ bọt bể cồn lên, cũng để lại chút mặn chát và chút ngọt ngào. Ai đó đưa vào tay ba một cây đàn ghi ta còn thơm mùi vecni. Ba so dây đàn trong bóng tối. Thử từng dây, từng nốt. Tiếng đàn âm âm như trong cõi hoang. Ghế bọc nhung êm và mát dịu. Bia sóng sánh. Bến Thượng Hải đang được cân đong đo đếm trên phím đàn.
Giọng nói thoảng trong bóng tối:
– Anh từ ngoài Bắc mới vô?
Ba hơi chững người một chút, rồi nhớ ra vai diễn của mình. Cất giọng Bắc:
– Đúng vậy!
– Giọng anh chắc là hát rất hay. Tôi thích anh hát bài Bến Thượng Hải.
– Sao cô… lại thích bài đó? Còn nhiều bài hay hơn…
– Tôi nhớ con gái tôi… Một lần, khi nó mới ba tuổi, nó bập bẹ hát bài đó. Tôi hỏi ai dạy Ớt hát cái bài hát của người lớn? Nó lúc lắc cái đầu bé xíu hỏi lại tôi: Thượng Hải có đẹp không mạ? Cho con đi Thượng Hải…
Suýt nữa ba tui bỏ chạy. Ba biết đó là ai rồi. Nhưng nghe giọng nói người đó, sao lòng ba thấy thương cảm. Sinh lực người đàn ông đã được tiếp thêm sinh khí bằng các thứ công nghệ thơm tho đã ém được lòng tự trọng của kẻ hát rong chực trỗi dậy. Ba cất giọng hát. Quyết không hát bằng cái thứ giọng của kẻ hát rong. Quyết hát bằng cái thứ giọng của gã đàn ông si tình và si tiền, thậm chí làm tiền một cách quyến rũ.
Bóng tối che đậy mọi thứ. Bóng tối dìu hai người trôi trong mối tình phù du. Ham muốn đến tột đỉnh. Sức mạnh của người đàn ông bị nén trong bao nhiêu năm nay không còn kìm giữ nổi, bung ra thỏa thuê. Sự đón đợi đến không ngờ của một thiếu phụ vì phát hiện ra mình đang được thừa hưởng một kho báu đàn ông. Một kho báu tràn trề. Một kho báu dữ dội và đam mê.
Bao nhiêu mối tình đã đi qua cuộc đời cô? Bao nhiêu ái tình đã được đánh đổi bằng đồng tiền giàu sang phú quý? Cánh tay áo mỏng tang của cô đã che đậy nhiều điều. Nay đâu cần che đậy?
Tất cả đều không xứng với sự giữ gìn bấy lâu của một người đàn ông hát rong. Dù số tiền thỏa thuận trước khá lớn so với quãng đời đi hát rong.
Nhưng họ đang sống. Từng tế bào, từng mao mạch đang chảy rào rạt. Không ai có quyền phán xét và định vị. Không ai có quyền phủ nhận đây cũng là một mối tình.
Họ quấn lấy nhau ngoài cả dự kiến trong giao kèo. Họ bằng lòng và phát hiện ra nhau. Họ quên thời gian và xuất xứ thành phần. Người này đã nhận ra người kia là ai. Nhưng đều im lặng để tận hưởng, để nhập vào nhau và chia sẻ nỗi đau khổ không giống nhau.
Khi đó là lúc tui và Đình đang miên man trên cỏ. Mặc chị Sen trong tù. Mặc mưa rơi xuống rừng thông đang xanh lá. Mặc lũ kiến bò qua bò lại trên những nhánh lá mục.
Chắc bạn đọc cũng đoán ra, người kể câu chuyện này cho tui là cô Tôn Nữ Huyền Ngọc Thuỷ Châu, khi cái thai với ông Ba hát rong cha tui đang lùm lùm trong bụng cô.
3.6 – 23.7.03