Truyện ngắn của VÕ THỊ XUÂN HÀ

Phần Hai


Em ơi chờ anh về

dù cho mưa nắng xóa nhòa thương nhớ

– Bài hát Thương về miền Trung

Nhà văn VÕ THỊ XUÂN HÀ

1.

Chị Sen vô tù. Cha con Út Kim không hát Mộng đẹp lứa đôi nữa. Ba tui chọn bài Thương về miền Trung để tập thật nhuyễn. Cả nước dạo này thích nghe ca sĩ Quang Linh hát Thương về miền Trung. Giọng của anh ăn nước sông Hương nên nghe thật đằm, thật kỳ lạ. Cha tui hát còn hay hơn. Nhưng ông ăn bánh mì, uống nước sông không đun nhiều, nên giọng không có âm lượng rộng bằng ca sĩ chuyên nghiệp. Hơn nữa, ai người hát rong, ai người nghệ sĩ, trời đã định trước. Trách chi bàn tay có ngón cái như đầu rắn của chị Sen in hằn lên cổ bé Hàn Giao, in suốt thiên thu, không thể xóa, không thể biện minh.

Tui khản cổ gào. Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm người em. Ba tui đang ở Huế. Vậy mà khi tui hát những câu này, ba gật gừ như thương nhớ xa xăm một người. Mạ đứng trước mặt tui, cười buồn nhìn ba con tui đi bước một. Mạ đẹp hơn tấm ảnh để lại nhiều. Khi ba tui trầm mình hát em ơi chờ anh về, dù cho mưa nắng xóa nhòa thương nhớ, mạ dường như không chịu nổi thứ âm thanh níu kéo của cõi dương nên đưa hai tay lên che đôi tai. Tui nhìn thấy mạ đeo đôi khuyên tai thiệt đẹp, nó lóng lánh như trăm ngàn ánh trăng tạc vào. Tui chìa cái túi da. Xoạt. Xoạt. Từng tiếng một, tiếng rơi của những đồng tiền bố thí.

Tui đã quen nghe tiếng tiền rơi nên đang hát cũng có thể nhận ra trong túi có chừng bao nhiêu đồng. Tiếng rơi của tờ năm trăm nghe dứt khoát rõ ràng, ý chừng người cho đã có chủ định trước, không tiếc vì số tiền không nhiều, không ngại ngần vì số tiền không ít. Năm trăm ngàn ở xứ Huế có thể ngả nón ngồi vô quán chè bình dân, ăn một ly chè đậu ván thơm, rồi xin một ly nước lọc đá, bình đẳng ngồi nghe thiên hạ hích nhau xung quanh, nghe đủ loại nhạc phát ra từ cái bộ loa thùng, âm thanh trên phân cổ họng của ba con tui nhiều lần; nghe bên Mỹ lại có chuyện giết người bằng súng bắn tỉa, dễ có đến mười hai mười ba vụ ở thủ đô Washington, rồi lan sang cái miền sản xuất thuốc lá Dunhin là Virginia gì đó, người ta đang nghi là bọn khủng bố gây ra; lại nữa, chuyện giải cứu con tin ở nhà hát gì đó bên Nga; chuyện ngoài Hà Nội bây giờ đang mùa hoa sữa… Năm trăm cũng có thể ngồi xuống bên một gánh bánh bèo, bánh nậm, bột lọc, được bà hàng bánh cho hai cái làm phước, rưới một muỗng nước mắm thơm với những mảnh ớt xanh cay đậm đà. Vừa ăn, vừa nghe bà kể chuyện hàng phố.

Tiếng rơi của tờ một trăm nhỏ thật tội nghiệp. Nó khẽ khàng đậu xuống mép túi, nằm im khiêm tốn. Chủ nhân của nó là những cô bé cậu bé bớt tiền ăn quà chia xớt, những người bán hàng rong hoặc những bà già mặt nhăn nheo vì thương nhớ.

Có cả đồng một trăm nhỏ của một cậu bé đánh giày. Tui kêu cậu bé vì nó cũng kêu tui là cô bé, mặc dù tui đã thành người lớn rồi.

Tui thành người lớn từ hai năm trước.

Hôm đó vào buổi chiều xế. Hoàng hôn đang khoác tấm áo voan màu tím. Huế mù sương. Cầu Trường Tiền mù sương. Tiếng sông chảy khẽ khàng. Gió lướt qua cũng khẽ khàng như sợ làm phai đi cái màu tím pha sương của quê tui vào thời khắc này.Tui lội xuống sông giặt quần áo. Từng đàn cá lượn theo sau như có một bữa tiệc linh đình ở thuỷ cung. Tui ngạc nhiên quay nhìn chúng. Tui lội xa hơn, một lúc chúng lại xúm xít phía sau. Rồi tui nhìn thấy một màu hồng đỏ loang trong nước. Tui lại lội sang chỗ khác, cái màu hồng đỏ ấy vẫn loang trong nước, chui từ trong người tui chui ra. Tui trầm mình sâu xuống nước để lột cái quần lót ra. Dưới ánh hoàng hôn, cái đũng quần lót của tui dinh dính màu hồng đỏ. Tui hoảng sợ. Nhưng tui cũng đủ khôn để hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nếu mạ còn sống, tui sẽ chạy ào về nhà. Không có mạ, tui tự nghĩ ra cách của riêng mình. Tui cho lũ cá mặc sức bám theo sau cho tới khi giặt xong. Tui chui vô bụi cây mọi khi vẫn làm chỗ thay quần áo, xé cái khăn mặt cũ làm khăn lót. Tui nhìn trời nhìn đất, khẽ mỉm cười. Tui thành người lớn rồi. Vậy mà hai năm sau thằng Đình đánh giày vẫn kêu tui bằng con bé.

Thằng Đình ở cùng đám bạn dưới chân cầu Trường Tiền. Đêm ngủ gác chân lên hộp đựng xi giày, mắt nhìn lên trời đếm sao. Đếm chưa được bao nhiêu thì mắt đã díp chặt lại. Đó là những ngày nắng đẹp trời trong. Những ngày mưa vừa thì núp dưới gầm cầu. Những ngày mưa than, lụt lội, chúng tá túc tạm bợ ở những nơi khô ráo trên vỉa hè phố. Tui không có giày để đưa thằng Đình đánh, giày của ba tui không cần đánh xi, nhưng nể mặt thằng Đình, thi thoảng vào lúc nghỉ trưa, khi nó lân la đến gần, ba tui cũng đưa giày cho nó đánh. Nó đánh cẩn thận hơn đánh cho những ông khách sang, như thể ba tui mới chính là chủ nhân của nó. Khi ba đàn tui hát, nó đến gần khẽ thả rơi đồng một trăm nhỏ vô túi. Khi đó tui không lấy không được vì còn đang phải hát, người hàng phố đang say sưa nghe khúc nhạc mà ba con tui đã tấu lên đánh thức họ mọi lúc, mọi chuyện.

Nhưng cũng có những tờ một trăm nhỏ thật hách dịch. Nó nhảy vô túi, khinh bỉ nhìn chủ nhân của chiếc túi, khạc nhổ bừa bãi, giang chân dạng tay mà chưởi đồ hát rong mạt hạng, trên đời này có biết bao nhiêu nghề không chọn, lại chọn trò đờn ca, thà cứ ngả mũ xin ăn chừng còn khả dĩ hơn, thật chán khi phải nghe thứ giọng đùng đục, ẩm ướt của cha con mi, thí cho mi để cút nhanh đi chỗ khác. Tui thấy mạ đưa tay quệt nước mắt. Tui đang hát đến đoạn nhớ tiếng hò ngoài Văn Lâu chiều nao, ước hẹn thề duyên nhau dài lâu, xa rồi còn đâu… thì thấy ba cũng đưa tay quệt lên mắt. Không biết ba nhìn thấy mạ hay nghẹn lòng vì đồng một trăm nhỏ kia mà tiếng đàn chùng lại. Tui thản nhiên hát. Một trăm nhỏ tội nghiệp, tui có thể chạy ra chợ mua cho ba nhánh hành hay chút tiêu, bỏ vô chén cháo ăn đêm. Một trăm nhỏ hách dịch, tui gom lại, chờ ngày đẹp vô chợ Đông Ba mua một viên phấn hồ màu hồng phớt. Loại phấn này chỉ có ở Huế. Từ bao đời nay, chỉ người Huế thích dùng, không ra Bắc cũng không vô Nam được. Có cho biếu tặng, người không ở Huế cũng không biết và không thích dùng. Phấn có hai màu, trắng và hồng, được chế theo công thức từ trong cung cấm của những hoàng phi cung phi nhà Nguyễn. Các mệ về đêm trước khi đi ngủ thì dùng phấn này để trang điểm cho vua hài lòng. Phấn làm từ bột thạch cao, người ta đun chảy rồi vớt bọt, luyện với các chất dưỡng. Phấn xoa lên mặt, cổ, tay, chân, làm mịn da, trắng da, hồng da, lại làm xe chân lông. Các cung phi xưa còn xoa lên ngực, lên đùi. Tiếc thay cho các nường, tốn bao nhiêu phấn, thức bao nhiêu đêm để chờ đợi bóng rồng. Có người cứ thoa suốt đời như thế mà cũng chỉ ngắm một mình mình trong gương. Đẹp làm chi. Nhớ thương làm chi. Tui đặt viên phấn cẩn thận trong một chiếc gương hộp người ta thải ra vất bên bờ sông, khi đi hát tui xoa nhẹ phấn lên hai má, nhìn vào gương tui thấy miệng tui thẫm, mắt tui sáng long lanh, lòng tui tự tin không ưu phiền. Người qua đường nhìn tui hát, nghe tui hát chứ không nhìn tui ăn xin, nghe tui ăn xin.

Tiếng rơi của đồng một ngàn nặng trịch như thể hiện chủ quyền của chủ nhân nó. Tui nhìn xéo lên, thấy những người đàn ông bảnh bao, những người đàn bà chải chuốt, tâm hồn không ác không hiền, không u buồn, không vui vẻ. Họ cho tui tiền mà có khi không nghe tui hát, mắt nhìn cha con tui đi qua mà lòng nghĩ đến những điều riêng. Hoặc họ đang cười nói hỉ hả, đang hạnh phúc tràn trề. Gương mặt họ bói không ra một sợi nhăn. Họ đang ôm eo nhau dạo trên hè đường Hưng Đạo, Lê Lợi, Huyền Trân Công Chúa… Họ đứng trong các quầy hàng, lòng thầm thì xin thánh hiền phù hộ độ trì cho cửa hàng làm ăn phát đạt, rước khách đến, mời khách vô. Họ thả cho ba con tui một ngàn đồng để cầu phước. Cửa hiệu khá hơn thì cho tui hai ngàn. Tui vái ông bà chủ ba vái, hát trọn bài mới đi khỏi.

Thi thoảng, một chiếc tắc xi trờ tới, cửa kính xe kéo xuống vừa tầm. Một cánh tay đẹp như ngó sen có cánh tay áo mỏng tang vẫy cái túi da lại gần rồi tờ năm ngàn chui tọt vào. Tui chưa kịp chào cô, chiếc xe đã lăn bánh. Tui đứng nhìn theo thương cho Tôn Nữ Huyền Ngọc Thuỷ Châu, dù cô vừa thí cho ba con tui năm ngàn. Bé Hàn Giao con gái cô giờ phiêu diêu ở phương trời xa xôi nào?

Tui nhẩm tính, cho tới hôm nay, cha con tui đã tích được bốn trăm chín mươi mốt ngàn đồng. Tui sắp được ba mua cho gấu bông. Nghĩ đến gấu bông, giọng hát của tui tự nhiên thăng. Ba biểu tui hát rong không được vui quá, vui quá không gợi được lòng thương; cũng không được đúng nhịp quá, đúng nhịp quá dễ bị hòa đồng. Phải não một chút, nhuyễn một chút, rồi thì đùng đục, ẩm ướt, như thúc ép vào tim người, gõ liên hồi kỳ trận, rồi bỗng nhiên chùng xuống thật nhẹ để người nghe không nổi khùng. Vào cái lúc họ bị xao nhãng thần kinh ấy, họ sẽ móc túi moi ra những đồng tiền lẻ. Tui thuộc nằm lòng bài dạy của ba. Nhưng đôi lúc chùng xuống hoặc đôi lúc cao hứng. Biết tui cao hứng, ba đành bỏ quá, tay đệm đàn của ba vuốt ngược cần đàn cho ra thứ nhạc mơ mơ hồ hồ như của cõi âm. Lúc đó tui thấy mạ mấp máy môi.

 

2.

Tiếng một đồng tiền gì lạ lắm khẽ rơi vào túi. Khẽ khàng nhưng làm chấn động cả cái vương quốc lầm bụi và nhộn nhạo được đánh dấu bằng những con số có ma lực làm đảo lộn cả thế giới. Cái túi da nhỏ của tui chưa bao giờ được đón chào vị khách nào đặc biệt như thế. Sống phải nơi gió táp mưa sa, nó chỉ biết đến những tờ giấy cũ với những con số giản dị. Tui chưa nhìn thấy đồng tiền đó, vì còn phải hát. Nhưng tui đã nhìn thấy người đàn ông đã cho ba con tui tiền. Đó là một người chừng bốn mươi tuổi, cao dong dỏng, gương mặt ngăm đen, đôi mắt lặng lẽ không nhìn ai. Ông ta đang ngồi trong cái quán cóc chiêu từng ngụm trà nóng, nhìn đám người qua đường như nhìn đám hình nhân tội nghiệp, nhìn lớp phấn hồng trên má tui như nhìn một bông hoa rớt. Tui hướng gương mặt về phía ông, nhiệt tình thể hiện lòng biết ơn. Không biết tui có hoa mắt mà nhìn lầm không, nhưng tui thấy mạ đang chỉ tay về phía người đàn ông có ý bảo tui hãy đến gần ông hơn. Nhìn mạ hao gầy, nhưng trong suốt và đẹp như sương như khói, lòng tui đau thắt vì nhớ thương. Tui bật ra những âm thanh mà tự tui cũng không biết là mình có thể cất ra được từ những ca từ. Đã bao thu rồi vắng lạnh lòng trai đi ngàn phương. Mỗi khi xuân về xóa nhòa phồn hoa nơi phố phường. Người ơi, nếu còn vầng trăng soi dòng Hương, núi Ngự còn thông reo chiều buông, tôi vẫn còn thương. Người ơi… Người đàn ông nheo cặp chân mày nhìn tui như nhìn một người thân lâu ngày gặp lại. Ông gọi ba tui: anh Ba! Ba tui giật mình nhìn người đàn ông. Chừng như ba đã nhận ra người quen, nhưng ba tui là một người hát rong gàn dở, không muốn nhận quen với người sang. Ba không chịu buông cây đàn. Người đàn ông lại gọi, anh Ba không nhận ra tui sao? Tui là Minh trống đây. Ừa, Minh trống hả? Còn sống hả? Còn sống chứ sao. Con gái của Ngàn phải không? Ngàn mất rồi, để cho cô ấy yên. Tui biết tin hồi vượt biển lần thứ ba. Tui nằm liệt luôn trên tàu, quay lui để ném cho Ngàn nắm đất cũng không được nữa. Ba tui khựng lại. Tiếng đàn tiếng hát của ba con tui thoắt lặng phắt. Lần đầu tiên từ sau khi mạ mất, tui nghe có người gọi mạ bằng cái tên thời con gái. Tui nhìn quanh để tìm bóng mạ, nhưng mạ lặn đâu mất tiêu. Phải chi… Người đàn ông nói ngang câu đó thì cũng im bặt. Hai người đàn ông nhìn nhau. Tui nhìn họ. Rồi thì người đàn ông xưng tên Minh trống nhìn tui như sám hối. Bỗng nhiên ba tui vái dài người đàn ông một vái, rồi kéo tay tui. Tui và anh, hai người nay đã ở hai thế giới khác, trước anh đã không cho Ngàn yên, nay hãy để cho cha con tui yên. Thực ra tui với anh mới ở cùng một thế giới, còn Ngàn… Cô ấy là cô Ba vợ tui. Lúc nãy anh có cho con bé tiền, tui cám ơn anh. Đó là tiền tui nghe hát, cám ơn chi.

Ba tui kêu mệt bảo hôm nay về nghỉ sớm. Tui lui cui đi theo ba, tay bóp bóp đồng tiền trong túi nhưng không dám mở ra coi. Mi là mười ngàn, năm mươi ngàn hay mi là một trăm ngàn? Dù gì thì tui cũng sắp được mua gấu bông đến nơi rồi.

Tới nhà, ba nằm lăn lên sạp. Tui lo lắng sờ trán ba. Ba biểu để ba yên. Tui sợ hãi rụt tay lại. Mọi lần ba mệt, chưa khi nào không cần tui đánh gió. Cũng chưa khi nào có nhiều tiền mà ba không bới cát lôi cái hòm gỗ ra. Mặc dù ba không để ý lắm đến số tiền kiếm được trong ngày, nhưng ba nâng niu từng đồng mà tui đưa để cất vô hòm.

Tui quay vô góc, giở cái túi da để kiểm tiền. Tui không tin vào mắt mình vì trong túi không phải là một tờ chi chi như tui đoán định. Trong túi có tới năm tờ một trăm đô cuộn tròn lại, rồi buộc gọn bằng một sợi chỉ hồng. Tui định la lên với ba. Nhưng chợt nhớ ra câu chuyện khó hiểu giữa hai người đàn ông, có thể ông Minh trống đó ném lầm tiền vô túi ba con tui. Tui tính sẽ đi tìm ông ta để trả lại. Tui lận cuộn tiền vô túi quần. Đến đêm, tui đào một hố cát bí mật giấu tiền xuống. Tui khấn mạ giữ hộ tui chỗ tiền người ta đưa lầm, số tiền lớn quá, tui không dám đem theo trong người.


3.

Thằng Đình mười sáu tuổi có lẻ. Trán dô, miệng cá. Nó đi đánh giầy mà mắt cứ ngước lên trời xanh. Vậy mà nó lại đắt hàng. Khách thấy một thằng bé không còn bé, dáng đĩnh đạc, mắt nhìn lên trời thì tin tưởng hơn mấy đứa mắt cứ nhìn chằm chằm vô bất cứ đôi giày nào trên đường, trong quán. Nhưng nó không giành khách một mình, có khi hai ba ông khách vẫy nó lại, lập tức ba bốn đứa xúm vào cùng đánh. Chính vì thế mà đôi khi thằng Đình bị đá đít oan. Những ông khách khó tính tưởng nó là cò mồi giành khách cho đàn em nên tức khí thu giày lại, đá cho nó vài cái cho nhớ đời rồi hầm hầm bỏ đi. Thằng Đình những lúc như thế cũng không cãi lại một câu. Những người thân quen bảo ăn là nó ăn, không khách khí. Nhưng nó không lấy tiền thừa nếu khách hách dịch ném tiền vô mặt nó. Ba tui bảo thằng Đình đi đánh giày mà mãi không học được chữ nhẫn, dù đã biết nhịn. Tui không biết nó nhẫn hay nhịn, nhưng tui thấy nó có lý.

Tui không biết bằng cách nào, mỗi khi tui đứng hát trên hè phố là ở đó đã lấp ló gương mặt thằng Đình, hoặc đang ngồi đánh giày cạnh đó, hoặc đang đứng há hốc mồm nhìn cái cần đàn của cha tui rung theo lời ca.

Giấu tiền rồi, khấn mạ rồi, tui vẫn lo. Tui kiếm cớ đi lên phố mua đồ để kiếm thằng Đình. Chỉ có nó mới có thể giúp tui tìm ra ông Minh trống.

Đêm ở Huế không trăng không sao mà vẫn cứ lấp lánh sáng. Không phải vì ánh đèn trên phố hắt ngược lên trời mà có lẽ do ánh lân tinh dưới dòng Hương Giang làm cho muôn ngàn ánh sao chạy trốn trong đêm phải hé sáng. Tui chưa bao giờ đi tìm thằng Đình, chưa biết nó ngủ nghê dưới chân cầu Trường Tiền với chúng bạn ra sao. Tui bước thấp bước cao, bên tai vẫn văng vẳng những lời nói qua nói lại giữa ba với người đàn ông. Những lời nói được dệt bằng những ca từ người ơi nếu còn vầng trăng soi dòng Hương, núi Ngự còn thông reo chiều buông, tôi vẫn còn thương. Bóng hình mạ hiện lên như một điều bí ẩn giữa hai người đàn ông.

Tui đi men dưới bến, nơi khi xưa vua thường ra ngự ngắm trăng in đáy nước. Ở những chỗ này bây giờ thành phố cho đặt những chiếc ghế đá. Hai bên bờ sông Hương, trải dài từ đầu đường Hưng Đạo bên bờ bắc và đường Lê Lợi bên bờ Nam, từ chân cầu Mới cho đến cầu Trường Tiền là vườn hoa. Chỗ nhìn thẳng mặt từ điện Thái Hòa sang có những cây phượng cổ thụ, tán xoè rộng. Có một tán mái lợp ngói phượng màu lam, trùm lên bốn cột trụ bằng đá được đặt vững chãi trên nền đá mát lạnh có những bậc tam cấp khắc hình rồng bay phượng múa, nơi xưa kia vua và cung tần mỹ nữ ngồi nghỉ trước khi xuống bến. Tui và ba hay gặp đám thằng Đình ngồi chơi ù ở đó. Rồi chúng lôi các thứ kiếm được ra ăn bữa chiều, ăn xong nhảy xuống sông tắm. Đến tối khuya khi bảo vệ đi rọi đèn thì chúng đã lẩn đi từ lúc nào, đang nằm im lặng dưới gầm cầu Trường Tiền.

Tui đi đến chỗ đó. Tui gọi khẽ. Đình ơi, Đình! Từ trong bóng tối, một bàn tay bịt chặt miệng tui. Tui vùng ra. Không phải thằng Đình mà là thằng Vinh keo. Thằng Vinh keo làm nghề đi rao lưới. Vài ba tấm lưới cá trên tay, lẵng nhẵng theo khách vạn chài, mỗi ngày kể nó cũng kiếm đủ hai bữa ăn. Nó hơn tui một tuổi, đầu nhọn như đầu chim, mắt lươn ti hí. Thằng Vinh keo túm chặt tay tui.

“Cô kiếm thằng Đình làm chi. Nó không phải là thằng đàn ông”

“Tui có công chuyện”

“Chuyện chi? Đến kỳ động đực phải khôn?”

“Đồ khốn!”

Vinh keo vặn chặt tay tui hơn. Cái miệng hôi như con cóc ghẻ của nó kề sát miệng tui. Tui cong người cố thoát ra.

“Mi là đứa con gái ngu. Mi thử ngoan ngoãn xem có mất cái chi? Ngoan mai tui cho cô thêm tiền. Hôm nay động trời hay sao, tui đang thèm”

Vinh keo quặp chặt tui bằng một tay, một tay giơ lên định giật khuy áo tui. Tui gào lên trong cổ họng. Tui không gào to vì không muốn thiên hạ biết chuyện.

“Cô gào như một con mèo cái”

Bốp! Một cái tát trời giáng vô mặt thằng Vinh keo. Nó đưa tay ôm mặt, chưởi thằng nào gây tau, thằng ấy chết. Tui chưa kịp hoàn hồn, ngồi phệt xuống cỏ, nước mắt trào ra. Lúc đó tui mới nhìn thấy ông Minh trống đang chống nạnh nhìn Vinh keo. Thằng Vinh keo nhìn thấy người đàn ông đó thì im phắt, lặng lẽ biến đi. Tui sợ hãi nhìn người đàn ông đang đứng trước mặt. Nhưng mắc chi mà sợ? Tui đi tìm ông ta thì ông ta đang đứng trước mặt tui đây. Tui phủi quần đứng lên. Ông quắc mắt nhìn tui.

“Con gái con nứa đi đâu đêm hôm để tụi mắc dịch nó chọc ghẹo?”

“Tui đi kiếm ông. Nhưng tui định nhờ thằng Đình kiếm nên tui không mang theo tiền”

“Mang cái người còn không nổi, mang tiền theo chi?”

“Mang tiền trả ông. Ông đưa nhầm tiền cho tui không sợ tui lấy sao?”

“Tiền đó con giữ mà phòng thân. Thực ra ta còn muốn cho con rất nhiều. Nhưng e…”

Tui không hiểu. Tui nhìn người đàn ông đang đứng cúi đầu như quên mất vừa nói những gì với một đứa con gái nghèo. Ông đứng trong ánh lân tinh từ dưới sông hắt lên, mùi nước hoa gì thơm lắm thoang thoảng. Người ông dát bóng đêm.

“Con giống mạ con quá”

“Ông có thể kêu tui bằng em. Tui biết ông có tiền nên tụi thằng Vinh keo sợ. Tui không cần tiền của ông. Không thích ông kêu tui là con. Tui năm nay mười sáu có lẻ. Tui cám ơn ông về vụ vừa rồi. Mai ông ở đâu để tui đến trả?”

“Con ơi, tính khí con không giống mạ, nhưng gương mặt hình dáng thì y hệt. Con cầm tiền cho ta yên lòng. Ta phải đi xa. Khi nào có thể ta sẽ tin về cho con”

“Tui không biết ông là ai. Tui nói cho ông nghe, tui biết ba tui với ông không thích nhau. Tui cầm tiền của ông, ba tui giết”

“Ta biết con không có chỗ cất tiền nên cũng chỉ đưa cho con có vậy. Ta đã tính cho con sau này. Con nhớ lời ta giữ mình. Nhớ chăm sóc ba. Khi cần giúp đỡ, con nên nhờ thằng Đình. Nó người cùng làng với ta”.


4.

Thằng Đình đưa cho tui lá thư của ông Minh trống. Tui đọc thư, không biết nên xóa hay nên nhớ.

“Ta vốn là tay trống giỏi của một đội ca múa cung đình Huế trong thành phố. Ngày ấy thành phố mới giải phóng được bảy năm. Ngày ấy ta hai ba tuổi, mải chơi hơn chăm nghề. Nhưng vẻ đẹp trai và tài trống của ta vẫn làm cho nhiều cô gái bỏ nhà chạy theo. Ta phung phí họ như phung phí những đồng tiền kiếm được sau những đêm diễn. Riêng Ngàn không để ý đến ta. Cô ấy ở đội múa cung đình. Ngàn có đôi mắt buồn và gương mặt thanh tú của con gái miệt vườn Kim Long. Trong đội ca cung đình ngày ấy, có anh Ba ở ngoài Bắc vào. Anh Ba mồ côi không rõ quê hương bản quán, sau giải phóng dạt vào Huế. Vì có giọng hát hay nên được nhận vào đội. Ngàn và anh Ba yêu nhau. Ta lẽ ra không nên có mặt trong cuộc đời họ. Và như thế sẽ không có cuộc hội ngộ với con vừa rồi.

Ta vừa nói ta là một kẻ ham chơi, ngông cuồng. Ta ghen với anh Ba, không phải vì yêu Ngàn, mà vì tự ái. Chuyện ta gây ra với Ngàn, ta không muốn kể dài dòng. Đại để ta đã cưỡng ép Ngàn khi cô ấy và anh Ba sắp làm đám cưới. Anh Ba đã đâm ta một nhát dao nhưng vết thương không sâu. Ta bị kết án ba năm tù. Còn anh Ba thì bỏ đi. Nhưng đau cho ta là khi vào trại giam, ta bỗng thương nhớ cô ấy, thương thực sự. Ông trời bắt ta phải trả giá là yêu thương trong sám hối khốn khổ. Ngàn có đến thăm ta một lần. Cô ấy ngồi nhìn ta, nước mắt chảy xuống mà không trách ta một lời. Thà cô ấy cứ thù hằn rủa xả ta còn chịu đựng được. Trong tù ta luôn nhìn thấy vẻ mặt dịu dàng của Ngàn nhìn ta, vẻ đau đớn tột cùng khi ta xâm hại đến thân thể cô ấy. Ngay sau đó, ta được tin hai người đã làm đám cưới. Rồi ta được tin Ngàn xin giảm án cho ta. Hơn bảy tháng sau đám cưới, Ngàn sinh ra đứa con gái là con.

Con ơi, ta không biết con là con gái của anh Ba hay của ta? Và lẽ ra ta nên im lặng suốt đời. Nhưng ở phương trời xa xôi, ta vẫn không thôi nhớ đến ta vẫn có một đứa con gái của người đàn bà mà ta không bao giờ với tới được. Dù mạ con đã ở cõi âm, mạ con vẫn là người đàn bà duy nhất trong lòng ta. Ta viết thư này để được sám hối với con, có như vậy lòng ta mới được thanh thản”.


Khi hát Thương về miền Trung, không ai không nhớ về Huế. Huế quê tui có núi Ngự sông Hương, có bến Văn Lâu, có những điệu múa cung đình và những bài nam ai nam bằng. Huế có những cây phượng hoa đỏ, những cây điệp bông vàng, có trần tình non nước cả một đại nội rực rỡ sơn son thếp vàng. Có những chùa chiền lăng tẩm. Có rừng đại ngàn và những đồi thông reo trong gió. Huế của bé Hàn Giao con của cô Tôn Nữ Huyền Ngọc Thuỷ Châu nay nằm yên dưới đất. Của ông Minh trống suốt đời đánh mất người mình yêu. Của mạ lang thang mười ba bến nước.

Phải chi ba biết được mạ suốt đời trần chỉ yêu có một người, chắc ba không bắt hai cha con suốt đời làm kiếp hát rong.

Tui đào một hố cát. Tuồn mình nằm dài xuống, lấy tay cào cát lấp kín người. Cát ấm. Cát mát lịm.