Nhà văn VÕ THỊ XUÂN HÀ

Truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà

 

 

Nói đúng ra, những câu chuyện này của tôi có sự thật là sáu mươi phần trăm, hai mươi phần trăm

chế thêm tí chút gia vị, hai mươi phần trăm nữa từ tầng vô thức tự nhiên chen ngang nằm giữa:

 

Câu chuyện của một chàng buôn mắm với bà lái đò

Buổi sáng sớm, nước sông Đoạn Hà đang khắc xanh thẫm. Màn sương mờ mờ phủ lạnh mặt sông. Bà lái đò giở khăn vuông ra, ngẩng nhìn sương, khẽ buông tiếng thở dài.

Bên bờ khi ấy có một chàng buôn mắm đang đứng hút thuốc từ khi nào. Nghe tiếng thở dài bên bến sông buổi sớm mùa xuân, lòng khách bỗng dợn sóng. Khách bước gần hơn con thuyền.

– Bác chở tôi qua sông giờ này được chứ?

Bà lái đò nhìn khách dò xét từ đầu đến chân:

– Bệnh, hay thất tình?

Khách nhấc cái thùng vuông vuông đặt bên cạnh chân mình, khẽ giở nắp. Mùi nước mắm ngay lập tức chạy loang khắp mặt bờ cát thoải bên sông.

– Nhà cháu làm nước mắm

– Làm nước mắm? Ai mua nước mắm của cậu bên kia sông? Cậu bị điên sao?

– Cháu mang mắm đi không mong bán. Chỉ mong tìm được nàng…

– Cậu à, tôi khuyên cậu nên quay về nơi chốn của mình. Hôm nay sông rất đẹp, tôi không muốn một khắc đẹp này mà phải đưa qua sông một linh hồn chưa thoát tục.

Khách ném điếu thuốc hút dở xuống lòng sông. Nhấc đôi thùng gỗ lên vai, bước xuống thuyền.

Sông cuộn lên đục ngầu một màu xám bạc. Bà lái đò khẽ lắc đầu thở dài.

Khách đứng trên khoang thuyền, quay đầu nhìn đăm đăm phía bên kia sông. Rồi ngồi phệt xuống bên hai thùng gỗ sóng sánh một màu nâu sẫm hương buồn.

Bà lái đò lên thứ giọng buồn da diết.

Bao giờ suối sẽ vụt tung lên những hạt buồn thăm thẳm

Bao giờ mùa trổ dưới thung sâu…(*)

*

Câu chuyện của cháu nhạt nhẽo lắm. Bà nghe rồi cho chìm xuống dòng nước kia. Nhà cháu có một lò nấu nước mắm. Từ thời cụ tổ đã nấu nước mắm. Làm thế nào được. Đàn ông con trai trong nhà không ai không phải dính mùi mắm; nước mắm chìm sâu trong từng giọt máu thớ thịt, ăn cùng ngủ cùng đánh võng và ôm ấp. Nhưng không hiểu sao con trai dòng nhà cháu ai lớn lên cũng trở thành những chàng trai đẹp đẽ. Nhìn cháu thì biết. Nếu bà bảo không đẹp, thì cái thước đo đẹp hay không đẹp trên con sông Đoạn Hà mờ mịt này quả thật không công bằng như trên thế gian. Vì vậy cháu chưa lớn đã ngấm hai thứ: mùi nước mắm cá và niềm kiêu hãnh về vẻ đẹp tự có của cánh đàn ông con trai vùng duyên hải.

Rồi cô ấy xuất hiện. Như kiểu một ngày bình thường, một người đến đặt mua hai thùng nước mắm cốt. Cháu nghiêng người vục nước mắm cho cô ấy, bỗng nhìn thấy ánh mắt người con gái đọng trong lòng nước màu nâu sẫm, ánh mắt này như xa như gần, như cánh ong bay lượn bên ngoài hàng rậu ô rô, như đuôi cá quẫy đạp trong bùn lầy. Phải rồi, giống loài cá, là cá chứ không phải ong hay bướm, hay cánh chim trời như người ta thường ví von trong sách vở. Nghĩ đến cá bởi gia tộc cháu có tục thờ cá. Cá là linh hồn làm nên cuộc sống của gia tộc cháu, là mưa móc, niềm kiêu hãnh, sự hãnh tiến…

Cháu liền ngẩng lên. Nước mắm chảy tung tóe trên nền gạch. Mùi nước mắm xoắn lấy trí não như keo. Cô gái cười, đôi giày nâu giẫm trên vũng nước mắm mà sao không hề thấy ướt. Cô gái giúp cháu vục lại thùng nước mắm. Đôi tay khéo léo như búp măng. Không, những ngón tay cô ấy dài và thon mảnh như tay người gảy đàn nam cầm. Những ngón tay nói cho cháu biết cần phải nắm giữ, đặt đúng vị trí, dường như đó là những lời thầm thì của tổ tiên vọng về.

Dĩ nhiên câu chuyện mà cháu kể cho bà nghe, sẽ không dài dòng những năm tháng mà hai vợ chồng cháu yêu thương nhau để dẫn đến một đám cưới nhỏ. Nước sông thời khắc này sao yên lặng đáng sợ thế bà nhỉ. Bà nhìn xem, thùng nước mắm của cháu không hề nghiêng lắc. Nước sông sao xanh đến rợn người thế kia. Loài cá nào sống được dưới lòng sông này ngoài cá thần? Hay vợ cháu cũng là một nàng tiên cá bà nhỉ?

Sau khi lấy vợ, cháu bỏ hết các cuộc chơi bời ngoài phố, chuyên tâm làm lụng cùng cô ấy. Vợ cháu tài đảm đã đành mà còn là một kỳ nhân, khéo đến không ngờ. Nước mắm có tay cô ấy muối cá, khi được chắt lọc và chưng cất, dường như có thêm những mùi vị đặc biệt. Khách buôn xa gần đặt mua ngày càng nhiều. Đôi khi cháu tham, muốn mua tăng thêm gấp đôi số thùng gỗ muối cá, rồi đặt thêm nhà thuyền chài chở cá ngược sông. Nhưng vợ cháu không muốn làm thêm nhiều hơn. Cô ấy cứ nhất định chỉ làm một mẻ với những chiếc thùng muối cá có sẵn của ông bà để lại. Bà không biết chứ mỗi khi cháu gắt gỏng là cô ấy chỉ cười. Nụ cười của người làm vợ trước người chồng có lẽ khá gia trưởng như cháu coi như chỉ là nụ cười hòa. Giờ đây, cháu lúc nào cũng nhìn thấy nụ cười ấy. Cháu không còn cái cảm giác khi nhìn thấy nụ cười giàn hòa chối từ của nàng, mà cháu đã nhìn ra nụ cười êm dịu của hạnh phúc, không chấp nại, không mưu toan. Nhưng mà khi ấy, cháu đâu có nhận ra.

Bà hỏi cháu vì sao ư? Cháu đang định nhờ bà chở qua sông này, để đi tìm vợ, nhưng cũng để đi tìm Đấng Tối Cao hỏi Ông Ta, tại sao khi nặn ra người đàn ông lại tặng thêm cho anh ta cái tố chất ham muốn nhục dục ham muốn xa đọa đến bại hoại cả cuộc đời. Tại sao vậy?

Cuộc sống đã dâng tặng cho cháu hạnh phúc giản dị. Để rồi một ngày cháu làm nó tan biến. Nó không còn nữa, tan biến và mất hút, như thể chưa bao giờ cháu với được chạm được đến hạnh phúc. Khi cháu quyết định phải có một đứa con báo hiếu dòng tộc và cha mẹ, khi cháu nghĩ cháu có quyền và phải tự mình quyết định việc này, cháu không bao giờ ngờ rằng, phàm ở đời việc con cái là phải được tạo dựng từ sự linh thiêng. Con cái sinh ra từ sự phản bội, chỉ là những đứa con được tạo nặn từ những vong hồn oan khuất đi lang thang như quỷ đói ngoài sa mạc cằn cỗi. Những đứa con đó sẽ mang tội bất hiếu của chính cha mẹ chúng từ khi chúng chưa được sinh ra đời. Vậy thì sinh chúng ra để làm gì?

Cháu đã gặp một cô ả quá lứa. Cháu tự cho mình có quyền, rằng mình chính đáng với mục đích. Cháu không biết những thời khắc gian díu với cô ả có phải là một cách Đấng Tối Cao chế nhạo thân xác đàn ông hay không. Nhưng cháu đã quay trở lại với gã con trai chơi bời năm xưa, khi chưa gặp nàng.

Bởi vậy mà giờ đây cháu có mặt trên sông này, kể cho bà nghe câu chuyện này. Nghe xong rồi, bà nhất định sẽ đưa cháu qua bến bờ xa kia chứ?


Câu chuyện của một người thiếu phụ với chính nàng

Rút mấy bộ quần áo của chồng vào nhà, nàng tự nhủ: Ôi, không biết trong số mấy cái quần cái áo này, cái nào là chàng thực sự tự đi sắm? Cái nào là của ả đàn bà kia mua tặng? Mà họ có đi mua tặng nhau quà gì không nhỉ? Chẳng lẽ ả lại không mua tặng chàng cái áo nào, như bất cứ một ả đàn bà nào đang yêu? Hay ả chỉ thích moi tiền, quà, và cả con nữa, từ cái người hàng ngày vẫn đang là chồng nàng?

Lâu lắm rồi, nàng đã cố quên những ngày bị sa vào chốn địa ngục đó. Cố quên. Nhưng sao người đời thản nhiên quên hết được mọi thứ vậy? Không lẽ lát nữa, khi chàng bước vào cái lò nước mắm với những miệng chảo đang sôi sùng sục thứ nước màu nâu sóng sánh được chắt lọc từ ngàn ngàn thân xác cá, nàng lại buột miệng hỏi: Sao hồi đó hai người chỉ ngủ với nhau thôi sao? Không muốn tặng nhau một đứa con sao? Trong cái tủ quần áo, hay trên dây phơi kia của nhà ta, chiếc áo nào, manh quần nào là của cô ta may tặng chàng? Sao chàng không ném chúng đi, hay còn muốn lưu giữ để hủy hoại cuộc sống này của chúng mình?

Nàng ngồi thụp xuống sàn nhà, lấy tay di mạnh vào lồng ngực, nơi có con tim hình như đang bấn loạn. Ngoài kia gió bắt đầu vần vũ từng cơn. Bầu trời đang trong veo bỗng nhiên đổ sụp xuống rất nhanh. Nàng nghe thấy tiếng con chim gì đang hớt hải ngang qua. Tiếng chim như tiếng một bà mẹ trẻ thảng thốt.

Tu…ri.. it…

… con…on… oi… oi… iiiiii…….

Nàng soi hình mình trong gương. Một gương mặt quá khắc khổ với hai con mắt hoảng loạn. Mưa này chàng còn đi đâu chưa về? Chàng đã hứa thay đổi. Sẽ yêu thương nàng. Và họ sẽ có với nhau những đứa con.

Nàng hình dung khi ấy gia đình này sẽ vui và đầm ấm như thế nào. Nàng sẽ cố quên những vệt đen mà chàng đã để lại trong tim mình. Sẽ cố gắng được như lời thần linh dạy bảo. Sẽ đặt cái tôi của mình xuống mà thương lấy con người kia như cách của con nhà Phật, sẽ mở lòng từ bi, sẽ tu ngay trong chính tâm hồn nàng.

Nhưng sao nàng vẫn không thể quên nổi sự phản phúc của người chồng mà nàng đã đem toàn bộ cuộc đời mình đánh cược?

Không bao giờ chàng biết được, hàng đêm nàng vẫn mở to mắt nhìn ra bầu trời lấp lánh sao, để cố quên, để không nghĩ đến cảnh họ đang cuộn chặt vào nhau… Vậy mà những ý nghĩ như những cái u bướu nặng nề cứ hướng đến những hình ảnh nhầy nhụa, những tiếng thì thầm hứa hẹn cưng chiều. Nàng bật dậy trong đêm ngồi nhìn chàng ngủ. Gương mặt chàng trong giấc ngủ như chưa hề làm điều gì có lỗi. Chàng ngủ thản nhiên, như những chuỗi ngày thản nhiên sống bên nàng. Giống như chàng không còn kí ức, còn nàng không muốn mà kí ức vẫn đến…

Dường như nàng đang bị trói giữa lưng chừng không trung. Ngửa mặt lên nhìn chỉ thấy những vầng ánh sáng đang dần bay đi tan đi khỏi bầu khí quyển. Dưới chân nàng là biển đen với lớp lớp vụn phù du rơi rơi từng giọt. Tựa như vũ trụ đã để rơi mất rồi những chuỗi hạt hạnh phúc. Tiếng rơi của những chuỗi hạt mong manh đó chẳng gây ra chút âm thanh nào vang vọng trên thế gian.

Thế gian ơi, lòng từ bi thì có chỗ. Nhưng lòng từ bi không đem lại thứ hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc là tinh túy là sự chưng cất bao khổ ải, chưng cất thân xác để đón lấy mùi hương. Hạnh phúc là đốt bao nhiêu than củi, bao nhiêu nước và lửa, bao nhiêu mồ hôi và nước mắt. Hạnh phúc là sự kiêu hãnh của vầng dương, với những tia sáng mắt thường không thể đo đếm. Đã là những tia sáng mảnh tuyệt đẹp thì không tương đồng sự bao dung từ bi.


Câu chuyện của một gái chơi với một ả ăn sương

Tao thích thằng cha đó chỉ vì cái vẻ ngông nghênh của gã. Tao thích ngủ với gã, chứ tao không cần tiền của gã. Nói chuyện tiền với gã này chỉ thiệt, gã keo kiệt ngay từ ánh mắt nhìn đàn bà. Cái sự dâm ô của gã nó chìm trong đuôi con mắt ngải. Tưởng nghiêm ngắn không bao giờ thích mấy thứ của nợ chuyên dụng của bọn chúng mình. Chỉ tội không có tiền với cũng sợ con mụ vợ ở nhà. Nghe nói mụ này có tài chế nước mắm, nức tiếng cả vùng. Nghe nói, thực ra cái gì tao cũng nghe gã nói gã khoe, sau này mới nhận ra, gã ngấm hơi mụ vợ từ ngàn kiếp trước. Thân tao chẳng qua cũng chỉ là cái thứ phù du cho gã chơi trò phù du mà thôi. Ngu quá mày ạ.

Sống cùng nhiều năm mà gã với vợ chưa nặn ra được mụn con nào. Thành ra tâm địa đàn ông muốn tìm chốn gửi gắm. Không ngờ gã ngờ nghệch đến thế. Làm gì có con đàn bà nào chịu đẻ con không cho gã, để gã vẫn vợ chồng êm ấm, để gã có đứa nối dõi; ngay cả khi gã có cho tiền, thì con đàn bà nào cũng muốn độc chiếm người đàn ông của mình nếu hai người đã có con với nhau. Cái sự con cái này, mày quá thừa kinh nghiệm nhỉ. Đấy, nuôi con một mình, chịu bao cay đắng một mình. Nhưng thằng chó chết làm mày ị ra con lại không thèm con, nên mày phải chịu thôi.

Tao gặp gã như thế nào ấy à? Có gì đặc biệt đâu. Một bà chị thương tình bảo cho biết, rằng có thằng bạn lấy vợ đã lâu chưa con cái. Mà vợ chồng nhà thằng bạn này cũng chỉ như kiểu gá nghĩa với nhau. Nghe đâu con mụ vợ quyến rũ và dùng mọi thủ đoạn để có được thằng này, còn thằng này sống với vợ mà tâm hồn để thòi ra bên ngoài, coi cái con mụ kia như kẻ làm mướn không công mày ạ. Tao gặp gã là tin ngay cái điều đó. Vì gã nói hay thôi rồi. Gã hứa đủ thứ, nào là sẽ cho tao danh phận, nào là sẽ đưa bố gã đến để hỏi tao cho gã, nào là sẽ ly dị vợ… Tao và gã hẹn hò nhau trong một nhà nghỉ mùi ẩm mốc lan lên tận óc. Nhưng mùi nước mắm ngấm trong máu gã còn kinh tởm hơn. Mà không hiểu sao, tao lại say cái mùi khẳn ấy. Tao thường không đợi được, khi gã vừa vào phòng, khi mùi nước mắm khăn khẳn bốc lên, cơ thể tao căng lên dáng hình đàn bà quá lứa nhỡ thì, ngùn ngụt sát khí, chất chứa nỗi hận đời, căng phồng chèn ép mọi giác quan mọi biến thể thân xác. Tao tự lột váy áo. Tự bốc mùi xác chết. Tao ngửa ra cho gã nghiến ngấu. Khi cái vật của gã căng ra bám riết rỉa róc thân thể của tao, tao vẫn kịp nghĩ đến cái mà người đời gọi là hạnh phúc. Hạnh phúc là cái thứ căng cứng bấn loạn đang dường như mất phương hướng, được tự do mà vẫn cảm nhận tội lỗi, cái vật đang thụ hưởng và đang đem lại hạnh phúc kia. Cần cóc gì phải bàn cho lắm vẻ mĩ miều. Bàn tay gã tham lam lần mò như cậu trai tơ chưa biết mùi đàn bà. Nhưng thằng đàn ông này có thứ tinh khí trong veo, thứ tinh khí bị hút hết hồn cốt, bị vầy vò bởi cái sự khốn khó thiếu đủ thứ từ trong trứng mẹ. Tại sao tao lại mê gã nhỉ? Gã có gì đâu, ngoài sự phản bội và nhạt nhẽo, dù thấm đẫm thứ mùi trần tục hôi khẳn mà tao mê muội.

Nghĩ cho cùng tao mới chính là kẻ ngu ngốc. Tao hãnh diện đã làm cho vợ chồng gã tan nát, hả hê vì sự tan nát đến tận cùng. Nhưng rồi chính tao cũng thấy rất rõ, rằng cuộc đời mình đang rữa ra từng mảng từng mảng, tao mắc nợ cuộc đời của tao vì sự gian lận dối trá ham muốn tột cùng của mình.

Ờ, nhưng mà nghe tao nói vậy, sao mày im lặng? Mày biết gã đã bỏ tao, sang sông rồi phải không? Sang sông Đoạn Hà tìm vợ, còn đâu lối về nữa mà mong chờ…

*

Trên sông, bà lái đò gò lung chèo. Nước đầu mùa xuân rất lạnh, như một dòng sông tuyết.

Khách ngồi nghiêng trên đò, tựa vào hai thùng nước mắm, nhìn xa giống một ngọa quỷ đang sám hối.

Chỉ còn tiếng hò ai oán ngang sông.


Hết rồi nụ cười tôi…  Hết rồi nước mắt…

Những vĩnh hằng yêu thương vùi dập

Đã bay đi…

Gục dưới bến Đoạn Hà… (*)


Đêm 25.1.2016 – Kỷ Nguyên Tối Tăm

 

(*) Bài thơ BẾN ĐOẠN HÀ của tác giả

 

– Báo Lao động cuối tuần, số ra 31/1/2016 –