Buồn, vui là những cảm xúc thường tình của con người, nhất là những người đa sầu, đa cảm – thi nhân. Ở ta, không bao giờ xuất hiện một nhà thơ đích thực, mà suốt đời chỉ nói chuyện buồn hoặc ngược lại, chỉ nói chuyện vui.

Đến như Tố Hữu – nhà thơ lớn mà đời thơ cũng bộc lộ bao nỗi vui buồn. Trước Cách mạng, là nỗi buồn lớn về cảnh đời, về những phận nô lệ đã đành. Cho đến những năm cuối đời, người ca sĩ hào hùng của cuộc đời mới vẫn có nhiều nỗi trăn trở về nhân tình thế thái. Đó mới là thơ vì con người.


Huy Cận là nhà thơ sớm đi theo Cách mạng, sớm trở thành nhà thơ – quan chức cách mạng. Ông vừa làm chính trị, vừa làm thơ cũng không ngoài lẽ thường tình, trải qua chiêm nghiệm vui buồn một đời thơ.



I/ BUỒN, VUI HUY CẬN XƯA

Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm

Gió trăng ơi, nay còn nhớ người chăng?

Câu thơ đã khép lại tập thơ Lửa thiêng ấy, cũng là lời tự bạch chân thành hết mức của Huy Cận.


Nhà phê bình bậc thầy Hoài Thanh cũng như đã in một dấu ấn lên đời thơ Huy Cận thời tiền chiến, khi xác định cuộc đời một thế hệ thi sĩ “nằm trong vùng chữ Tôi” cá nhân chủ nghĩa: “Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong vườn tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi cũng tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”. Đó là “dấu son” hay “con triện đen” của đời thơ Huy Cận?

Nhiều ý kiến tản mạn xưa nay đã phân tích cái hồn trong thơ Huy Cận. Tuy nhiên, cần phân tích rõ tính chất, đặc điểm, đặc biệt là nội hàm chuyển hóa nỗi buồn của nhà thơ.

Là người khao khát không gian, tinh nhạy, cảm thức bầu trời, Huy Cận được mệnh danh là thi sỉ manh mún, “vạn lý sầu”, sầu vũ trụ. Đồng thời, nhà thơ cũng như đắm chìm với thời gian, nhất là lịch sử xa xưa để có được nỗi “sầu vạn cổ”, “sầu nhân gian”.

Nói thế như đã là hết nhẽ với một thi tài. Đó là chiều sâu, chiều cao và cũng là chiều xa của một cảm quan vô hạn.

Thơ ông có đủ cung bậc của nỗi buồn. Buồn có lý cớ, và cả buồn vu vơ, vô duyên cớ – nhìn đâu cũng thấy buồn. Trước cảnh một vườn hoang nắng xế là một nỗi buồn mong manh, e ấp, ngại ngùng:

Nắng chia nửa bãi, chiều rồi

Vường hoang, trinh nữ xếp đôi lá rầu

Sợi buồn con nhện giăng mau

(Ngậm ngùi)


Ngay mùa xuân đẹp (Đẹp xuân) mà mắt vẫn mờ ảo nỗi bưồn cả người lẫn cảnh:”Trơ vơ buồn lọt quán chiều/ Mái nghiêng nghiêng bởi buồn theo hút người”. Tâm hồn như nhỏ theo “giọt mái nhà” cảm nhận: “Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la” (Buồn đêm mưa). Buồn như sóng gợn, chồng lớp, trùng lặp vô tận:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng

(Tràng giang)


Hình ảnh: “Củi một cành khô lạc mấy dòng” rất tiêu biểu cho thân phận của lớp nhà thơ một thời, cũng là cái bơ vơ, “cô đơn bản thể” thi sĩ của chủ nghĩa lãng mạn. Nỗi buồn, sự cô đơn là những trạng thái thường đồng hành trong sáng tác thơ ca. Một thế hệ Thơ mới trĩu buồn đã là một sự thật hiển nhiên.

Vũ Hoàng Chương khắc khoải: “Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/ Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh” (Phương xa). Hàn Mặc Tử kêu rên thê thảm: “Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng/ Một vũng cô liêu cả vạn đời/ Chao ôi ghê quá! Chao ghê quá!/ Cảm thấy hồn tôi ớn lạnh rồi” (Cô liêu).

Nhìn rộng ra, thế giới cũng có những hiện tượng tương tự về thi đề, về cảm hứng thơ. Nỗi buồn mang một hình hài trong thơ thế giới như một thị hiếu  mỹ cảm không chỉ của riêng một thời đại, một trường phái nào. Alfred de Musset (1810 – 1857) từng viết: “Tuyệt vọng nhất là những bài hát đẹp nhất/ Và tôi biết mọi sự bất tử đều là những tiếng nức nở tinh khiết” (La Muse) [2, tr 71].

Cuộc đời vốn có cả vui lẫn buồn. Có quan niệm là thường buồn nhiều hơn vui. Nhà thơ hiện đại Nga Evgueni Aleksandrovitch Evtushenco – còn đòi “quyền được buồn”.

Buồn một thời có nguyên nhân xã hội sâu xa mà ai cũng biết. Đó là cảnh đất nước bị đắm chìm trong chế độ đô hộ suốt gần trăm năm. Huy Cận có cái buồn chân chính, nhà thơ đã nói được “Sự quằn quại của những con người” như một ý tưởng trong lời giới thiệu tập thơ Nước triều đông (Mareés de la Mer Orientale) của Paul Schneider.

Điều quan trọng nhất là, thi sĩ lãng mạn buồn đời, đau đời mà không chán đời. Như lời kêu gọi của nhà thơ – chiến sĩ Tố Hữu: “Buồn ta ấy lửa đương nhen/ Buồn ra ấy rượu lên men say nồng”. Huy Cận đã khóc cùng Mẹ Tổ quốc – Giọt lệ Hoàng Mai. Nhưng “Buồn ta là của buồn đời/ Buồn ta không chảy thành đôi lệ hèn” (Cảm thông).

Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đã thúc đẩy cuộc lên đường hướng tới cách mạng của Huy Cận. Mai xa đã nói lên ý tưởng ấy: Lòng nhà thơ đã “tủi nắng, sầu mưa/ Cùng đất nước và nặng buồn sông núi”.

Nỗi buồn trong thơ Huy Cận, thực ra có nét khả thủ, và về bản chất, vẫn gắn với lòng yêu đời, yêu cảnh tượng thiên nhiên và quê hương, đất nước.

Quả là thơ Huy Cận trước 1945 đã có lúc “lượm lặt những chút buồn rơi rớt để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não” (Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh). Nhiều người còn nhận xét cái buồn sầu ảm đạm như một định mệnh của hồn thơ Huy Cận, và áp đặt: “Huy Cận là một nỗi buồn đã ở dạng kết tinh”, “Cái xâu chuỗi mọi bài thơ Huy Cận là cái sầu – điển hình như một bản lĩnh, một đặc sản Huy Cận” [2, tr 303].

Nếu xét một cách khách quan và tỉnh táo, thì ngay trong Lửa thiêng cũng có không ít niềm vui, câu thơ vui. Có Nhạc sầu nhưng có Đi giữa đường thơm. Có chết nhưng có sống, có buồn  nhưng có vui, chán nản  não nề nhưng cũng  yêu đương tươi trẻ. Chế Lan Viên đã thống kê, cho thấy tỷ lệ vui/ buồn xen kẽ là đáng kể ngay trong tập thơ này. Nhà thơ tri kỷ Xuân Diệu đã lý giải điều này đầy thuyết phục: “Cái tiếc sớm, cái thương ngưà ấy chẳng qua là sự trá hình của lòng ham đời, là cái tật dĩ nhiên của kẻ yêu sự sống”.
Vậy là đã rõ, “cái gốc” của nỗi buồn là ở lòng yêu đời. Con mắt thơ Huy Cận vẫn nhận ra “ánh sáng nở bừng”, “nắng thơ dệt sáng”, và rất tinh tế, kỳ diệu là “hồn trong hơi thở”…

II/ VUI, BUỒN HUY CẬN NAY

Cách mạng đến, thay cả phận người và đổi cả đời thơ. Chế Lan Viên còn nói rõ hơn: thay đổi đời và được thay đổi thơ tức hồn thơ. Nhưng, điều quan trọng nhất là, nhà thơ cần có nhân tố tiềm năng để tự đổi thay.

Khi đi vào chế độ mới, Huy Cận đi ngay vào chính trường, và đeo đuổi sự nghiệp chính trị gần như suốt đời. Chính vì sự nặng nợ “sầu bi” này mà nhà thơ nhất thời rơi vào tình trạng “được mùa chính trị, mất mùa văn chương”!. Giới văn nghệ gọi đó là “sự khủng hoảng” trong hồn thơ.

Cuộc “ nhận đường” văn nghệ mới phải có thời gian. Nếu nhận thức của Chế Lan Viên “đi xa” vào siêu hình, thì cảm hứng Huy Cận lại “chơi vơi” miền mông mi đầy màu sắc chiêm bao. Là nhà thơ thoát ly cao đạo, Huy Cận đang tìm đường trong cuộc đời mới – từ suy tưởng, nhận rõ thực trạng cuộc sống, đến tự ý thức mới đưa tới hành động là cả một quá trình gian nan, vất vả.

Nhận thức có thể đến nhanh, nhưng biến chuyển tình cảm, cảm xúc lại chậm hơn. Vì phải đợi chờ sự chín lại của tâm hồn nghệ thuật mới có sáng tạo mới được.

Giữa lòng thế kỷ được coi là một bài thơ có tính chất quá độ của thời kỳ chống Pháp. Nhà thơ vẫn còn không ít khái niệm trừu tượng, mơ hồ để vượt lên tấm lòng trĩu nặng Đau thương thế kỷ…

… Ta nghe hát trong trời xanh, trên hoa lá

Trong tâm tư một khúc hát tinh khôi

Đó mới là tiếng hát của quần chúng, của cách mạng dội vào để khơi gợi niềm vui mới nảy nở trong tâm tư.

Rồi cũng tới lúc chín muồi, cái gì đến cũng phải đến. Huy Cận vui trở lại.

Cuộc đời mới đã xóa dần nỗi cô đơn, buồn tủi một thời. Tình đời, mà cụ thể là tình người đã gợi lại, và tạo dựng ở Huy Cận một lẽ sống mới đầm ấm trong căn cốt nhân bản một nhà thơ:

Đời vui không chút phân vân

Đời lên tuần tự từ nhân ngọt ngào

Liên tục là những khúc ca vui xuất hiện. Chỉ qua nhan đề các tập thơ cũng thấy được sự rạng rỡ mới của hồn thơ: Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Bài thơ cuộc đời (1963). Những năm tiếp theo: Chiến trường gần, chiến trường xa (1973), Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (1975), Ngôi nhà giữa nắng (1978)…

Lại thấy không gian mới, thời gian mới đầy sinh sắc, đầy sức lực. Lại một vũ trụ thơ như Vũ trụ ca mới: Chim làm ra gió (1981), Nước triều đông (Mareés de la mer Orientale – Paris) (1994), Thông điệp từ vừng sao và từ mặt đất (Messages stellaires et terrestre – Canada) (1996). Những tập thơ cuối đời xuất hiện năm 1997: Thiên nhiên nôi ấm của em, Lời tâm niệm cùng hai thế kỷ, Ta về với biển.

Sự liệt kê thoáng qua trên đây là minh chứng cho một tâm hồn mở rộng, trải xa theo năm tháng cuộc đời thơ.

Cuộc đời sang trang mới, với Huy Cận như là cuộc đảo ngược, từ âm bản sang dương bản: từ buồn sang vui.

Rất nhiều lần hiện tượng thiên nhiên này đã được chứng minh qua đối sánh hai cảnh mưa: Buồn đêm mưa và Mưa xuân trên biển. Có một bài thơ trung gian: Mưa mười năm sau (1949). Ở đây đã có so sánh: “Giọt mưa cũ ố vàng thơ phú/ Triều mưa nay đoàn tụ lúa xanh/ Cũng là thức giữa năm canh/ Mưa xưa lạnh lẽo, an lành mưa nay”.

Nhưng Xuân Diệu đã chỉ ra gân cốt của bài thơ 20 năm sau Mưa xuân trên biển (1959) là ở đoạn 3 và “câu thần” là “Mưa xuân tươi tốt cả cây buồn”, “Cây buồm từ gỗ hóa trở lại thành cây, nhà thơ thấy như nó được tươi tốt, sắp có thể đâm chồi nảy lộc!” [2, tr 423].

Cũng chính Xuân Diệu, qua tiểu luận Đất nước và thiên nhiên trong thơ Huy Cận, đã phân tích đặc sắc niềm vui lớn lao như chuyển biến cơ bản của cảm hứng vũ trụ – nhân sinh Huy Cận. Theo nhận xét của nhà bình thơ xuất sắc, thì: “Huy Cận là một nhà thơ của đất”. Nhà thơ ca ngợi trìu mến, thân thương từ con nghé, con ong… và nâng hạt lúa lên tầm các vì sao:

Lúa thơm, cái mạ cũng thơm, cái rơm cũng quyện

Sao ở trên trời, lúa ở dưới sâu, soi nhau xao xuyến

Trong khi ngô – “Ngô xen bãi cỏ xanh ngời, trời xanh” thì mây thành trâu bạc, ngựa trắng: “Ngỡ đàn trâu bạc phá tung ràn!”…“Từng đàn ngực trắng chạy nhanh/ Đuổi mây, mây đuổi tung hoành thảo nguyên”. Huy Cận cũng được coi là nhà thơ của biển:

Sóng trắng bờm  phi hý gió mai

Mây bay tới tấp ngộp chân trời

Trà Cổ (8/1974)

Nhưng nhìn chung lại, đó là sự giao hòa, giao hoan đất trời với lòng người làm dấy lên sức sống, niềm vui từ tâm hồn:

Mà sao náo nức bấy lòng ta

Như nhựa lên cành, mỗi lứa hoa;

Như sóng dồn xô bờ rộn rã

Như sao xao động ánh Ngân hà

Đã rõ là Huy Cận có những cảm xúc vũ trụ… Nhà thơ tự bạch thêm: thường có những nỗi – niềm – tinh – vân [2, tr 212]. Năm mươi năm từ lúc mới viết những câu thơ đầu tiên, đến nay vẫn là cảm giác: “Mỗi khi em nhíu đôi mày gió/ Ta biết đời đang cất cánh bay”. Vũ trụ thơ như mở thêm chiều kích cho niềm vui say cuộc sống. Cuộc đời như được bao trùm cái ân tình vũ trụ, làm sáng lên tấm lòng nhân hậu của nhà thơ.

***

Có những nốt trầm trong bản nhạc vui đời thơ Huy Cận. Đó là những cảnh khổ cực người thợ mỏ, nỗi vất vả người dân quê trong so sánh cuộc đời xưa và nay. Lại có những trải lòng trầm tư với nỗi bế tắc, u uẩn mà cha ông để lại trong quá khứ (Các vị La Hán chùa Tây phương). Quãng lặng những năm kháng chiến, cũng như khoảng lặng cuối đời, vì những trăn trở, ưu phiền gia cảnh riêng tư cũng hiện rõ qua sáng tác đều có những lý cớ. Và, khi đọc kỹ, ta có thể thấy những giọng điệu thơ “vui gượng” thoáng qua đây đó. Đó là điều thường tình mà ta có thể thông cảm.

***

Vui, buồn đời thơ Huy Cận mang đậm sắc thái xã hội. Cái buồn của hồn thơ đã gây “xôn xao” một thời, nhưng không mang tính bi kịch, là nỗi niềm đời thường gợi cảm thương của nhân tình thế thái. Cái vui náo nức, dào dạt, chân thành lại giúp ta thêm ham sống và yêu đời trong cuộc sống mới sôi động và sáng tạo ngày hôm nay.

Đã hơn mười năm Huy Cận  đi xa… Cứ cữ mươi năm, nhà thơ thường ngẫm  lại chuyện vui, buồn đời người. Theo cách ấy, ta nhớ nhà thơ.

Một đời Huy Cận đã trải lòng mọi nỗi niềm thành khẩn với đời. Ta cảm ơn nhà thơ vì, , nói như Xuân Diệu, đó là cách  Cảm tạ cuộc đời  chân thành nhất của Huy Cận.

 



TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Đoàn Trọng Huy (2007), Huy Cận – in trong Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX (tập II), Giáo dục.

[2] Nhiều tác giả (2000), Huy Cận – Về tác gia và tác phẩm, Giáo dục.

[3] Nhiều tác giả (2013), Nhìn lại Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn, Thanh niên.

Theo Đoàn Trọng Huy – VNTPHCM