“Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh (và Hoài Chân) là quyển sách tuyệt hay. Ông bạn thơ vong niên Trần Đăng Khoa của tôi xếp “Thi nhân Việt Nam” vào một trong ba quyển sách nghiên cứu, phê bình thơ hay nhất được sinh ra trong văn học Việt Nam hiện đại. Không biết Trần Đăng Khoa đã viết và nói ở đâu chưa, hay chỉ mới nói riêng với tôi?
1. Hơn nửa thế kỷ trước, lúc còn đang tuổi thiếu niên, tôi có nghe một ca khúc phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam (xin nhắc lại: phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam hẳn hoi). Ca khúc này nói đủ về công, nông, binh (công: công nhân, nông: nông dân, binh: bộ đội), trong đó, có những câu, những đoạn như thế này, chỉ nghe qua một lần là nhớ! Bây giờ, những người trẻ tuổi – mà không chỉ những người trẻ tuổi – nghe thấy, chắc không ai không bật cười, và khó có thể tưởng tượng được rằng sao lại có thể có một ca khúc thô thiển đến mức ấy. Ba đoạn của ca khúc thế này:
– “Sáng hôm nay, anh tôi vác cuốc, vác cuốc ra thăm đồng… Anh cuốc như thế này rồi như thế kia… như thế này rồi như thế kia…” (nói về nông dân).
– “Sáng hôm nay, anh tôi vác súng, vác súng ra thao trường… Anh bắn như thế này rồi như thế kia… như thế này rồi như thế kia…” (nói về bộ đội).
– Sáng hôm nay, anh tôi vác búa, vác búa lên công trường… Anh đánh như thế này rồi như thế kia… như thế này rồi như thế kia…” (nói về công nhân).
Nhà văn Hòa Vang.
Gần hai chục năm trước, có lần cùng các bạn văn đi viết ở Nhà sáng tác Đại Lải (Vĩnh Phúc) của Bộ Văn hóa – Thông tin, ngồi trên xe, nhà văn Hòa Vang (1946 – 2006) hát lại bài này, mà không bình luận gì. Anh bổ sung một đoạn, cho ca khúc có đủ cả công, nông, binh, trí thức:
– “Sáng hôm nay, anh tôi vác bút, vác bút lên văn đàn… Anh viết như thế này rồi như thế kia… như thế này rồi như thế kia…”.
Mọi người trên xe ôm bụng cười, cười nghiêng ngả, đến nỗi không biết xe đã đến cổng Nhà sáng tác Đại Lải từ bao giờ!
Tôi đã từng có ý định hỏi một nhà nghiên cứu âm nhạc hoặc một nhạc sĩ kỳ cựu xem tác giả ca khúc kia là ai. Nhưng, cho đến nay, hoặc chưa có dịp, hoặc gặp dịp rồi thì lại quên mất, không hỏi. Tuy nhiên, có lẽ cũng chẳng cần thiết phải hỏi. Cái ấu trĩ đến mức ấy, thậm chí còn ấu trĩ hơn thế, xưa nay, đâu có thiếu!
2. “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh (và Hoài Chân) là quyển sách tuyệt hay. Ông bạn thơ vong niên Trần Đăng Khoa của tôi xếp “Thi nhân Việt Nam” vào một trong ba quyển sách nghiên cứu, phê bình thơ hay nhất được sinh ra trong văn học Việt Nam hiện đại. Không biết Trần Đăng Khoa đã viết và nói ở đâu chưa, hay chỉ mới nói riêng với tôi?
Tôi vốn thích “Thi nhân Việt Nam” từ hồi còn đang tuổi thiếu niên, sau đó là tuổi thanh niên – dù mới chỉ được đọc một số trang ít ỏi trong đó. Nhưng hồi bấy giờ (vào những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, cho đến hết cuộc kháng chiến chống Mỹ) sách văn học viết và xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám gần như bị cấm kỵ. Kể cũng có phần nào là đúng. Bấy giờ, tất cả phải tập trung vào những chuyện trọng đại của đất nước. Mà những quyển sách xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám như “Thi nhân Việt Nam” lại đề cập nhiều những thứ riêng tư (của phong trào Thơ mới).
Quyển “Thi nhân Việt Nam” tôi được đọc lần đầu tiên, từ trang đầu đến trang cuối, là quyển in rônêô của Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong những năm kháng chiến chống Mỹ (chắc do nhà trường in rất ít để thầy giáo và sinh viên tham khảo). Lại càng thích thú, thích thú hơn cảm giác lần đầu mới chỉ đọc ít trang, ít đoạn trong đó.
Hình như, khá lâu sau cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, “Thi nhân Việt Nam” mới chính thức tái bản (ở miền Bắc). Tuy nhiên, tôi có dịp được tiếp xúc với quyển sách này sớm hơn. Bấy giờ là năm 1977. Một người bạn đi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, mua ở cửa hàng sách cũ đem ra tặng tôi quyển “Thi nhân Việt Nam” do Nhà xuất bản Thiều Quang in năm 1967.
Khỏi phải nói, tôi quý quyển sách thế nào. Một ngày đẹp trời, tôi đem quyển sách đến gặp nhà phê bình Hoài Thanh (bấy giờ Hoài Thanh ở với con trai ở phố Trần Quốc Toản, Hà Nội) để xin chữ ký của ông làm kỷ niệm (hồi ấy, tôi chưa quen tác giả “phụ” của quyển sách là Hoài Chân, em trai Hoài Thanh). Tôi tưởng Hoài Thanh sẽ mừng lắm, khi thấy quyển sách của mình in ở Sài Gòn. Nhưng thật bất ngờ, Hoài Thanh cầm quyển sách tôi đưa một cách… vô cảm. Ông đặt xuống, nhặt lên mấy lần mới miễn cưỡng ký cho một cái tên rồi chẳng hề nói gì!
Tôi có cảm giác mình vốn có “duyên nợ” với Hoài Thanh từ lúc còn tuổi thiếu niên: đã từng nghe ông nói chuyện thơ ở thành phố Nam Định năm 1960, đã từng viết thư cho ông lúc mới 17 tuổi, có lẽ ông có đôi chút… nể nang (hay ưu ái) mới miễn cưỡng mà ký, chứ với người khác, chưa chắc ông đã chịu ký!
Lý do tưởng cũng rõ. Vì cho đến lúc ấy (1977) Hoài Thanh vẫn coi “Thi nhân Việt Nam” của mình là quyển sách có hại, hay ít ra là hại nhiều hơn lợi. Chỉ đến năm 1982, trước khi qua đời không lâu, trong một lần trò chuyện với con trai, Hoài Thanh mới tỏ ra bắt đầu thấy được giá trị quyển sách của mình; trong khi bạn đọc – mà bạn đọc nhỏ tuổi như tôi – đã thấy từ lâu lắm!
Một nhà nghiên cứu và phê bình nhạy cảm, tinh tế như Hoài Thanh, mà có cách hành xử quái lạ với quyển sách thực sự làm nên tên tuổi của ông như thế!
Cuốn “Thi nhân Việt Nam” do NXB Thiều Quang xuất bản.
3. Không ít trường hợp, một câu thơ, một bài thơ; thậm chí chỉ một từ, một ngữ đặt trong một câu thơ, một bài thơ sẽ đưa người đọc đến những cách hiểu khác nhau, mà không thể, hay là rất khó khẳng định cách nào đúng hơn, chính xác hơn. Thơ nói chung đã vậy, thơ Đường lại càng như vậy.
Hãy thử xem chuyện liên quan đến một trong mấy bài thơ có tên “Tống biệt” của nhà thơ nổi tiếng Vương Duy (701-761).
Trong tạp chí Thơ số 4-2012, họa sĩ Phan Cẩm Thượng có nhắc đến bài thơ này, với câu đầu:
Hạ mã ẩm quân tửu
(“Hạ” ở đây cũng có thể đọc là “há”) và được dịch là: “Xuống ngựa, uống với anh chén rượu”. Nói theo ngữ pháp, thì người xuống ngựa ở đây là đại từ nhân xưng, ngôi thứ nhất.
Sau khi bài báo của Phan Cẩm Thượng in ra, có một tác giả, ký là Nguyễn Sĩ Hoàng (Ninh Hiệp), trong bài viết in ở tạp chí Thơ số 8-2012, với một giọng khá trịch thượng và với cách nhìn rất phiến diện, đã “nhắc nhở” Phan Cẩm Thượng, và có ý trách cứ Tạp chí Thơ.
Ông viết: “Chúng tôi nghĩ rằng đã không viện dẫn một tác phẩm nào đó thì thôi, nhưng đã viện dẫn thì phải hiểu đúng, hiểu chính xác (thế nào là “đúng”, thế nào là “chính xác” – HD)? Nhất là với bài “Tống biệt”, một bài thơ hay có giá trị của Vương Duy lại được đăng tải trong một tạp chí chuyên ngành như tạp chí Thơ thì lại càng như thế lắm” (!)
Ông còn viết: “Căn cứ vào những chú thích cho bài “Tống biệt” này, ở tuyển tập “Đường thi tam bách thủ” (NXB Cổ Tịch, Thượng Hải, 2004) thì bài thơ này Vương Duy sáng tác vào dịp tiễn biệt nhà thơ Mạnh Hạo Nhiên trở về quê nhà Nam Sơn”.
Qua hai đoạn trên, có thể thấy tác giả này đã mắc hai sai lầm sơ đẳng.
a. Ông trách cứ Phan Cẩm Thượng đã hiểu sai câu thơ “Hạ mã ẩm quân tửu” mà không biết rằng đấy cũng là một cách hiểu của nhiều người, xem ra còn gần với ý tứ của tác giả hơn cách hiểu của ông (ông hiểu là: “Anh xuống ngựa, xin mời anh chén rượu”. Nói theo ngữ pháp thì ở đây, người xuống ngựa là đại từ nhân xưng, ngôi thứ hai).
Tác giả bài báo hãy tìm đọc những cách hiểu như Phan Cẩm Thượng, nghĩa là khác hẳn cách hiểu của ông, ít nhất là ở những quyển sách này:
– “Thơ Đường” (tập I) của các vị túc nho, trong đó Nam Trân tuyển thơ, Hoa Bằng – Tảo Trang – Hoàng Tạo dịch nghĩa và chú thích, Nhà xuất bản Văn hóa, 1962.
– “Đường thi” của Phạm Liễu, Văn khoa (Sài Gòn) xuất bản, 1972.
– “Thơ Đường” của Trần Trọng San, tủ sách Đại học Tổng hợp thành phố Hà Chí Minh, 1990.
– “Về thi pháp thơ Đường”, Nguyễn Khắc Phi và Trần Đình Sử biên soạn, dịch thuật, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1997.
– “Khương Hữu Dụng toàn tập”, phần thơ dịch, Nhà xuất bản Văn học, 2007…
Hẳn tác giả bài báo nói trên chỉ nghe đến tên tác giả mấy quyển sách vừa dẫn, đã phải… giật mình, mà thấy ngay vốn hiểu biết nông cạn, và cái tính bộp chộp của mình.
b. Tác giải bài báo chưa biết rằng ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản (và cả những nước khác) có rất nhiều sách nghiên cứu, bình luận, giới thiệu thơ Đường; trong đó các tác giả có thể có tư liệu riêng, có quan niệm riêng, có cách hiểu riêng, giống hoặc không giống các tác giả khác. Vì vậy, với một tư liệu nào quan trọng, đọc được ở một quyển sách nào, chỉ là để tham khảo, muốn kết luận phải đọc ở những sách khác, phải so sánh, phân tích… nếu như ông chỉ “căn cứ” vào chú thích của một quyển sách in ở một nhà xuất bản, rồi buộc người đọc theo “căn cứ” ấy thì hoàn toàn không phải là cách làm đáng tin cậy.
Hai sai lầm sơ đẳng, ấu trĩ nói trên, rất đáng phàn nàn. Đáng tiếc là chúng đã được tác giả bài báo thể hiện một cách thiếu khiêm tốn, không biết mình, biết người.
Bài báo của tác giả nói trên còn có những sai lầm khác (không thuộc phạm vi ta đang bàn).
Theo Hồng Hiệu – Văn nghệ công an