Tranh của họa sĩ Tây Ban Nha Bartolomé Esteban Murillo (trái) và bức tranh bị mạo danh là tác phẩm của Tô Ngọc Vân. |
Một trang web khác là xuongtranhnetviet.com cũng bị “tố” là đang rao bán công khai tranh chép tác phẩm của nhiều tác giả Việt Nam đương thời. Các bức tranh này đều không có tên và chữ ký của tác giả, không đề thời gian sáng tác.
Ngoài những trang web nói trên, các họa sĩ thường xuyên bắt gặp tác phẩm của mình bị “nhái” hoặc sao chép. Họa sĩ Phạm An Hải kể, nhiều tác phẩm của anh vừa được đăng lên mạng xã hội thì đã bị người khác sao chép – giống đến 70-80% – chỉ sau vài ngày. Người chép ký tên mình lên tranh, khi bị truy vấn thì nói rằng đã vẽ bức đó 5-7 năm trước. “Không chỉ tranh của các danh họa đã qua đời bị làm giả, mà giới họa sĩ đương thời cũng đang đối mặt với tệ nạn này. Việc sao chép, làm tranh giả ngày càng nhiều, với cách thức đa dạng, lại công khai, ngang nhiên, không sợ gì cả”, họa sĩ Thành Chương bức xúc nói.
“Thiệt thòi đầu tiên thuộc về tác giả, sau đó đến nhà đầu tư và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nền mỹ thuật Việt Nam. Tôi đã gặp nhiều người yêu mỹ thuật, nhiều nhà sưu tầm tranh bày tỏ sự hoang mang về thị trường tranh ở nước ta”, họa sĩ Phạm An Hải chia sẻ.
Theo các họa sĩ, đã đến lúc phải lên tiếng, hành động quyết liệt hơn. Nguyện vọng chung của nhiều họa sĩ là có được một cơ quan bảo vệ họ trước tệ nạn này, có thể là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả mỹ thuật – như cách mà Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, điều này có thể gặp vướng mắc về tài chính bởi với tác phẩm mỹ thuật thì không thể thu tiền tác quyền như với tác phẩm âm nhạc, và vì vậy, rất khó để duy trì bộ máy quản lý.
Giải pháp tốt nhất dành cho các họa sĩ là tự bảo vệ mình. Theo luật sư Đinh Anh Tuấn, hệ thống pháp luật bảo hộ quyền tác giả ở nước ta khá đầy đủ và đang ngày một hoàn thiện. Đặc biệt, từ ngày 10-4 tới, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, ngày 23-2-2018, của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành các điều luật về quyền tác giả và quyền liên quan sẽ có hiệu lực. Vì vậy, các tác giả bị xâm phạm quyền lợi nên mạnh dạn khởi kiện cá nhân, tổ chức vi phạm để tạo đà ngăn chặn hành vi sai trái. Các họa sĩ có thể ủy quyền cho những người có chuyên môn về bản quyền để họ bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Người đại diện cho họa sĩ có nhiệm vụ phát hiện tác phẩm bị vi phạm bản quyền, thay mặt họa sĩ yêu cầu chấm dứt việc vi phạm đó, gửi kiến nghị đến các cơ quan quản lý hoặc giúp họ khởi kiện. Bên cạnh đó, các họa sĩ cũng nên chú trọng hơn đến việc đăng ký bản quyền tác phẩm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này tạo thuận lợi cho công tác quản lý văn hóa, đồng thời giúp các họa sĩ có thêm “vũ khí” tự bảo vệ.
Nền mỹ thuật nước ta đang phát triển mạnh mẽ với nhiều thế hệ họa sĩ tài năng. Giới mỹ thuật quốc tế cũng quan tâm đến thị trường Việt Nam. Vì vậy, việc tạo sự minh bạch cho thị trường mỹ thuật là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ của các họa sĩ mà của cả cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nghề nghiệp và cộng đồng.