Năm 2012, Việt kiều Trần Thắng, Chủ tịch Hội Văn hóa – Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (IVCE) đã quyết định tặng toàn bộ số bản đồ ông cất công sưu tầm gồm có 100 tấm bản đồ cổ Trung Quốc và thế giới chứng minh quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là phần lãnh thổ của Việt Nam cho Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế – xã hội Đà Nẵng, nơi có chương trình nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa.


Trước diễn biến căng thẳng của tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam hiện nay, Việt kiều Trần Thắng đã nêu lên quan điểm của mình: Ngay lúc này, Việt Nam cần đầu tư phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học công nghệ để nâng cao năng lực chủ động ứng phó những mối đe dọa an ninh quốc gia.

Để phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay, theo ông Trần Thắng Việt Nam cần xem xét lại cách thức hoạt động đang diễn ra, như:

Việc chọn ngành học của sinh viên Việt Nam hiện đa phần theo trào lưu của thị trường, mọi người thường học Quản trị kinh doanh hay Công nghệ thông tin… Học vì thu nhập cũng tốt nhưng không có động lực mạnh để đi xa hơn, nên mọi người trông làng nhàng như nhau. Và theo ông, ngay từ cấp phổ thông trung học chúng ta cần hướng cho học sinh đến với sự yêu thích khoa học công nghệ qua chương trình giảng dạy phong phú. Tại cấp đại học, sinh viên được học chương trình học như cấp độ quốc tế và có những thực nghiệm sát với thực tế.

Chương trình thực tập cũng cần liên kết với công ty lớn của nước ngoài để sinh viên có dịp làm việc trong môi trường chuyên môn và nắm bắt được khoa học công nghệ, đây sẽ là cơ hội để sinh viên tiếp cận những công ty nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm ngay khi ra trường.

Trường đại học cũng thành lập những viện nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ. Viện nghiên cứu hợp tác với công ty lớn trong và ngoài nước để phát triển ứng dụng. Số sinh viên học xuất sắc và có đam mê nghiên cứu khoa học thì khi tốt nghiệp cần tiếp tục học lên tiến sĩ ở nước ngoài.

Với cương vị Chủ tịch Hội Văn hóa – Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (IVCE), ông Trần Thắng đã xây dựng nhiều chương trình văn hóa và giáo dục Việt Nam từ năm 2000 đến nay tại Mĩ:

Tổ chức 50 buổi hội thảo Du Học Hoa Kỳ từ năm 2002 đến nay, phục vụ trên 7000 học sinh, sinh viên, cán bộ giảng dạy & người đi làm.

Ðưa trên 100 sinh viên Việt Kiều & Mỹ tham gia chương trình dạy tiếng Anh & môn thi TOEFL, SAT, GRE, GMAT từ 2007 đến nay, phục vụ trên 4000 sinh viên & học sinh.

Trợ giúp các đoàn đại học Việt Nam hợp tác quốc tế với đại học Hoa Kỳ.

Tặng 3500 sách giáo khoa 2000 tạp chí Y Khoa & Kinh Tế cho 8 thư viện đại học và 2 thư viện quốc gia.

Tổ chức 15 đợt chiếu phim Việt Nam tại đại học danh tiếng Hoa Kỳ, mỗi đợt được trình chiếu phim tại 8-15 trường đại học.

Tổ chức 8 buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam & thơ ca tại đại học Hoa Kỳ & trung tâm văn hóa.

Tổ chức 11 cuộc triển lãm tranh ảnh & hội họa Việt Nam tại New York, Boston, Washington DC.

Tổ chức 4 buổi thuyết trình văn hóa Việt Nam tại New York, Boston, Washington DC.

Mời 20 nhà làm phim Việt Nam và 25 họa sĩ, nghệ sĩ, học giả từ Việt Nam sang Mỹ trong chương trình giao lưu văn hóa.

Vấn đề mà ông Trần Thắng đưa ra, Việt Nam cần thúc đẩy các hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học kỹ thuật một cách mạnh mẽ, thực tế và nhanh chóng. Chính sách và ngân sách nhà nước cho giáo dục, nghiên cứu khoa học công nghệ phải được ưu tiên hàng đầu và được xem như là quốc sách. Ông Trần Thắng cũng cho rằng việc phát triển khoa học và giáo dục sẽ là nền tảng để bảo vệ và phát triển đất nước trường tồn.

 

 

Bùi Nhung